- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Vài mảng chuyện nhỏ
- về Kỳ túc Ni trưởng Thích
Như Thanh
- Tỳ-kheo Đổng Minh
1- Lần đầu tiên tôi gặp
Kỳ túc Thích Nữ Như Thanh vào năm 1962, trong Đại hội Hoằng pháp tại Phật
học viện Nha Trang. Đại hội này với danh nghĩa là Phật giáo toàn quốc
nên có đông đủ chư Tăng Tôn đức như Hòa thượng Đôn Hậu, Hòa thượng
Trí Thủ, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh,
Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Thiện Minh, Hòa thượng Đức Nhuận, Hòa
thượng Mật Nguyện, Hòa thượng Huyền Quang… Bên Ni phái cũng có đông
đủ quý Ni như Sư bà Diệu Không, Sư bà Như Thanh, Sư bà Diệu Ấn, Sư bà
Tâm Ấn, Sư bà Huyền Học… Bên cư sĩ có những khuôn mặt lớn như quý
Phật tử: cụ Chơn An Lê Văn Định, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Hội
trưởng Hội Phật học Nam Việt, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, đạo hữu Võ Đình
Cường, giáo sư Thạch Trung Giã… gần 200 đại biểu. Lúc ấy, Thầy Nhất
Hạnh phụ trách báo chí cho Đại hội, còn tôi ở trong Ban tổ chức của
Đại hội.
Trong Đại hội này, Sư bà Như
Thanh đề nghị: "Ngoài đoàn giảng sư của chư Tăng, nên lập một
đoàn hoằng pháp lưu động toàn quốc do Ni chúng phụ trách." Hòa
thượng Trí Thủ có ý kiến: "Ni chúng lo việc từ thiện xã hội như
Cô nhi, Ký nhi… còn việc hoằng pháp thì để cho bên Tăng đảm trách."
Sư bà Như Thanh xin được phụ trách cả hai. Sư bà nói: "Vị Ni nào
có khả năng giảng diễn thì diễn giảng, vị Ni nào có khả năng về từ
thiện xã hội thì làm việc từ thiện xã hội." Sư bà Như Thanh phát
biểu với khí thế hùng hồn, làm cho cả Hội trường đều lắng nghe một
cách chăm chú. Sư bà lập luận vững chắc với lời lẽ có sức thuyết
phục vô cùng.
Buổi chiều trước giờ họp lại,
tôi nghe cụ Chơn An Lê Văn Định nói với cụ quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền:
"Ni cô phát biểu khi sáng là một nữ tướng chứ không phải là một
nội tướng." Cụ Mai Thọ Truyền vừa cười vừa nói: "Con nhà
quan mà, đâu có ngán chi." Thật là một nhận xét đặc biệt, đáng lưu
ý.
2- Năm 1974, Ni trường Diệu
Quang (Nha Trang) tổ chức kỳ thi Trung đẳng chuyên khoa, Sư bà Như Thanh
trong chức vụ Chánh chủ khảo, Sư bà Diệu Không và Sư bà Diệu Ấn làm
Phó chủ khảo… Tôi đại diện cho Tổng vụ giáo dục Phật giáo, giám
sát kỳ thi. Với chức vụ Chánh chủ khảo, Sư bà Như Thanh phát biểu rất
sắc bén, chẳng hạn như Sư bà nói: "Chúng ta chấm đúng theo trình
độ của mỗi người và tùy theo khả năng chúng ta sẽ sắp xếp cho họ mỗi
người làm một việc, người nào cũng có việc làm cả, ‘dụng nhơn
như dụng mộc’ mà."
Cũng trong dịp giám sát kỳ thi
này, tôi được chứng kiến sự kính nể của quý Sư bà đối với Kỳ túc
Như Thanh như thế nào. Đặc biệt như Sư bà Diệu Không, một bậc Tôn
túc của Ni miền Trung và lại lớn tuổi hơn Sư bà Như Thanh. Vậy mà mỗi
khi Sư bà Diệu Không nói gì với Sư bà Như Thanh đều một tiếng "bạch",
hai tiếng "thưa" một cách nhuần nhuyễn bằng tất cả lòng chí
kính đối với Sư bà Như Thanh.
3- Sau năm 1975, với sự biến động
lớn của đất nước, trước khúc quanh của lịch sử, nếp sống Tăng Ni
Việt Nam có thay đổi. Với tư cách là Vụ trưởng Vụ Phật học, tôi đến
các trú xứ của chư Tăng Ni thuộc loại "di tản chiến thuật"
như Thiền viện Thường Chiếu di tản từ Tu viện Chơn Không, nơi đây
tôi thấy quý Thầy nhổ cỏ lúa có vẻ thư thái, nên thơ. Còn Thiền viện
Viên Chiếu, các thiền sinh Ni đang dùng đất trát nhà. Đến Đại Tòng
Lâm trong đó có Huê Lâm II, tôi thấy các Ni sinh đang cuốc đất. Cô nào cũng
mặc hai, ba lớp áo. Đầu đội nón cời, chân mang giày bata rách, tay thì
mang găng nhưng đen nhớp như lọ nồi, mồ hôi nhễ nhại và mặt đỏ như
ánh mặt trời đang chiếu giội lên mảng đất khô cằn cỗi. Vùng đất này
đã bỏ hoang từ lâu nên chi chít cỏ tranh - loại tranh săng có rễ cứng
đan kết chằng chịt, vì vậy mà các cô phải cuốc đến bốn, năm nhát mới
xuống tới đất. Thấy mà thương! Đã vậy, tôi được các cô cho biết
làm một năm chỉ đủ ăn có ba tháng…
Trên đường về, tôi đến Huê
Lâm I thăm Ni trưởng. Ni trưởng tiếp tôi tại phòng khách nơi lầu năm.
Ni trưởng vui vẻ hỏi thăm sự sinh hoạt của Phật học viện Nha Trang…
Khi ra về, tôi dạo quanh các tầng lầu phía dưới. Những lớp học của
chùa trước đây, nay nhà nước sử dụng để dạy cho học sinh phổ thông.
Nhưng có một điều làm cho tôi lưu tâm là nơi mỗi góc cầu thang của mỗi
tầng lầu đều có một Sư cô lớn tuổi ngồi trên ghế, kể những mẩu
chuyện đạo cho các cháu nghe. Các cháu đứng xoay quanh các Sư cô đó nghe
kể chuyện một cách say sưa… Tôi tìm hiểu, thì ra đây là công tác do Ni
trưởng Như Thanh sắp xếp. Hằng ngày, các Sư cô đều chia phiên nhau làm
như thế. Tôi thầm nghĩ: Kỳ túc Thích Nữ Như Thanh không những là một nữ
tướng như cụ tuần vũ Lê Văn Định đã nói mà là một dũng tướng. Ni
trưởng đã chỉ huy một mặt trận đầy đủ chiến thuật, chiến lược.
Ni trưởng xua đội quân tuổi trẻ ra lao động sản xuất (như Huê Lâm II)
còn đội quân tuổi già thủ trại (Huê Lâm I) đồng thời trao truyền thuốc
an tâm cho mầm non đạo pháp:
- Đó là pháp cúng dường,
- Pháp cúng dường là tối thắng!
- Lành thay, Kỳ túc Thích Nữ Như Thanh!
Tỳ-kheo Đổng Minh (hồi ký)