- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Thơ, vầng trăng tuệ giác
- (Vài cảm xúc khi đọc thơ Sư trưởng
Như Thanh)
- Hạnh Phương
Việc một bậc Ni Sư trưởng
cầm bút làm thơ, nói lên những sở nguyện sở đắc, nói lên tâm Bồ-đề
kiên cố, nói lên hạnh nguyện hoằng hóa độ sanh… hoàn toàn không phải
là việc mới lạ, hy hữu.
Việc ấy chỉ là sự nối tiếp, kế
thừa một truyền thống văn học đã có một bề dày lịch sử, thi ca Phật
giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ngay từ thuở Đức
Thế Tôn Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni còn tại thế, nghĩa là vào khoảng hơn
2500 năm trước, đã từng có các bậc Trưởng lão Ni làm việc đó rồi.
Chư vị Trưởng lão Ni để nói
lên quả vị đã chứng của mình, nói lên sự sung sướng phấn khởi của
mình khi chứng được đạo quả, hoặc nói lên những phương pháp tu hành
mình đã thực hành để được giác ngộ giải thoát... đã đọc lên những
bài kệ, đệ trình kiến giải của mình trước Đức Thế Tôn. Và chính
Đức Thế Tôn cũng đã ca ngợi.
Về mặt hình thức, những bài kệ
ấy rõ ràng là những bài thơ. Những bài thơ ấy, trước hết được truyền
miệng trong đại chúng Ni giới, dần về sau được ghi chép thành văn. Những
bài thơ ấy chính là phần nằm trong tập Thera-Therìgàtha, tức tập Trưởng
Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ thuộc bộ Khuddaka Nikayà (Tiểu Bộ
Kinh) mà Phật tử Việt Nam đã được đọc qua bản dịch tập kinh Trưởng
Lão Ni Kệ do Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Phật học Vạn
Hạnh, phiên dịch từ nguyên bản Pàli, và do Tu Thư Phật học Vạn Hạnh
xuất bản năm 1982.
Việc Chân ni Sư trưởng Như Thanh làm
thơ, cho xuất bản Đàm Hoa Thi Phẩm và nhiều thi tập khác như Hoa
Thiền, Hoa Chánh Giác, Hoa Đạo Hạnh... lưu hành nội bộ trong Đại chúng
Ni ở Tổ đình Huê Lâm chính là việc tiếp nối, kế thừa truyền thống
thi ca, văn học có bề dày lịch sử hơn 2500 năm nói trên, như bậc Chân
ni, Ni sư Diệu Nhân (1042- 1113) của Phật giáo Việt Nam thời đại nhà Lý
đã từng làm. Thiết tưởng cũng nên ghi nhớ Ni sư Diệu Nhân là chân dung
văn học đầu tiên của Ni giới để lại tác phẩm đầu tiên có chữ viết,
trong nền văn học Phật giáo Việt Nam.
Và Sư trưởng Như Thanh, suốt một
đời tuyên dương Phật pháp, suốt một đời hoằng hóa độ sanh, là cả
một đời cầm bút làm thơ. Hiện nay, đã ở độ tuổi Đại trưởng lão
trong Ni giới gần 90 tuổi đời, 70 hạ lạp, thế mà Người hãy còn tiếp
tục cầm bút làm thơ, tiếp tục đi nốt con đường của mình đã chọn.
Có lẽ trường hợp Sư trưởng Như Thanh là trường hợp các nhà chép sử
văn học Phật giáo Việt Nam cận hiện đại cần quan tâm.
Việc nối tiếp, kế thừa một
truyền thống văn hóa tốt đẹp như Sư trưởng Như Thanh, đã và đang làm
là việc hoàn toàn xứng đáng tuyên dương với tất cả các mỹ từ tốt
đẹp nhất. Chỉ tiếc, trong Ni giới Phật giáo Việt Nam cận hiện đại,
những người đã làm được như thế hãy còn quá ít. Chưa trở thành phổ
cập như thời Đức Phật còn tại thế.
Xuất hiện trong thời kỳ có phong
trào chấn hưng Phật giáo, bắt nhịp với trào lưu thời đại, một số bậc
chân ni đã khéo vận dụng thi ca, văn học làm phương tiện hoằng hóa Phật
pháp, lợi lạc quần sanh. Chư vị đã cùng Chư Tôn Đức trong Tăng giới
vượt qua những sàng lọc, thử thách của thời đại và tồn tại cho đến
giai đoạn cận hiện đại. Tuy ít ỏi, khiêm tốn nhưng cũng thực may mắn,
những gì mà các bậc chân ni ấy để lại cho đời, đúng là những dấu
ấn son trong nền văn học Phật giáo Việt Nam, thực sự xứng đáng để gọi
là những trân châu, hồng ngọc.
Nếu cố đô Huế cổ kính trầm mặc,
có Chân ni Sư trưởng Diệu Không (1905- 1997) thì ở vùng đất Tăng Nhơn Phú,
Thủ Đức, thuộc Sài Gòn- Gia Định lại có bạch tịnh Chân ni Sư trưởng
Như Thanh. Hai bậc nữ sĩ, hai nhân cách thuần từ nhân hậu trụ ở hai tụ
điểm non sông tú lệ, mà sự nghiệp thi ca của chư vị xứng đáng để nói
đến sự hiện hữu hoành tráng một mảng thi ca thiền học của Ni giới
trong lâu đài thi ca Phật giáo Việt Nam cận đại.
Hai bậc nữ lưu Trưởng lão Ni vừa
là đồng lưu pháp lữ lại vừa là đồng sàng thi hữu của nhau. Nhị vị
gặp nhau từ năm 1938, đã từng là đồng môn của nhau, đã từng cùng nhau
tâm đắc thi tứ xướng họa:
- Ba mươi năm về lại Đế kinh,
- Nay mừng người cũ cảnh thêm xinh.
- Tang thương mấy độ không sờn nét,
- Dâu bể bao phen luống chạnh tình.
- Sóng gió tân trào như bão táp,
- Nước non bến Ngự vẫn thanh bình.
- Ai về xin nhớ ngày tao ngộ,
- Linh Mụ trăng xưa một điểm minh.
- (Mừng Gặp Người Xưa Cảnh Cũ)
- Sư bà Diệu Không
-
-
-
- Cảnh cũ người xưa chốn Đế kinh,
- Vui niềm tri ngộ điểm màu xinh.
- Nước non xa cách đâu sờn chí,
- Sóng gió chia ly há lạt tình.
- Núi Ngự cao nhân nêu cảnh tịnh,
- Sông Hương trí Thánh gợi tâm bình.
- Bao năm còn nhớ màu thi vị,
- Cảnh đấy, người đây thể diệu minh.
- (Sau 30 năm, về Huế thăm Sư bà Diệu Không)
- Tỳ-kheo-ni Như Thanh, 1968
Quả là mối duyên thơ đậm đà
tao nhã, phỉ tình pháp lữ đồng liêu, đồng chí khó có được những tâm
hồn đồng điệu như thế.
Nhị vị Trưởng lão chân ni như đã
cùng tâm đắc với nhau, cùng sử dụng thi ca bày tỏ sở đắc, sở chứng,
để thượng hoằng hạ hóa... mượn hình thái thi ca để nói về bản
tánh chân như trạm tịch nơi bổn tâm mình, nơi sự sự vật vật chung
quanh mình.
Mượn hình thái thi ca để làm phương
tiện hoằng hóa Phật pháp. Và ngược lại, chính nhờ dung lượng Phật pháp
chuyển tải trong thơ khiến cho thơ trở thành đạo và chính bản thân thơ
là đạo.
Bày tỏ ý chí bản tâm sở nguyện
của đời mình, Sư trưởng mượn hình tượng trắng phau như tuyết của
loài hạc trắng bay giữa trời cao mà nói:
- Hạc khắp mình trắng phau tinh sạch
- Chí thanh cao xa cách bụi nhơ.
- (Tâm Sự Hạc – Nhàn Đàm)
Thẳng thắn nói lên ý chí kiên
cường của mình trên con đường tìm cầu giác ngộ:
- Bồ-đề cội cả dày công tưới,
- Bát-nhã mầm linh gắng sức trồng.
- . . .
- Phước mầu hướng thẳng cho trần chúng,
- Quả Phật đài sen thỏa ý mong.
- (Nhập Thất - Hoa Đạo)
Và suốt cả một đời làm thơ,
Sư trưởng Như Thanh đã để lại một khối lượng thi ca phong phú về cả
hai phương diện hình thức lẫn nội dung.
Về mặt hình thức, Sư trưởng từng
sử dụng mọi thể loại. Thể loại, hình thức nào được Người sử dụng
cũng đều nhuần nhuyễn không gượng ép. Chỉ nói về thể loại thơ lục
bát không thôi, có những câu thơ của Người tưởng chừng như đã được
ca dao hóa, đại chúng hóa, tưởng chừng được truyền tụng từ thuở nào
rồi:
- Nhơn nào quả nấy tùy ta,
- Lựa đường mà bước, lựa nhà mà tu.
- (Văn Khuyên các Điệu – Hoa Đạo)
Có những câu thơ đẹp đến mức
độ khi đọc ta hoàn toàn không thấy dụng công trau chuốt, chỉ thấy
bàng bạc chất đạo trôi chảy êm đềm thanh thoát giữa dòng thơ:
- Gió xuân, lay mành trúc,
- Trời xuân, phất mộng hoa.
- Cõi tục, vừa quen biết,
- Đường tiên, mãi lạc xa.
- (Bồ Tát Hóa Thân – Hoa Đạo)
-
- Trăng rọi màu hoa…
- Gió lồng gương hạnh,
- Hồn quê tịch mịch,
- Lòng đạo nhẹ thanh.
- (Đường Về – Đàm Hoa Thi Phẩm)
Về mặt nội dung, hầu như toàn
bộ sự nghiệp thi ca của Sư trưởng là để nói lên điều cốt tủy: quá
trình tu học, quá trình thân chứng, ý chí hoằng nguyện độ sanh của mình.
Nhưng không vì chỉ nói lên cốt tủy ấy mà thơ của Sư trưởng trở nên
khô khan, nghèo nàn, xơ cứng. Ngược lại, chính nhờ lấy chất Phật làm
trụ cột, làm xương sống cho sự nghiệp thi ca, thơ của Sư trưởng mỗi
bài đều linh hoạt, mỗi câu đều êm ả. Chính nội dung Phật chất đã
làm cho nguồn cảm xúc thi ca của Sư trưởng trở thành vô tận, dạt dào
và phong phú.
Rất nhiều mảng nội dung trong thơ
Sư trưởng Như Thanh có những câu thơ được lồng trong khuôn mẫu cổ điển,
nội dung lại không cổ điển chút nào. Chính nội dung thân chứng, giác ngộ
của tác giả đã làm cho câu thơ trở nên mới, trở nên sống thực:
- Tức tâm, tức Phật, tâm là Phật,
- Thế giới Thường Quang lộ bóng mành.
- (Thanh Tâm - Hoa Thanh Hương)
-
- Trí lồng Bát-nhã không xao động,
- Hạnh ướp Chân như, chẳng đợi huân.
- (Chúc Xuân - Hoa Đạo)
Chính những câu thơ cổ điển,
hàm súc nội dung Phật chất đã khiến cho câu thơ trở nên mới, với giá
trị thực hữu, tự thân thân chứng của tác giả đã khiến thơ trở nên
đạo, xứng đáng được gọi là những bài kệ.
Đặc biệt nổi bật trong thơ Sư
trưởng Như Thanh là tính giáo dục, mảng nội dung này hết sức phong phú.
Đó cũng là điều dễ hiểu: Sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Sư
trưởng Như Thanh luôn gắn liền với sự nghiệp giáo dục đào tạo Ni giới.
Là vị đệ nhất Trưởng lão Ni của miền Nam, người đứng đầu Ban quản
trị Ni bộ, vì thế Ni trưởng Như Hoa, trong bài tham luận Hệ Thống Giáo
Dục Ni Giới tại Sài Gòn, đọc trong hội thảo 300 năm Phật giáo Gia Định-
Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh đã minh thị sự nghiệp của Sư trưởng: "Có
thể nói Sư trưởng Như Thanh là người nắm giữ cương lĩnh, người đề
xuất phương án hoạt động, là bậc Thầy giáo dục không bao giờ mỏi mệt."
Và bản thân Sư trưởng Như Thanh
cũng đã gắn liền sự nghiệp thi ca của mình với sự nghiệp giáo dục
ấy.
Là người vừa khai phá, vừa đặt
nền móng vững chắc cho ngôi nhà Ni giới ở miền Nam nói chung, Phật giáo
Sài Gòn- Gia Định nói riêng, Sư trưởng quả xứng đáng được tôn xưng
là bà mẹ hiền của Ni giới Phật giáo Việt Nam cận hiện đại.
Từ năm 1946 đến 1998, đúng 16 lần
Sư trưởng làm Hòa thượng Đàn đầu các Đại giới đàn truyền giới Tỳ-kheo-ni.
Chi tiết tiểu sử này của Sư trưởng đã nói với chúng ta một điều hết
sức hiển nhiên: Đại đa số các thế hệ Ni giới Phật giáo miền Trung
trở vào miền Nam đều là giới tử của Người.
Chính Sư trưởng là người từng
thiết lập những lớp học Gia giáo đầu tiên cho Ni giới. Rồi chính Sư
trưởng cũng là một trong những bậc đống lương thành lập xây dựng,
duy trì phát triển các Phật học Ni viện lớn của Phật giáo miền Nam như
Từ Nghiêm, Dược Sư... Chính Sư trưởng cũng là người vạch định kế
hoạch kinh tế tự túc nuôi dưỡng tồn sinh các cơ sở giáo dục ấy. Tất
cả những gì Sư trưởng thực hiện đều đã trở thành những khuôn mẫu
cơ bản, thực sự có giá trị tồn tại đến hiện nay và còn cho cả tương
lai.
Hình ảnh bà mẹ hiền Sư trưởng
Như Thanh hiển hiện rõ nét trong thơ của Người. Chỉ một câu thơ, tưởng
chừng rất đơn giản, nhưng chúng ta thấy nó chuyên chở một dung lượng
rất lớn của một khối tình, tình mẹ thương con:
- Các điệu đầu xanh tuổi trẻ ơi!
- Chớ nên mê mẩn thú vui đời…
- (Văn Khuyên Các Điệu - Hoa Đạo)
Không có tấm lòng của bà mẹ hiền
thương pháp tử của mình như con ruột, thì không bao giờ Sư trưởng Như
Thanh có thể viết được câu thơ ấy. Câu thơ quả thật rất giản dị,
giản dị đến mức như là một tiếng gọi thôi. Nhưng giá trị văn học
đích thực tuyệt đối của nó ở chỗ, đúng như thật tiếng gọi ấy là
tiếng gọi của mẹ hiền gọi con. Mỹ cảm vượt ra ngoài, vươn lên trên
hình thức thể loại là ở đó. Tự thân thơ và đạo đỉnh cao chính là
ở điểm đó.
Tính giáo dục trong thơ Sư trưởng
đặc biệt không mang tính áp đặt, cưỡng bức, khống chế. Chính đạo lý
từ bi của Phật giáo đã làm cho tính giáo dục trong thơ của Sư trưởng
trở nên năng động, khơi mở, bộc trực, rất nhẹ nhàng, rất dễ thương.
Rất nhiều câu thơ mang tính giáo dục nhưng rất nhẹ nhàng, dịu ngọt.
Trong cách nhìn của Sư trưởng, đôi khi các pháp tử lại trở thành pháp
hữu:
- Luận bàn tâm cảnh thiệt hơn,
- Ẩn trong thi vị, giọng đờn pháp âm.
- (Thi Nhân Tự Cảm – Nhàn Ngâm)
- Huynh đệ cùng nhau gắng học hành,
- Lời qua tiếng lại, nhớ đừng tranh.
- (Khuyên Huynh Đệ Tấn Tu - Hoa Đạo)
Đại đa số chúng ta thường thấy
các vị chân ni Trưởng lão thường mang dáng dấp đạo mạo, ung dung. Tìm
được những nụ cười hóm hỉnh dễ thương, mang chút tính trào phúng dí
dỏm là việc khó có. Thế mà trong thơ Sư trưởng Như Thanh lại thường có
những nụ cười lạc quan ấy:
- Các điệu tu non chẳng mấy ngày,
- Rủ nhau hè trốn, nực cười thay!
- Than vì xa chợ, xa hàng bánh,
- Buồn nỗi không tiền, không vải may.
- Ngó trước nước sông càng thót ruột,
- Dòm sau rừng bụi lại chau mày.
- Tình sầu nát ruột không phương tính,
- Tam thập dĩ đào kế rất hay.
- (Nực Cười các Điệu – Hoa Đạo)
Có một điều chung nhất giữa
các nhà giáo dục lớn, thành công trong sự nghiệp giáo dục, thường là
những vị có nụ cười dí dỏm và hồn nhiên như thế.
Điều sau hết chúng tôi xin thưa,
khi viết bài này, đi vào cõi thơ đầy hương sắc pháp vị giải thoát của
Sư trưởng Như Thanh, chúng tôi không có ý định phân tích, phê bình sự
nghiệp thi ca của một bậc Tiền bối.
Chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại
những ý nghĩ, cảm xúc tản mạn đã có được khi đọc thơ của Sư trưởng,
và chỉ để nói với những người đồng cảm rằng Sư trưởng Như Thanh
không những là bà mẹ hiền sản sanh tuệ mạng cho nhiều thế hệ pháp tử
Ni mà còn là bậc nữ lưu trong văn học Phật giáo Việt Nam cận hiện đại.
Thơ của Sư trưởng Như Thanh thật
giản dị, trong sáng, rất dễ thẩm thấu vào lòng người. Chất Phật bàng
bạc trong thơ của người tự ban sơ là phương tiện chuyên chở tuệ giác
đã hóa thân thành chính suối nguồn tuệ giác ấy.
Ngón tay thơ chỉ cho người thấy bóng
trăng thơ vằng vặc giữa trời để rồi bóng trăng ấy thể nhập soi rọi
vào ngón tay người chỉ. Ngón tay chỉ và vầng trăng thơ trở thành một,
bất nhị, không hai.
- Quay vào, soi rõ lại,
- Phân biệt lẽ gian ngay,
- Vọng, chơn lòng thấu tỏ,
- Đời, đạo lý hiện bày.
- Quay vào, soi rõ lại,
- Thông thấu lẽ xưa nay,
- Có Không đều hư giả,
- Chân nhân hiện mặt mày.
- Quay vào, soi rõ lại,
- Thông suốt cảnh mê say
- Phá trừ tâm hôn ám
- Chơn như cảnh hiện bày.
- (Hồi Quang Phản Chiếu - Hoa Thiền)
Thơ chở chuyên Bát-nhã Thánh
trí và bản thân Bát-nhã Thánh trí cũng chính là thơ ấy. Phần lớn thi ca
của Sư trưởng Như Thanh là như thế.
Lịch sử thi ca Phật giáo Việt Nam
đã từng có một Ni sư Diệu Nhân để lại dấu ấn đầu tiên trong nền
thi ca Phật giáo Việt Nam trang văn học có chữ viết. Đã có những bậc
cao đức Chân ni Diệu Không, Như Thanh… dùng thi ca làm phương tiện tuyên
dương Phật pháp. Con số Ni giới Phật giáo Việt Nam hiện nay không còn
là con số khiêm nhượng so với Tăng giới, vậy thì tại sao chúng ta không
có quyền ước mong rằng Ni giới Việt Nam tương lai sẽ còn nhiều khuôn mặt
mới, nổi bật, xứng đáng kế thừa truyền thống tốt đẹp của Tiền bối,
làm cho diện mạo tương lai thi ca Phật giáo Việt Nam ngày càng phong phú hơn
lên.
- Phật Lịch 2542, 04-7-1998.
- Hạnh Phương
- (Hoàng Kim Bính)