-
Truyện của một nhà
sư trồng cây dó lấy trầm hương
-
Hải Thanh
ÐỒNG NAI 24-09 - Vùng đất
hoang vu dưới chân núi Chứa Chan ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng
Nai, có một nhà sư xây tịnh thất tu hành. Và cũng trong chốn thanh tu này,
12 năm qua, nhà sư âm thầm nghiên cứu nuôi trồng cây dó bầu (trầm hương)
và tạo được nguồn giống của loài cây quý hiếm đó. Ðứng giữa rừng dó bạt
ngàn rộng 20 mẫu, sư Thích Giác Nhi nhỏ nhoi như lau sậy, nhưng thành quả
lao động và mơ ước của ông thật mênh mông. Từ mảnh đất núi cằn cỗi này,
ông đã tạo trên nó một vườn cây trị giá vài chục tỉ đồng, và khả năng sinh
lợi thì chưa thể tính hết.
Báo Lao Ðộng hôm 24 Tháng Chín
cho biết, sư Thích Giác Nhi quê ở Sông Ðốc - Cà Mau. Sinh ra miền sông nước,
nhà nơi cửa biển nhưng ông thích núi. Mười sáu tuổi tìm lên núi Thất Sơn -
An Giang xa chốn hồng trần. Vài năm sau lặn lội ra Phú Quốc, tìm hang đá ở
suối Ðá Bàn, ấp Bến Tràm, xã Cửu Dương, huyện đảo Phú Quốc sống ẩn cư. Hỏi
vì sao ông thích núi, nhà sư thủng thẳng: “Kẻ nhân thích núi, kẻ trí thích
biển”. Ở suối Ðá Bàn, ông cùng một đệ tử tự trồng trọt sinh sống. Và cây
dó bầu của ông hôm nay cũng có nhân duyên từ ngọn núi ngoài hải đảo xa xôi
ấy.
Nhà sư kể lại, năm 1982, có
một du khách đi tham quan đảo Phú Quốc, tình cờ ghé qua hang đá của ông.
Người khách ấy tự giới thiệu là tiến sĩ sinh học, hai bên trò chuyện việc
đạo việc đời rất tâm đắc. Biết ông thích trồng trọt, vị khách chuyển sang
đề tài trồng rừng và khuyên nên trồng cây dó. Rồi phân tích về giá trị
kinh tế của trầm hương, là một loại sản phẩm quý có từ cây dó bầu. Nếu
nuôi trồng được nhiều diện tích, sẽ có tiền để giúp ích cho đời, ước
nguyện xây một bệnh viện miễn phí cho người nghèo của nhà sư nào có sá gì.
Nhà sư cảm kích trước ý kiến của vị tiến sĩ, rồi hỏi biết tìm đâu ra giống,
và làm cách nào cho ra sản phẩm quý hiếm là trầm. Vị tiến sĩ hứa sẽ giúp
cây giống, còn tạo trầm thì còn quá sớm để nói, và đó là công việc của các
nhà khoa học. Ông ta chỉ cho nhà sư rằng ở xã Hàm Ninh - Phú Quốc có vườn
cây ăn trái của anh Lập, cán bộ nông nghiệp của huyện, có giống cây dó
bầu. Sau đó, nhà sư tìm đến và xin được rất nhiều giống đem về trồng tại
suối Ðá Bàn. Năm 1992, sư Thích Giác Nhi đưa giống cây này về trồng ở núi
Chứa Chan.
Sau nhiều năm tự nghiên cứu,
nhà sư rút ra được kinh nghiệm rằng, cây dó thích hợp với nhiều loại đất,
nhưng đất phải cao, không bị ngập úng vì quê hương của cây dó là núi rừng
đại ngàn. Hạt dó cũng rất khó tính, hái rồi là phải ươm, gieo liền. Gieo
ươm trễ một ngày thì giảm tỉ lệ nảy mầm một phần. Ông đưa ra 3 cách ươm,
cách nào cũng đơn giản, dễ thực hiện. Khi hạt ra cây con độ 3 tuần tuổi
thì bứng đưa vô bầu, phải làm giàn che cho mát, nếu không có lưới che mát
thì phải có hệ thống tưới quay phun. Cây giống từ 6 tháng tuổi trở lên,
cao từ 3-4 tấc thì có thể trồng được. Thời điểm trồng là đầu mùa mưa, khi
nào lượng nước mưa đủ ướt đều mặt đất. Trồng cây cách nhau 4 m, hàng cách
hàng 5 m. Ông nói: “Cha ông đã dạy “lập vườn đừng cho đụng lá, nuôi cá đừng
cho đụng vi”. Còn tôi nghĩ rằng, con người thích tự do tự tại, không muốn
để bị ai gò bó, ép buộc. Cây cối cũng vậy thôi”.
Người dân
trong vùng gọi sư Thích Giác Nhi là ông sư “kinh tế”.
Ðơn giản là từ khi về sống ở vùng núi
này, nhà sư quần quật với đất, tự kiếm ra cái ăn cho mình, cho tăng ni.
Cùng với việc trồng 5,000 cây dó, nhà sư trồng nhiều loại cây khác xen
canh để lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu một mình nhà sư lăn lóc dưới chân núi,
về sau có đệ tử theo học đạo, vừa tu tập vừa trồng cây với thầy. Học đạo
qua việc đời, mà cụ thể là gieo từng hạt giống của cây dó, chăm sóc cho
nảy mầm, lên cây. Trong tịnh thất có 12 tăng ni, trồng hoa màu xen canh
mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này đủ cho thầy trò sống
mà trồng dó, trích ra một ít chi cho phòng khám đông y do nhà sư lập ra để
khám chữa bệnh từ thiện. Ngoài tăng ni trong chùa, còn có người dân trong
thôn đến làm việc trong vườn ươm và được trả công xứng đáng. Ông dạy đệ tử
không những phải làm việc để tự nuôi sống mình mà còn phải giúp đỡ người
khác kiếm sống, ông đặt thơ: “Tu không giúp đỡ thôn dân/ Chữ tu ấy có ai
cần làm chi”.
Chuyện làm ăn của sư Thích
Giác Nhi từ cây bầu dó còn mang lại hiệu quả bất ngờ hơn. Sau 10 năm trồng
cây đến tuổi cho ra hạt, ông lấy hạt ươm và cho cây giống. Từ khi đưa hạt
vào bầu ươm cho đến khi có cây giống bán mất 10 tháng. Cây giống dó bầu
rất khan hiếm nên giá khá cao. Một cây ở nơi khác bán 7,000 đồng, riêng vườn
của ông sư “kinh tế” chỉ bán 5,000 đồng. Ông tính toán: “Một cây giống,
tôi chi phí 2,500 đồng, bán 5,000 đồng là có lời rồi. Một năm, tôi bán ra
được 1.2 triệu cây giống, lời được 3 tỉ đồng”. Ông cho biết thêm, hiện nay
vườn gió có 700 cây cho quả để lấy hạt làm giống, mỗi năm thu được gần 300
kg hạt, đủ khả năng sản xuất trên 2 triệu cây giống. Bài toán kinh tế của
nhà sư không dừng lại ở đó, ông đưa cho tôi xem bản phân tích hiệu quả
kinh tế của việc trồng cây dó. Ông tính toán chi phí đầu tư cho mỗi hécta
từ năm thứ nhất đến năm thứ 15 khoảng 125 triệu đồng, khai thác và chế
biến khoảng 15 triệu đồng, tổng cộng chi phí đầu tư khoảng 140 triệu đồng
mỗi hécta.
Bài toán thu lãi cũng rất rõ
ràng, mỗi cây trầm dó từ 12 đến 15 năm tuổi cao từ 8 đến 10 m, bình quân
trọng lượng mỗi cây từ 50 đến 80 kg, đem chế biến thành bột trầm. Tính
bình quân từ 60 đến 70 kg, mỗi kilôgram giá bình quân 100,000 đồng. Như
vậy, mỗi cây tính thấp nhất cũng thu được 5 triệu đồng. Mỗi hécta trồng được
1,000 cây. Thu được 5 tỉ đồng, trừ chi phí đầu tư, lãi được trên 4.8 tỉ đồng.
Tôi hỏi sư có chắc ăn lãi to như thế không, ông nói vẫn có những phát sinh
làm tăng chi phí đầu tư hay các rủi ro khác, nhưng chắc chắn an toàn vì
lợi nhuận từ cây dó quá cao. Ông phân tích tiếp: “Ðó là tôi chỉ đề cập đến
cái khiêm tốn nhất là làm bột trầm. Còn nếu có kỹ thuật và đầu tư xử lý
tạo trầm thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều. Trầm hương dùng làm vị
thuốc, hương liệu, nước hoa cao cấp, ướp xác. Tùy theo chất lượng của trầm
mà có được giá bán cao hay thấp”.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/kinhte_giupdan.htm