Trên trào lưu thế giới cũng
như trong nước, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật,
nữ lưu đã thể hiện được bản lĩnh và tài năng không thua kém gì nam
giới, đôi khi còn vượt trội hơn.
Trong hàng ngũ Ni giới Phật giáo, hơn 60 năm qua đã xuất
hiện một vị Ni tài uyên thâm nội điển cũng như ngoại điển, có tài tổ
chức và lãnh đạo. Đó chính là Sư trưởng Như Thanh khả kính. Nhờ tài
đức của Sư trưởng, Ni bộ thuộc Phật giáo Việt Nam mới có một nền
móng vững chắc và quy mô như ngày hôm nay.
Sư trưởng Như Thanh là người chính gốc Nam bộ, xuất
thân trong một gia đình khoa bảng, có địa vị cao trong xã hội, đặc biệt
là một gia đình có truyền thống tin theo chánh pháp lâu đời. Đây là thuận
duyên tạo cho Sư trưởng phát nguyện xuất gia hành đạo. Phải chăng nhờ
hun đúc truyền thống gia đình cũng như tính chất người Nam bộ, nơi có
những bước đột phá trong công cuộc phục hưng Phật giáo nước nhà, trước
cả miền Trung và miền Bắc, mà từ lúc còn trẻ, Sư trưởng đã thể hiện
một ý chí mạnh mẽ, một quyết tâm cao trên bước đường phụng sự và
xiển dương chánh pháp.
Vào năm 1932, lúc Sư trưởng 22 tuổi, được phụ thân chấp
thuận, Sư trưởng đã xin Hòa thượng Pháp Ấn làm lễ thế phát xuất
gia. Từ đó, Sư trưởng tinh tấn tu học, được Hòa thượng bổ xứ đến
nhiều chùa ở miền Nam. Ước nguyện cầu học ngày càng thôi thúc, năm 28
tuổi, Sư trưởng bắt đầu lên đường ra Huế tham cầu học đạo. Địa
điểm đầu tiên Sư trưởng đến là chùa Ni Diệu Đức nổi tiếng, người
Huế thường gọi là chùa Sư nữ một cách thân mật, được Sư bà Diệu
Không ân cần tiếp đón. Tại đây, Sư trưởng được Hòa thượng Mật Hiển
giảng dạy những bộ kinh quý như Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã v.v… Rồi,
Sư trưởng một mình đi ra Bắc, duyên lành nảy nở, Sư trưởng xin thọ
Đại giới Tỳ-kheo-ni vào dịp chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông mở Đại giới
đàn. Lần lượt, Sư trưởng đến chùa Trấn Quốc tỉnh Hưng Yên cầu học
bộ Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Lược Ký, chùa Bằng Sở tỉnh Hà Đông cầu
học bộ Luật Tỳ Kheo Ni Sao. Không bỏ lỡ dịp tốt, Sư trưởng đã hành
hương chiêm bái các Phật tích nổi tiếng ở miền Bắc. Khi tới Yên Tử
chiêm bái thánh tích Trúc Lâm, trước cảnh trí u nhã, thanh thoát, lòng bồi
hồi xúc động, Sư trưởng đã lưu lại ba tháng để tọa thiền, thư giãn
tinh thần, bồi dưỡng khí lực sau một thời gian miệt mài học tập.
Năm 1941, trên đường trở về Nam, Sư trưởng tranh thủ ghé
lại Tổ đình Thập Tháp, tỉnh Bình Định lưu lại năm tháng, xin Hòa thượng
Phước Huệ giảng dạy kinh Lăng Già Tâm Ấn là bộ kinh uyên áo và khó
trong giáo điển Đại Thừa. Là người thông minh, mẫn tiệp, cộng với
tính cần cù chăm chỉ, đâu đâu Sư trưởng cũng tiếp thụ mau chóng tinh
ba, yếu lý của Kinh Luật, được chư vị Hòa thượng tán thán ngợi khen.
Với nỗ lực bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn,
Sư trưởng đã lặn lội khắp các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ để sách
tấn Ni giới, đào tạo Ni tài. Sau khi đã ổn định xong, được Chư Tôn
giáo phẩm chấp thuận, vào tháng 10 năm 1956, Sư trưởng đã thành lập Ban
lãnh đạo Ni bộ lâm thời Nam Việt, có nội quy và hệ thống điều hành
riêng, trụ sở đầu tiên của Ni Bộ Nam Việt đặt tại chùa Huê Lâm, Chợ
Lớn.
Ngoài việc tận tình chăm lo hướng dẫn Ni chúng vững tiến
hành đạo, Sư trưởng cũng đã bỏ nhiều công sức để kiến tạo, xây dựng,
trùng tu nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Lúc 25 tuổi, Sư trưởng đã đích
thân cùng quý Ni trưởng đồng lớp xây dựng ngôi chùa Ni đầu tiên ở miền
Nam là chùa Từ Hóa tại Tân Sơn Nhì (sau đổi là chùa Hải Ấn). Lần lượt
qua thời gian, Sư trưởng đã nhiều lần tôn tạo các ngôi chùa như Huê
Lâm I, Huê Lâm II, chùa Dược Sư, chùa Từ Nghiêm v.v… càng thêm khang trang
đẹp đẽ. Mới nhất, vào năm 1992, mặc dù đã bước vào tuổi 82, Sư
trưởng đã tự mình phác họa đồ án xây dựng tượng đài Quan Thế Âm
tại chùa Hải Vân (Vũng Tàu), được khởi công xây dựng vào ngày 19
tháng 02 năm Canh Ngọ (15-3-1990) mất hai năm thi công. Trong thời gian này, Sư
trưởng thường lên núi để đôn đốc, chỉ đạo kỹ sư thiết kế thực
hiện công trình đúng theo sơ đồ. Sư trưởng không ngại hao tốn, dốc hết
tâm sức, trí tuệ, tạo dựng một công trình có tầm cỡ quy mô đồ sộ,
nằm lưng chừng núi Nhỏ (Vũng Tàu), mặt hướng ra biển cả mênh mông, tạo
cho nơi đây trở thành một danh thắng kỳ vĩ. Có thể xem đây là một
công trình văn hóa chưa từng có từ trước đến nay do Ni giới Việt Nam
thực hiện.
Trên lĩnh vực trứ tác, phiên dịch, Sư trưởng cũng thể
hiện một tài năng bậc Thầy, đã xuất bản hàng chục tác phẩm giá trị.
Ngoài ra, Sư trưởng cũng là một nhà thơ có tâm hồn, sáng tác nhiều tập
thơ hòa quyện bản chất Phật giáo và dân tộc. Không những thế, Sư trưởng
còn là một người có biệt tài sử dụng ngôn từ, lời lẽ khúc chiết dễ
đi vào lòng người. Không chỉ giỏi trong thuyết giảng mà còn xuất sắc
trong biện luận, nhất là vào các dịp hội nghị. Như kỳ Đại hội Hoằng
pháp vào năm 1962 tại Phật học viện Nha Trang mà tôi có cơ duyên tham dự,
Sư trưởng đã đòi hỏi quyền hạn hoằng pháp cho Ni giới với những lời
lẽ hùng hồn, hết sức thuyết phục, khiến cho chư vị Tôn túc cùng các
cư sĩ tiêu biểu đều đồng tình ủng hộ.
Sư trưởng đã đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống
hiến cho sự nghiệp hoằng hóa độ sanh. Đạo nghiệp của Sư trưởng thật
cao dày, chói lọi. Hôm nay, ghi lại những thành quả to lớn của Sư trưởng,
lòng tôi càng thêm cảm phục sâu xa và cũng nhận ra được cái thành kiến
sai lầm trọng nam khinh nữ của tôi trước kia.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành sám hối với Sư trưởng,
đồng thời cũng xin sám hối cùng tất cả các giới nữ lưu khác, trong đó
có Ni giới Việt Nam.
- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21- 8–1998.
-
- Võ Đình Cường
- - Trưởng Ban Văn Hóa Hội Đồng Trị Sự GHPGVN.
- - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu PHVN.