Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Thử tìm hiểu bài "Thơ Nhàn" của Sư trưởng
Diệu Nga

Sư trưởng làm rất nhiều thơ, những bài thơ đậm đà đạo vị hay thanh thoát hương thiền. Người yêu thơ đến nỗi trong các soạn phẩm văn xuôi về giáo lý như Bát Nhã Cương Yếu, Hành Bồ Tát Đạo v.v… Sư trưởng cũng xen vào đấy những bài thơ hoặc để mở đầu một chương mới hay sơ kết một tiểu mục.

Một hôm, nhân xem lại quyển Hành Bồ Tát Đạo, tôi gặp một bài thơ Đường luật của Sư trưởng ở trang 227, chương Nhập Pháp Giới. Bài thơ hay quá, về nội dung cũng như hình thức, khiến tôi cứ đọc đi đọc lại mãi đến thuộc lòng:

"Thong thả nhàn du giữa núi xanh,
Bước chân thoảng nhẹ lối kinh hành.
Nghiêng tai đâu thiết lời thương ghét,
Ngoảnh mặt màng chi tiếng lợi danh.
Cũng có, cũng không cho hợp cảnh,
Rằng phi, rằng thị để xuôi gành.
Tức tâm, tức Phật, tâm là Phật,
Thế giới Thường Quang lộ bóng mành."

Bài thơ không đề tựa cũng như không ghi xuất xứ, nhưng căn cứ vào nội dung, xin mạn phép gọi đó là bài "Thơ Nhàn". Tôi ở xa, không có tài liệu để tham khảo nên không biết chính xác bài thơ được làm vào năm nào, nhưng đoán đây là vào thời kỳ Sư trưởng đang ở Bãi Dứa (Vũng Tàu) để xây cất chùa Hải Vân trên núi. Chùa này bắt đầu được xây cất vào năm 1964, lúc Thầy đã ngoài 50 tuổi.

Sở dĩ tôi đoán như vậy vì căn cứ vào hai câu thực (3+4), Tác giả đang ở vào giai đoạn có tiếng tăm, có địa vị trong Ni đoàn rồi nên mới phải đối đầu với những thị phi, thương ghét, lợi danh. Chứ nếu là vị Ni bình thường chưa ai biết đến như thời gian mới tu ở Hội Sơn hay lúc đi bôn ba cầu đạo thì chắc không ai buồn để ý tới mà thị phi, thương ghét.

Đại ý bài thơ nói đến chữ "Nhàn" nhưng cái nhàn của vị tu sĩ Phật giáo không nhất thiết phải có điều kiện như những nhà Nho xưa là phải có mai, lan, trúc, cúc để thưởng ngoạn, phải có trà để ngắm trăng, có cờ để vui cùng bầu bạn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được tôn trọng như một thi sĩ thoát tục của thời đại xa xưa, khi hưởng nhàn cũng cần phương tiện:

Một mai, một cuốc, một cần câu.

Còn Sư trưởng thì nhàn một cách đơn giản vô cùng:

"Thong thả nhàn du giữa núi xanh."

Chắc chắn đây chẳng phải là thời kỳ nghỉ ngơi để Sư trưởng có thể thong thả ra biển, lên non vãng cảnh như bao nhiêu người khác. Ai biết nhiều về Sư trưởng cũng đều đồng ý rằng Người chẳng chịu ở không một giây phút nào cả. Luôn luôn phải tìm một công việc gì đó để làm. Sự rảnh rỗi đối với Người là một điều phí phạm thời gian.

Người có mặt ở chốn núi non này để trông coi, đôn đốc việc xây cất tự viện. Xây cất là công việc bận rộn và kéo dài, phải lo toan, tính toán mọi thứ nhưng Người vẫn có thể thong thả nhàn du.

Trạng từ "thong thả" diễn tả một cách cụ thể hình ảnh của một thiền gia ung dung tự tại, "nhàn du" trong cảnh núi rừng hùng vĩ. Người và cảnh như hòa nhập làm một trong trạng thái tĩnh mịch của tâm hồn và thiên nhiên.

Tại sao công việc đa đoan như vậy mà Người có thể thong dong nhàn hạ như thế?

