Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KHẤT  THỰC  CỔ  PHẬT

 

Sáng ngày 11/3/07, chùa An Lạc tại thị xã Bảo Lộc đã đông nghẹt người. Một số tăng thân phải về trú đêm tại đây, vì từ Bát Nhã, sáng sớm không thể di chuyển số lượng tu sĩ về An Lạc kịp.

An Lạc là một trong bảy ngôi chùa do TT Đức Nghi sáng lập; tuy nằm tại Thị xã, nhưng vừa vào cuối hẽm, một cảnh giới như biệt lập, có lũy tre, có rào dậu như bao nhiêu chùa quê miền Trung đất Việt. Không khí thiền môn an tịnh, tuy không rộng lớn, nhưng đủ để khách vãng lai cảm nhận được sự tôn nghiêm và nếp sống chân tu của chúng thường trụ nơi đây.

Thầy Pháp Ấn, trong khi chờ đợi sư ông và tăng đoàn từ Bát Nhã đến, đã hướng dẫn hội chúng có mặt những ca khúc tĩnh tại của làng Mai, giải thích nghi tắc khất thực, vì ngoài tăng đoàn Mai thôn, còn có sự tham dự của tăng ni các tỉnh thành về, riêng Lâm Đồng, tăng ni có trên trăm vị, có lẽ chưa quen nếp sống của tăng đoàn, thầy Pháp Ấn hướng dẫn cách cầm bát, cách xử dụng nón va khoảng cách bước đi…

Một số vị Khất sĩ của hệ phái Minh Đăng Quang như TT  Giác Ngộ tọa chủ tịnh xá Ngọc Thiền, Đà Lat, các sư Theravada, các vị Lục Hòa Tăng đều tham dự khất thực. Đặc biệt có 3 vị sư tăng , một sư ni va hơn chục Phật tử Nam Triều Tiên trong chuyến du lịch tham quan VN, cũng đến nhập đoàn, thầy Pháp Khâm hướng dẫn cách Khất thực cổ Phật..

8 giờ, đoàn bắt đầu rời khỏi chùa, Thiền sư Nhất Hạnh dẫn đầu, chư tăng và chư ni sắp 2 hàng thong thả tiếp bước. Phật tử không thể tụ tập bên trong sân chùa để chiêm ngưỡng  tăng đoàn, tất cả phải ra ngoài sắp hàng đứng hai bên vệ đường, từng nhóm người địa phương  cũng chen lấn để xem một hiện tượng PG lần đầu tại Bảo Lộc mà phần lớn là người Bắc Kito giáo di cư có mặt từ thời nhà Ngô.

Ra khỏi con hẽm độ 200m, đoàn đã ra đến đầu lộ Hà Giang, cứ thế mà thong dong rảo bước. Anh em trật  tự mặc đồng phục thuộc tu viện Bát Nhã mở dường; đoàn chiếm phân nửa con lộ, khi quẹo ra lộ Lê Hồng Phong về hướng chợ, số người hai bên đường càng đông hơn, tuy nhiên rất trật tự. Tất cả cac nón lá đều được đội lên, kể cả các vị quấn y và những tu sĩ Nam Triều Tiên; Những tu sĩ Âu châu đội nón lá VN, một phen cho quần chúng tò mò thích thú, một tăng sĩ Tây phương cao nghều nghệu, cầm máy quây phim đi trước đoàn, tạo sự chú ý cho người Bảo Lộc.. Hầu hết, các tu sĩ trong đoàn, người Việt lẫn người ngoại quốc, gồm nhiều quốc tịch, khuôn diện sáng rỡ, ánh mắt thanh tú nói lên sự trong sáng và thanh thản của tâm hồn, Đó là điều nổi bật mà tu sĩ VN phần lớn ít có.

Đoàn quẹo về hướng chợ, một số chị em tiểu thương vội vả mang bánh trái ra chờ đoàn đến;  vài  trẻ em hơn 10 tuổi cũng hùn tiền mua bánh. Một ông cụ chống gậy, móc vài đồng lẻ mua tuýp kẹo the cầm sẳn trong tay; một số Phật tử sắp  mấy cai bàn chất đầy thức ăn, bánh trái, kem, xà phòng … trên lề đường, chờ đoàn đi qua..

Đến công viên, qua khỏi chợ, đoàn bắt đầu mở bát, quần chúng ùn ùn dâng thức ăn; ai cũng giành cúng dường sư ông. Cảnh sát giao thông phải giữ các ngã tư đường để khỏi trở ngại giao thông. Xe cộ ngưng lại, tài xế cố rướn người ra khỏi cửa để tận mắt nhìn đoàn. Các tốp xe hai bánh đều tự động giạt vào lề hoặc tìm lối rẽ.

