- Đức tánh bình đẳng
- Thích Nữ Như Huệ
Bình đẳng là một đức tánh vừa thể hiện được
sự cao đẹp của con người, của xã hội, lại vừa nêu bật được ý
chí, đạo tâm của người xuất gia.
Ngay khi Phật còn tại thế, Ngài cũng thường dạy hàng đệ
tử xuất gia cũng như tại gia: phải đem tâm bình đẳng đối xử với mọi
người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ. Trong giáo đoàn của
Phật bao gồm cả những vị Vương tôn công tử thuộc giai cấp cao nhất
trong xã hội, cho đến những kẻ cùng đinh, người hốt phân, kỹ nữ... cũng
được Phật độ cho xuất gia và đều chứng thành đạo quả.
Giáo lý của Phật không chỉ chứa đựng những chân lý
sâu xa, mà còn nhắm đến những gì thiết thực nhất trong cuộc sống của
con người. Đó là cứu khổ, ban vui. Đức Phật muốn san bằng hết mọi
ranh giới mà xã hội đã đặt ra cho con người từ muôn đời trước. Đó
là mục đích để đạo Phật vào đời, hòa nhập vào dòng đời, thể hiện
đúng chức năng của một giáo pháp bình đẳng, vô ngã vị tha.
Nhìn qua lịch sử nhân loại, chúng ta ắt sẽ thấy đầy
trong thế giới từ ngàn xưa, bao nỗi bất công tàn bạo do chính con người
tạo ra cho con người. Sự phân định giai cấp chia rẽ kẻ giàu người nghèo,
trọng nam khinh nữ đã trở thành một quy luật bất di, bất dịch. Để rồi
trong sự ức chế cùng cực ấy, đã tạo nên cuộc cách mạng vô tiền
khoáng hậu trong lịch sử loài người. Đạo Phật ra đời chính là muốn
xóa đi cái ranh giới phân định vô lý ấy và chân lý về giọt nước mắt
cùng mặn, giòng máu cùng đỏ như nhau đã trở thành một chân lý sống lưu
truyền mãi trong thế gian này.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, Sư trưởng Như Thanh chỉ
chuyên một tâm niệm hy sinh vì đạo pháp, vì sự nghiệp đào tạo thế hệ
Ni tài. Với bổn nguyện độ sanh, Người đã cố công dìu dắt hướng dẫn
để Ni chúng sớm trở thành rường cột cho đạo pháp mai sau. Hạnh nguyện
cao cả của Người, chúng ta không làm sao kể hết. Nhưng điều làm cho Ni
chúng và mọi người kính phục Người chính là đức tánh bình đẳng.
Người thể hiện sự bình đẳng không chỉ ở trên ngôn từ mà ngay trong
tư tưởng, trong từng hành động. Lúc nào, Người cũng ẩn chứa một sự
bao dung vô tận, một tâm bình đẳng thiết tha đối với mọi người và
đối với cuộc đời.
Sư trưởng Như Thanh, vị Thầy khả kính đã thể hiện đúng
tính cách của một vị xuất gia đầy lòng bình đẳng vị tha. Người đã
lăn xả vào đời, vì lý tưởng phục vụ chúng sanh, vì hạnh nguyện lợi
tha, quên mình vì đạo. Chí nguyện độ sanh của Người thật vô bờ. Chư
Ni từ các tự viện khác quy tụ về, hay được xuất gia tại chùa, đều
được Người xem như đệ tử, đồng là con Phật. Trong tâm Người không
hề vấn vương một tâm niệm phân biệt là đệ tử ta hay đệ tử người.
Có chăng, chỉ tồn tại qua đôi mắt Người những con người thực tu, thực
học, đạo hạnh nghiêm minh. Dù có thể không cùng một phương ngôn chủng
tộc nhưng có cùng một chí nguyện xuất gia thì cũng đều là trang Thích tử.
Đức tánh bình đẳng của Người bao trùm cả hàng cư sĩ tại gia và lan rộng
đến cả muôn loài sanh chủng. Tất cả đối với Người đều đồng có
tánh Phật, cùng có hạt giống Bồ-đề. Dù sự giác ngộ đốn tiệm có
khác, dù nghiệp lực của mỗi loài có nhiều sai biệt, Người vẫn xem tất
cả đều là đệ tử, đều là những người con Phật. Với những người
con Phật, cần phải có những đức tánh sau đây:
- Nghiêm trì Giới luật
- Luôn luôn phụng sự Tam Bảo.
- Hy sinh vì đạo pháp.
- Sống đúng tinh thần lục hòa với Đại chúng.
- Có tinh thần lợi tha.
- Kính trọng và luôn vâng lời Thầy.
Đức tánh bình đẳng của Người đã tạo cho Ni học
chúng bao niềm tin yêu trong đời sống tu học. Dù mai này, Người không
còn nữa, nhưng những lời giáo huấn, cùng cung cách đạo hạnh của Người
sẽ mãi mãi là một tấm gương sáng chói, là bài học đầy giá trị.
Cuộc đời là giả tạm, theo dòng biến dịch của thời
gian mà thay đổi không lường. Nhưng ở đâu đó trong thế gian này, vẫn tồn
tại một chân lý rạng ngời, vẫn nổi bật lên một thanh khí tuyệt vời
về một bậc nữ lưu, một trang xuất thế.
Hạnh nguyện của Người chứa đựng cả biển trời sâu
thẳm. Còn Ni chúng như các dòng sông nhỏ đến từ muôn phương, để rồi
cùng chảy vào biển cả bao la, cùng thắm đượm hương vị đạo tình
trong thế giới bình đẳng vị tha của Người.
Tôi không làm sao quên được những bài học giáo lý vỡ
lòng được Người dạy từ thuở mới vào chùa. Ni chúng, những người có
cùng chí hướng xuất gia nhưng tâm hạnh không đồng, có lúc đã phải
làm phiền lòng Người. Vậy mà Người vẫn trải rộng tình thương, không
có một sự phân biệt cách ngăn nào, vẫn luôn dành cho Ni chúng những
thâm tình sâu nặng như biển trời lồng lộng, sâu xa.
Được sống bên Người, hằng ngày nghe được những lời
pháp dụ ân cần, Ni chúng càng được thấm nhuần những đức tánh từ bi
hỷ xả, bình đẳng vị tha của Người. Từ đó mà Ni chúng xóa dần đi
bao nỗi mặc cảm, chia cách giữa chị em đồng đạo, để cùng hòa hợp
chung vui dưới mái chùa thân yêu và để được nghe những lời Người dạy
bảo:
Tu hành phân biệt khó thành,
Dùng tâm bình đẳng hạnh lành thanh cao.
Lời dạy của Người bao giờ cũng hết sức chân tình giản
dị, nhưng ẩn chứa bên trong là cả một quá trình công phu tu tập sâu dầy.
Cả một đời chúng tôi tu học bên Người, mà vẫn không thể nào thực
hành hết được. Biển học mênh mông, sức người có hạn. Thế nên, dầu
trải qua những tháng năm dài miệt mài kinh điển, chỉ còn lại trong Ni
chúng những dư âm về bao lời giáo huấn của Người.
Trong suốt cuộc hành trình dấn thân vì đạo, biết bao công
hạnh cùng bổn nguyện của Người đã soi sáng cho thế gian này. Đức tánh
bình đẳng của Người chính là vết son tô đậm, thêm tỏ lối cho đường
về của Ni chúng. Lòng từ bi của Người đã mở hướng cho một thế giới
bình yên từ trong tâm tưởng của bao người. Ai được sống cạnh Người,
mới cảm nhận được điều đó.
Chúng con là những học Ni, may mắn được gặp Phật pháp,
xuất gia tu học, lại được Người trực tiếp dạy dỗ, dìu dắt. Giờ
đây, tuổi hạc đã cao, Người vẫn hướng về Ni chúng với bao hoài vọng
sâu xa. Người vẫn hằng mong cho chúng con sớm trở thành người hữu tài,
hữu đức để có thể kế tục sự nghiệp của bao lớp người đi trước,
làm tròn sứ mạng của một Sứ giả Như Lai.
Những dòng chữ này, chúng con xin kính cẩn dâng lên Người
với tất cả lòng thành kính vô biên và cũng xin gởi đến cho tất cả những
ai hữu duyên được sống trong sự dạy bảo của Người: Hãy cùng nhau
xây đắp một thế giới chan hòa trong tinh thần bình đẳng bao la.
- Thích Nữ Như Huệ
- (Ni chúng chùa Huê Lâm)