Luy Lâu (hay Liên Lâu) là toà thành đầu tiên mà Phật Giáo từ Ấn Độ đã
truyền bá sang trên phần đất Quận Giao Chỉ. Vào thế kỷ thứ II sau
Công Nguyên, những đoàn buôn Ấn Độ đầu tiên đã đến buôn bán tại Luy
Lâu; đi theo họ còn có những tăng lữ Phật Giáo, để rồi con đường buôn
cũng trở thành con đường truyền giáo. Đạo Phật theo con đường phía Nam
đã vào Việt Nam (ngõ Ấn Độ) sớm hơn con đường từ Trung Quốc cũng vì lý
do kể trên; như vậy, trung tâm Phật Giáo đầu tiên của nước ta cũng là
thành Luy Lâu.
Người ta biết được những di tích, tài liệu và sự kiện chung quanh
thành Luy Lâu, vì tại trung tâm nầy cũng như những di chỉ tại chùa Dâu
đã khẳng định những giá trị liên hệ. Hiện vật là một toà thành cổ;
trong thành có đền thờ của Sĩ Nhiếp. Mặt khác, quanh vùng nầy còn
nhiều di tích về đình chùa, bi ký.
Đáng lưu ý hơn là Phật tích trong chùa
Dâu; cuốn "Cổ Châu Phật Bản Hạnh" được ấn hành, đã xác định nhiều chi
tiết cho biết: đây là đô thị trung tâm của những thế kỷ II, III. Xa
hơn bên cạnh đền Sĩ Nhiếp, lại còn có điện thờ tại vùng Tam Á; những
tài liệu chứng minh thêm cho vị trí thủ phủ của Sĩ Vương (theo Trần
Văn Giáp).
Long Biên: Những sách sử cũ thường nhắc đến một toà thành cổ
có tên là Long Biên, tồn tại vào những thế kỷ Bắc thuộc nằm trong vùng
đất nầy. Nhiều cuộc nghiên cứu thực địa cho biết: Long Biên chính là
thành Luy Lâu. Trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đoạn chép liên hệ
đến thời kỳ nầy như sau:
" (...) Sĩ Nhiếp được đổi đến làm quan
Thái Thú đất Giao Châu (tức Giao Chỉ), phong là Long Độ Đình Hầu, đóng
đô tại thành Liên Lâu (Luy Lâu), tức là thành Long Biên..." Cho tới
năm 210, khi Ngô Tôn Quyền cử Bộ Chất đến nhậm chức Thứ sử đất Giao
châu, thì Sĩ Nhiếp đem anh em ra đón và vâng theo mệnh lệnh của viên
thứ sử mới nầy. Ngô Tôn Quyền đã phong cho làm Tả Tướng Quân. Sau nầy,
nhờ những công lao đã dụ được bọn thổ hào trong vùng đất Ích Châu trở
về quy thuận với nhà Ngô cho nên đã được thăng chức Vệ tướng quân,
đồng thời của được phong Long Biên Hầu.
Danh xưng Long Biên có nghĩa như
thành Luy Lâu. Cả đến thời gian sau nầy thì Sĩ Nhiếp vẫn lưu lại thành
Luy Lâu. Tước Long Biên Hầu được phong cho Sĩ Vương, cũng để nhấn mạnh
được thêm hai địa danh cũng chỉ là một mà thôi.
Khi bàn đến giai đoạn nầy, sử gia Ngô
Sĩ Liên đã viết trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau: Người tại địa
phương nầy vẫn cho Sĩ Nhiếp là thần (!), làm miếu để thờ, gọi là "Tiên
Sĩ Vương". (Đền thờ ở thành Long Biên). Hiện nay những di tích về
ngôi đền nầy vẫn còn một số vết tích của thành cổ Luy Lâu. Luy lâu
chính là Long Biên cũ vậy.
Kiến trúc thành Luy Lâu
Vì được xây trong thời kỳ Đông Ngô cho nên thành Luy Lâu có những
tính chất như những thành cổ trước đây, trên nhiều địa hạt. Thành nầy
là trú khu về hành chánh cũng như về quân sự của những viên quan lại
cai trị Tàu.
Theo quy hoạch, thành Luy Lâu là một toà thành có hình chữ nhật; có
chiều dài khoảng 600 mét; chiều rộng hơn 300 mét. Trong giai đoạn còn
thiếu thốn nguyên vật liệu, thành nầy chỉ được đắp lên bằng đất. Với
tính quân sự phòng ngự, bốn góc của thành có bốn hoả hồi, được đắp
rộng nhô ra về phía ngoài. Về cổng thành chính, cũng được đắp nhô ra
thêm phía trước để xây toà canh gác về phía trên của mặt thành. Phía
trước thành có con sông Dâu, trở thành một loại ngoại hào thiên nhiên
che chở rất tốt cho toàn thành.
Di tích: Những di tích của thành cổ Luy Lâu trải qua 18 thế
kỷ qua cho nên chẳng được được là bao nhiêu. Trong những kiến trúc,
chỉ có đền thờ của Sĩ Nhiếp được xây dựng và trùng tu lại vào đời nhà
Lê (?), cho nên đến nay vẫn còn được gần như nguyên vẹn.
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cuộc khai quật của những nhà
khảo cổ học trong và ngoài nước, tiến hành những đường cắt để nghiên
cứu, kết quả đã tìm được nhiều kết luận quan trọng về thành cổ nầy.
Khi khai quật ở độ sâu 1,5 mét, đã tìm thấy nhiều bếp lửa đặt kề nhau
và những vật liệu nấu nướng vẫn còn lưu được.
Tìm kiếm trong những lớp tro than, còn thấy được những chiếc chông củ
ấu nấu bằng đất đã được nung non lửa, màu đỏ gạch. Với niên đại thế kỷ
II - III, người ta đã thấy rằng toà thành Luy Lâu trong giai đoạn nầy
đã có độ nung nóng vật liệu độ khá cao. Những vũ khí được tạo ra trong
giai đoạn nầy cũng được nung đỏ với nồng độ tương tự như thế.
Những di tích về bếp nung trong thành
Luy Lâu cũng xác định thêm nhiều giá trị khác về công nghệ, chế tạo và
cách xây đắp thành cổ loại nầy. Qua những lớp khai quật thì thành Luy
Lâu cũng được tu bổ nhiều lần, cho đến giai đoạn sau cùng, bị suy
thoái cho đến những vết tích còn lưu lại như ngày nay.
Văn hoá: Đô thị cổ Luy Lâu còn có nhiều giá trị trên các mặt.
Trong thời gian Sĩ Nhiếp cầm quyền tại Luy Lâu suốt trong vòng 40 năm,
đúng vào lúc tại Trung Quốc có nhiều biến động tranh bá đồ vương,
nhưng tại đất Giao Chỉ thì đang trong thời kỳ mở mang, thịnh vượng.
Không ít những quan lại, dân chúng Trung Hoa đã chạy sang lánh nạn tại
Giao Chỉ, quanh thành Luy Lâu; tất nhiên không ít người lập nghiệp
vững vàng chung quanh vùng đất nầy.
Cũng trong thời gian nầy, Luy Lâu nằm trên trục giao thông từ miền Tây
Á và những thuyền buôn từ Ấn Độ theo đường biển sang đất Giao Chỉ, vào
buôn bán tại Luy lâu. Thành cổ nầy cũng mở mang thêm. Quanh thành Luy
Lâu có những con sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng, lên ngược, xuống
xuôi, giao thông đường thủy đều tiện lợi.
Cư dân
và sinh hoạt tại thành Luy Lâu
Vị thế: Trên vùng đất của xứ Giao Chỉ, suốt trong một thời kỳ dài
từ cuối thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ IX, thành cổ Luy Lâu là vị
trí quan trọng, bành trướng, không thua kém vai trò của một đô thị lớn
nhất của bất cứ vùng nào trong tình trạng tương tự.
Những tư liệu về thành nầy đến nay vẫn còn hiếm; chẳng hạn, các nhà
dân tộc học đã chưa thể có được một thống kê dân số chính xác trong
vùng thời đó, tuy nhiên, với sức phát triển và vai trò quan trọng,
nhất định là có mật độ cao.
Thành phần cư dân ở nơi đây cũng rất phong phú. Trước hết là người
Việt bản điạ trong vùng nầy, đa số đều tập trung sinh sống tại trị sở
Luy lâu và những vùng phụ cận, ngoài ra những những Trung Hoa sang đây
làm ăn hay lánh nạn cũng là con số không nhỏ. Trong số những người
Trung Hoa đến đây sinh sống tạm thời hay vĩnh viễn, có những thương
gia, quan lại bất mãn hay hưu trí cùng gia quyến, binh sĩ đào ngũ;
ngoài ra, cũng có những thợ thủ công nghệ, dân nghèo đưa đưa sang để
phục dịch cho những người lắm tiền, nhiều của ở Luy Lâu.
Chính bầu không khí nhộn nhịp và cảnh quan sầm uất gia tăng đã thay
đổi dần dà khuôn mặtcủa thành Luy Lâu.
Giao lưu: Vì nằm trên trục giao thông tiện lợi trong vùng cho
nên tại Luy Lâu đã có những giao lưu văn hoá, tôn giáo, thành cổ nầy
trở nên cửa ngõ của nền văn minh bản địa trong giai đoạn đó. Càng
ngày, theo đà bành trướng cũng như âm mưu đồng hoá của người Trung
Hoa ngày càng gia tăng; nhưng âm mưu đó có thành tựu hay không, lại là
vấn đề khác.
Như đã nói, ngoài người Trung Hoa, lại còn người Ấn Độ. Họ là những
thương nhân và tăng sĩ "trên con đường lụa thứ hai" nầy. Trong những
toán người từ Tây Á sang có đủ loại: tiểu thương, chuyển vận, tu sĩ,
người chữa bệnh, bán thuốc, kể cả những kẻ giang hồ bất chính. Mức
độ sầm uất lên rất nhanh "khiến cho phương Bắc quan tâm nhiều" (Lê
Quý Đôn - Phủ Biên Tạp Lục- 1776).
Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học thường đề cập đến sự kiện nầy. Họ
nhận định: Ở giữa một vùng đất chuyên về nông nghiệp, tập trung trồng
lúa nước, kinh tế phát triển chậm, bỗng nhiên một đô thị bành trướng
theo đà vượt bực như Luy Lâu, mà trong đó, nhiều thành phần mới đã tạo
nên khuôn mặt sinh hoạt đa dạng, dùng làm kiểu mẫu cho sự phát triển
đồng bộ, giữa nông thôn và thành thị. (Theo Madrolle- Vùng đất Bắc Kỳ
thời cổ - 1954).
Vùng trung tâm: Với người Trung Hoa trong giai đoạn đó, dưới
quyền cai trị của Sĩ Nhiếp và những người kế nhiệm, Luy Lâu là một
trung tâm hành chánh quan trọng, thủ phủ của một châu quận phương Nam
được đặc biệt lưu ý đến. Họ đã tổ chức một guồng máy điều hành, cai
trị tại đây khá lớn lao, quy củ; chẳng hạn như vị quan đứng đầu trong
vùng là viên Thái Thú, mà lại còn được phong tước Hầu nữa.
Trong thời kỳ Trung Hoa gặp cảnh loạn lạc, đất Giao Châu (Giao Chỉ)
thì lại ở tận phương xa, cho nên những quan Thái Thú trở thành "vua
một cõi". Thành Luy Lâu trở thành một thủ phủ quan trọng "chẳng khác
gì kinh đô của một nước" (Giao Châu Ký Vực).
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về những
nghi vệ của Sĩ Nhiếp như sau:
"Vương (tức Sĩ Nhiếp) cũng được tôn làm Sĩ Vương, khi ra
vào thành thì gióng chuông gióng khánh lên, uy vệ đủ hết, kèn sáo thổi
vang, xe ngựa đầy đường; những người Hồ theo hầu đi sát vào bánh xe,
để đốt hương trầm. Đi theo hầu thường có mấy mươi người, vợ cả, vợ lẽ
đi xe được che kín lại; các con em thì cỡi ngựa đi theo binh lính,
được xem là quý trọng đương thời" (trang 101).
Một đoạn khác cũng ghi thêm:
"Sĩ Nhiếp độ lượng, khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người
trong nước yêu mến, thường gọi là "Vương". Những danh sĩ nhà Hán tránh
nạn trong nước cũng đã sang đây nương tựa, có đến hàng trăm người" (trang
103).
Tổ chức: Để tổ chức bảo vệ an nguy cho gia đình cũng như
những người tùy tùng, Sĩ Nhiếp đã tổ chức thành Luy Lâu trở thành một
cứ điểm quân sự. Toà thành được đắp vững chắc, kiên cố, có tường cao,
hàosâu, trạm canh bốn phía, ra vào thành có kiểm soát; đội quân thường
trực chăm lo việc canh gác Luy Lâu rất nghiêm nhặt.
Những viên tướng cầm quân đội tại
đây được phong đến chức Tả Tướng quân, Vệ tướng quân. Những binh sĩ
trú đóng trong ngoài thành Luy Lâu có cả người Tàu lẫn người Việt.
Tất cả đều theo quy chế, ngạch trật (Đại Thanh Nhất Thống chí - Tập 12
- trang 132).
Theo Đại Việt Sử Ký, thì: Sĩ Nhiếp đã cho ban hành hàng loạt những
luật lệ được nghiên cứu kỹ, để tiện việc cai trị, đề phòng những phản
loạn cũng như những biến động. Những người mới đến cũng như dân bản
địa được kiểm soát chặt chẻ (Hậu Hán Thư).
Qua những công trình khảo cổ gần đây (1989 và 1996) người ta khai
quật được nhiều loại khí giới tinh xảo, đầy sáng tạo; chẳng hạn như
việc sáng chế ra những "mũi chông củ ấu bằng đất nung" trong việc
phòng thủ Luy Lâu. Tính ra có đến hàng vạn mũi chông phòng thủ được
rắc kín những nơi hiễm yếu, che chở cho thành Luy Lâu, trở thành vũ
khí phòng ngự quan trọng, còn được phát triển ở những thời kỳ sau Luy
Lâu.
Văn hoá: Luy Lâu cũng là một trung tâm văn hoá. Trước đó, có
một thứ chữ riêng của người dân bản địa mà nhiều nhà khảo cổ tìm thấy.
Sĩ Nhiếp cho truyền bá chữ Hán, đồng thời truyền bá Nho Giáo.
Luy Lâu cũng là đất nẩy mầm đầu tiên của những hạt giống đạo Phật.
Những ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tuy kiến trúc
còn thô sơ, nhưng cũng đủ chứng tỏ sức phát triển Phật Giáo trong
khuôn thành Luy Lâu và ngoại vi.
Đạo Phật và đạo Nho trong thời kỳ nầy đã chọn chung một trung tâm để
phát triển;mà ngay trong buổi đầu đã được địa phương hoá, bắt rễ trong
quần chúng. Những điều nầy đã minh chứng về một giai đoạn phát triển
toàn diện nền văn hoá ban đầu của nước ta.
PHẬT GIÁO DU NHẬP
Tứ Pháp là những ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện ở
vùng Dâu (gồm các chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng và chùa Dàn) thuộc
vùng Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Ngoài ra Tứ Pháp cũng được thờ vùng tây
bắc tỉnh Hải Hưng như tại các đình chùa ở An Lạc, Đình Dù, Liễu Hạ,
Liễu Trung, Nguyên Xá, Nhạc Lộc, Nhạc Miếu, Ôn Xá, Thái Lạc, Thanh Xá,
Tuấn Di, Dị Sử.
Hàng năm những ngôi chùa nầy tổ chức lễ vào ngày mồng 8 tháng 1âm lịch,
vào những kỳ hạn hán, dân các làng nầy còn tổ chức cầu mưa (đảo vũ) và
những cuộc rước trọng thể ở những làng thờ Tứ Pháp. Chẳng hạn như cuộc
rước ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đến chùa Un (làng Ôn Xá) nơi
thờ Pháp Điện.
Sách Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp) viết: Nguyên chùa Dâu có
nhiều liên quan đến chuyện nàng Man Nương. Nàng vốn là con gái của một
nông phu thuộc làng Mân Xá, thuộc miệt hạ lưu bên bờ sông Đuống. Vào
tuổi nhỏ, nàng đã bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp, nên một mình từ bờ Nam
con sông Đuống dùng thuyền qua bờ phía bắc để theo học kinh sách với
thiền sư Khâu Đà La tại chùa Linh Quang (nằm trong địa phận của xã
Phật Tích, huyện Tiên Sơn). Thiền sư Khâu Đà La vốn theo Phật Giáo Mật
Tông Tây Tạng, lại kết hợp thêm những tư tưởng tín ngưỡng của người
bình dân, có nhiều phép lạ, cho nên có ảnh hưởng sâu rộng trong dân
chúng của trung tâm Luy Lâu hồi đó.
Nhưng rồi, con đường học hỏi Phật Pháp của nàng Man Nương đã không
hoàn mãn. Tương truyền có một hôm, nàng đang ngủ trong chùa Linh Quang,
thì thiền sư Khâu Đà La sau giờ nhập thất đã bước qua người của nàng.
Sau đó thì nàng thụ thai. Mãi cho đến 14 tháng sau đó, thì nàng sanh
được một bé gái kháu khỉnh hình dáng như Phật Bà Quan Âm. Nàng bồng
con đem đến giao trả cho thiền sư. Ngài im lặng nhận lấy và mang bé
gái đến bờ sông Đuống.
Khi đến một gốc cổ thụ bên bờ sông thì thiền sư niệm thần chú rồi dùng
cây thiền trượng gõ vào giữa thân cây. Một đường nứt lớn được mở rộng
ra và nhà sư đã đặt bé gái vào gốc cây; chẳng bao lâu thì thân cây
khép kín lại như cũ. Ngay từ hôm đó, từ gốc cây, đã tỏa ra một mùi
hương thơm ngát toả khắp vùng. Dân chúng tin là có thần linh, thường
đến cúng bái cầu khẩn và đều được toại nguyện.Thiền sư Khâu Đà La ở
lại một thời gian ngắn ngủi sau đó, thì cũng từ giã thành Luy Lâu để
trở về Thiên Trúc.
Trước khi lên đường, thiền sư tặng cho nàng Man Nương cây thiền
trượng của ngài. Theo lời căn dặn của thiền sư Khâu Đà La thì công
dụng của cây thiền trượng sẽ giúp cho nông dân trong làng nếu gặp
những kỳ hạn hán. Nếu không gặp mưa thì chỉ việc mang cây thiền trượng
đến gần gốc cổ thụ kia, cắm xuống đất và cầu nguyện. Kết quả sẽ như ý
nguyện. Man Nương nghe theo và sau đó đã từng giúp dân làng quanh năm
được mưa thuận, gió hòa, mùa màng thu hoạch tốt đẹp.
Nhưng rồi một đêm khuya nọ, trời sấm sét nổi lên, mưa to gió lớn, cây
cổ thụ trốc gốc và ngả xuống. Cây ngã ngay xuống giòng sông Đuống, để
trôi dần về khu vực của làng Dâu mang luôn theo thân xác của con gái
nàng Man Nương. Dân làng tin là cây thần, tìm cách để khiêng cây cổ
thụ lên bờ. Nhưng họ đã tập trung đông đảo dân làng để trục cây lên,
mà cây không nhúc nhích chút nào. Nàng Man Nương vô cùng ngạc nhiên.
Nhưng rồi nàng vô tình dùng dãi yếm của mình, buộc nhẹ vào thân cây và
kéo lên dễ dàng.
Những tổ chức hội lễ và diễn xướng ở chùa Dâu cũng như hệ thống Tứ
Pháp như sau: Hội lễ ngày 7 tháng 1: tương truyền là ngày sinh của
Phật Mẫu Man Nương; đây là hội thi bánh dày nổi tiếng ở làng Dâu.
Để chuẩn bị, hai giáp Đông và Trung, giành mỗi giáp ba sào ruộng tốt
cấy lúa nếp; bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 các giáp xay giã, chọn nếp tốt,
sau đó là các công việc làm bánh. Sáng sớm ngày 7, chiêng trống nổi
lên, các Giáp trưởng điều hành rước bánh ra chùa lễ Phật, rồi dự thi.
Bánh dự thi đường kính là 50cm, phủ giấy điều chung quanh.
Hàng năm những ngôi chùa nầy tổ chức lễ vào ngày mồng 8 tháng 1âm
lịch, vào những kỳ hạn hán, dân các làng nầy còn tổ chức cầu mưa (đảo
vũ) và những cuộc rước trọng thể ở những làng thờ Tứ Pháp.
Chẳng hạn như cuộc rước ba bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đến chùa Un
(làng Ôn Xá) nơi thờ Pháp Điện.Theo tục truyền không bao giờ được rước
tượng của bà Pháp Điện ra khỏi chùa Un được. Theo dân trong làng, mỗi
khi rước tượng Pháp Điện ra, nhiều nhà trong làng phát hỏa ở những
ngôi nhà theo hướng mắt của bà nhìn. Ba bà trẩy hội chùa Un là nghi lễ
truyền thống khắp trong tỉnh Hà Bắc.
Ngoài lễ Cầu mưa là hội lễ chính trong dịp nầy, còn cuộc "rước giao
hiếu" giữa các làng có thờ Tứ Pháp.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/luylau_phatgiao.htm