Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Sư trưởng Như Thanh: Một bậc chân tu
Sư cô Hạnh Huệ

Trải dài trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, hình ảnh của bậc Lão Ni lác đác như vài vì sao lẻ loi trong đêm trường tăm tối, có lúc lại hoàn toàn vắng bặt, như vào đầu thế kỷ 20 này. Ni chúng chỉ trở thành những bà vãi công quả, làm thường trụ tại những chùa Tăng. Nhưng có ai ngờ một sức mạnh tiềm tàng đang đợi thời cơ bộc phát. Vào khoảng thập niên 30, những lời kêu gọi hùng hồn của Sư cụ Diệu Tịnh trên báo Từ Bi Âm đã thổi một luồng gió mới khởi đầu cho sự thành lập Ni bộ sau này. Người chính thức kết hợp được Ni chúng miền Nam chính là Sư trưởng Như Thanh, một bậc Lão Ni xuất cách, một ngôi Bắc Đẩu soi đường cho Ni chúng, một bậc chân tu với trọn vẹn ý nghĩa: Người đã làm những việc khó làm.

Như thế nào là bậc chân tu?

Mộng Sơn Sơ Thạch (Muso Kokushi 1274- 1361) một vị Quốc Sư của bảy đời vua Nhật Bản, trong bài văn Phổ Khuyến nói:

"Tôi có 3 hạng đệ tử:

  • Trước hết là những người dõng mãnh chặt đứt tất cả ràng buộc của chư duyên, nhất tâm tham cứu chỗ tâm yếu của chính mình, và đó là hạng Thượng căn.
  • Thứ đến là những người không nhất tâm tu học, mang lòng tán loạn tìm cầu kinh sách, đó là hạng thứ nhì.
  • Còn những người tự che khuất cái sáng của tâm mình, chỉ cầu mưa móc của chư Phật Tổ nhểu xuống, đó là hạng thấp hèn nhất.

Còn những người tâm nhiễm tục học, cố tạo một cái danh văn nhân, học giả, chỉ là hạng ngoại đạo trọc đầu, cả đến trong hàng đệ tử thấp nhất cũng không nhập bọn được.

Còn nói chi hạng người chỉ ham ăn mê ngủ, biếng nhác ươn hèn, há có thể gọi là người của Tăng-già sao? Cổ đức gọi họ là phường giá áo túi cơm, thật chẳng quá đáng. Bởi lẽ họ không đáng gọi là Tăng, nên tôi cấm họ xưng là đệ tử của tôi, cấm vào chùa vào viện, cả đến tạm trú cũng không chấp thuận được, huống nữa là xin nhận vào hàng học Tăng..."

(Trích Thiền Luận I, Suzuki – Trúc Thiên dịch)

Ngài Mộng Sơn phân biệt những người học đạo như thế đó. Hạng chân tu đối với Ngài khá rõ ràng là người dốc toàn tâm tham cứu chỗ tâm yếu. Chỗ mà Đức Phật đã vì đó mà xuất hiện ở đời để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập: TRI KIẾN PHẬT.

Cho tới nay, hình dáng Ni cô đối với người đời, vẫn được nhìn qua những quan niệm không mấy gì chính xác. Đa số vẫn cho rằng đời sống tu hành chỉ dành cho những người thất cơ lỡ vận, bất tài vô tướng, quê mùa ít học, bệnh hoạn yếu đuối, quá lứa lỡ thì, hay thường là tình duyên trắc trở, nương tựa cửa thiền vui lời kinh câu kệ, mượn tiếng mõ tiếng chuông để quên đi đời khổ lụy. Ni cô là hình ảnh của sầu bi vô vọng. Ít ai nghĩ rằng nữ giới đi tu vì muốn tìm hiểu giáo lý cao siêu, vì muốn bước trên đường giải thoát khổ đau. Càng hiếm hoi hơn nữa khi nghĩ rằng nữ tu sĩ muốn trở về Phật tánh sẵn có, muốn phát huy tiềm năng rộng lớn của bản tâm, muốn hưng long Phật pháp và muốn cứu độ muôn loài. Vậy mà trên thực tế đã có những vị như thế! Không kể những Trưởng lão Ni cự phách thời Phật tại thế như Di mẫu Kiều-đàm, Bạt-đà, Liên-hoa-sắc, Patacara v.v..., những Trưởng lão Ni với những bài kệ sắc bén chứng minh sức mạnh nội tại của bậc trượng phu dưới hình hài thục nữ yểu điệu. Cũng không kể đến rất nhiều, rất nhiều những bậc Đại Ni lừng lẫy ở Trung Hoa, những Lưu Thiết Ma, Ni Mạt Sơn Liễu Nhiên, bà Ni Thực Tế một thời áp đảo Đại Tăng, hay những Ni cô Nhật Bản để lại những giai thoại tuyệt vời. Chỉ cần kể ở Việt Nam, một Ni sư Diệu Nhân đời Lý Thánh Tông, mà bài kệ độc nhất của Bà để lại, cũng đã khiến những học giả thông thái đời này hiểu lầm một cách tai hại vì không thấu lý:

Sanh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên,
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu thiền.
Thiền, Phật bất cầu,
Uổng khẩu vô ngôn.

Ni sư Tuệ Thông đời Trần Nghệ Tông (1370- 1372) tuy không để lại thi kệ, nhưng cuộc đời Ni sư được mọi người kính mộ, Vua đích thân ban hiệu Tuệ Thông Đại sư, tên tuổi ngang hàng với các bậc Cao tăng. Chúng ta cũng đủ thấy Ni giới gánh vác Phật sự không kém ai.

Nay đọc qua tiểu sử Sư trưởng Như Thanh, điều trên lại một lần nữa được chứng minh. Trẻ tuổi xuất gia, Sư trưởng đã nỗ lực tìm Thầy học đạo, ra Bắc vào Trung nghiên tầm Kinh Luật Luận. Ở thời điểm ấy phương tiện giao thông không thuận tiện như hiện giờ, Sư trưởng đã không chùn bước trước những khó khăn bất tiện đối với thân nữ nhi. Với ý chí kiên cường, Sư trưởng đã đạt thành bổn nguyện. Bản tánh nữ nhi vốn yếu đuối an phận, nhưng Sư trưởng thì không. Bẩm chất thông minh, với học vấn căn bản, Sư trưởng đã sớm nhập lẽ huyền, vào được biển pháp mênh mông, đích thân thể nghiệm pháp vị:

Hành giả tu chơn,
Âm thầm liễu ngộ,
Thấu tỏ lòng mình,
Tròn đủ tánh Phật.
(Âm Thầm Liễu Ngộ,
Hoa Chánh Giác)
 
Tự biết lòng mình,
Phật tâm sẵn có,
Niết-bàn tánh thể,
Ai cũng như nhau,
Chỉ vì vọng tâm,
Sanh ra ô nhiễm.
Hôm nay tỏ ngộ,
Vận dụng công phu…
(Chuyển Nhiễm Huờn Tịnh, Hoa Chánh Giác)

Từ đó Sư trưởng ra công hàm dưỡng nuôi lớn Thánh thai:

Đạo hạnh càng cao,
Tinh thần càng sáng.
Ngày đêm nung luyện,
Cho đức thêm dày.
Người tu hành đạo,
Giống như mẹ hiền,
Nuôi dưỡng lòng mình,
Chắt chiu từng chút.
Lòng mình chẳng an,
Làm sao vui đạo?
Hành giả ngại lo,
Khi lòng xao xuyến.
Hành giả vui vẻ,
Khi lòng tịnh an.
Công phu dưỡng tâm,
Ân cần tha thiết.
Nếu không hàm dưỡng,
Tu chẳng trọn nên.
Hàm dưỡng thâm sâu,
Ngày thêm giá trị.
(Hàm Dưỡng Tâm Linh, Hoa Chánh Giác)

Càng công phu, đạo mầu càng sáng tỏ. Cuộc đời huyễn mộng với tiền tài, danh lợi, sắc dục v.v... khiến bao người điên đảo. Nay đã rõ rồi! Sắc sắc không không chẳng làm lầm ta nữa. Tâm như gương sáng, từ nay thong dong chuyển mê thành ngộ, chuyển tội thành phước, chuyển nhiễm thành tịnh, chuyển ngu thành trí, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển sanh tử thành Niết-bàn, chuyển phàm thành Thánh. Đã rõ rồi, muôn vật thảy từ tâm!

Bậc trí đức cảm thông từ chơn tánh,
Lẽ "Có Không" trong tánh tịnh nhơn sanh.
Người tri cơ thấu rõ lý đành rành,
Không với Sắc, chẳng sanh và chẳng diệt.
(Người Con Phật - Bài 8)

Nay tha hồ "Dĩ huyễn thân tác huyễn sự, hà huyễn lao!" Rồi với nguyện lực sâu rộng, Sư trưởng:

Nặng lời tâm nguyện ý chơn thành,
Đem tấm thân này hẹn sử xanh.
Góp nhặt công lao vào đất Phật,
Dựng nên nghiệp cả mới an lành.
(Nguyện Lực Hoằng Thâm – Hoa Chánh Giác)

Nhiệt tình với tiền đồ Phật pháp, hăng hái trong việc kết hợp lại Ni chúng toàn miền, Sư trưởng đã đôn đáo bôn ba khắp Đông Tây, động viên tinh thần Ni chúng, vẽ một khung trời xán lạn mai sau. Quý Sư bà, Ni sư đều đồng tâm hợp lực, sẵn sàng tuân thủ sự chỉ đạo của Sư trưởng để dựng xây nền móng, lo chỉnh đốn việc học, việc tu, thức tỉnh tính ỷ lại, cầu an của đa số Ni chúng:

Suốt đời tâm nguyện giữ bền lâu,
Nguyện chúng Ni lưu chứng đạo mầu,
Nguyện đặng học hành thông lý lẽ,
Nguyện mau tỏ ngộ pháp Thiền sâu.
(Nguyện Lực Hoằng Thâm – Hoa Chánh Giác)

Vốn liếng thi văn phong phú, Sư trưởng làm thơ làm kệ, dạy từ các điệu mới vào chùa, còn ham ăn ham ngủ, ham áo ham quần, ham đùa ham giỡn:

Than vì xa chợ, xa hàng bánh,
Buồn nỗi không tiền, không vải may.
Ngó trước nước sông càng thót ruột,
Dòm sau rừng bụi lại chau mày.
(Nực Cười các Điệu – Hoa Đạo)

Sư trưởng khuyên từ các điệu đến những vị tu đã lâu, tương chao đã thấm nhưng không tâm cầu tiến, nên nghiền ngẫm dở hay, đường tu còn dài, nhơn quả tùy nơi ta. Hãy lựa đường mà bước, lựa nhà mà tu. Đọc bài thơ Bừng Tỉnh của Sư trưởng, không ai ngờ đó là kệ của một Lão Ni, đủ thấy tấm lòng từ bi của Sư trưởng, khiến tâm mình thông vào tâm Đại chúng, trái tim luôn luôn tươi mới, đánh đúng tâm lý chúng sanh thời đại, tâm lý của đa số Ni chúng thời nay:

Trong giấc mơ nồng,
Tôi thấy đời tôi,
Sống trong êm ấm,
Cơm áo no đủ.
Không phải lo nghĩ,
Chỉ làm công việc,
Thường lệ hàng ngày,
Chỉ phải tụng kinh…
Tôi nghĩ con Phật,
Giống như con vua,
Muốn gì được nấy,
Thời xưa khổ cực,
Ngày nay thanh nhàn.
Thọ hưởng lúc nào,
Yên vui lúc nấy.
Tới đâu hay đó,
Như thế là hay,
Đời tu của tôi,
Chỉ theo thời cuộc…
(Bừng Tỉnh – Hoa Chánh Giác)

Tuy đã chấp nhận đời tu, vẫn có người sống say chết mộng như thế. Cho đến một ngày bừng tỉnh khi cuộc sống có sự đổi dời, mộng cũ chợt tan, lúc ấy ta mới lo cho một ngày Phật pháp suy vi, đạo tràng tan nát, ai gánh vác được? Làm sao đền ơn Thầy Tổ? Sư trưởng vạch một hướng đi rành rẽ, quyết định cho những kẻ non dạ nọ:

Chỉ còn một cách,
Phản tỉnh tự tri,
Phấn chấn tinh thần...
(Bừng Tỉnh – Hoa Chánh Giác)

Quyết gánh vác mọi nặng nhọc tùy duyên vừa học, vừa tu:

Cho đời rõ biết,
Chí lực người tu,
Là kẻ hùng tài,
Là người đởm lược.
(Bừng Tỉnh – Hoa Chánh Giác)

Phải tiến cho đến hơi thở sau cùng, vẫn tiến tiếp đời sau. Tiến đến công tròn quả đủ, nối ngôi vị Phật mới thỏa lòng. Thật là khí phách trượng phu!

Ta nghe phảng phất đâu đây hào khí Lệ Hải Bà Vương: "Ta muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi, cứu dân ra khỏi cơn đắm đuối, chứ thèm gì bắt chước người đời, cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp người ta." Sư trưởng thì:

Trời cao tung vượt cánh hồng,
Lập nên đạo cả, trọn xong lời nguyền.
(Con ơi - Bài 5)

Đem người tu sánh với anh hùng kể cũng nực cười! Xin cứ cười, nhưng hãy dành đôi phút chiêm nghiệm lại xem. Phật dạy: "Chiến thắng ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất." (Pháp Cú)

Không ít anh hùng thân bại danh liệt vì tình, vì tiền. Biết bao người quyền cao chức trọng vì không cưỡng nổi bả lợi danh đã đưa thân vào vòng tù tội. Con người mưu cầu hạnh phúc nên cứ chen nhau xông tới, càng tiến hạnh phúc càng xa. Trong khi hạnh phúc đích thực lại do sự dừng lại, quay về với bản tâm. Cho nên dù trải qua bao thăng trầm, giá trị đạo đức vẫn đứng ở vị trí tuyệt đối. Có đạo đức mới được gọi là một con người, một Đại nhân, một Đấng Thế Tôn.

Chí khí vút tận núi cao, nhưng công hạnh phải bắt đầu từ thung lũng sâu. Sư trưởng phất cao ngọn cờ giáo nghĩa, mong đàn hậu học nuôi lớn chí khí kiên cường, xa lìa đường tăm tối, thẳng bước trên nẻo quang minh:

Con ơi tâm huyết ở lòng ta,
Vì đạo không nài giọng thiết tha.
Vọng tưởng lòng con thường tỉnh xét,
Mảnh gương lồng lộng chói sáng lòa.
(Kệ Khuyên Thi Hành Diệu Đạo – Hoa Đạo)

Sư trưởng dạy dỗ kỹ càng, chăm chút từ sự đến lý. Những lời dạy làm ta liên tưởng đến Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, chu đáo đến không ngờ:

Chớ ngôn thuyết những lời đanh đá,
Chớ khoa trương tài lạ đây kia.
Người học đạo cớ sao hiềm khích,
Mãi thị phi châm chích lẫn nhau?
Thầy không thương, bạn cũng lo rầu,
Người như vậy xa mau cõi đạo.
(Nếu Con - Bài 4)

Lời nào cũng có thể là những bài học suốt đời cho người học đạo:

Khi lui tới con không bỡ ngỡ,
Khi ra vào con tợ gương trong,
Khi đứng ngồi như quả chuông đồng,
Khi nằm nghỉ: hư không yên lặng.
(Nếu Con - Bài 7)

Sư trưởng có tấm lòng như thế, dạy khuyên nhắc nhở mọi người thiết tha như thế! Chính Sư trưởng lại là tấm gương sáng chói về tính bình đẳng, khiêm hạ, thiểu dục:

Tánh bình đẳng, chỉ một lòng thông đạt,
Trí cao minh, luôn hoạt bát hơn người,
Hạnh ôn nhu, êm dịu tiếng nói cười,
Đức kham nhẫn, rạng ngời gương cao khiết.
(Người Con Phật - Bài 5)

Sư trưởng ăn ít, ngủ ít, miệt mài Kinh điển, vừa dịch thuật, vừa giảng dạy, vừa sáng tác. Sức làm việc của Sư trưởng khiến đệ tử le lưỡi lắc đầu: Không sao theo nổi! Sư trưởng lại chẳng phải là người to lớn, mập, mạnh. Dáng nhỏ bé của Sư trưởng làm tôi kinh ngạc trong lần đầu diện kiến. Tấm thân tuy nhỏ nhưng sự nghiệp to lớn biết bao!

Sư trưởng còn là người tạo dựng Tòng Lâm không mỏi mệt. Có người gièm rằng: "Xây dựng chùa to, Phật lớn, đâu bằng đào tạo Tăng tài - những ngôi chùa sống động - tốt hơn. Vì mạng mạch Phật giáo còn hay mất là ở chỗ có người gánh vác việc Như Lai hay không, chớ không ở chỗ chùa lớn hay không." Há điều này không vội vã quá ư! Phật có vô lượng pháp môn, hóa độ vô lượng căn cơ. Có người theo lý vào đạo; có người nương sự, nương tình. Sư trưởng cũng tùy duyên tạo cho Ni chúng có chỗ yên tâm tu học, tạo cảnh cho kẻ sơ cơ phát đạo tâm. Sau những cực nhọc lao đao, sau những bon chen giành giật, sau những thủ đoạn hơn thua, chợt một ngày nhìn thấy tượng Bồ-tát Quan Âm tư dung thanh thoát, mỉm nhẹ nụ cười, rủ bóng từ bi đứng bên vách núi nhìn sóng biển nhấp nhô, lòng người đương nhiên trầm lắng lại, hồi tưởng việc đã qua, e có chút phần tỉnh ngộ chăng? Hoặc đang ở chốn ồn náo xôn xao, bước qua cổng chùa, hít thở không khí tĩnh lặng, bình an cũng dễ khiến người thư giãn, dịu bớt căng thẳng, có khi khám phá ra cuộc sống sâu sắc hơn, ý vị hơn, đáng sống hơn chăng? Rốt cuộc thì, khó nói sao cho trúng. Có tâm Phật thì mọi tư tưởng, lời nói, hành động đều thành Phật sự. Mang tâm ma thì mọi thành quả đều của ma. Thế thôi.

Người giác ngộ nhìn đâu cũng tốt,
Kẻ si mê sảng sốt ngỡ ngàng.
Con soi lòng hai chữ "minh quang",
Mới thấu rõ tâm an tánh tịnh.
(Nếu Con - Bài 9)

Sư trưởng an nhiên hành huyễn sự:

Vào đời đã có chủ trương,
Ngàn muôn sự việc vững nương tâm tràng.
(Tu Như Huyễn Pháp, Hành Như Huyễn Sự – Hoa Chánh Giác)

Sư trưởng tuổi già sức yếu vẫn đích thân theo dõi các công trình xây dựng. Có phen Sư trưởng trượt té gãy vai, sức yếu tuổi già tưởng chừng nguy hiểm đến tánh mạng. Đệ tử xót xa khi thấy Sư trưởng có lúc dường như quên hết mọi sự. Nhưng thật nhiệm mầu, trải qua một thời gian không ăn khoảng hơn hai năm, thể xác hao mòn nhưng trí óc Sư trưởng lại dần hồi phục. Với những người đến thăm, Sư trưởng vẫn ân cần nhắc nhở, khuyên tu, làm Phật sự.

Sư trưởng còn chu đáo dặn dò đệ tử phần hậu sự của mình. Khi xác thân này tan rã có còn gì, chỉ như làn mây bạc nhẹ nhàng tan biến. Tâm đã an, tánh đã tịnh, ai còn ham kèn trống, điếu viếng lăng xăng như người đời? Ngày về Phật là ngày bước về quê cũ, đạo tình đã trọn, lo dọn mình cho hợp đạo tâm, không còn ham bề thế để tâm rộn ràng. Sư trưởng khuyên đệ tử chớ báo tang, đám sám, không làm tuần thất, không Trai tăng. Sư trưởng cho rằng đó là lấy của chung làm của riêng, điên đảo như người đời, vô ích. Chỉ yêu cầu:

Hàng môn đồ chơn chánh niệm tu,
Lặng yên tâm chẳng mờ lu,
Coi như giấc ngủ ngao du không lời...
(Ngày Về Phật)

Và dặn:

Đừng nên xây tháp để nghèo,
Đừng nên phí của làm theo nhà giàu...
(Ngày Về Phật)

Muốn tỏ lòng hiếu đạo, phải nương chơn tâm, phủi giũ vọng tình. Lo khai mở bi trí, đầy đủ đạo hạnh, không lo sự đời, chỉ lo đạo quả tinh thông. Kinh sách để làm của chung, đừng tính cất riêng, cùng nhau học tập, truyền lại hậu lai. Và Sư trưởng hứa hẹn:

Ngày về Phật keo sơn gắn chặt,
Nguyện vãng lai bồi thắt duyên lành.
Mong sao Phật sự trong thanh,
Thập phần viên mãn hóa thành Chân như.
(Ngày Về Phật)

Sư trưởng ý chí ngất trời, một thân một mình lội sâu biển đạo, biết có tri âm? Thương xót đàn hậu tấn nông cạn, yếu ớt, Sư trưởng đã phí bao công lao bồi đắp. Ruột gan đã phơi bày, hành trạng của một đời quên thân vì đạo. Cuối đời, vì hoàn cảnh đổi thay, vì tuổi già sức yếu, Sư trưởng đã quy ẩn, nhưng vẫn luôn luôn là cây Đại thọ phủ bóng che mát cho Ni chúng miền Nam. Ngày nay, lớp Ni trẻ tuổi hồn nhiên tu học, có biết đâu đang đi trong bóng mát của bao bậc tiền bối khả kính. Với chủ trương buông xả tận cùng, nhưng cho tất cả chính là được tất cả, ân đức của Sư trưởng làm sao Ni chúng miền Nam có thể bỏ qua dịp đền đáp ơn sâu!

Hoài bão của Sư trưởng cũng như của quý Tôn túc Ni đang dần dần thành tựu. Ni chúng ngày càng đông đảo, trình độ Phật pháp được nâng cao, nhiều vị đầy triển vọng, hứa hẹn một tương lai rực rỡ. Ngày nay, tuy trên danh nghĩa thì Ni bộ không còn, nhưng tinh thần ấy đã thấm sâu vào lòng Ni chúng. Dù Sư trưởng không quan tâm, nhưng lịch sử Phật giáo Việt Nam ắt hẳn không quên hành trạng của những vị lãnh đạo tinh thần kiệt xuất của Ni giới khắp mọi miền. Và đàn hậu tấn sau này sẽ hãnh diện: Ngày xưa đã có những bậc Lão Ni như thế!

Viên Chiếu, ngày 20-12-1997.
Sư cô Hạnh Huệ

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang