- Tiểu sử Hòa thượng Thích
Thiện Châu
- Nguyên Đạo
(Đọc tại buổi lễ tưởng niệm
và lễ Trà Tỳ Hòa thượng Thích Thiện Châu)
Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư,
Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức
ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa
Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị
Cần.
Thầy xuất gia năm 16 tuổi (1947) và
thọ giới tỳ kheo năm 1952. Bổn sư của Thầy là Cố Đại Lão Hòa Thượng
Thích Giác Nguyên, Viện chủ Tổ Đình Tây Thiên (Huế).
Từ năm 1948 đến năm 1958, Thầy
theo học tại trường Phật học Báo Quốc. Ra trường năm 1958, với một
căn bản Phật học và Hán Văn vững chắc, một tinh thần năng nổ hết lòng
vì Đạo, Thầy trở thành giảng sư xuất sắc và trẻ nhất vào thời đó,
thuyết giảng tại các tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt,
Phan Thiết, Nha Trang, Ban Mê Thuột... và cuối cùng là Sài Gòn, trước khi lên
đường du học sang Ấn Độ vào năm 1961.
Tại Ấn Độ, Thầy đã đậu bằng
Cử nhân Pâli (Pàlyacharya) và Cử nhân Anh Văn (năm 1965).
Năm 1966 Thầy qua Anh theo học tại
Học viện Đông Phương và Phi Châu (School of Oriental and African Studies).
Đến năm 1967 Thầy qua Pháp, thể
theo lời mời của Phật tử Việt Nam tại đây, đang cần người hướng dẫn
tu học.
Năm 1971, Thầy đậu bằng Tiến Sĩ
Triết Học (Docteur 3e cycle-Sorbonne).
Năm 1972, Thầy trở thành Nghiên Cứu
Viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS).
Năm 1978, Thầy đậu bằng Tiến Sĩ
Quốc Gia Văn Học và Khoa Học Nhân Văn (Docteur d'Etat ès lettres et sciences
humaines), tức là bằng cao nhất có thể đạt được trong môn này.
Song song với học chữ, Thầy còn hướng
dẫn tu học cho Phật tử Việt kiều tại Pháp và Tây Đức, và tham gia
tích cực vào Phong Trào đòi Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thời
bấy giờ.
Ngay từ năm 1966, tuy ở tại Anh Quốc
Thầy vẫn thường qua Pháp hướng dẫn tu học cho Phong trào Việt kiều Phật
tử tại đây, mà nòng cốt là Đoàn Sinh Viên Phật tử, đang gặp khó khăn
trầm trọng về tổ chức. Đến năm 1967 thì Thầy ở lại hẳn bên Pháp.
Dưới sự hướng dẫn tinh thần của Thầy, Đoàn Sinh Viên Phật Tử đã
được củng cố lại và vào những năm 68, 69, trở thành một trong những
tổ chức vững mạnh nhất của Việt kiều tại Pháp vào thời bấy giờ,
với tờ báo Gió Nội. Cùng khoảng thời gian đó, Đoàn Sinh Viên Phật Tử
Việt Nam tại Tây Đức được thành lập. Hai Đoàn kết hợp lại thành
Liên Đoàn Sinh Viên Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu (1-7-1970), hàng năm đều
tổ chức trại sinh viên, hè tại Pháp đông tại Tây Đức. Thầy luôn
luôn có mặt tại các trại, hướng dẫn tu thiền và giảng dạy giáo lý
cho các trại sinh.
Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại,
Chi Bộ Pháp, do Thầy trực tiếp lãnh đạo với tư cách là chủ tịch Hội
bao gồm Đoàn Sinh Viên Phật tử và nhiều phân hội khác, quy tụ công
nhân, trí thức, thương gia... Song song với tờ báo Gió Nội, đo doàn Sinh
Viên Phật Tử VN tại Pháp đảm trách, bám chặt thời cuộc, và cũng là
phương tiện đấu tranh cho Hòa Bình tại Việt Nam, Thầy còn cho ra thêm tờ
Tin Phật (1968), nhắm các giới trung và cao niên, và thiên nặng về giáo
lý phổ thông hơn. Bên Đức có tờ Đi Tới do Đoàn Sinh Viên Phật Tử Việt
Nam Tại Tây Đức chủ trương, sau đó được thay thế bằng tờ Biển Đông,
cả hai đều nhận sự chỉ đạo của Thầy.
Về Phật sự, thời đó chưa có
chùa. Các buổi lễ Phật được tổ chức tại các phòng công cộng, thuê
hoặc mượn. Vào đầu thập niên 70, các buổi Lễ Tết quy tụ hàng ngàn
người.
Nghi thức tụng niệm hoàn toàn bằng
tiếng Việt, chỉ có phần "Tam quy, ngũ giới" thì bằng chữ Pali,
có dịch chữ Việt, vì thuở đó, trong các buổi lễ có rất nhiều phật
tử Pháp hay người nước khác. Khi đông người ngoại quốc thì đọc Tam
Quy Ngũ Giới bằng Pali, còn thông thường đọc bằng chữ Việt.
Vào năm 1975, các Đoàn Sinh Viên Phật
tử tại Pháp và Đức giải thể, Đoàn viên phân tán đi mọi nơi. Cùng một
số người cũ, Thầy thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, và ra tờ
báo Hương Sen (1975). Đầu năm 1977, Thầy cùng với Ni Sư Mạn Đà La khởi
công quyên góp xây Trúc Lâm Thiền Viện với ý nguyện xây dựng "một
ngôi chùa Việt Nam trên đất Pháp", thực sự Việt Nam. Sau đó Thầy
Phước Đường, đang trụ trì một chùa ở Nha Trang, được mời qua tiếp
sức. Năm 1980, Trúc Lâm Thiền Viện được khởi công xây, và đến năm
1990 làm lễ khánh thành. Trong khoảng thời gian này, Thầy thường đi thuyết
giảng và dạy Thiền tại một số trường Đại Học hay trường cao đẳng
ở các nước Pháp, Tây Đức, Thụy Sĩ, các Trung tâm tôn giáo quốc tế,
Tin Lành hay Gia Tô Giáo...
Từ năm 1995 đến năm 1998, Thầy tổ
chức nhiều buổi hội thảo, với mục tiêu vận dụng giáo lý Phật để
tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn của thời đại như: Sinh Đạo
Đức, Môi Sinh, vị trí của nữ giới, vai trò của người cư sĩ, Thiền
định với cuộc sống hôm nay, Sống thời đại theo tinh thần Đức Phật
... Những buổi hội thảo này quy tụ rất nhiều trí thức Việt kiều
đang sinh sống tại các nước phương tây, như Pháp, Đức, Mỹ... với sự
tham gia của nhiều vị Tôn Đức từ trong nước qua như Hòa Thượng Thích
Minh Châu, Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Thượng Tọa Thích Chơn Thiện, nhiều
Cư sĩ kỳ cựu của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo như Võ Đình Cường, Tống
Hồ Cầm...
Thầy cũng thường về nước tham dự
công việc Hoằng Pháp Lợi Sinh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và đã
giữ những trách nhiệm:
- - Ủy Viên Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam
- - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam
- - Phó Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch và Ấn
Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam
- - Phó Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt
Nam tại Huế
- - Đại Diện Giáo Hội PGVN ở Hải Ngoại
- - Chủ Tịch sáng lập Hội Phật Tử Việt Nam tại
Pháp
- - Viện Chủ Trúc Lâm Thiền Viện
Về thế học, Thầy đã đạt được
mức độ tột cao, về đạo học Thầy có một kiến thức uyên thâm, Thầy
được mọi nơi biết tiếng, từ quê nhà đến nơi hải ngoại, nhưng phong
cách của Thầy luôn luôn khiêm tốn hiền hòa.
Mọi người còn nhớ hình ảnh của
một vị sư trẻ, năm xưa, sống thanh đạm, đơn sơ, trong một căn phòng
trọ nhỏ tí, chót vót trên lầu sáu, lầu bẩy, xát mái nhà, tại thành phố
Paris. Và hình ảnh của những trại hè sinh viên, một người tu sĩ áo
nâu, chiều chiều ngồi dùng trà trước túp lều nhỏ, được kín đáo dựng
bên cạnh bụi cây. Một bình trà nhỏ, bốn chén đất nung, nhỏ bằng đốt
ngón tay, ai có duyên ghé ngang xin mời ngồi, giọng nói luôn luôn hòa ái, dịu
ngọt, khiêm tốn, lễ độ với mọi người, từ cụ già cho tới những
thanh thiếu niên, hay đám sinh viên cứng đầu cứng cổ, tưởng như trên
đời chẳng biết nể vì ai... Vâng! "lễ độ" với mọi người,
không mảy may phân biệt! Gói ghém trong những cái đơn sơ, tầm thường,
nhỏ bé ấy, là một lòng tin vững chắc vào Đạo Phật Việt Nam, vào Dân
tộc Việt Nam, vào tiếng nói của người Việt Nam... với một quyết tâm
thực hiện cho được lý tưởng của mình, không sợ hãi bất cứ một thế
lực nào, và không một sức mạnh nào lay chuyển nổi.
Lúc 11 giờ 30 ngày 05 tháng 10 năm
1998 tức ngày rằm tháng 8 năm Mậu Dần, Thầy đã ra đi ! Phải chăng là
ra đi vĩnh viễn ? không hẳn đâu, vì Thầy vẫn còn để lại cho đệ tử,
cho hậu thế cả một chương trình to lớn để theo đuổi, với những mục
tiêu rõ rệt, cụ thể. Chương trình này được nhắc đi nhắc lại nhiều
lần trong các bài giảng, các bài báo hay sách vở Thầy soạn từ hơn 30
năm qua, và có thể tóm thâu trong những điểm sau đây:
1 - Sống sao cho đúng là người Phật
tử Việt Nam, sống đạo Phật với bản sắc văn hóa Việt Nam, gột sạch
những vẩn đục của mê tín dị đoan.
2 - Thể hiện phương châm "người
Việt nói tiếng nước Việt", cố gắng Việt hóa kinh điển, tụng niệm.
Quyển "Nghi thức tụng niệm" của chùa Trúc Lâm hoàn toàn bằng tiếng
Việt, không một bài kinh chữ hán, không một bài chú. Và quyển Nghi thức
này đã được Phật tử tụng từ hơn 30 năm nay.
3 - Vận dụng "cộng nghiệp"
để thực thi phương châm "Thể hiện đạo Pháp, phục vụ dân tộc"
4 - Vận dụng Giáo lý Phật để tìm
câu trả lời cho các vấn đề lớn của thời đại.
Thầy đã ra đi, nhưng những ai còn
kiên tâm đi theo đường Thầy chỉ dạy sẽ luôn luôn có Thầy bên cạnh.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Villebon ngày 11 tháng 10 năm 1998
- ( 21 tháng 8 năm Mậu Dần )
- đệ tử Nguyên Đạo
***
Những tác Phẩm
của HT Thích Thiện Châu
. Đường về xứ Phật (đồng tác
giả), Sài Gòn 1964
. Tin Tưởng, 1964
. Vài lá Bồ đề, Paris 1972
. Phật Tử, TPHCM 1972
. Nghi Thức Lễ Phật, Paris 1968
. Pháp Cú (Dhammapada) dịch từ
Pàli, Paris 1980
. Tìm Đạo, TP HCM 1996
. Le traité des trois lois
(Tridharmakasàstra), Luận án Tiến sĩ Triết Học - Sorbonne 1971
. La littérature des personnalistes
(Pudgalavadin) dans le boudhisme ancien, Luận án Tiến sĩ Quốc Gia về văn
chương và Khoa học nhân văn - Sorbonne 1977
. La recherche spirituelle dans le
bouddhisme, Paris 1978
. La vie et la mort dans le bouddhisme,
Paris, Paris 1978
. Dictionnaire des philosophes (đồng soạn
giả) - Paris 1988
. The literature of the Personnalists
(Pudgalavadins) of early buddhism - 1997
. Être Bouddhiste, Paris 1997
. Và rất nhiều bài báo, giới thiệu,
diễn giải Kinh được đăng trong Gió Nội, Tin Phật, Đi Tới, Hương Sen
trong hơn 30 năm. Các bài này đã được soạn thành tập nhưng chưa kịp phát
hành.
***
Pháp ngữ trước
lúc hỏa thiêu nhục thân của HT. Thiện Châu
- Hòa Thượng Thiện Châu ! Xin ngài lắng nghe.
- Giới hạnh của ngài thì trong sạch,
- Tuệ tâm của ngài thì sáng tỏ,
- Ngài nguyện làm sứ giả của Phật để làm
công việc của Phật ở trong thế giới này.
- Ngài sống và chết như vậy. Cái thân loài người
rất khó có; ngài đã đổi cái cũ, thay cái mới, để qua lại trong thế
giới này. Thế giới này là "cái trường thi tuyển chọn người làm
Phật" ngài đã ở đây, và vẫn còn ở đây, để làm "người bạn
không đợi mời gọi" cho nhân loại, cho chúng sinh.
- Trăng Linh mụ, gió Túy vân, cái quê hương đạo
vị ấy của ngài, đã tạo ra ngài và đang chờ ngài.
- Tỷ kheo Trí Quang
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/005-HTThienChau.htm