- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Đẹp đời, giỏi
đạo, hay thơ
- Nhân sĩ Tống Hồ Cầm
Ni chúng Ni viện Huê Lâm tại
Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là hàng đệ tử của Sư trưởng Viện chủ
chùa Huê Lâm Thích Nữ Như Thanh, có nhã ý biên thư mời chúng tôi tham gia
viết lời vào tập sách "Sư Trưởng Như Thanh – Cuộc Đời và Sự
Nghiệp."
Là một thành viên chức sắc của
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, cũng như khá lâu trước
đó với chức vụ trong Tổng Hội Phật giáo toàn quốc và Hội Phật học
Nam Việt (chùa Xá Lợi), tôi hân hạnh được quen biết và quan hệ Phật sự
với Sư trưởng là vị Trưởng lão Ni từ ngày thành lập Ni Bộ Nam Việt
trong những thập niên 1950, 1960. Trong tập sách "Phật giáo Việt
Nam" do đạo huynh Chánh Trí - Mai Thọ Truyền biên soạn bằng Việt,
Pháp, Anh ngữ, xuất bản năm 1952, có đề cập bằng ảnh về hoạt động
từ thiện do Sư trưởng chủ trương, của chùa Huê Lâm lúc bấy giờ.
Nghĩ đến Sư trưởng Như Thanh về
mặt sáng tác thi ca, tôi bỗng nhớ đến lời viết của một nữ sĩ người
Pháp nói về Đức Phật Thích-ca, Đạo sư của chúng ta rằng: "Phải
chăng Ngài là một triết gia chí tôn, một nhà truyền giáo, một nhà giáo
dục, một nhà xã hội học, nhân loại học? Vâng, mà trên tất cả những
cái đó, Ngài là một nhà thơ vĩ đại." Hầu hết Phật tử chúng
ta thì ai cũng hiểu kinh Pháp Cú là dòng thơ ngọc của ngọc kim cương. Cho
nên, kể qua các thời đại, Thiền sư cũng là thi sĩ.
Mượn ý nêu trên, nơi đây tôi xin
phép không đề cập đến công đức sâu dày và sự nghiệp tu hành chuẩn
đắc của Sư trưởng đã đi vào lịch sử, mà chỉ đem tâm tư trầm mặc
bằng thi hứng của lòng mình giao cảm qua những thi tác của Sư trưởng để
lại, tập trung thành Đàm Hoa Thi Phẩm.
Khiêm tốn ghi lại cảm xúc từ vườn
thơ hoa đạo này, nữ sĩ Như Hiên, một bạn thơ lâu năm với chúng tôi, từng
xướng họa trong thi đàn Quỳnh Dao trước đây đã chí lý khi nói:
"Riêng về mặt văn chương, những sáng tác của Sư trưởng nữ sĩ
Như Thanh đã thật sự đóng góp, làm giàu thêm kho tàng văn hóa nước nhà."
Đọc hết hai thi tập Hoa Đạo và
Đàm Hoa, chúng tôi nhận thấy Sư trưởng sử dụng thành thuộc các thể
thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn, bát cú, đặc biệt là thơ
Đường luật. Tứ thơ chính xác, lời thơ đôn hậu, tình thơ thanh thoát.
Đó là những đặc điểm trong cảm tác dồi dào về thi hứng của Sư trưởng.
Xuyên suốt một tinh thần lạc quan, gắn bó hồn nhiên với bản tánh tự
tại và hòa đồng, như mấy đoạn thi sau đây:
- Tâm trần dứt hết không còn vướng
- Cảnh Phật lo gì chẳng được qua
- Quyết chí tu trì tinh tiến mãi
- Về đây Cực Lạc ở lòng ta.
- (Chuông Chùa - Hoa Đạo)
- Duyên xưa trong cõi thiện
- Tình nay sống một nhà
- Góp tay bồi Phật sự
- Quyết lòng dẹp chúng ma
- Thầy ung dung nẻo trí
- Trò tôn kính nếp nhà
- Bồ-đề nương bóng cả
- Chánh giác nở màu hoa
- Cao thay tình Sư đệ
- Quý thay đạo Thích-già.
- (Tình Sư Đệ, Đạo Thiền Gia - Hoa Đạo)
Chan hòa nhịp sống đạo với cảnh
trí thiên nhiên, Sư trưởng đã khéo thích ứng sáng tạo những bức tranh
nổi bật nét đẹp của núi sông, của nước mây thanh tú, của trăng gió
thanh quang, hài hòa với niềm đạo, ý thơ. Chúng tôi còn nhớ, ngay ở buổi
sơ ngộ tại Ni viện Huê Lâm, tính ra cũng đã tròn 40 năm qua, Sư trưởng
với cung cách luận đạo, bình thơ đã lưu lại trong tôi lắm điều
tương đắc và ngưỡng mộ. Ở buổi đầu hội kiến đó, Sư trưởng đã
trao tặng mười bài thơ chữ đánh máy có chủ đề là Hội Sơn Thập Vịnh,
do Sư trưởng cảm tác về cảnh trí Hội Sơn (chùa Hội Sơn, Thủ Đức).
Hồi năm kia, nghe Sư trưởng không
được khỏe, tôi đến thăm, nhắc qua chuyện cũ và giao lại tận tay Sư
trưởng thi phẩm ấy mà tôi cất giữ khá lâu. Nay tôi vui mừng thấy các
bài thơ này được hợp tuyển in trong Hoa Đạo và Đàm Hoa Thi Phẩm.
Là người thơ cảm mộ người
thơ, lại cũng là người mang hành trang "Duy Tuệ Thị Nghiệp",
chúng tôi thành tâm ca ngợi Sư trưởng là một tài năng kiệt xuất khéo
biến hóa thơ là đạo, đạo là thơ, rất tài tình, thật xứng đáng để
lưu truyền hậu thế.
Chúng tôi cũng rất mong ấn phẩm
"Sư trưởng Như Thanh – Cuộc Đời và Sự Nghiệp" sớm được thành
tựu tốt đẹp như đạo nguyện của hàng đệ tử tin yêu của Sư trưởng.
Và để làm quà đạo vị, thi vị, tôi kính tặng Sư trưởng và quý Ni
chúng Huê Lâm bài thơ "Người Tu Nữ" của tôi cảm tác cách nay
trên 50 năm (từng đăng trên các tạp chí Viên Âm, Từ Quang và gần đây
trên báo Giác Ngộ).
NGƯỜI TU NỮ
- Son phấn, mà người chẳng phấn son,
- Lưỡi nồng pháp vị, nhạt mùi ngon,
- Áo đơn thanh thoát màu hương khói,
- Trí rạng bao la ánh nguyệt tròn!
- Đào tơ, người lại chẳng tơ đào,
- Cánh phượng, ai từng liệng chốn cao;
- Người thử không gian sao bát ngát,
- Thời gian vô tận thử là bao!
- Hoa mộng, nhưng người chẳng mộng hoa,
- Hương từ thơm ngát đãy cà sa,
- Bao nhiêu châu ngọc cơm bình bát,
- Vun xới thành tâm những bấy nhà!
- Vàng ngọc, người sao chẳng ngọc vàng,
- Ngọc vàng thế sự ngập sầu than,
- Lòng thương đem trải cùng thiên hạ,
- Lệ thảm người lau ức vạn hàng!
- (Trích tập thơ Phật)
- Nhân sĩ Tống Hồ Cầm
- (Nhà thơ Tống Anh Nghị)