Hòa Thượng Thích
Trí Quang: Tiểu truyện tự ghi
Truyện của tôi không đáng gì mà
phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530
(1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim
sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không
mà thôi.
Sinh chính quán của tôi là làng
Diêm điền, thuộc khu vức phía tây sông Nhật lệ, nằm phía bắc con đường
cái quan nối liền cổng Quảng bình, trung tâm thành phố Đồng hới, đến
tận cửa Vũ thắng, ven chân dãy núi Hoành sơn. Cả làng gốc Bắc, có lẽ
di cư thời kỳ tiếp thu đất sính lễ công chúa Huyền Trân, giọng nói đặc
biệt, không như cả vùng Quảng bình gốc Nghệ tĩnh. Gia đình theo Phật từ
đời cố. Cha pháp danh Hồng nhật, mẹ pháp danh Hồng trí, cùng là đệ tử
của ngài Đắc ân, Quốc ân tự, Huế, nguyên người Đức phổ, đồng
hương mẹ tôi. Cha tôi từng là nhân viên mật của 1 trong 2 quân thứ Phan
Đình Phùng ở Quảng bình.
Tôi sinh giờ thìn tﬠngày 14.11 quí
hợi 2467 (31.12.1923). Xuất gia vào giờ giao thừa vía đức Di lạc năm bính
tý 2480 (1936). Bổn sư là ngài Hồng tuyên, đồng sư với cha mẹ tôi, sáng
lập và trú trì Phổ minh tự, nơi được kể như tổ đình của Phật
giáo Quảng bình mà ngày nay hầu như không còn gì.
Xuất gia 1 năm, năm sau đinh sửu
2481 (1937) tôi nhập học Phật học viện của Tổng trị sự hội Phật học,
Huế. Thân giáo sư là ngài Trí độ, trưởng giả Tâm minh Lê đình Thám cũng
như là 1 vị giáo sư nữa. Ngài Trí độ thọ giáo với ngài Phước tuệ,
Thập tháp tự, Bình định, thọ Bồ tát giới với ngài Đắc quang, Quốc
ân tự, Huế - 2 ngôi chùa này cùng do ngài Nguyên thiều, vị Tổ khai sơn
Phật giáo Nam hà thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sáng lập.
Nhập học Phật học viện từ năm
2481 (1937) đến năm 2487 (1943) thì có 1 kỳ thi khác thường. Phật học viện
có học trình 10 năm: 3 năm sơ đẳng, 3 năm trung đẳng, 2 năm cao đẳng, 2
năm siêu đẳng. Mỗi năm có một kỳ thi, đề tài lấy trong kinh sách đã
học năm đó. Kỳ thi 2487 (1943) là tất nghiệp trung đẳng, đột nhiên có
quyết định thi hết kinh sách đã học từ năm ấy trở lui. Có vài môn
thi vốn không học như thi viết luận Hoa văn, thi nói Nghi lễ mà các điệu
tán là chính. Viện cho biết thi tuyển sẽ khó khăn, và trúng tuyển kỳ
thi này là trúng tuyển tất nghiệp. Học trình 2 năm cao đẳng và 2 năm siêu
đẳng sẽ dồn lại làm một và không thi nữa. Kỳ thi này tôi có số điểm
cao nhất. Và 2 năm sau, ất dậu 2489 (1945) tại Đại tòng lâm Kim sơn, cách
1 con sông sau chùa Thiên mộ, cơ sở mới của Phật học viện, lễ tất
nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày trước ngày Nhật đảo chính Pháp
trên toàn cõi Đông dương.
Sau kỳ thi 2487 (1943), Phật học viện
tổ chức lễ phát nguyện thọ Sa di giới do ngài Đắc quang chứng minh, ngài
Trí độ cho mỗi người 1 pháp hiệu với chứ Trí đứng đầu. Cái tên
Trí quang có từ đó. Mùa hè năm ấy, ngài Hồng tuyên chính thức cho tôi
pháp danh Nhật quang, pháp tự Trí hải, lại tập chúng cử tôi làm Trú
trì chùa Phổ minh. Mùa hè 2489 (1945), sau khi làm lễ tất nghiệp, tôi về
Phổ minh thì đến Vu lan xảy ra Cách mạng tháng tám. Giao thừa vía đức
Di lạc năm sau, bính tuất 2490 (1946) ngài Hồng tuyên tổ chức truyền thọ
Tỷ kheo giới và đắc pháp cho tôi với hiệu Thiền minh. Mùa xuân năm ấy,
lần đầu tiên, tôi thảo đề án thống nhất Phật giáo VN, kèm theo 1 hiến
chương cũng được dự thảo, gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đường
bưu điện. Nhưng mùa hè năm ấy, ngài Trí độ được Phật giáo Bắc mời
ra lập Phật học viện. Tôi cũng được mời đi với ngài. Khi ra Quán sứ,
việc đầu tiên là thầy Tố liên cho tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có
mời thầy và trao đề án nói trên. Nhưng lúc bấy giờ đang tiến hành
thành lập Phật học viện nên chưa ai có thì giờ và cơ hội làm gì về
đề án đó.
Phật học viện của Phật giáo Bắc
thành lập cũng khá qui mô, đặc biệt tuyển sinh chu đáo, trên 1 tháng mà
đã khai giảng được 2 lớp chính. Tăng ni tu học thật đáng trọng. Nhưng
không mấy chốc mà đến tháng 9 kháng chiến toàn quốc. Tôi về quê nhà
Quảng bình, có tin chắc chắn Pháp sẽ đổ bộ nên mồng 8 tháng 2 năm
sau, đinh hợi 2491 (1947), tôi xin ngài Hồng tuyên truyền thọ Bồ tát giới.
Bấy giờ đang tản cư, người chạy giặc, đồ dấu giặc, nên 1 thầy 1
trò trước bàn Phật chỉ còn tượng ngài với bát nhang mà thôi, ngài Hồng
tuyên truyền thọ Bồ tát giới cho tôi, với lời kết thúc buổi lễ như
vầy: Nguyện rằng đời đời kiếp kiếp tôi với thầy được làm thầy
làm bạn với nhau, truyền thọ cho nhau Bồ tát giới của Phật.
Thọ Bồ tát giới rồi, không đầy
1 tháng sau Pháp đổ bộ Đồng hới, tôi tham gia kháng chiến. Nhưng tháng
10 năm ấy, mẹ tôi bệnh nặng, 4 anh em tôi đều đi kháng chiến, người
thứ 3 tử trận 1 tuần sau ngày Pháp đổ bộ, 2 người thứ 1 và thứ 4
ở xa, tôi ở gần nhà nhất nên phải về nuôi mẹ. Hôm tôi về đúng vào
ngày 23 tháng 10, mãn tang cha tôi mất từ năm ất dậu. Năm sau, mậu tý
2492 (1948), tôi vào Huế, giảng dạy cho Phật học viện Báo quốc. Năm sau
nữa, kỷ sửu 2493 (1949), lần đầu tiên có quyết định Tăng sĩ đảm nhận
Tổng trị sự hội Phật học, thầy Đôn hậu hội trưởng, tôi phó. Cuối
năm ấy, lần đầu tiên tôi vào sài gòn, ăn Tết canh dần 2494 (1950) tại
đây. Dịp này cũng làm được vài việc : chung sức vận động hợp nhất
3 Phật học đường Liên hải, Mai sơn và quang (sau đổi Ấn quang), thành
lập Phật học viện Nam Việt, lại chung sức vận động thành lập hội
Phật học Nam Việt. Rồi về Huế, làm chủ bút tạp chí Viên âm tái bản.
Cuối năm ấy bắt đầu vận động thống nhất Phật giáo VN, có 1 phần
do kích thích tố Phật giáo đồ thế giới hữu nghị thành lập tại Tích
lan. Phật đản tân mão 2495 (1951), Đại hội Phật giáo Toàn quốc, gồm 2
tập đoàn Tăng sĩ và cư sĩ của 3 miền, họp tại Từ đàm, Huế, và Tổng
hội Phật giáo VN được thành lập. Nhưng Tổng hội này gặp đủ thứ ma
chướng: trong nhà có 3 tập đoàn thiếu hoan hỉ, ở ngoài thì chính quyền
Trần văn Hữu làm khó, chính quyền Nguyễn văn Tâm sau đó càng làm khó hơn
; bảng hiệu văn phòng bị hạ, ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị buộc
nạp khuôn dấu, nhân viên quản trị Trung ương người phải lánh, người
bị tù. Tôi mạo hiểm nắm việc. Sau 1 năm xuôi ngược, đầu năm quí t497
(1953), Tổng hội được thừa nhận - và đúng 10 năm sau, chính Tổng hội
này là chủ chốt trong Pháp nạn quí mão 2507 (1963). Trong khi vận động cho
Tổng hội Phật giáo VN được thừa nhận, có sự đề phòng không thành
nên Giáo hội Tăng già Toàn quốc được thành lập bởi 3 tập đoàn Tăng
sĩ của 3 miền, họp tại Quán sứ, Hà nội, năm nhâm thìn 2496 (1952).
Giáp ngọ 2498 (1954), kháng chiến chống
Pháp kết thúc. Miền Nam ông Ngô đình Diệm đứng ra. Việc này được biết
rõ khi hội nghị Genève sắp kết thúc. Lần chót, trước khi Nam Bắc phân
cách, mẹ con tôi đã nói chuyện với nhau khá nhiều. Rốt cuộc mẹ tôi bảo,
vậy là miền nam " quạ lang" vẫn hoành hành! Thôi thì con đi mà lo
báo bổ cho Phật. Tôi đi, và ất mùi 2499 (1956) nhận chức vụ hội trưởng
Tổng trị sự hội Phật học, vận động đổi tên Phật học ra Phật
giáo, đưa Tổng hội Phật giáo VN vào đặt trụ sở ở Sài gòn. Rồi nghỉ
việc cho đến quí mão 2507 (1963) nhận lại chức vụ nói trên. Với chức
vụ này, Phật đản năm ấy tôi phát động, và chung sức lãnh đạo, việc
chống chế độ Ngô đình Diệm.
Ông Ngô đình Diệm muốn Thiên
chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Tổng giám mục Ngô đình
Thục làm Hồng y giáo chủ, nên ông kỳ thị đàn áp Phật giáo. Ấp chiến
lược chỗ thì rào chùa vào trong để hạn chế đi lại, chỗ thì rào
chùa ra ngoài để tự do bắn phá. Khu trù mật thì bắt cán bộ cơ sở của
Phật giáo phá nhà bỏ của mà đi. Quân dịch thì bắt Tăng sĩ Phật giáo
làm những chức vụ nguy hiểm mà vô quyền, để tu sĩ Thiên chúa nắm quyền
chỉ huy ngay từ hạ tầng. Giải thưởng văn chương thì thưởng cho cuốn
Văn chương bình dân nội dung cốt chống Phật giáo. Chương trình tú tài C
thì đổi ra toàn lý thuyết thượng đế và nhân vị, lại thêm 1 bằng ban
D với cổ ngữ la tinh. Sát hại Phật tử thì có tập thể lên đến 36
người ở 1 nơi cùng 1 lúc, không còn lẻ tẻ nữa. Cả gan hủy bỏ ngày
Phật đản trong danh sách ngày lễ được nghỉ của công tư chức, và danh
sách này bao giờ Thiên chúa giáo cũng gấp đôi Phật giáo cả ngày và giờ
nghỉ. Dụ số 10 được thêm dụ bổ túc, tăng cường sự hạ giá và kềm
chế đối với Phật giáo. Rồi sửa điện Thái hòa của hoàng thành Huế
thì có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để phòng cắm thánh giá. Mọi
việc xuôi xả thì tòa Hồng y giáo chủ sẽ đặt ở đó. Cái làm cho
không xuôi là cờ Phật giáo. Vatican điều tra thấy Huế, địa phận của
Tổng giám mục Ngô đình Thục, sao mà Phật giáo nhiều quá: Phật đản thì
cờ Phật giáo đầy 2 bên đường từ Huế ra Lavang, kiệu đức mẹ thì từ
Lavang vào Huế không có cờ của Vatican. Ông Ngô đình Diệm bèn bắt công
chức Huế kê tên cả nhà để đưa cho anh mình báo cáo là giáo dân, và Phật
đản 2507 (1963) thì triệt hạ cờ Phật giáo để Vatican thấy dân Huế
theo anh mình hết rồi. Phật giáo thì suốt thời Pháp thuộc cho đến lúc
đó chồng chất bao nhiêu chịu đựng. Nay thì không chịu nữa. Ngay sau khi
tuyên bố như vậy, tôi gửi đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc 1 điệp
văn nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền và kỳ thị tín ngưỡng của chế
độ Ngô đình Diệm. Từ đó cho đến ngày ông bị lật đổ, mọi hoạt
động trong và ngoài nước ai cũng biết không nhiều thì ít, không thể kể
cho hết được. Có điều phải nói, trước và sau 1963, cho đến 1975, Phật
giáo VN không bao giờ nằm trong túi ai cả, mặc dầu suốt thời gian này việc
gì nổi lên mà không có sự khai thác theo ý riêng. Như bản thân tôi đây,
vì ngài Quảng đức tự thiêu nên ông Ngô đình Diệm phải mời phái đoàn
Phật giáo mở hội nghị với phái đoàn chính phủ, tôi phải vào Sài gòn
để cùng quyết định tại chỗ những gì phái đoàn họp, theo tư thế của
tôi và theo sự ủy nhiệm phải chung quyết thay ngài Hội chủ. Chuyến đi
có ngài, có thầy Thiện minh và tôi, đi xe từ sân chùa Từ đàm thẳng xuống
sân bay Phú bài. Ai cũng nghĩ tôi đi tiễn, khi máy bay sắp cất cánh mới
biết tôi đi thì phản ứng không kịp, và việc này chỉ do sự sắp đặt
khéo léo một chút của 1 Phật tử. Nhưng phi cơ thay vì vào Saigon lại lên
Kontum, đậu ở đó đến 3 tiếng. Nhân viên phi hành đoàn bí mật cho tôi
hay vì tôi và đang chờ Saigon quyết định. Saigon đã quyết định để bay
về đây, coi như không có việc gì. Đại loại như thế, chưa bao giờ tôi
thoát hiểm bởi ai mà tôi không quen biết. Ngay như tài liệu tôi gửi Liên
hiệp quốc, nhiều đến 1 valy phải vài người khiêng, nhưng từ Xá lợi
đi ra và qua thấu Liên hiệp quốc là do chính ông Bửu Hội, người của
ông Ngô đình Nhu, khi gặp tôi thì tình nguyện giúp bất cứ việc gì giúp
được.
Nhưng ông Ngô đình Diệm đổ rồi,
đúng như tôi dự đoán, vấn đề Phật giáo không phải kết thúc mà là bắt
đầu. Từ đây sắp đi, Phật giáo ở trong tình trạng cây muốn lặng mà
gió không ngừng ; mặt khác, cường độ chiến tranh khiến Phật giáo phải
chống chiến tranh. Chỉ nói vắn tắt 2 câu như vậy cũng thừa để thấy
vấn đề Phật giáo ngang trái đến mức nào. Những cái gọi là Thượng hội
đồng quốc gia, Quốc hội lập hiến hay Thành phần đối lập, cùng những
sự lên xuống của bao chính phủ, toàn không đáng gì mà nói. Cho đến bính
ngọ 2510 (1966), vấn đề đã lên cao độ. Sau 1 cuộc họp của Phật giáo,
tôi nói với người MyՍ rằng Phật giáo phải chính thức vận động hòa
bình, người Myՠnói với tôi rằng hòa bình là chiến tranh tàn rụi dần
đi. Quan điểm tương phản đến mức đó nên phải có vụ 1966 ; có vụ
ám sát thầy Thiện minh (mà không chết); có vụ âm mưu lừa tôi ra đi mà
từ 1965 đã được bàn lén; có vụ cầm tù tôi ở dưỡng đường Duy tân;
có vụ viện Hóa đạo của Việt nam quốc tự; có vụ hủy bỏ hiến chương
của Phật giáo; có vụ ra giá nếu tôi chịu cho thu thanh 1 lời lên án việc
tấn công nhân Tết mậu thân thì trả hiến chương, bỏ Tâm châu, biếu tặng
quyền lợi thật hấp dẫn; có vụ bắt tôi sau đó; có vụ ly gián Phật
giáo lần nữa theo kế hoạch Thiệu Trung; có vụ 1 viên tướng tưởng mình
đàn áp được Phật giáo năm 1966, nhưng sau nhờ 1 viên tướng đàn anh đến
vận động tôi ủng hộ cho ứng cử Tổng thống, và, cho đến nay, vẫn
cho rằng mình làm Tổng thống thì miền nam không bại trận mà còn chiến
thắng. Tuy có lắm vụ mà có vụ chỉ là trò bắng nhắng như vậy, nhưng
từ tháng 9.1966 tôi biết đích xác Hoa Myՠsẽ quan hệ bình thường, cuộc
chiến VN sẽ thương thuyết kết thúc, mọi cường độ quân sự chỉ là
áp lực tranh thắng.
Ấy thế, mọi việc diễn ra có
lúc đến chóng mặt. Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì 1 ngày mà có người
3 lần đến vận động tôi đừng chống việc ông Dương văn Minh đứng
ra, " vì chính quyền của ông ấy sẽ có 7 phần 10 là người tiến bộ".
Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí thủ nói, rằng chim
cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp cứu. Rồi
ông Dương văn Minh gặp tôi, đưa ra 2 mảnh giấy báo cáo mật cho thấy
ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì
lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông
chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là
ông làm như lời thầy Trí thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà
vác cờ trắng ! Sau đó mấy tháng, tôi trả lời 1 thầy Phật giáo cấp tỉnh,
rằng Phật giáo VN bước qua một giai đoạn khác.
Tổng chi, tôi có tham vọng không?
Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi
không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng
không muốn Phật giáo thành một Thiên chúa giáo thứ hai. Tôi chỉ mong ước
trong cơn nghiêng ngửa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng
đất nước này còn có cái ấy.
Phật giáo của tôi, và tôi, đúng
là
- Cao cao sơn thượng hành thuyền,
- thâm thâm hải để tẩu mã:
- ngựa phi dưới nước,
- thuyền chèo trên non.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/002-triquang.htm
Chân thành cảm
ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã
phát tâm chuyển bài viết này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI
font. Thích Nhật Từ, 4-5-2000.