Theo thiển ý, thứ nhất là vì oai nghi tế hạnh. Chúng ta ít khi bắt gặp một vị xuất gia hối hả chạy ngược, chạy xuôi dù đang vội vã bận rộn. Họ phải để ý từng hành động, cử chỉ. Lúc nào cũng phải giữ gìn dáng điệu thanh nhã, phong cách trang nghiêm. Cẩn trọng về oai nghi tế hạnh có nghĩa là luôn luôn giữ gìn chánh niệm. Một người mất chánh niệm sẽ dễ có những sơ hở, thiếu sót về oai nghi. Khi bên trong và bên ngoài đã có thể nhập làm một thì vị tu sĩ không còn phải bận tâm giữ gìn nên tâm họ nhàn và mọi người nhìn thấy họ thong thả lắm vậy.

Đến trình độ đó, thì mỗi bước chân đi của hành giả đều là mỗi bước kinh hành, con đường nào Người đi qua cũng trở thành lối kinh hành, đâu đâu cũng là phương tiện tu tập:

Bước chân / thoảng nhẹ / lối kinh hành.

Nhịp 2 / 2 / 3 trong hai câu đầu rất nhẹ, kèm theo vần xanh, hành góp phần diễn tả được ý nhàn lạc của tác giả.

Lý do thứ hai, Sư trưởng là người có đầu óc sắp đặt rất chu đáo. Làm chuyện gì, Người cũng có kế hoạch, chương trình sẵn một cách hoàn bị nên không bao giờ bị lâm vào cảnh "khát nước mới đào giếng".

Nếu ai có dịp tham dự buổi Lễ lạc thành tại Tổ đình Huê Lâm hay tại Quan Âm Bảo Điện chùa Hải Vân (Vũng Tàu) với hàng ngàn quan khách, Phật tử tham dự, với nghi lễ kéo dài cả mấy ngày trời, với nghi thức cúng dường Trai tăng của mấy trăm vị thì chắc chắn họ phải khâm phục sự tổ chức khéo léo, chương trình hoàn bị làm cho các buổi lễ đều được thành công viên mãn. Những ngày ấy, Sư trưởng trông cũng rất là ung dung, vô sự. Nhưng hơn thế nữa, muốn được tâm nhàn, tâm ấy phải tự tại. Sống ở thế gian, dù là bậc Thánh nhân đi nữa, cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận: Kẻ khen, người chê, kẻ thương, người ghét... Hãy xem tác giả có thái độ ra sao đối với vấn đề này:

"Nghiêng tai, đâu thiết lời thương ghét."

Cây càng cao càng bị gió lay, người càng giỏi càng bị kẻ chung quanh ganh ghét, tị hiềm, gièm pha. Lại cũng có người theo nịnh nọt, bợ đỡ để cầu lợi. Đối với những hạng người này, tác giả chỉ cần nghiêng tai cho những lời ấy rớt ra ngoài, tức là không để ý chi đến họ.

"Nghiêng tai" là một hình ảnh đặc trưng để diễn tả thái độ vừa lịch sự vừa có ý nghĩa chối từ. Nhưng đôi khi tác giả phải biểu lộ thái độ mạnh mẽ hơn:

"Ngoảnh mặt, màng chi tiếng lợi danh."

Lợi danh là cái bẫy ngầm, xưa nay đã từng hại không biết bao nhiêu người. Người đời, nếu ham món lợi to, ham cái danh lớn thì mất tự do. Người tu hành lỡ sa vào danh lợi thì chẳng những luống uổng công tu hành, tiêu hao dũng khí, đánh mất huệ mạng mà còn trở nên kẻ phá hoại Phật pháp, hủy báng Như Lai.

Xưa, Ngộ Đạt Pháp sư, dù đã trải qua mười kiếp làm bậc chân tu mà chỉ vì vướng vào danh vị của một Quốc sư, khởi niệm cống cao, ngã mạn trước sự cung kính của Vua quan mà ảnh hưởng đến sự nghiệp tu hành, huống hồ chi kẻ hậu học công phu chưa được là bao.

Cho nên đối với hai chữ "lợi danh" tác giả bày tỏ sự dứt khoát rất rõ ràng bằng hình ảnh "ngoảnh mặt". Về vấn đề này, nếu là đệ tử của Sư trưởng, chúng ta hiểu rõ Người hơn ai hết. Người đã lần lượt lập ra bao nhiêu tự viện, tạo cơ sở kinh doanh để nuôi chúng, mở trường học, phòng thuốc miễn phí v.v... Kẻ thọ ơn khá nhiều, danh tiếng cũng lắm, tài năng hơn người, thế mà lúc nào Sư trưởng cũng lộ vẻ khiêm cung và không bao giờ để ý đến tài sản, của cải hay danh vị cao tột của mình trong hàng ngũ Ni chúng.

Nếu hai câu thực (3+4) trên đã nói lên được tinh thần cảnh tỉnh cao tột của người tu để giữ tâm không xao động (bất biến) vì trần cảnh thì trong hai câu luận (5+6) kế tiếp, tác giả đưa ra một phương cách đối nhân xử thế rất tùy duyên, rất mềm dẻo:

"Cũng có, cũng không cho hợp cảnh,
Rằng phi, rằng thị để xuôi gành."

Thế giới của chúng sanh là thế giới của phân biệt, đối đãi. Vì vô minh che lấp, họ không thấu rõ được thiệt tướng của các pháp nên đối với giả cảnh, họ thấy Có đối lập với Không, thấy còn, thấy mất, thấy vinh nhục, sang hèn... rồi sanh tâm tranh chấp hơn thua. Xã hội trở nên hỗn độn (nên mới cần đến luật pháp) chỉ vì cái mà người này cho là phải (thị) thì người kia bảo là trái (phi). Điều mà người này tôn sùng, kẻ khác lại chê bai. Đến như công lý, pháp luật cũng sai khác nhau từ nơi này đến nơi khác. Bởi vậy, Pascal, một nhà tư tưởng Pháp đã nói: "Chân lý ở bên này dãy núi Pyrénées lại là sự sai lầm bên kia núi."

Chẳng những thế, tại cùng một xứ sở, công lý còn bị thay đổi theo thời gian. Cho nên, tất cả những sự thấy biết, những phê phán của con người đều tương đối và phiến diện như chuyện ngụ ngôn "năm chàng mù rờ voi" vì không ai nắm được sự thật toàn diện.

Hãy tưởng tượng khi năm anh mù sờ voi tranh cãi nhau, kẻ thì bảo con voi giống như cột nhà, người nói con voi giống như cái quạt, kẻ thì nhất quyết cho rằng con voi giống như cây chổi. Ai cũng cho mình là đúng, không ai chấp nhận ý kiến của bạn mình nên sự tranh cãi trở nên quyết liệt, sắp đi đến chỗ đánh nhau.

Ngay lúc ấy, một người sáng mắt đi ngang qua đó. Anh dừng lại nghe và hiểu cớ sự. Vì lòng từ bi, anh muốn nói cho họ biết sự thật về hình dáng con voi nhưng chợt nhớ rằng họ đang mù, họ sẽ không chấp nhận sự thật anh nói vì sự thấy biết của họ rất giới hạn. Cho nên buộc lòng anh phải đóng vai trò ba phải, chấp nhận hết những ý kiến dị biệt để hòa giải cuộc tranh chấp.

Một bậc chân tu liễu đạo cũng thế. Dù đã thấu triệt chân tướng của vũ trụ vạn hữu vốn không sinh, không diệt, không sạch, không nhơ, không tăng, không giảm trong tánh thể vô tướng vốn chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phi, chẳng thị... nhưng vì chúng sanh mê muội bị trói buộc vào sự thấy biết hạn hẹp của mình nên vị ấy cũng tùy theo căn cơ của họ mà:

"Cũng có, cũng không cho hợp cảnh,
Rằng phi, rằng thị để xuôi gành."

"Cho hợp cảnh" "để xuôi gành" nên được hiểu theo ý nghĩa tùy thuận chúng sanh để cứu độ chúng sanh, nghĩa là phải hiểu biết, phải thông cảm với tâm tư, hoàn cảnh, kiến thức của họ để tùy theo đó cho thuốc trị bệnh vô minh chớ lòng Đạo sư không theo ai, không bỏ ai. Người đối xử với chúng sanh thật bình đẳng trong tinh thần vô xứ bất từ bi của Đức Phật.

Điệp từ Cũng (có), cũng (không)

Rằng (phi), rằng (thị)

có những âm hưởng nhẹ nhàng như cái gật đầu của người mẹ cốt dung hợp các ý kiến xung khắc giữa các con để tạo hòa khí trong gia đình.

Với tâm địa rộng rãi, bình đẳng hư dung và vô sự như vậy, hơn ai hết, vị Đạo sư tự chứng biết rằng:

"Tức tâm, tức Phật, tâm là Phật,
Thế giới Thường Quang lộ bóng mành."

Ba điệp từ: tức, tâm, Phật trong câu thơ bảy chữ (tức tâm, tức Phật, tâm là Phật) làm âm hưởng của thơ trở nên mạnh mẽ, góp phần khẳng định cho ý thơ thêm vững chắc.

Phật chẳng ở đâu xa, chính tâm mình là Phật. Xưa, chư Phật, chư Tổ đã từng nói như thế. Bây giờ, vị Đạo sư sau khi liễu ngộ cũng y như thế nên Người lặp lại y như vậy để giúp cho kẻ hậu học thêm phần thâm tín.

Phật tại tâm. Nếu chúng ta không rong chơi, mê mải đuổi theo bóng dáng trần cảnh, không bị trói buộc vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không bị tham, sân, si sai khiến, tâm địa rỗng rang không chấp trước, lúc nào cũng tự tại thong dong tùy duyên hành xử lợi mình, lợi người thì tâm ấy là tâm Phật, vì đã sống chung cùng tự tánh thanh tịnh sáng suốt, không còn bị vô minh che lấp.

Thế giới Thường Quang (Phật tánh) được hiển lộ như ánh trăng không còn bị che lấp. Ánh trăng ấy từ đây ban rải ánh sáng trí huệ, từ bi cho tất cả một cách bình đẳng và đem lợi lạc cho muôn loài chúng sanh.

Trên, chúng ta đã tạm phân tích ý nghĩa của nội dung cũng như đặc thù của hình thức bài thơ, sau đây xin thử cùng nhau luận bàn về tư tưởng sâu xa của tác giả hàm ẩn trong bài thất ngôn bát cú Đường luật này.

1- Nhàn: cốt ở tâm Không.

Chữ nhàn ( ) theo gốc Hán tự là: trăng ( ) hiện ra nơi cửa ( ) hay tựa cửa ngắm trăng, ngụ ý nói đến sự rảnh rỗi, không phải lao nhọc về thân cũng như về tâm. Đối với Nho gia, nhàn cũng có nghĩa là những thú tiêu khiển, giải trí tao nhã như đánh cờ, làm vườn, uống rượu, ngâm thơ:

Thu ẩm Hoàng hoa tửu,
Đông ngâm Bạch tuyết thi.

Cho nên từ ngữ "Nhàn" thường được các nhà thơ xưa của Việt Nam tạo thành những chữ kép như: thú nhàn, hưởng nhàn, nhàn lạc... và họ chỉ tự cho phép mình hưởng nhàn lúc đã làm xong bổn phận đối với xã hội, đã trả xong nợ tang bồng hồ thỉ (nợ làm trai).

Còn đối với môn nhân của đạo Lão thì nhàn là thái độ thanh tịnh vô vi. Họ từ bỏ công danh, không tha thiết gì đến sự đời, ngao du chốn rừng sâu núi thẳm, làm bạn với thiên nhiên, vui cùng trăng bạc mây ngàn, sống cuộc đời lâng lâng thoát tục.

Riêng hàng Thích tử, nhàn cốt ở tâm. Tâm không vướng bận thì nhàn. Tâm vô ưu là tâm nhàn. Tâm tĩnh lặng cũng gọi là nhàn.

Như vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ phái Thiền Trúc Lâm đã tâm sự:

Thuở bé chưa từng rõ Sắc Không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Lúc chưa tu, chưa ngộ thì lòng rộn rã vì hoa xuân đua nở, nghĩa là luôn bị quấy động vì trần cảnh nên tâm không lúc nào được yên. Đến khi tỏ ngộ thì:

Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền, ngắm cánh hồng.

Tâm của Thiền sư trở nên thảnh thơi, nhàn nhã làm sao!

Nhưng muốn đạt tới trình độ bát phong xuy bất động như thế, hành giả phải buông bỏ hết mọi chấp trước để sống trọn vẹn với tâm Không của mình:

Nếu đạt tâm Không, không tướng sắc,
Sắc, Không ẩn hiện mặc vần xoay.
(Thiền sư Viên Chiếu)

Khi sống với tâm không phân biệt như vậy, thì đối cảnh không sanh tình nên không có gì phải lo nữa. Sắc, Không tùy thời, tùy duyên ẩn hiện, mọi chuyện trên đời cũng thế thôi. Cho nên Bồ-tát tuy nỗ lực làm mọi việc thiện mà sự thành bại, thị phi không xáo động được tâm của người, lợi danh không cám dỗ được người, vì vậy lúc nào cũng có thể "Thong thả nhàn du", đi vào cõi Ta-bà ác liệt cũng như đi dạo vườn hoa tươi mát vậy.

2- Bài thơ biểu lộ tinh thần "Ngã, Pháp song vong".

Mục đích của Phật pháp nhằm phá trừ ngã chấp, pháp chấp, nên thơ của một vị chân tu thật học thường khác với thơ của người đời. Muốn thấy rõ điều này, chúng ta nên so sánh đôi chút.

Như Nguyễn Công Trứ (đầu thế kỷ 19) nhà Nho lý tưởng hào hùng đầy đủ hiếu, trung, tiết, nghĩa đã mượn hình ảnh của cô gái góa, vì muốn thủ tiết thờ chồng đã dẹp bỏ xiêm y, lụa là, bôi vẽ mặt mày cho lem luốc hầu không ai để ý tới mình. Dư luận xung quanh có kẻ khen, người chê, nhưng cô vẫn:

Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
Khôn ai đổi lấy dại này!
(Gái Góa)

Câu keo (câu chót) trong bài hát nói này biểu lộ thái độ hãnh diện của tác giả vì tự thấy mình hơn người. Rõ ràng là có sự phân biệt giữa mình và người (ngã chấp) và có sự dính mắc vào ý niệm khôn dại, dại khôn (pháp chấp).

Đến như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà thơ lão thông Tam giáo, cũng còn thấy có ta, có người (ngã chấp), có khôn, có dại, có nơi vắng vẻ, có chốn lao xao, tức là có pháp để chọn lựa:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
(Cảnh Nhàn)

Xem lại bài Thơ nhàn của Sư trưởng, tuyệt nhiên không có chữ tôi ta, không có mình, không có người. Đây không phải là sự cố ý, vì toàn bài thơ chẳng có chỗ nào bị gượng ép. Thơ văn ấy đã xuất phát từ tâm hồn vô ngã, nên tự nhiên thành như vậy.

Tuy đối cảnh cũng nghe thấy những lời thương ghét, thị phi, những tiếng lợi danh mà lòng không móng khởi sự ưa ghét, chỉ vì tâm tác giả không bị vướng vào thế tình. Đó là tinh thần ngã pháp song vong vậy.

3- Bài thơ chỉ rõ phương pháp tu hành.

Sư trưởng không bao giờ nghĩ đến cá nhân mình trong mọi công việc, mọi tình huống. Cho nên, việc làm thơ đối với Người, không phải là ngâm hoa, vịnh nguyệt để hưởng nhàn. Thơ là phương tiện chuyên chở đạo, là lời khuyên nhủ, là cách truyền trao phương tiện tu hành.

Trong bài Thơ nhàn này, nếu ngẫm lại theo chiều dọc thì theo cấu trúc của bài thơ Đường luật, ý của bốn đoạn đề, thực, luận, kết nối tiếp nhau một cách chặt chẽ để hiển bày kinh nghiệm (hay phương pháp tu hành) của tác giả.

Hai câu đề: phải nên giữ gìn oai nghi, tế hạnh, sao cho chánh niệm luôn hiện tiền và nên biết rằng nơi nào, cảnh nào cũng là trợ duyên phương tiện cho sự tu hành. Không phải chỉ ngồi thiền, tụng kinh, lễ lạy mới là tu. Giữ tâm nhàn nhã trong mọi thời là thiền rồi vậy.

Ý này Thiền sư Hiện Quang (dòng Vô Ngôn Thông, tịch năm 1220) đã từng nói:

Vô vi sống đồng ruộng,
Người tự tại thong dong.

Nhưng muốn được tự tại thong dong như vậy không phải dễ. Hành giả trong bước đầu tu tập cần phải giữ mình sao cho lợi danh không cám dỗ được, sao cho lời thương ghét của người đời không lọt vào tai được, để tâm lúc nào cũng vững vàng như tường vách. Người đời sở dĩ khốn khổ chỉ vì tâm họ luôn động chuyển vì tha nhân, vì hoàn cảnh. Người tu hành biết lý vô thường, khổ, không thì luôn tự cảnh tỉnh, không để giả cảnh mê hoặc mình. Danh lợi tuy như phù vân nhưng nếu bị trói buộc vào đấy thì đánh mất cả pháp thân huệ mạng, sẽ bị chìm lún trong bể khổ sanh tử biết đời nào thoát ra được. Rắn độc, hổ dữ tuy đáng sợ nhưng bã lợi danh đối với người tu còn đáng sợ hơn. Vì rắn, cọp chỉ hại được thân mạng của một đời, còn bị lợi danh mê hoặc thì tai hại đến vạn kiếp. Nên tác giả khuyên:

"Nghiêng tai, đâu thiết lời thương ghét,
Ngoảnh mặt, màng chi tiếng lợi danh."

Giữ được cái tâm như tường vách như vậy rồi mới có thể độ chúng sanh, nếu không thì sẽ bị chúng sanh "độ" ngược lại.

Tu tập được tâm bất động chuyển rồi mới dám theo bước Ngài A-nan phát đại thệ nguyện rằng:

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.

Khi thấy mình đã đủ sức độ chúng sanh thì trong các việc Phật sựó thể tùy duyên hành động, tùy căn cơ của họ mà nói có, nói không, lúc bảo phi, lúc bảo thị.

Thời Đức Phật thuyết pháp, đối với bậc hạ căn, Ngài dạy nhân quả, thiện ác; đối với bậc trung căn, Ngài nói Tứ đế, Thập nhị nhơn duyên; riêng đối với bậc thượng căn đại trí, Ngài giảng thuyết Bát-nhã. Làm sao người tiểu căn, tiểu trí có thể thấu hiểu được "tội tánh vốn không" hay "dù có giết hết sinh linh cũng vô tội" (Kinh Đại Bát Nhã). Phải những bậc thượng căn như Tuệ Trung Thượng sĩ mới ứng hội lý Vô sanh mà thốt ra rằng:

Không tâm, thì không phải cùng không quấy;
Chẳng kiến, thì không tà cũng không chánh.

Cho nên người hành đạo rất uyển chuyển và biết tùy duyên phương tiện. Tuy luôn tùy duyên như vậy nhưng không bị hoàn cảnh lôi cuốn vì tâm ấy vốn nhờ giới tướng đầy đủ, giới thể trang nghiêm nên vẫn bất biến trong mọi hoàn cảnh. Đến khi ấy, thì chợt ngộ ra rằng:

"Tức tâm, tức Phật, tâm là Phật."

Phật ở tại tâm mình, không ở đâu xa. Sống với tâm rộng lớn, tâm vô trước, tâm từ bi, tâm hỷ xả là ứng hợp cùng Phật tánh chơn như rồi. Chơn như bây giờ không còn tại triền (bị phiền não trói buộc) như lúc chưa tu. Tâm ấy giờ sáng ngời như hình ảnh của ánh trăng vừa ló dạng:

"Thế giới Thường Quang lộ bóng mành."

Chơn như xuất triền thì tự tại, sáng trong, biểu lộ "thế giới Thường Quang" là thế giới mà chư Phật, chư Bồ-tát cũng đã thân chứng trước kia.

Thật ra, suy cho cùng thì đâu có gì gọi là chứng, đâu có chi gọi là đắc. Bởi vì viên ngọc vốn có sẵn nơi chéo áo rồi, chỉ cần trực nhận rồi lấy châu báu của mình ra diệu dụng thôi.

Bài thơ với nhịp điệu thong thả, nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, trong sáng, gợi hình trong cấu trúc chặt chẽ của thể Đường luật, tuy chỉ gồm 56 chữ mà đã chứa đựng biết bao ý tưởng quý giá đáng cho chúng ta chiêm nghiệm. Càng thấm ngẫm, chúng ta càng sinh lòng kính ngưỡng đối với Sư trưởng, bậc chân tu thật học lúc nào cũng vì đạo quên thân, vì sự tiến tu của Đại chúng mà ân cần khuyên dạy, răn nhắc.

Bài thơ rất gợi cảm vì nó được viết bằng trái tim, bằng tình thương đối với Đại chúng; cũng rất thực tiễn vì chất liệu lấy từ kinh nghiệm bản thân, không phải từ lý thuyết suông. Vì ngôn hành hợp nhất nên thơ với người chỉ là một.

Được thừa hưởng đạo nghiệp của Sư trưởng lưu lại là một điều may mắn nhưng cũng là một trọng trách thiêng liêng. Bởi vì, nếu chúng ta không cố gắng tiếp tục hoài bão, tâm nguyện của Người thì chẳng khác nào chúng ta cô phụ tấm lòng tha thiết của mẹ hiền vậy.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn hai câu thơ của Sư trưởng (làm năm 1956, mừng Ni bộ ra đời) để làm phương châm học đạo và hành đạo, noi theo gương Người:

Năm sắc mây lành theo nguyện đến,
Niết-bàn thanh tịnh tại lòng thiền.
Đệ tử Diệu Nga
kính bút

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang