Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÀI   KỶ NIỆM SAU NGÀY GẶP HÒA THƯỢNG THÍCH MÃN GIÁC
TẠI LOS ANGELES

 

Một ngày hạnh ngộ với Hòa Thương Thích Mãn Giác đã khấc trong lòng tôi những ấn tượng sâu đậm và những kỷ niệm khó quên. Hòa thượng Thích Mãn Giác và tôi chưa bao giờ gặp nhau nhưng đã từng biết nhau ngang qua những thông tin của giới văn nhân, nghệ sĩ hoặc các bậc tăng ni. Tôi được biết rằng Hòa thượng không chỉ là một vị cao tăng mà còn là một giáo sư lỗi lạc, một nhà thơ đã để lại nhiều bài thơ đầy Thiền vị, một người yêu chuộng văn chương nghệ thuật.

      Năm 1995, tôi có dịp sang vùng California đúng mùa Phật đản. Tôi đã từng nói chuyện về những nét đặc thù của cách tán tụng kinh kệ trong truyền thống Phật giáo Việt Nam tại nhiều nơi như chùa Xá Lợi, Thiền viện Vạn Hạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, chùa Trúc Lâm tại Villebon bên Pháp, chùa Linh Sơn tại Đài Loan … nên khi nghe tôi đến Cali, Hòa thượng Thích Mãn Giác có thư mời tôi nói chuyện về đề tài trên tại ngôi chùa Việt Nam ở Los Angeles, nơi thầy trụ trì. Tôi rất sung sướng có dịp gặp được người mà tôi ngưỡng mộ qua tên tuổi nhưng chưa từng được diện kiến bao giờ. Tôi cũng có phần ngạc nhiên và hơi e ngại vì biết rằng Los Angeles là một thành phố có nhiều người Việt tị nạn quá khích. 

       Hôm đó, thầy làm lễ và thuyết pháp từ sáng và đến mười một giờ. Thầy giới thiệu tôi nói chuyện về đề tài tán tụng kinh kệ trong truyền thống Phật giáo. Trong cử toạ, ngoài các Phật tử đến từ Los Angeles, Santa Ana và các thành phố lân cận, còn có ông Khai Trí, nhạc sĩ Phạm Duy và những người bạn rất quen thân với tôi. Đây cũng là lần thứ nhứt tôi nghe lời giới thiệu từ một người mới gặp tôi lần đầu mà nước mắt của tôi lưng tròng, vì không ngờ rằng người ấy biết rõ việc tôi làm và bằng lời văn chải chuốt đầy chất thơ, Hòa thượng đã giới thiệu về tôi một cách rất nồng hậu như sau:

“Cuộc gặp gỡ của chúng ta với giáo sư Trần Văn Khê hôm nay là một hạnh ngộ. Chúng ta là những đứa con Việt Nam vì hoàn cảnh phải sống tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta thường tự chất vấn không biết văn nghệ nước Việt Nam như thế nào và đang đi về đâu. Thì hôm nay chúng ta may mắn gặp được một người dẫn đường đáng tin cậy sẽ đưa chúng ta một  chuyến về bơi lội bao dung trong biển văn hóa nước nhà. Công trình nghiên cứu của giáo sư Trần Văn Khê đã được thế giới công nhận, chấp nhận và lưu trữ cho thế hệ mai sau. Giáo sư đã dùng ngòi bút vẽ lại trung thực nền văn hóa đó và bằng tài nghệ biểu diễn tinh vi đã cho cái hồn văn hóa lung linh trên cái xác. Một người nghệ sĩ đã dựng lại một nền văn hóa cả xác lẫn hồn là một người nghệ sĩ đích thực. Hôm nay, chúng ta không chỉ kính trọng một nhà nghiên cứu uyên thâm mà  thương quí một người Việt Nam rất Việt Nam là giáo sư Trần Văn Khê.”

       Cử tọa vỗ tay tán thưởng. Tôi ngỏ ít lời cám ơn Hòa thượng và nói lên nỗi xúc động của tôi rồi bắt đầu buổi nói chuyện như thường lệ. Sau đó, tôi có dành nửa giờ cho thính giả đặt câu hỏi và có mấy câu hỏi của cử tọa vô cùng lý thú mà tôi còn nhớ mãi đến ngày nay:

        Một bà cụ tuổi ngoại thất tuần hỏi tôi:

- “ Kinh Phật chúng ta có thể niệm đọc, tại sao lại phải tán tụng ?”.

 Tôi trả lời:

- “Trong truyền thống Phật gíao các nước châu Á, “tụng kinh” là đọc lớn lên những câu kinh với những thanh giọng trong lời kinh được cách điệu hóa và phù hợp với năm âm trong âm giai ngũ cung. Mỗi chữ trong câu kinh được đệm theo bằng tiếng mõ và có một cao độ nhất định; chỉ có những chữ thứ bảy trong một câu kinh thất ngôn thì được đệm hai tiếng mõ. “Tán” có nghĩa là khen. Một bài “tán” thường có nét nhạc đặc thù. Một chữ trong câu kinh có thể tán thành hai, ba giọng khác nhau và giữa các chữ có những chữ đệm, thường là những mẫu âm để làm cho nét nhạc và tiết tấu câu kinh thay đổi. “Tụng” và “tán” không phải để cho người nghe khen mình “tụng” giỏi “tán” hay mà để giúp cho người Phật tử nhờ nét nhạc và nhịp điệu được đi vào một trạng thái tâm hồn bình tĩnh và sáng suốt để hiểu rõ nghĩa câu kinh và thấm nhuần giáo lý. Sau đó, tôi minh họa cho bà cụ câu kinh “Dương chi, tịnh thủy” trong bài tán để ca ngợi Đức Phật Bà Quan Âm thì bà cụ nhìn nhận rằng nếu đọc thường thì không thể nào bốn chữ “Dương chi, tịnh thủy” thấm vào tâm can của bà bằng cách nghe bốn chữ đó theo lối “tán”.

       Hòa thượng Thích Mãn Giác nhìn tôi mỉm cười và gật đầu. Sau câu chuyện, tôi được thụ trai với thầy tại chùa. Thầy rất vui nói với tôi:

 - “Giáo sư không phải người Phật tử đi tu nhưng rất rành về các cách tán tụng. Giáo sư lại phân tích rõ ràng những nét đặc thù của tán tụng đến người thường ngày tán tụng như chúng tôi cũng thấy được cái hay và sự công dụng của tán tụng thì công việc làm đó tôi thấy rất bổ ích cho sự hiểu biết của người Phật tử.”

       Tôi cũng có bạch với Hòa thượng rằng:

 - “ Mặc dầu tôi không phải là Phật tử nhưng tôi rất có duyên với đạo Phật. Đề tài nghiên cứu trong đời tôi là âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung. Năm 1965, tôi có được cơ duyên viết một bài về cách tán tụng trong truyền thống Phật gíao Việt Nam để góp mặt với các loại nhạc tôn giáo khác trên thế giới trong quyển Từ điển Bách khoa về Âm nhạc tôn giáo. Sau đó, tôi có dịp  sang Nam Triều Tiên (tức là Hàn quốc) và Nhựt Bổn để so sánh cách tán tụng trong truyền thống Việt Nam với phong cách “hissori” và “ chissori”  của Triều Tiên và “shomyo” của Nhựt Bổn”.

  Hòa thượng rất vui và nói rằng:

 - “ Giáo sư không chỉ nhìn truyền thống tán tụng với đôi mắt Việt Nam mà cả với đôi mắt của con người châu Á so sánh, đối chiếu với truyền thống của nước khác để hiểu và thương thêm truyền thống của nước mình. Thất là điều đáng quí !”

       Câu chuyện hôm đó không những đi trong đề tài Phật gíao mà còn mở rộng ra đến lãnh vực văn chương, thi ca và âm nhạc. Đến nay, tôi còn nhớ rõ buổi sáng ngày Phật đản năm 1995 và câu chuyện với Hòa thượng.

  Tám ngày sau đó, tôi được nhiều người Phật tử hưởng ứng và mời tôi nói chuyện về đề tài này tại ngôi chùa Liên Hoa toạ lạc trong quận Cam. Nơi này xa đường xe qua lại. Buổi nói chuyện được tổ chức vào tám giờ tối, khí trời mát mẻ. Tâm của tôi và của thính giả đều được ổn định. Tôi đã được dịp giới thiệu bài Nam xuân trong nhạc Tài tử miền Nam với hai cách khác nhau: đờn cho thính giả nghe chơi giải trí và đờn với thiền vị.

 Lần gặp gỡ với Hòa thượng Thích Mãn Giác cho tôi được dịp gặp một người mới quen mà hiểu nhau như người đã quen lâu. Buổi nói chuyện tại Los Angeles lại gợi cho tôi thêm nhiều đề tài suy nghĩ về  cách tán tụng nhờ những câu hỏi được đặt ra và hôm đó đã gây một ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời nghiên cứu của tôi.

          Sáng nay, tôi vừa được biết tin Hòa Thượng mới viên tịch. Tôi ngồi ôn nhớ lại những kỷ niệm ngày đó và xin ghi lại nơi đây thay cho lời hoài niệm của tôi đối với vị cao tăng mà tôi kính trọng và ngưỡng mộ, và thương quí như một người tri kỷ, tri âm. Xin nghiêng mình cầu cho giác linh của Hòa thượng mau về nơi Cực lạc.

                                                                   Bái biệt,

                                                                           Trần Văn Khê

                                                                           (21-10-2006)

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/ht_ManGiac.htm

 


Vào mạng: 21-10-2006

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang