...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Nhà giáo dục đạo học
- Hạnh Phương
Thân phụ là bậc Nho- Y nổi tiếng, lại là người đam mê tham cứu Phật học;
thân mẫu là vị hiền nội mẫu mực, lại có tín tâm Phật pháp sâu dày;
cô gái Nguyễn Thị Thao sanh ra trong gia đình ấy tự thân đã thọ hưởng
một y báo, chánh báo tốt đẹp.
Năm 1932, cô gái ấy 22 tuổi, sớm liễu ngộ tính vô thường
của cuộc thế, thân mẫu đã qua đời, cô được thân phụ chấp thuận
cho phép xuất gia theo sở nguyện, được Thiền sư Pháp Ấn chùa Phước
Tường ban cho pháp danh Hồng Ẩn. Xuất gia ở một trường Hương Ni đầu
tiên của miền Nam, gặp thời điểm phong trào chấn hưng Phật giáo được
các bực danh Tăng phát khởi trên toàn quốc từ năm 1920, rõ ràng tịnh
nhân Hồng Ẩn may mắn có phước quả tốt đẹp: phát Bồ-đề tâm vào thời
điểm có nhiều điều kiện để thử thách, tôi luyện ý chí tiến tu cầu
học, có nhiều điều kiện để trau giồi, củng cố hạnh nguyện, như về
sau được thấy trong thơ của Người:
- Hóa thân, nương phước trí,
- Hạnh nguyện, lánh mê tà.
- Chí độ đời nông nả,
- Lòng vì đạo thiết tha.
- . . .
- Nghịch thuận nào e ngại,
- Buồn vui lẫn đậm đà.
- Rừng Thiền, khi hóa đạo,
- Nẻo hạnh, phút vui ca.
- Trong, lạt niềm phi thị,
- Ngoài, nuôi chí lợi hòa.
- Khó khăn, đời đạo hạnh,
- Vui vẻ, bến thiền hà.
- (Bồ Tát Hóa Thân – Hoa Đạo)
Quả thật tịnh nhân Hồng Ẩn đã không cô phụ ý chí
hạnh nguyện tự thân, nhất là trên phương diện tấn tu cầu học. Sư cô
Hồng Ẩn tham học Phật pháp lớp Gia giáo ở chùa Viên Giác (Bến Tre);
bôn ba ra tận Huế cùng Sư cô Diệu Không tham học với Thiền sư Mật Hiển.
Ra tận Hà Nội, với ý chí cầu học Luật tạng. Để được học Luật,
theo đúng qui củ thiền môn, Sư cô cầu thọ Đại giới Tỳ-kheo-ni và được
Sư cụ chùa Phúc Loại làm Hòa thượng Đàn đầu, chứng minh cho Sư cô như
nguyện. Từ đó Sư cô tham học Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Lược Ký, Tỳ Kheo Ni
Sao… Lại lên thắng tích Yên Tử tham cứu thiền học. Trên đường trở
lại miền Nam, năm 1941, Sư cô Đàm Thanh (Diệu Tánh) 31 tuổi, lại vào Tổ
đình Thập Tháp Di Đà (Bình Định) cầu học Lăng Già Tâm Ấn và các kinh
văn khác thuộc hệ tư tưởng Đại Thừa với Thiền sư Phước Huệ. Tổng
kết cuộc đời của Người, nhà thơ Trụ Vũ đã viết:
- Dốc lòng cầu đạo vô sinh,
- Bôn ba nẻo Bụt nghe kinh Đại Thừa.
Con đường cầu học với chí tiến thủ đúng như thơ
Người, về sau đã bày tỏ:
- Đường dài rõ biết người chơn hạnh.
- (Thử Thách – Hoa Chánh Giác)
Với ý chí nhẫn nại, với quyết tâm cầu học tư tưởng
Đại Thừa, suốt 19 năm trời đăng đẳng, Tỳ-kheo-ni Đàm Thanh đã tích lũy
được vốn liếng hành trang, tư lương trí tuệ, hạnh đức kiêm ưu để
trở thành nhà mô phạm, pháp khí pháp bảo, có khả năng tư chất nhiếp dẫn
hậu lai, truyền thừa Phật chủng:
- Lòng chất ngất cao sâu ơn Đức Phật,
- Trí quang minh mong mỏi độ quần sanh.
- Nẻo dầu xa, đường dẫu tối, quyết đăng trình,
- Tương lai đó, đinh ninh luôn mãi đó.
(Tương Lai Ni Giới - Hoa Đạo)
Kể từ năm 1942 (32 tuổi), Tỳ-kheo-ni Đàm Thanh tiên
phong đi vào con đường giáo dục đạo học, trước sau như một là nhà
mô phạm thân giáo, là nhà giáo dục đạo học trung thành với tư tưởng
Đại thừa Phật giáo, luôn đem đến lợi lạc cho mình, cho người trên
con đường tìm cầu tuệ giác, liễu sanh thoát tử:
- Ra đó vào đây theo bổn nguyện,
- Khi lên, lúc xuống vẫn thanh cao.
- Hồng trần lửa đỏ từng nung đốt,
- Thiên quốc tường quang chẳng ngại lao.
- Chí hạnh độ đời đâu thối chuyển,
- Nhất tâm vì đạo chẳng xôn xao.
- (Hành Bồ Tát Đạo, Tập 1, trang 158)
Sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Sư trưởng Như
Thanh, thật ra phải được kể từ năm 1935, khi 25 tuổi, là thời điểm
Người đã cùng quý Ni sư Diệu Tấn, Diệu Tịnh, Diệu Thuận, xây dựng
ngôi chùa Ni đầu tiên trên đất Sài Gòn–Gia Định, đó là chùa Từ
Hóa, về sau đổi lại là chùa Hải Ấn, ở làng Tân Sơn Nhì (Bà Quẹo).
Chính mô hình ngôi chùa Ni đầu tiên này là tiền đề cho ý chí quyết
tâm xây dựng những ngôi đại tự về sau của Sư trưởng và cả những
ngôi trường kiểu mẫu từ Mẫu giáo đến Trung, Tiểu học Kiều Đàm sau
này.
Những ngôi chùa mà cả cuộc đời Sư trưởng hoặc kế thừa,
hoặc kiến lập, phần lớn đều mang tính cách tu viện với mục đích hẳn
hoi là thâu nhận Ni chúng, đào tạo thành những vị chân ni đầy đủ
năng lực hoằng dương Phật pháp. Những Ni trường chùa Huê Lâm I quận
11, Chợ Lớn; Dược Sư ở Gò Vấp, Gia Định; Từ Nghiêm quận 10, Sài Gòn
đều mang tính cách tu viện đặc thù như thế.
Tính cách đặc thù tu viện trong phong cách tư tưởng giáo
dục đạo học của Sư trưởng Như Thanh và các bậc chân ni thạc đức
đương thời là đào tạo Ni chúng với mục đích tối hậu: trên báo
ân chư Phật, dưới dắt dẫn hóa độ quần mê. Hoàn toàn không có
khuynh hướng đào tạo các vị khoa bảng, dù là khoa bảng Phật học. Như
về sau sẽ thấy trong bản Cương Lĩnh Đào Tạo Ni Tài do Sư trưởng
chủ xướng.
Chỉ xét riêng về mặt cơ sở vật chất, những đạo trường
do Sư trưởng và các bậc chân ni đương thời kiến tạo, hoặc do thừa kế
rồi chuyển hóa đều trên khuynh hướng tạo thành các Phật học viện Ni
với các kế hoạch tự túc kinh tế, Sư trưởng đã hoạch định để duy
trì và phát triển ngày càng lớn mạnh. Như thế, đủ thấy Sư trưởng là
nhà mô phạm có tầm nhìn sâu xa toàn diện bao quát mọi vấn đề mà các
nhà giáo dục có trách nhiệm phải giải quyết và đã giải quyết vấn đề
hoàn toàn ổn thỏa tốt đẹp.
Nhìn thấy Ni trường Dược Sư, Phật học Ni viện Từ Nghiêm
đã đào tạo hằng trăm Ni chúng, cùng lúc phải nhìn thấy tiệm cơm chay Tịnh
Tâm Trai ở 170A Hiền Vương (Võ Thị Sáu, quận 3), Thanh Tâm Trai
ở Ngã Bảy, cơ sở sản xuất nước tương Hoa Sen Trắng, các phòng may
pháp phục, các phòng phát hành Kinh sách, các cơ sở sản xuất nhang tại
chùa Huê Lâm I, Huê Lâm II, Hải Vân…
Chính các cơ sở kinh tế tự túc ấy là một phần thành
công lớn trong chủ trương cải chính giáo sản của Sư trưởng. Chính nhờ
chủ trương cải chính giáo sản đúng đắn, Sư trưởng đã kiến lập
nên những Ni trường để thể hiện triệt để tư tưởng giáo dục đạo
học của mình.
Cốt tủy tư tưởng giáo dục đạo học của Sư trưởng
Như Thanh đặt trên căn bản chánh tín Tam Bảo, trung thành với tư tưởng
Phật giáo Đại thừa, khế hợp lý tưởng tam học Giới Định Tuệ và
trên cơ sở nguyên lý duyên khởi - tinh hoa tư tưởng
Phật học.
Căn bản tư tưởng lớn lao nhất Sư trưởng Như Thanh trao
truyền cho các Ni chúng của mình qua nhiều thế hệ là tuyệt đối chánh
tín Tam Bảo:
"Đối với ngôi Tam Bảo rất tôn kính trân trọng,
khao khát mong mỏi phi thường, đã bỏ được lòng kiêu căng khinh mạn, lại
càng thêm sự tin tưởng." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 15)
Khi đã trọn vẹn đặt niềm tin vào Tam Bảo, chư Ni phải
kiên quyết lập chí học Phật:
"Những đức độ hùng mạnh, trinh liệt, tinh tấn,
thành khẩn, chính là nêu rõ hạng người biết LẬP CHÍ.
Lập chí ở Đạo Phật, gọi là phát nguyện, chúng ta nên
nhận định: Bao nhiêu sự nghiệp vĩ đại và tất cả các bậc vĩ nhân
không phải tự nhiên sẵn có mà sự thật đều luyện thành trong tinh thần
lập chí, lập nguyện cao cả. Từ trong chí nguyện ấy, sẽ mở rộng cho một
cơ hội tiến đạt tới mức thành công rực rỡ. Chẳng những một mình họ
được trọn hưởng ân huệ đặc biệt mà tất cả những người đồng
chí hướng, đồng bổn nguyện cũng được chung sống vẻ vang. Đã có chí
hướng mãnh liệt, ít khi họ bị ngã đổ nửa chừng, mặc dầu sự nghiệp
chưa đến lúc đạt thành, chẳng may cuộc đời của họ gặp phải giai
đoạn chấm dứt, song chí hạnh của họ cũng vang dội khắp tim phổi của
nhân loại, lịch sử sẽ muôn đời ghi tạc danh đức tốt đẹp cao cả
ấy." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 38)
Sau khi đã khích lệ tinh thần lập chí, lập nguyện
kiên cường cho Ni chúng, Sư trưởng chủ trương một căn bản giáo dục đào
tạo toàn diện khế hợp lý tưởng tam học Giới-
Định- Tuệ:
"Giới học là giềng mối của người Phật tử; Định
học là phép tắc điều phục tâm trí; Tuệ học là năng lực bạt trừ
nghiệp chướng si ái." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 42)
Căn bản giáo dục đào tạo Ni tài ấy luôn luôn được
triển khai triệt để trên cơ sở nguyên lý duyên khởi, tinh hoa nhận thức
vũ trụ, nhân sinh quan Phật giáo. Sư trưởng đã có lần phát biểu tư tưởng
ấy trong thơ của Người:
- Diệu lạc thiền cơ do tịnh cực,
- Thức thời chánh trí tự chơn truyền.
- (Thành Lập Nam Phương Ni Bộ Cảm Tác)
Và ngay trong bản Cương Lĩnh Đào Tạo Ni Tài Sư
trưởng viết:
"Muốn giáo dục Ni tài, trước hết cần phải giảng
rõ nguyên lý của Phật pháp. Phật pháp là do Phật chứng minh thiệt tướng
của các pháp… Nay muốn giảng rõ nguyên lý của các pháp, chỉ có thể
đứng trên mặt duyên khởi tóm lược nêu bày. Nói đến các pháp là chỉ
cho mọi sự, mọi vật ở trong vũ trụ này, phạm vi của nó rất rộng lớn.
Nói đến duyên khởi, tức là chỉ cho tất cả muôn sự, muôn vật trong vũ
trụ đều do nhơn duyên sanh khởi." (Tôn Chỉ Giáo Dục Ni Tài)
Chính trên cơ sở giáo lý Duyên Khởi, Sư trưởng đã khế
cơ vận dụng xây dựng, kiến lập những Ni viện lớn nhất của Phật
giáo miền Nam Việt Nam và có lẽ cũng là lớn nhất trong lịch sử giáo dục
đạo học Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay.
Sư trưởng Như Thanh cùng với các bậc Danh ni đương thời
đã thay mặt Ni giới nhận chùa Dược Sư, chuyển hóa thành Ni trường vào
năm 1954, đến năm 1959 thành lập Ni viện Từ Nghiêm… và suốt 50 năm qua,
những Ni trường này thực sự đã sản sinh tuệ mạng nhiều vị chân ni
chân tu thực học đủ sức gánh vác nhiều Phật sự trọng đại.
Trưởng thành giữa cao trào chấn hưng Phật giáo, không xuất
hiện công khai trên mặt báo chí như Sư cụ Diệu Tịnh (1910–1942), Sư cụ
Diệu Tấn (1910–1948), Sư trưởng Như Thanh vẫn ý thức trách nhiệm, nghĩa
vụ của Ni giới đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Sư trưởng
đã kiên quyết định hình sự nghiệp phụng sự Phật pháp của mình trên
phương diện giáo dục đạo học. Và rõ ràng trào lưu tư tưởng đương
thời, phong cách và phương thức hành xử của Đại sư Thái Hư ở Hoa Lục
tác động lớn lao trên sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Sư trưởng
Như Thanh.
Tóm tắt lược sử Đại sư Thái Hư, Sư trưởng Như Thanh
đã viết:
"Thái Hư Đại sư là bậc vĩ nhân trong lịch sử Phật
giáo Trung Hoa, mà cũng là vị Đại sư của thời cuộc hiện đại, ánh
minh đăng của Ngài soi khắp cả Á, Âu.
Trên thế giới nhân loại, nếu là dân tộc thấm nhuần văn
hóa và giáo lý Phật pháp, mọi người đều được hưởng ân huệ trực
tiếp hay gián tiếp do Ngài chuyển đạt.
Chí nguyện của Ngài chỉ mong đem cả thân tâm trải làm
đất tốt để cho bao giống lành mọc lên. Vì thế, mặc dầu gian lao nguy
hiểm, Ngài vẫn không nao lòng thối dạ. Đến đỗi chính mình Ngài lăn lóc
trong con đường gươm súng để cứu độ trần gian thoát qua cơn đen tối."
(Tư liệu đánh máy lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm)
Đọc những dòng Sư trưởng viết cách đây 40 năm được
trích dẫn trên đây, chúng ta rất dễ thấy đó chính là khát vọng cháy bỏng
trong tâm tư thuở ấy của Sư trưởng Như Thanh và chính phương thức hành
xử của Đại sư Thái Hư cũng là mô hình phương thức hành xử của Sư
trưởng Như Thanh, đặc biệt trên phương diện giáo dục đạo học.
Khi nói lên phạm hạnh cao quý của bậc Tăng-già, Sư trưởng
đã bày tỏ tư tưởng của mình, một văn phong thật hùng hồn trác tuyệt
mà ai cũng có thể nhận ra đó chính là nhân cách, phong thái cuộc đời của
Sư trưởng Như Thanh:
"Phẩm hạnh cao quý của Tăng-già là do công phu tu dưỡng
gồm đủ sự lý, đối với tất cả chúng sanh tìm đủ các chước
phương tiện làm lợi ích cho mọi người: như khát thì cho nước uống, đói
cho cơm ăn, bệnh cho thuốc uống, lạnh cho áo mặc, gặp sợ sệt giúp đỡ
an ủi hết sợ sệt, thiếu trí tuệ giúp đỡ mong cho tâm trí trở nên
sáng suốt, cho đến bỏ mình cho cọp đói được ăn cũng gọi là đức hỷ
xả bố thí. Trong hoàn cảnh nhịn khổ chịu nhọc, trăm phen bẻ gãy mà
lòng vẫn dai bền, việc khó nhọc cố gắng tập học, việc khó làm cố gắng
siêng làm. Dẫu có người nào khuấy rối, dằn ép cũng chẳng căm tức giận
hờn, hình dung vẫn tự nhiên chẳng tác sắc nóng nảy bứt rứt." (Giới
Đức Kiêm Ưu, trang 13)
Và với nhân cách của bậc chơn tu, Sư trưởng dấn thân
vào con đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Như trên đã nói, tư tưởng Đại sư Thái Hư tác động rất
mãnh liệt lên sự nghiệp giáo dục đạo học của Sư trưởng Như Thanh.
Chẳng hạn như vấn đề cải chính giáo lý.
Giáo lý Phật-đà tự thân là chơn lý vượt thoát mọi chiều
kích không gian, thời gian. Tuy nhiên, cốt tủy chơn lý ấy đã được Đức
Phật tuyên thuyết bằng tiếng nói của thời đại cách đây hơn 2500 năm
và cụ thể ở lưu vực Ấn Độ cổ đại. Để làm sống động được
Phật chất những chân lý ấy cho con người sanh ra sau 2500 năm Thế Tôn Niết-bàn,
nó phải được nhìn thấy bằng đôi mắt của con người 2500 năm sau, nó
phải được diễn đạt bằng ngôn ngữ đương đại của con người 2500
năm sau. Có như thế, những chơn lý Phật chất mới thực sự trở thành
dòng máu ấm lưu nhuận trong trái tim của con người đương đại. Đó là
ý nghĩa chân xác của chủ trương cải chính giáo lý.
Điểm cần nhấn mạnh, cải chính ở đây hoàn toàn không
có nghĩa sửa sai mà chính là làm thích ứng để suối nguồn giáo
lý Phật giáo không bao giờ cổ hủ lạc hậu. Cải chính giáo lý tức là
nhìn lại phương thức hành xử sao cho tinh túy giáo lý Phật-đà tuôn chảy
giữa lòng thời đại. Nghĩa là khế cơ để luôn luôn khế lý, tùy duyên
mà bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên.
Có những phương thức hành xử thời kỳ Đức Phật tại
thế là khế cơ, như cho phép hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được phép ăn cá
thịt. Sự cho phép ấy có ghi vào Luật Tứ Phần Giới Bổn hẳn hoi. Vì thời
đại ấy, sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo nguyên thủy tùy thuộc vào việc
khất thực hằng ngày. Đến gần bữa ăn trưa, chư Tăng mới đi khất thực,
tín thí đàn-na sớt bữa ăn của mình cúng dường chư Tăng Ni. Do đó chư
Tăng Ni khất thực được gì ăn nấy, không đặt thành vấn đề chay mặn.
Đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa vấn đề đã hoàn
toàn khác. Tuy có ghi vào văn bản Giới luật giáo pháp nhưng vấn đề được
hay không được ăn cá thịt không còn là vấn đề được thảo luận minh
chính. Vì đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa thì đã cấm tuyệt chư
Tăng Ni không ăn mọi thứ cá thịt, kể cả những người nhỏ tuổi có căn
tánh, sớm có duyên lành xuất gia. Theo Phật giáo Đại thừa, ý thức ăn
thịt là phản Phật tính, là phi từ bi. Như Trí Quang thượng nhân đã
nói: "Ngày nay, nói Phật giáo là nói ăn chay. Ăn cá thịt trở thành
lạ lùng, khó nghe và khó coi."(1)
Như thế, phương thức hành xử cho phép người xuất gia
được ăn cá thịt hay không đã triệt để được cải chính, ở Trung Hoa
từ thời Lương Vũ Đế, ở Việt Nam từ thời chấn hưng Phật giáo. Vấn
đề ấy, đương thời Phật giáo Đại thừa Việt Nam không còn là vấn đề
giáo lý phải cải chính.
Một thí dụ khác, ngày nay Phật giáo phát triển và có mặt
hầu như khắp các nước trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự kiện
không có Ni chúng ở các nước thuộc hệ phái Thèravada (Thượng Tọa Bộ),
Ni chúng ở các nước Phật giáo phát triển (Đại Thừa) dường như có
chút mặc cảm khi phải nhận thêm pháp Bát kỉnh đối với Tăng giới. Một
vấn đề khúc mắc được đặt ra: phải chăng có hiện tượng thiếu bình
đẳng giữa nam giới và nữ giới trong hệ thống Tăng đoàn Phật giáo?
Vấn đề ấy, trong tầm nhìn của Sư trưởng Như Thanh, bậc
thức giả, nhà giáo dục đạo học, lại được minh chính rất triệt để.
Khi đề cập đến sự kiện lịch sử Đức Phật không vội
vàng hứa khả cho nữ giới xuất gia, Sư trưởng đã có một cái nhìn rất
chuẩn xác:
"… Vì trách nhiệm của người xuất gia rất nặng
nề khó nhọc, mà phạm hạnh cũng khó thực hành. Bởi thế, Phật không hứa
cho người nữ đi xuất gia một cách dễ dàng… Đây là bổn ý của Phật
muốn mở rộng con đường hóa đạo cho tất cả người nữ sau này.
Bởi sự giáo dục của người nữ thời ấy chưa được phát triển, nên
họ ở trong thế gian bị nhiều sự chướng ngại buộc ràng làm cho tâm
tính không được sáng tỏ, ý chí không được sâu rộng. Đức Phật vì
muốn cho các hàng Tỳ-kheo-ni chứng đến các pháp thiệt tánh mà Ngài đem
TÂM BÌNH ĐẲNG phương tiện dẫn dắt, khiến cho mỗi người đều được
tăng trưởng thiện báo, tiêu trừ ác nghiệp, sửa đổi phong hóa ở thế
gian trở nên tốt đẹp. Hàng Tỳ-kheo-ni ở trong chánh pháp của Phật, gặp
được cơ hội mở mang, truyền bá làm cho ánh sáng Phật pháp được chói
rạng, tạo nên công đức vô lượng!" (Trách Nhiệm Tỳ Kheo Ni đối
với Tôn Chỉ Giáo Dục Ni Tài)
Đúng là một cái nhìn đượm tính chất triết lý Đông phương,
đượm bản chất giao lưu văn hóa của tinh thần dân tộc Việt Nam. Chỉ với
một bậc Chân ni, chân tu thật chứng mới nhìn thấy sự kiện lịch sử một
cách minh triết như thế. Một thái độ xác quyết minh chính hoàn toàn
không có chút tự ti mặc cảm nữ giới.
Những bài học giáo lý được minh chính không phải chỉ
có giá trị cho bản thân thời đại của Sư trưởng mà còn mãi có giá trị
cho những bối cảnh phát triển văn hóa Phật giáo cả ở tương lai.
Những tư tưởng giáo lý được minh chính qua trí tuệ
thân chứng của một Tỳ-kheo-ni, trong bối cảnh chấn hưng Phật giáo - thời kỳ Ni giới chưa phát triển như Sư trưởng đã
làm, là một thái độ quả cảm, táo bạo, quyết liệt, chứng tỏ đạo tâm,
dũng khí của Sư trưởng đầy phẩm chất tuệ giác.
Đây là bài học lịch sử, Sư trưởng muốn trao truyền
cho mai hậu.
Thật là một lời nhắn nhủ ân cần, đầy hào khí khi luận
bàn về hạnh tích Tỳ-kheo-ni Tịnh Kiểm, chùa Trúc Lâm đời nhà Tấn,
Trung Quốc, Sư trưởng đã viết những dòng sau đây như một khuyến cáo,
cảnh sách gởi cho các thế hệ Ni giới tương lai:
"Một người nào, bất luận nam hay nữ, nếu đã có
huệ trí, lại biết nghiêm trì Giới luật, có hành động ‘Tự hành hóa
tha’, có chí hướng cao cả thì chắc chắn người ấy phải được thành
công trên bước đường tu hành của mình." (1)
Chủ trương minh chính giáo lý chỉ là một khía cạnh trong
toàn bộ sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, giáo dục đạo học của Sư
trưởng. Khát vọng đào tạo Ni tài chân tu thực học mới thực sự là
toàn bộ sự nghiệp hoằng dương đạo pháp của Người.
Đề Cương Tôn Chỉ Giáo Dục Ni Tài trình bày tại
Phật học Ni viện Từ Nghiêm (Sài Gòn), ngày 04- 4- 1970, Đôi Lời Tâm Huyết Gởi đến Chư Học Ni Phật
Học Ni Viện Từ Nghiêm, Sư trưởng cho thấy khát vọng và tâm huyết của
mình:
"Người xuất gia phải đặt nhiệm vụ của mình
trong công phu chơn tu thật học.
Điều khẩn yếu hơn trong trách nhiệm của Tỳ-kheo-ni, cần
nhất là Giới hạnh.
Đã gọi Phật học Ni viện, tự nhiên cần phải lấy Phật
học làm trọng yếu."
Với thao thức khát vọng cháy bỏng tâm tư như thế, Sư
trưởng chủ trương nhất thiết phải kiến lập Phật học Ni viện để
thực hiện tư tưởng giáo dục của mình.
Suốt cuộc đời hành đạo, ý nghĩ kiến lập một am cốc,
một tịnh thất, một tự viện để tu tâm dưỡng tánh, hoàn toàn không
có trong tâm niệm của Sư trưởng.
Thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, Ni giới còn ít ỏi, chùa
chiền còn thưa thớt, chưa có những đạo tràng to lớn, phong trào học Phật
chưa sâu rộng, đến trụ chùa nào, Sư trưởng cũng quy tụ Ni chúng và biến
ngay chùa ấy thành những đạo tràng học Phật như lớp dạy Luật ở chùa
Hội Sơn 1942 (Thủ Đức), Phật học Ni viện Huê Lâm 1947 (Chợ Lớn), lớp
dạy Phật pháp năm 1948 ở chùa Linh Sơn (Quận 8), Giác Thiên (Vĩnh Long), Tân
Hiệp (Mỹ Tho). Khi đã đạt thành quả lớn lao trong việc thành lập Ni Bộ
Nam Việt (1956) là thời kỳ Phật giáo đã phát triển sâu rộng, con số Ni
giới đã phát triển khá cao, được Giáo hội Tăng Già Nam Việt giao trách
nhiệm quản lý chùa Dược Sư, Sư trưởng thực hiện ngay việc kiến lập
ở chùa Dược Sư một Ni trường. Đến năm 1959, để đáp ứng nhu cầu tu
học của đông đảo Ni chúng, Sư trưởng Như Thanh đã cùng chư Ni thạc đức
kiến lập chùa Từ Nghiêm (Quận 10), vừa làm ngôi Tổ đình Ni giới, làm
trụ sở Ni Bộ Nam Việt và quan trọng hơn là làm Phật học Ni viện quy
mô mẫu mực, thể hiện đúng khát vọng đào tạo Ni tài cho Giáo hội, đáp
ứng nhu cầu thời đại đang đòi hỏi.
Tổng kết thời kỳ này, Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật
Giáo Sử Luận, tập 3, đã dành cho chư vị Tôn Đức Ni trong đó có Sư
trưởng Như Thanh những dòng rất trân trọng:
"Trong số những vị Ni sư đầu tiên được xem là
các danh Ni, ta có thể kể các Ni sư Diệu Tánh*, Diệu Tịnh,
Diệu Tấn, Diệu Ninh, Diệu Kim và Hồng Chí." (1)
Xét riêng về tài năng quán xuyến, vận hành, kiến lập những
Phật học Ni viện lớn lao, tồn tại đến ngày nay của Sư trưởng, cũng
đã thực xứng với cụm mỹ từ KỲ TÚC NI TRƯỞNG mà Hòa thượng Đổng
Minh đã dùng để tán dương nhân cách Sư trưởng trong bài viết "Vài
Mảng Chuyện Nhỏ về Kỳ Túc Ni Trưởng Thích Như Thanh" của mình.
(Xem trang 122)
Khát vọng kiến lập Phật học Ni viện đào tạo Ni tài
dù đã đạt được những thành tựu lớn lao, vẫn chưa thỏa mãn đại tâm
phụng sự Phật pháp của Sư trưởng.
Vượt qua nhiều trở lực khách quan và chủ quan, năm 1983,
Sư trưởng lại xây dựng hoàn thành Huê Lâm II, làm nơi tu học cho Ni chúng.
Thời gian gần đây, Sư trưởng đã trích dịch và cho đăng trên báo Giác
Ngộ (số 28, 29, 31, 32, 33 năm 1992) loạt bài Làm Cách Nào để Hoằng
Dương Phật Pháp của Nhan Phụng Lan. Trong đó có bài Sự Nghiệp
Giáo Dục, Sự Nghiệp Văn Hóa mà chắc chắn Sư trưởng Như Thanh rất
tâm đắc. Nhất là với chủ trương mấu chốt ba điểm căn bản tác giả
Nhan Phụng Lan cổ xúy:
1- Lập trường Phật học cơ bản để dạy Phật pháp từng
thời kỳ ngắn.
2- Mở lớp học giáo lý trong mùa An cư kiết hạ.
3- Dựng lập Phật học viện trường kỳ, phân ra các bậc
Cao, Trung và Sơ cấp.
Rõ ràng quan điểm của Nhan Phụng Lan, chính là hoài bão trọn
đời của Sư trưởng Như Thanh.
Tư tưởng giáo dục chủ đạo của Sư trưởng Như Thanh là
chủ trương cho Ni chúng tu học song hành, nội ngoại điển tương thông, Văn
Tư Tu tương nhiếp mới toàn vẹn khả năng tấn tu đạo nghiệp, hoằng
truyền nhiếp hóa.
TU HỌC SONG HÀNH
Nhận thức quá trình lịch sử Phật giáo, Sư trưởng Như
Thanh đã viết:
"Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong suốt thời gian
hơn 2500 năm, Phật giáo sở dĩ tồn tại đến ngày nay, đấy là vì ĐẠO
đã đi sâu vào cuộc đời. Đạo không phải là một hệ thống triết lý
suông để bàn bạc, tranh luận. Trái lại, Đạo đã sống cùng con người
trong mỗi suy tư, mỗi hành động. Đạo là một sự thể nghiệm chân thật,
đậm đà. Những tấm gương sáng ngời của các vị Thiền sư, những cuộc
đời thanh thoát của các bậc chơn tu thật học là những điển hình về
sự thể nghiệm Đạo mầu."(1)
Vì thế, tư tưởng chỉ đạo trước tiên của Sư trưởng
Như Thanh trong sự nghiệp giáo dục là Học đi đôi với Hành (Học hạnh
tinh nghiêm), học và tu từng bước đan kết vào nhau.
Sư trưởng từng thiết tha giáo huấn Ni chúng:
"Là người đã xuất gia thọ giới, lẽ dĩ nhiên là
phải lập chí trong sạch, cao sáng như sen đẹp gần bùn. Các mùi vị thơm
ngọt của đời như lợi danh, tình ái, chúng ta không lánh xa nhưng không để
bợn dính." (Tài liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm)
Và khích lệ nhắn nhủ, kể cả hàng cư sĩ tại gia:
- Con như sen chẳng dính bụi trần.
- (Phẩm Chất Người Con Phật, trang 55)
- Con nên biết: trần duyên là nợ,
- Vậy lòng con ghi nhớ không thôi.
- Bao chúng sanh chìm ngập luân hồi,
- Đau xót cảnh nổi trôi buồn thảm.
- (Nếu Con - Bài 1)
- Nói năng, đi đứng đều bi nguyện,
- Tụng, đọc, ăn, làm thảy độ sanh.
- (Ngụ Đề – Hoa Đạo)
Tư tưởng tu học song hành, cốt tủy giáo dục đạo học
của Sư trưởng Như Thanh chủ trương cho Ni chúng học tập giáo pháp, phát
tâm Bồ-đề, chánh tín Tam Bảo, tấn tu đạo nghiệp và hoằng dương Phật
pháp.
"Người học Phật có bổn phận làm tất cả. Những
công tác dù nhỏ dù lớn đều phải tiến hành mới đầy đủ tư cách một
học Ni ở trong đoàn thể Tăng-già, có nhiệm vụ gánh vác chánh
pháp, mới có đủ công năng đem Phật pháp tuyên dương trong đời."
(Tài liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm)
"Dấy tâm động niệm, đi đứng nói năng, làm lụng
nghỉ ngơi, phải căn cứ theo luật nghi làm căn bản tu học." (Giới
Đức Kiêm Ưu, trang 18)
Tư tưởng này bàng bạc trong thơ của Người:
- Thánh trí, phàm tình tự đổi thay,
- Công năng tu dưỡng có dư ngày.
- Trở về chánh niệm trong giây phút,
- Đạt đạo, minh tâm thẳng tiến ngay.(1)
"Người học Đạo, sau khi thông suốt yếu chỉ Kinh điển,
tức là đã ngộ được phần Lý tánh rồi thì phải kịp thời bước vào
giai đoạn hành đạo, tu tập theo Sự tướng để cho Sự Lý được viên
dung, tri hành được hợp nhất… Sự học như thế mới có lợi ích thiết
thực. Nếu mải mê trên lý thuyết suông mà chẳng thực hành thì không bao
giờ được hưởng quả vị tu chứng và chẳng thể nào đắc đạo. Vì
vậy, học phải đi đôi với hành." (2)
Dựa trên quan điểm Phật pháp bất ly thế gian pháp, Sư
trưởng Như Thanh còn chủ trương cho Ni chúng học Phật học và thế học
tương thông:
"Nếu muốn đem Phật pháp truyền bá ở thế gian,
khiến cho tất cả mọi người biết rõ Phật học là một học thuật có
một không hai trên thế gian, cũng cần phải biết rõ tất cả học thuật
trong thế gian, mới nhơn thế lực đó để dắt dẫn họ vào trong Phật học."
(1)
Để phổ cập tư tưởng ấy, Người đã đưa nó vào thơ:
- Nếu con thấu lẽ mầu minh triết,
- Thì con nên quán triệt đạo đời.
- Lẽ huyền vi hiện khắp nơi nơi,
- Trí Vô lậu không lời phô diễn.
(Nếu Con – Bài 9)
Quy trình đào tạo Ni tài theo quan điểm của Sư trưởng
Như Thanh là: "Cần phải biết Tăng-già có sự đoàn kết rất đặc
biệt, hòa hợp cũng đặc biệt, cho đến sự huấn luyện cũng đặc biệt
và tác dụng cũng đặc biệt." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 19)
Vì thế, Sư trưởng đã đưa ra một quy trình gồm NĂM BƯỚC
CƠ BẢN đặt trên nền tảng Luật nghi để đào tạo:
1. Y theo giáo điển nghiên cứu học Phật, cụ thể là nương
vào Kinh tạng.
- Nên nghiên tầm cho thấu chơn kinh,
- Giòng trí huệ tâm linh phát hiện.
- (Nếu Con - Bài 1)
2. Hiểu rõ lý nghĩa các phái Đại Thừa, Tiểu Thừa.
- Nhưng nghĩa lý hiện bày Kinh điển,
- Pháp Đại Thừa u hiển nghiệm xem.
- (Nếu Con - Bài 9)
3. Phải tu hành, y theo phương pháp Phật dạy trau giồi
tư tưởng, hành vi thuận hợp Phật lý.
- Con thử nghĩ con là Phật sống,
- Phải làm sao hóa mộng thành chơn.
- (Nếu Con - Bài 2)
4. Cầu chứng: Mục đích tối hậu của người học Phật
là cầu chứng đắc các quả vị bậc Hiền, bậc Thánh và sau rốt là quả
vị Phật.
- Gương Bồ-tát soi lòng cho rạng,
- Hạnh Như Lai tỏa sáng đời ta.
- Như bùn đen nở rộ liên hoa,
- Như trăng chiếu soi nhà tự tại.
- (Nếu Con - Bài 3)
- Hạnh lành con sáng tỏ làu làu,
- Đường làm Phật con mau bước tới.
- (Nếu Con - Bài 5)
5. Kiến lập Phật giáo: Thành tựu công đức tu học lớn
lao nhất là đem lý tưởng Phật giáo phụng sự chúng sanh. Cụ thể nhất
đối với Ni giới là kiến lập Phật học Ni viện để đào tạo Ni tài
nhiệt tâm tu học, phụng sự Phật pháp.
- Này con hỡi, tĩnh tâm cứu hộ!
- Cứu đời ta thêm độ bao người.
- Vượt ra ngoài bể khổ chơi vơi,
- Thẳng đến chốn thảnh thơi tự tại.
- (Nếu Con - Bài 4)
Quy trình năm bước Sư trưởng thực hiện, rõ ràng là
một chu kỳ giáo dục đạo học diệu dụng.
Quy trình BỒI DƯỠNG TĂNG CÁCH, Sư trưởng cũng đưa ra
năm bước tuần tự tiến hành.
Đáng chú ý ở điểm Sư trưởng chủ trương Tăng Ni sinh tối
thiểu phải tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau khi thọ Tỳ-kheo giới, tối
thiểu tôi luyện nội điển năm năm. Đặc biệt chú trọng độc cư tịnh
hạnh từ ba đến mười năm cầu thân chứng. Và sau hết vẫn là phải
vào đời hoằng pháp lợi sanh "Coi việc hoằng truyền Chánh pháp như
lo chăm sóc gia đình." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 26).
Là bậc chân Ni bạch tịnh xuất gia, tự thân Sư trưởng về
mặt giới hạnh là đài gương vằng vặc cho Ni giới. Sư trưởng tâm niệm,
ý thức rằng: "Chánh giới của Phật là viên ngọc quý, cần phải
có người truyền trao, giáo pháp mới được trân trọng cao quy鮦quot; (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 8)
Với ý thức minh chính giáo chế để đào tạo Ni tài, ngay
từ năm 1959, Sư trưởng đã mạnh dạn tuyên bố: "Tăng chế cũng phải
căn cứ theo thời đại mà biến đổi cho hạp thời thế nhân tâm, không cần
phải câu chấp theo Tăng chế thuở xưa." (1)
Sư trưởng dõng dạc, hùng hồn tuyên ngôn như thế, đồng
thời cấp bách xây dựng ý chí thiết thực hợp thời để làm sáng tỏ Tăng
hạnh. Căn cứ trên Giới luật chánh truyền, Sư trưởng kiến lập hoàn chỉnh
một hệ thống Giới luật dưới hình thức những nội quy, quy chế, điều
lệ… để đào tạo Ni tài. Ngoài tính chất khế lý tất yếu, hệ thống
Giới luật Tăng chế tinh nghiêm do Sư trưởng Như Thanh kiến lập mang rõ
tính tập thể, đặc biệt áp dụng cho hệ thống Phật học Ni viện.
- Nội Quy Đạo Tràng 18 Điều Quy
Chế, là một hệ thống kỷ luật nghiêm khắc để tôi luyện Tăng Ni
sinh, tạo nên một hàng ngũ Ni chúng nghiêm trang, đạo hạnh trong một đạo
tràng, trú xứ thanh tịnh.
- Nội Quy trong và ngoài Liêu(2)
17 Điều, là hệ thống quy luật nhằm mục đích điều chỉnh trang nghiêm
sinh hoạt tâm sinh lý hằng ngày của cá thể đối với một thành phần Ni
chúng nhỏ trực tiếp thân cận nhau hằng ngày.
- Kỷ Luật Đạo Tràng 9 Điều Quy
Chế, là những quy chế nghiêm túc tạo nên những con người đẹp,
trong một đoàn thể Tăng-già tốt đẹp, đang An cư kiết hạ tinh nghiêm.
- Kiết Hạ An Cư Thị Chúng 18 Điều
Quy Ước, nhằm mục đích sách tấn Đại chúng cùng nhau tu học, không
để ngày tháng luống qua oan uổng.
- 20 Điều Bất Cộng Trụ: là
một hệ thống quy ước từ hạn chế đến cấm tuyệt Ni sinh, Ni chúng giới
hạnh đoan nghiêm tiếp xúc với những thành phần bất hảo đã vi phạm những
quy luật phạm hạnh mà chưa chịu ăn năn, hối cải và sám hối trước Đại
chúng.
- Pháp Hạnh của Người Xuất Gia
30 Điều Quy Tắc thiết yếu tạo nên phong cách xuất trần Thượng sĩ
của bậc xuất gia trên đường thể hiện ý chí tầm cầu giác ngộ.
- 17 Điều Oai Nghi của Người Xuất
Gia tạo nên phong thái trang nghiêm trong mỗi hành vi, cử chỉ của người
xuất gia.
- Sau hết là 10 điều tâm niệm của
Ni học chúng các Phật học viện, tự viện. Dù không được nâng lên
ngang tầm quy điều, giới luật, nhưng nội dung cũng là những tư tưởng sách
tấn học Ni tiến tu đạo nghiệp.
Hệ thống Giới luật 348 giới điều trong Tứ Phần Giới
Bổn, cộng với 129 điều quy chế và 10 điều tâm niệm do Sư trưởng Như
Thanh kiến lập, Ni giới Phật giáo Việt Nam rõ ràng mãn nguyện có một hệ
thống Giới luật tinh nghiêm cần tuân thủ trên con đường tu học của mình.
Suốt cả một đời giới hạnh tinh nghiêm, Sư trưởng Như
Thanh đã tự thân giáo, kiến lập, đúc kết nên một hệ thống Giới luật
hoàn hảo, thiết tưởng hệ thống ấy cần được phát huy, quảng bá, duy
trì, truyền thừa trong các Phật học Ni viện, trong Ni giới các thế hệ tương
lai của Phật giáo Việt Nam.
Thiết tưởng không còn lời kêu gọi, sách tấn nào hùng hồn,
khí khái hơn lời kêu gọi, sách tấn nầy của Sư trưởng Như Thanh:
"Chính các học chúng Ni là những anh tài đắc lực,
tự mình phải đem sức sống động dồi dào, để cứu đời lợi chúng,
để khôi phục tinh thần mộ đạo của dân chúng, đi sâu vào nội tâm của
dân chúng để chỉ bày tánh Phật cho toàn dân đều trở nên vị Phật sống
hiện tại." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 20)
Và thực không còn điều tâm niệm nào cao cả hơn điều tâm
niệm thứ 10 mà bản thân Sư trưởng Như Thanh đã đề xuất:
"Con phải tự xem mình ví như Đức Phật sống, thân
tâm không nghĩ, không làm điều gì phi pháp, trái đạo mà mỗi giờ, mỗi
khắc đều nghĩ và làm những việc cứu tế chúng sanh, phát triển đạo
pháp." (Giới Đức Kiêm Ưu, trang 110)
Đề cập đến sự nghiệp giáo dục của Sư trưởng Như
Thanh, thiết tưởng sẽ rất thiếu sót khi không đề cập đến những đóng
góp lớn lao của Sư trưởng trong vai trò sứ mạng của bậc xuất gia đối
với hàng cư sĩ tại gia.
Nhân Đại lễ khánh thành chùa Huê Lâm, PL.2514 – DL.1970, với
bút danh Chơn Tịnh, Sư trưởng Như Thanh ấn hành cuốn Cẩm Nang của Người
Phật Tử, làm món quà tặng trân quý gởi đến hàng Phật tử tại
gia. Đó là một cuốn sách được biên soạn gồm thâu những tinh hoa tư
tưởng Phật học từ trên rất nhiều kinh điển dùng làm kim chỉ nam tu học
hằng ngày cho giới cư sĩ tại gia.
Sư trưởng nhận thấy người cư sĩ tại gia học Phật có
phần khó khăn hơn người xuất gia, nên đem lòng từ bi lân mẫn của bậc
xuất trần thương yêu nhắn nhủ:
"Người Phật tử tức là người biết quý trọng
công phu tu dưỡng và thực hành hạnh lợi tha không bờ bến. Nhờ đó Đạo
quả được viên thành, mà danh dự được sáng chói rực rỡ muôn thu."
(1)
Sư trưởng luôn vận dụng thi ca để đưa nguồn tư tưởng
ấy thẩm thấu vào lòng người học Phật:
- Con phải khéo cảm thông sự việc,
- Cho lòng con rõ biết đó đây.
- Việc nào con phải dựng xây,
- Việc nào con phải quên khuây nhẹ nhàng.
- (Con ơi - Bài 1)
Thi tập Phẩm Chất Người Con Phật, Cẩm Nang của
Người Phật Tử và một phần rất lớn trong Lược Giải Kinh Hoa
Nghiêm – Hành Bồ Tát Đạo là những tác phẩm trân quý, Sư trưởng
Như Thanh ưu ái dành cho hàng ngũ cư sĩ tại gia.
Có thể tổng kết sự nghiệp giáo dục đạo học của Sư
trưởng Như Thanh gồm các điểm sau đây:
1. Từ bản nguyện nguyên sơ đã phát đại Bồ-đề tâm, Sư
trưởng trọn đời đã sống vì mục tiêu giải thoát giác ngộ cho mình
và cho người. Suốt quãng đời hành đạo, hiện hữu của Sư trưởng luôn
là hiện hữu của thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của một nhà giáo dục đạo
học, gắn bó hữu cơ giữa phạm hạnh chân tu và tinh cần thật học, tấn
đạo nghiêm thân, trang nghiêm giới thể, phổ độ quần mê. Tư tưởng giáo
dục đạo học của Sư trưởng đặt trên cơ sở tam học Giới Định Tuệ
là tư tưởng giáo dục đào tạo con người hoàn thiện, toàn diện, nghĩa
là con người phải đạt được mục tiêu giải thoát giác ngộ, cứu cánh
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của cảnh giới Niết-bàn.
2. Thể hiện tư tưởng giáo dục đạo học toàn diện ấy,
nhất là đối với Ni giới, là định hướng đào tạo Ni tài chơn tu thật
học. Sư trưởng đã cùng các bậc Danh ni đương thời kiến lập các Phật
học Ni viện đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, sánh vai với
các Phật học Tăng viện vốn có nhiều ưu thế. Các Phật học Ni viện do
Sư trưởng kiến lập đến nay vẫn tồn tại như những khuôn mẫu định
hình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo chân ni thật đức trong cả hiện tại
và tương lai. Các Phật học Ni viện do Sư trưởng kiến lập mang tính cải
chính giáo sản như tư tưởng Đại sư Thái Hư tác động ảnh hưởng.
3. Kiến lập một hệ thống quy luật trên nền tảng Giới
luật căn bản, mang tính bổ sung nhằm mục đích đào tạo Ni giới chân tu
thật học. Sư trưởng đã thể hiện trọn vẹn nhân cách thân giáo và trọng
trách của nhà giáo dục đạo học trung thành tuyệt đối với lý tưởng
Phật giáo Đại thừa. Chính sự nghiệp giáo dục ấy đã sản sinh tuệ mạng
cho nhiều lớp Ni chúng Phật giáo Việt Nam đầy đủ công năng đạo nghiệp,
hoằng dương Phật pháp.
Thành tựu đạo nghiệp giáo dục của Sư trưởng Như Thanh
mãi mãi là khuôn mẫu định hình một phong cách giáo dục đạo học toàn
diện của Phật giáo Đại thừa, mãi mãi là tấm gương sáng khích lệ những
ai khát vọng tiếp nối sự nghiệp giáo dục đào tạo Ni tài nhằm mục đích
tối thượng duy nhất là thành tựu đạo nghiệp và dấn thân hoằng truyền
Phật đạo.
- Luôn giữ hạnh thơm thanh tươi sáng,
- Luôn trau giồi cho rạng tâm linh.
- Cốt sao bền vững đức tin,
- Cốt sao hạnh nguyện trung trinh một niềm."
- (Trải Thân Hành Đạo – Hành Bồ Tát Đạo)
Những câu thơ Sư trưởng viết trong Hành Bồ Tát Đạo,
tác phẩm Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm, nêu cao hơn nữa tấm gương sáng ngời
của bản thân Sư trưởng, luôn luôn là lời cảnh tỉnh của nhà giáo dục
đạo học chơn chính nhắn nhủ các thế hệ Ni giới và Phật tử cả
trong hiện tại lẫn tương lai.
Tự thân phạm hạnh thân giáo của Sư trưởng đã để lại
một nhân cách rạng rỡ như chính đường hướng tư tưởng, sự nghiệp
giáo dục đạo học của Sư trưởng. Đúng như những câu thơ hùng hồn,
chuẩn xác mang tính tư liệu lịch sử mà nhà thơ Trụ Vũ đã viết về Người:
- "Thân nhi nữ, chí anh hùng,
- Một đời, một niệm trùng hưng đạo mầu."
và:
- "Một đời hoằng pháp độ sanh,
- Một thân treo tấm gương lành oai nghi."
- (Như Thanh Sư trưởng Lược Sử Thi, Trụ Vũ)
-
- Nhân mùa Báo Hiếu Vu Lan PL. 2542.
- Xuân Lộc, ngày 24- 8- 1998.
- Hạnh Phương
|
|