- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Khai thị
- Diệu Nga
Tôi theo mẹ đi chùa Huê Lâm từ
thuở còn là học sinh Trung học (thập niên 60), nhưng trong khoảng thời
gian dài dằng dặc từ khi ấy cho đến sau 1975 vài năm, hầu như tôi chưa
có cơ hội hấp thụ giáo lý, thiệt tình phải nói như thế. Có thể vì
tâm tôi còn động quá, hay vì cũng như bao nhiêu người cùng trang lứa, tuổi
thanh xuân thường hăm hở đi vào đời hơn là chịu tốn thời giờ cho
giáo lý, chẳng biết có ích lợi gì thiết thực chăng?
Mãi đến khi ngoài ba mươi tuổi,
khi tâm hồn bớt sôi nổi để có thể chiêm nghiệm lý vô thường, qua sự
đổi dời dâu bể tang thương, tôi như người chiêm bao chợt tỉnh. Thời
gian này mặc dầu vẫn còn đi dạy học nhưng tôi dành thời giờ lui tới
chùa nhiều hơn, và tham dự thọ Bát quan trai, hay phụ giúp chùa trong những
ngày lễ lớn.
Minh sư thường kiên nhẫn để chờ
đợi thời tiết nhân duyên hội đủ. Sư trưởng biết đây là lúc thuận
tiện để mở trí cho người đệ tử đã quy y hơn chục năm qua nhưng vẫn
còn dày đặc vô minh. Người gọi tôi vào chùa trong những lúc rảnh rỗi,
bảo tôi đọc sách cho Người nghe hay phụ sửa lại những bản dịch của
Người. Mỗi khi tới đoạn nào quan trọng Người bảo tôi đọc lại, hỏi
xem tôi hiểu như thế nào, nếu tôi trình bày không đúng, Người sửa lại
và giảng rõ hơn.
Người bảo tôi sắm một cuốn tập
riêng để ghi chép những lời của cổ đức, những câu này thường để
khai thị bản tâm. Thí dụ như:
- "Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
- Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân."
- (Thiền Lão Thiền sư)
-
- (Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
- Trăng trong mây bạc hiện toàn chân)
- "Tác hữu trần sa hữu
- Vi không nhất thiết không
- Hữu không như thủy nguyệt
- Vật trước hữu không không."
- (Thiền sư Đạo Hạnh)
-
- (Có thì muôn sự có
- Không thì tất cả không
- Có, không trăng đáy nước
- Đừng mắc có cùng không)
- "Diệu tánh hư vô bất khả phan
- Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
- Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
- Liên phát lô trung thấp vị càn."
- (Thiền sư Ngộ Ấn)
-
- (Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin
- Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin
- Tươi nhuần sắc ngọc trong núi đốt
- Lò lửa hoa sen nở thật xinh)
-
-
- "Bổn lai vô cấu tịnh
- Cấu tịnh tổng hư danh
- Pháp thân vô quái ngại
- Hà trược phục hà thanh?"
- (Tuệ Trung Thượng sĩ)
- (Xưa nay không nhơ sạch
- Nhơ sạch toàn tên suông
- Pháp thân chẳng ngăn ngại
- Gì đục lại gì trong?)
Những bài kệ ngắn của cổ đức
ảnh hưởng nhiều đến tâm thức tôi nhưng chỉ là sự cảm nhận thôi,
tôi chưa hiểu thấu được.
Một hôm, nhân lúc Người rảnh công
việc, tôi đánh bạo thưa hỏi:
- Thưa Thầy vọng tâm và chơn tâm
khác nhau như thế nào?
Người tỏ vẻ hài lòng khi thấy
tôi có những khúc mắc, nghi vấn, Người bảo:
- Cùng một tâm này, nếu hướng ra
ngoài để phân biệt rồi so đo, tính toán, chọn lựa lợi hại, hơn thua,
vinh nhục, sang hèn... thì gọi là vọng tâm vì tâm ấy đã bị hình danh, sắc
tướng ràng buộc, che mờ và những thấy biết của nó cũng không đúng với
lẽ thật. Tỷ như người nằm chiêm bao thấy đủ chuyện xảy ra
trong giấc mộng mà chừng tỉnh ra thì biết là không thật vậy.
- Thưa Thầy, cảnh chiêm bao gọi đó
là không thật thì con hiểu rồi, nhưng đối với những sự kiện trong đời
đây, cái gì cũng có tướng, dụng của nó như lửa rờ vào thấy nóng, nước
đá cầm lâu thì lạnh, sao gọi là không thật được?
- Gọi nó không thực, không phải
là không có. Chúng có mặt, có tác dụng hẳn hoi nhưng chúng không có tự
ngã, chỉ vì hội đủ nhân duyên mà xuất hiện, khi duyên hết thì tan hoại.
Đó là tính chất vô thường, vô ngã của vạn pháp. Tỉ dụ như một cơn
mưa, đó là vì hơi nước bốc lên gặp lạnh rơi xuống thành mưa, phải vậy
không? Mưa một hồi, mây tan, trời trong sáng trở lại thì đâu còn mưa nữa.
Trời lúc mưa, lúc nắng, đó là
tính cách vô thường, vì luôn luôn biến chuyển. Trận mưa tự nó không thể
có được mà phải nhờ nhiều yếu tố kết hợp lại mới tạo ra nó thì
gọi là vô ngã. Sự việc gì mang tính cách vô thường, vô ngã đều là hư
vọng.
Tâm vướng mắc vào những pháp trần
hư vọng như vậy gọi là vọng tâm. Người sống với vọng tâm thường bị
những đợt sóng phiền não bủa vây, không được an lạc.
Thầy nói đến đó rồi ngưng. Tôi
im lặng hồi lâu rồi mới rụt rè hỏi tiếp:
- Thưa Thầy còn chơn tâm?
- Hễ vọng niệm bặt dứt thì chơn
tâm hiện bày như sóng lặng thì nước trong, nên người xưa nói: "Phiền
não tức Bồ-đề." Điều này không thể dùng lời nói mà diễn tả
được, con phải tự nghiệm xét lấy. Nếu Thầy tạm dùng ngôn từ mà
nói cho con hiểu thì cũng chỉ là hiểu phần lý giải thôi. Phải thấm
ngẫm mà tự ngộ.
Câu phiền não tức Bồ-đề
từ đó dính vào tâm tôi như một thứ keo khó gỡ. Trải qua nhiều tháng
ngày suy tư, tìm hiểu tôi lại cảm thấy mờ mịt hơn. Đầu óc nặng trĩu
như mang một món nợ to mà không cách gì để hoàn trả.
Một ngày kia, nhân ngày thọ Bát
quan trai, Người giảng về một đề tài nào đó mà tôi không còn nhớ
rõ. Trong lúc giảng Người dùng phấn vẽ trên bảng một cái vòng tròn, từ
vòng tròn đó tỏa ra nhiều vạch thẳng, đại khái như sau:
- - Biết có / không
- - Biết còn / mất
- - Biết mưa / nắng
- - Biết giàu / nghèo
- - Biết đẹp / xấu
- - Biết cây cỏ
- - Biết nước non
- - Biết trời mây
Tôi nhìn sững vào hình vẽ, hốt
nhiên như trút được gánh nặng từ trước đến nay.
Sau đó mấy hôm, Người gọi tôi
đến dạy việc vào một buổi sáng. Người đã dùng điểm tâm xong, nằm
thảnh thơi trên võng. Thấy tôi đến, Người cười hoan hỷ. Hôm ấy,
trông Người có vẻ khỏe khoắn và an lạc lắm.
Người bảo tôi ngồi xuống cái ghế
cạnh đó, rồi Người xòe một bàn tay trước mặt tôi. Người vốn thấp
người nên bàn tay của Người cũng ngắn; lòng bàn tay thì đỏ au. Thuở
ấy, Người còn mạnh khỏe nên đôi bàn tay tròn húp, nếu chắp lại với
nhau thì giống y như búp sen.
Người vừa nói vừa chỉ vào lòng
bàn tay:
- Con thấy các ngón tay có dài có
ngắn nhưng lòng bàn tay thì không. Chúng tuy sai khác nhưng các ngón tay phải
nhờ lòng bàn tay mới liền lạc cũng như lòng bàn tay phải nhờ các ngón
tay mới diệu dụng được. Lòng bàn tay ví như bản thể vốn không phân
biệt, còn các ngón tay là những hiện tượng muôn ngàn sai khác. Song bản
thể không thể tách rời khỏi hiện tượng, còn hiện tượng không thể lưu
xuất ngoài bản thể. Tâm và cảnh cũng như vậy.
Tôi sung sướng lãnh hội pháp nhũ
của Thầy trao, nghe như bột đã nhào nặn bằng tay người thợ giỏi. Những
mảnh tri thức rời rạc mà tôi góp nhặt đó đây, giờ đã thành một khối.
Hôm ấy, tôi ở lại chùa làm việc
đến khuya. Buổi tối, thong dong trên chiếc xe đạp về nhà, tôi chợt
nhìn thấy ánh trăng thu vàng tươi nằm giữa bầu trời xanh biếc. Tôi hít
một hơi dài cho gió mát lùa vào hai buồng phổi, thấy khoan khoái lâng
lâng. Bất giác tôi tự hỏi: Đức Phật dùng ngón tay chỉ mặt trăng(1),
Thầy dùng cả bàn tay để chỉ chân lý. Chẳng biết mình đã thấy
gì chưa hay vẫn còn quanh quẩn trên mấy đầu ngón tay của Bồ-tát?
DIỆU NGA