Khí hậu Bảo Lộc vào sáng, không lạnh cũng không oi, ánh sáng dể chịu, đoàn đi giữa phố như giữa rừng thông Bát Nhã, mọi người im  ắng, chỉ có tiếng lao xao của người dân, tiếng đi lại của hàng ngàn bước chân, tiếng dao thớt từ bên trong chợ. Ai cũng muốn tận mắt nhìn được sư ông, họ từng nghe trên báo chí, thông tin trên mạng hoặc lời đồn đại; Họ nghĩ rằng Ngài là con người vĩ đại, chắc phải to lớn như dân Tây, nhưng khi được người biết chuyện, chỉ cho họ thấy diện mạo đích thực của Người, họ càng ngạc nhiên nhìn chăm chú vào con người nhỏ thó, mảnh mai, ánh mắt quắc thướt, luôn nhìn thẳng.  trang phục màu nâu bình dị, màu chất phát của dân quê VN; chiếc nón lá đội đầu, một bình bát cầm tay , và chỉ có thế, một thiền sư quốc tế, lãnh đạo một tăng đoàn quốc  tế, cũng chỉ có thế thôi, không đồng hồ, không tư trang, không cell phone, không tiền bạc, ngay cả chỗ ở, duy nhất cái giường gỗ , nhỏ và thấp, không chăn êm nệm ấm, ăn uống không mỹ vị cao sang Tất cả những đơn giản đó đã làm nên một tâm hồn đơn giản nhưng không giản đơn; Từ pháp hành, giáo lý giảng dạy nghe như đơn giản thích hợp với mọi căn cơ, câu thông trong xã hội,  nhưng đem lại hiệu quả không đơn giản, từ đó, tiếng tăm vang dội thênh thang như bầu trời, đồng thời cũng dội vào vách đá vô tri để vang lại những tạp âm dị dạng trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngài vẫn sống, vẫn an nhiên, vẫn hoằng hóa qua mọi tầng lớp như ngài vẫn thở trong từng phút giây hiện tại!

Một vài người nhìn đoàn đi qua một cách trang nghiêm, họ đã lấy khăn tay chặm vào khoé mắt, cò lẻ họ xúc động, lần đầu tiên trong đời, họ nhìn thấy một tập thể tu sĩ đạo hạnh, thanh thoát như thế; vài trẻ em reo hò thích thú. Một số cầm cờ PG phe phẩy, họ nôn nóng chờ đoàn đi qua để có dịp cúng dường!

Đến đầu công viên cũng đã 2km, sau khi sư ông thọ nhận đầy bát, giòng người ái mộ đổ dồn ngày một đông, công an, trật tự không thể  ngăn cản, một chiếc xe tiến lên phía trước, quý thầy trong ban tổ chức cung thỉnh sư ông lên xe về chùa Phước Huệ, đoàn  vẫn tiếp tục dừng lại nhận  cúng dường của bá tánh. thập phương..

Hơn 10 giờ đầu đòan đã bước vào cổng chùa Phước Huệ, sau khi qua Hồng Bàng, 28/3, về Trần Phú, số còn lại phía sau chưa ra khỏi An Lạc, 2 chùa cách nhau theo lộ trình vừa đi, độ 3km   Gần một giờ rưởi khi đầu đoàn vào đến chùa người cuối cùng mới chấm dứt. Trên 800 tu sĩ tham dự khất thực hôm nay, nếu tính luôn số lượng Phật tử có mặt, trên 2 ngàn người tuần hành tại Bảo Lộc.

Đợi tất cả ổn định,, sư ông ban bố thời pháp theo đúng nghi cách lúc Phật còn tại thế,trước khi thọ thực, đồng hồ điểm 11 giờ trưa. Như vậy phải mất 3 iếng từAn Lạc qua Phước Huệ   Theo BTC, số người hiện diện tại Phước Huệ lên đến 3000 người hơn.

Hình ảnh Khất Thực Cổ Phật không những làm sống lại phong cách tăng đoàn từ thời Phật tại thế, còn tạo một ấn tượng hưng phấn cho kẻ hiện tiền và tạo một truyền thống cho PGVN hiện tại.

Mọi người tỏ ra hả hê có một ngày trọng đại trong đời tại Lâm Đồng, không khí Phước Huệ chìm lắng hàng thập kỷ, nay bổng nhộn nhã khác thường.Bóng nước  dưới hồ băng qua thành phố còn lưu lại vầng mây trắng khi tăng đoàn đã đi qua

                                                                                     MINH MẪN

                                                                                         11/3/07

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/khatthuc_coPhat.htm

 


Vào mạng: 13-3-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang