Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Hồng Ẩn nữ sĩ
Thanh Vân–Nguyễn Duy Nhường
Như Hiên–Nguyễn Ngọc Hiền

Một tâm hồn phong phú tiềm ẩn trong một vị Ni đạo hạnh: Hồng Ẩn nữ sĩ. Đó chính là Sư trưởng Như Thanh, Viện chủ Tổ đình Huê Lâm mà hầu hết trong giới Phật giáo đều biết.

Vốn có căn bản Hán văn, nên từ thuở niên thiếu Nữ sĩ đã làm thơ Hán Nôm rất thông thạo. Thế nhưng, Người chỉ ưa sáng tác thơ Nôm. Đề tài thì nghiêng hẳn về Phật pháp – Thiền định. Cho nên dù khi còn đang ở lứa tuổi xuân xanh, lại là con gái cưng của một vị Tri huyện, Hồng Ẩn nữ sĩ đã sớm trở thành một cô gái nghiêm nghị, quên mình là một thiếu nữ tài hoa son trẻ, rất thờ ơ và thường coi nhẹ việc người khác phái dòm ngó, đánh tiếng… Nữ sĩ chỉ đăm chiêu với nhiều ưu tư về kiếp sống lầm than của con người, khi vốn mỗi con người đều sẵn có tâm trong sáng mà nỡ tự làm lu mờ, thật đáng thương thay! Nữ sĩ đã gieo niềm nuối tiếc:

Theo thanh sắc mê lầm ngoại cảnh,
Quên tâm linh một mảnh gương treo.
(Khuyên Ngoạn Cảnh Bát Nhã – Hoa Thiền)

Cũng như Nữ sĩ đã rất đỗi thương cảm cho người đời chỉ lật đật đuổi theo thế cuộc:

Đam mê cuộc thế long đong,
Càng theo, càng dính, khó lòng thoát ly.
(Khuyên Ngoạn Cảnh Bát Nhã – Hoa Thiền)

Nữ sĩ quan niệm, nếu như người đời thức tỉnh, sớm tu tâm, hướng Phật sẽ thấy được ánh sáng:

Đêm tăm tối mượn đèn Bát-nhã,
Chiếu tâm linh vạn nẻo đều thông.
(Khuyên Ngoạn Cảnh Bát Nhã – Hoa Bát Nhã)

Thời gian tiếp theo, Nữ sĩ sáng tác rất nhiều và có tài viết đủ bộ môn: Thơ, đoản văn, triết lý, giáo dục, giáo lý nhà Phật. Về thơ, Nữ sĩ cũng làm đủ thể loại: tứ ngôn, ngũ ngôn, song thất lục bát, Đường luật v.v… Đa phần những bài thơ tả về bể khổ trầm luân trong cõi Ta-bà. Từ đây, Nữ sĩ có ý định thoát tục, ý nghĩ này đã tràn ra lời thơ:

Này người ơi, cấp kỳ tế độ,
Vượt thuyền từ, bể khổ dìu nhau,
Dầu chăng sóng gió ba đào,
Thuyền từ lướt sóng, lao xao ngại gì!
(Tiếng Đàn – Hoa Bát Nhã)

Và rồi đi đến dứt khoát rất nhẹ nhàng mặc dù đang ở trong một nếp sống quá sung túc:

Đành lòng dứt nẻo vinh hoa,
Cam lòng lạt lẽo ngâm nga đạo Thiền.
Dạo chơi dưới suối, bên triền,
Thong dong dạo bước, vui riêng hạnh mầu…
…Thiền nhơn hôm sớm lặng yên,
Tịnh tâm nuôi dưỡng, chơn nguyên ân cần.
(Thủy Biên Lâm Hạ,Trưởng Dưỡng Thánh Thai – Hoa Thiền)

Năm 20 tuổi, Hồng Ẩn nữ sĩ bắt đầu tìm Thầy học đạo, theo hầu Sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường và được đến chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm tu học Hương trường.

Mặc dù ở vào thời điểm nào, Hồng Ẩn nữ sĩ vẫn không ngừng cố gắng vươn lên, vừa theo đuổi việc học vấn lẫn trau giồi nghiên cứu Luật tạng.

Cũng từ đây, Nữ sĩ bắt đầu hoạt động tích cực về mọi mặt: hoằng pháp, khuyến tu, từ thiện, văn hóa, xã hội, giáo dục v.v… Riêng với Hồng Ẩn nữ sĩ thì thơ luôn là bạn đồng hành tương đắc:

Sao rằng ngộ lại là mê,
Học đạo, tu chơn giữ trọn bề,
Trau luyện tinh thần nêu trí huệ,
Phá tan vật chất khỏi si mê.
(Mê Ngộ do Ta – Hoa Đạo)

Sáng tác của Nữ sĩ không hẳn chỉ khuôn mẫu giáo điều! Trái lại, văn chương của Người thảng hoặc rất óng chuốt, mềm mại:

Kìa chim kêu, cành lá ru hòa,
Nọ gió giộng, cành hoa hé mở.
Mây lững thững, lơ thơ, bỡ ngỡ,
Đờn vi vu ngờ ngợ, bàng hoàng.
(Vịnh Cảnh Núi Rừng – Nhàn Đàm )
 
Tai văng vẳng xa nghe chú lái,
Giữa đêm trường hát dậy, hò vang.
Trên sông quạnh vắng, ngỡ ngàng,
Con thuyền lơ lửng, dọc ngang hững hờ.
(Vịnh Chú Lái Đò – Nhàn Đàm)

Đôi khi Nữ sĩ còn pha chút mai mỉa, hóm hỉnh dễ thương:

Ếch đáy giếng nhìn trời một khoảnh,
Miệng nghêu ngao vịnh cảnh, ngâm tình,
Rằng đây trong cõi phù sinh,
Một ta một bước, phỉ tình ngao du.
Ngoài ta, một hạng mù hết thảy,
Có hiểu chi là cái chi đâu.
 
Mỉm cười đắc ý gật đầu,
Rờ da, vuốt bụng, bày câu tự tình.
Thế nhân nom thấy hình nông nỗi,
Thương vì tâm ếch tối mờ mờ,
Mênh mông trời đất trơ trơ,
Mà lòng ếch tưởng vẩn vơ một vòng.
Nực cười ếch vỗ hông bép bép,
Miệng oang oang, ẹp ẹp kêu rùm,
Rằng ta cổ võ thật hùng,
Ngoài ta, ai lại đối cùng ta chăng ?
Lòng tự đắc nhăn răng cười híp!"
(Vịnh Ếch Đáy Giếng – Nhàn Đàm)

Đặc biệt thơ của Nữ sĩ cũng không kém phần dí dỏm, kèm thêm những từ ngữ bỏ phăng, quên phăng thật đắc vị, khiến câu thơ hài hước thêm phần duyên dáng:

Trời xuân một sớm vãng hồi,
Nhân tâm thế đạo tô bồi thiện căn.
Nguyền sanh chúng tâm năng tỏ sáng,
Nguyền đạo mầu chói rạng nơi nơi.
Lòng người tinh khiết cao vời,
Đón xuân, chúc Tết lời lời thanh tao.
Cuộc hội họp đón chào thân mật,
Niềm tin yêu chơn chất đổi nhau.
Bỏ phăng những chuyện khoe màu,
Quên phăng những chuyện thấp, cao thói đời,
Dứt khoát hết mọi lời tráo chác,
Đem ý xuân rào rạt tuôn ra,
Cho lòng mát mẻ, êm hòa,
Cho đời thanh tĩnh, nhìn ra ý mầu.
Xuân Di-lặc gồm thâu ý đạo,
Nêu rõ câu chánh giáo hoằng thâm.
Vì đời mở rộng muôn tầm,
Ban ơn hỷ xả, sai lầm xóa tan.
 
Xuân đạo lý muôn vàn mở rộng,
Hoa tình thương lồng lộng ngát hương.
Thanh bình, hạnh phúc, chơn thường,
Mong sao non nước đón hương xuân về.
Xuân về đây, ủ ê chấm dứt,
Xuân về đây, nô nức niềm vui.
Xuân đem tin tức ngọt bùi,
Xuân đem màu sắc lợi vui chan hòa.
(Chúc Xuân Di Lặc – Hoa Đạo)

Từ năm 1947 đến 1990, Nữ sĩ ở vào tuổi từ ba mươi đến tám mươi. Trong khoảng thời gian 50 năm ấy, ngoài việc sáng tác thơ văn Người đã hoàn thành được rất nhiều sự nghiệp đáng kể.

Nữ sĩ chính là một trong những nữ tu sĩ đầu tiên đứng ra thành lập Ni bộ tại Nam Việt và được đề cử Trưởng ban quản trị Ni Bộ Nam Việt, được chư Tôn Đức Giáo hội Tăng Già miền Nam hết lòng ủng hộ.

Với công hạnh này, Nữ sĩ nhận được rất nhiều thơ văn đề bạt, khen ngợi. Như trong tạp chí "Đông Nam Á Phật Giáo Kiến Văn Ký" xuất bản tại Đài Loan năm 1972, nhà văn Ông Chữ Văn đã viết: "Sư trưởng Như Thanh là một nữ Pháp sư lão thông Tam tạng, nghiêm trì Giới luật…"

Không những chỉ có thế, ông còn so sánh tiếp:

"… Phật giáo Đài Loan đã phát triển từ ngàn xưa, nhưng chưa thành lập được Ni bộ và hoạt động có tổ chức, có đoàn thể như ở miền Nam Việt Nam."

Về mặt thơ văn, vốn tâm tư của Nữ sĩ luôn có ý niệm "dĩ văn tải đạo" nên đã chú tâm dịch thuật và sáng tác một số lớn văn, thi phẩm chuyên về hành đạo, răn dạy Ni chúng v.v…

Cho đến khi trên 80 tuổi, Nữ sĩ vẫn còn làm việc không ngừng! Quả thật, Hồng Ẩn nữ sĩ là một trong những nữ thi sĩ tài hoa. Một vị tu hành chân chánh. Một người mẹ gương mẫu của Ni chúng. Rất xứng đáng cho hậu thế ngưỡng mộ, khâm phục!

Minh Minh Thư Uyển, Mùa Hạ Mậu Dần (5- 1998)
Thanh Vân–Nguyễn Duy Nhường
Như Hiên–Nguyễn Ngọc Hiền

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang