Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MÁI CHÙA VIỆT CHỞ CHE HỒN NƯỚC VIỆT
(Kính nhớ giác linh Hoà thượng Thích Mãn Giác)

  

Sài Gòn Nhỏ cuối thu sầu tiễn biệt

Đất Sài Thành, ôi da diết niềm đau !

Thơ văn bắc đẩu như một vì sao

Vừa liệm tắt, nhưng công lao không tắt !

 

Từ đất cố đô, mượn duyên thác chất

Làng Phương Lang xuất hiện bậc nam nhi

Tuổi lên mười, khi xong hết lớp nhì

Theo anh họ[1] quyết tầm sư học đạo.

 

Năm mười sáu đã tròn duyên thế độ

Được ngài Quảng Huệ xuống tóc xuất gia

Chỉ vài năm, thơ nhả ngọc đơm hoa

Trang thơ Việt đượm nhuần hương vị Phật.

 

Hai mươi tuổi tròn, giới châu Cụ Túc

Chí nguyện Đại thừa cao ngất trời Nam

Giảng kinh pháp khắp các thị thành

Làm Hội Trưởng Cao Nguyên Phật Giáo.[2]

 

Xứ Anh Đào, phương trời cao cất bước[3]

Ấp ủ hương thiền sáng rực ngày về

Văn Khoa,[4] Vạn Hạnh[5] vang bóng một thời

Dòng triết Phật đề huề triết Ấn.

 

Kể từ đó, dấn thân nhập cuộc

Tổng Vụ Thanh Niên[6] tha thiết dựng xây

Tổng Vụ Văn Hoá[7] văn bút ngất ngây

Mái chùa Việt chở che hồn nước Việt.[8]

 

Không Bến Hạn[9] lung linh trác tuyệt

Hương Trần Gian[10] toả ngát mười phương

Mấy dặm trình “Mây Trắng Thong Dong

Tâm dung nhiếp, Không Gian Thành Chiếc Áo[11]

 

Ôi “Vạn Hạnh, Kẻ Đi Qua Cầu Lịch Sử[12]

Pháp Bảo Đàn Kinh[13] tông chỉ độ sinh

Bích Nham Lục[14] lưu giữ sử xanh

Tứ Diệu Đế[15] làm phương châm tế độ.

 

Quyết xây dựng “Đạo Phật của quần chúng[16]

Dẫn người về “Đạo đức học Đông phương

 “Nhân bản Phật giáo[17] là đuốc soi đường

Phật học, Thiền học và Thi ca[18] đầy chất đạo

 

Tư tưởng A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận[19]

Xây nhịp tâm linh giữa Bắc Nam tông

Khảo sát duy thức học[20] dung thông

Tâm ngời sáng, vượt trên “Sáu Triết Ấn[21]

 

Để “Giá trị luân lý Đạo Phật[22] ngời sáng

Phật pháp qua nhận thức khoa học[23] chiếu soi

Sử triết Ấn[24] sao so bì “Triết Phật[25]

Vì “Đại cương đạo đức Phật[26] thanh cao.

 

Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam[27]

 Từ ngàn xưa, quyện với nhau làm một

 Dù “Bão qua cổng Chùa[28] chùa vẫn y nguyên

 Đời thăng trầm, “Đức Phật ngồi yên[29] hộ nước.

 

Đức Phật vẫn ngồi yên[30] trong được mất

Vì lòng từ bi Ngài cao vút trời xanh !

Dù Hoà thượng như “Kẻ lữ hành cô độc[31]

Nhưng tâm hạnh ngài khoáng đạt khôn cùng.

 

Đất Phật tinh ròng năm mươi tám hạ, nụ cười hiền mặt thật lung linh

Cõi trần phiêu lãng bảy mươi tám năm, một mảy bụi chân tâm không dính

 

Một đời văn nghiệp sáng mãi ngàn năm

Phẩm hạnh dấn thân soi gương hậu thế

Ngậm ngùi tử biệt, kẻ ở người đi

Tánh giác chân tâm chưa từng được mất.

 

Từ sinh tử, vẫy tay chào sinh tử

Từ chân như, trở về với chân như

Cuối đỉnh, trăng thanh làn gió thỗi

Đầu nguồn, suối mát ngọn thông reo.

 

Kính nguyện giác linh tuỳ duyên hoá độ

Một cõi đi về, cất bước thênh thang

Hồi nhập Ta-bà, tiếp chuyển pháp luân

Nơi cõi thế, dựng xây thành Cực Lạc !

 

Ngưỡng nguyện Giác Linh Hoà Thượng thuỳ từ chứng giám.

 

                                                                                         Sài Gòn, cuối thu 2006

                                                                                             Xin bái biệt người

                                                                                               Thích Nhật Từ

                                                                                                      Kính lễ

 


[1] Tức Hoà thượng Thích Trí Thủ, anh em cô cậu ruột.

[2] Hội Trưởng Hội Phật Giáo Dalat, Đại Diện Hội Phật Giáo Cao Nguyên Trung Phần.

[3] Hoà thượng du học Nhật Bản năm 1960, tốt nghiệp tiến sĩ và trở về nước năm 1965.

[4] Đại học Văn Khoa, Sài Gòn.

[5] Đại học Vạn Hạnh.

[6] Hoà thượng từng làm Quyền Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên GHPGVNT và có công Tổ Chức Đại Hội Thanh Niên Toàn Quốc.

[7] Hoà thượng từng làm Tổng Vụ Trưởng Văn Hóa GHPGVNT và có công Tổ Chức Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc.

[8] Lấy ý từ câu thơ bất hủ của Hoà thượng: “Mái chùa che chở hồn dân tộc.”

[9] Hải Châu, Huế, 1950.

[10] Liên Hoa, Saìgòn, 1953

[11] Xuất bản năm 1960.

[12] Xuất bản năm 1996.

[13] Lấy ý của tác phẩm “Tổ Huệ Năng là người Việt Nam?” (Was Hui-Neng is Vietnamese), năm 1990.

[14] Xuất bản năm 1988.

[15] Xuất bản năm 1983.

[16] Xuất bản năm 1953.

[17] Xuất bản năm 1968.

[18] Xuất bản năm 1974.

[19] Xuất bản năm 1995.

[20] Xuất bản năm 1965.

[21] Nguyên tác “Tìm hiểu sáu phái triết Ấn Độ.”

[22] Xuất bản năm 1960.

[23] Gọi đủ là “Phật giáo qua nhận thức khoa họcnăm 1975.

[24] Lịch sử triết học Ấn Độ, xuất bản 1967.

[25] Dịch thoát ý từ tác phẩm “Basic Buddhism” xuất bản năm 1990.

[26] Viết đủ là Đại cương đạo đức học Phật giáo, Xuất bản năm 1981.

[27] Xuất bản năm 1967.

[28] Xuất bản năm 1990.

[29] Xuất bản năm 1989.

[30] Xuất bản năm 1996.

[31] Huyền Trang, Saigon, 1972.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/

 


Vào mạng: 20-10-2006

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang