- SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH:
CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
- Chùa Huê Lâm
- Sư trưởng với các công
trình xây dựng Chùa–Điện
- Trần Hồng Liên
Trong suốt cuộc đời sống đạo
và hành đạo của mình gần một thế kỷ, một trong những đóng góp lớn
lao của Sư trưởng còn lưu lại mãi về sau này, có lẽ đó là những
công trình kiến trúc Phật giáo. Những ngôi Già-lam đã do hoài bão và
lòng nhiệt thành với đạo pháp, cùng sự nỗ lực hỗ trợ về tinh thần
lẫn vật chất của nhiều lớp Phật tử tiếp nối, được xây dựng ở
nhiều nơi khắp miền Đông Nam bộ, đặc biệt là trên vùng núi non biển
cả Bà Rịa–Vũng Tàu.
Có chùa do bàn tay, óc tổ chức điều
động của Sư trưởng và Phật tử cố gắng nhiều năm liền mà thành tựu.
Cũng có chùa xuất phát từ ý nguyện tha thiết muốn có chỗ thanh vắng, nằm
trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, để độ hàng Phật tử lớn tuổi mà Sư
trưởng quyết tâm xây dựng.
Đến nay đã có gần mười ngôi
chùa có phần xây dựng đóng góp lớn lao của Sư trưởng đều thuộc loại
Già-lam kiên cố, uy nghi mỹ thuật, được Phật tử do kính người mến cảnh
tìm đến rất đông. Những ngôi chùa ấy ngày nay đã góp phần tạo cho
nhiều Ni cô trẻ, nhiều Sư bà cao tuổi sống tu trong cảnh thuận duyên
làm lợi ích cho đời. Nhiều chùa là nơi rèn luyện lòng hy sinh, nhẫn nhục,
ý chí cao cả vượt khó của nhiều Ni cô còn trẻ tuổi, là nơi các cô vừa
học tập, vừa sản xuất.
Dưới những mái chùa này, Phật tử,
khách vãng lai trong và ngoài nước, đã có được những giây phút thanh
nhàn, có điều kiện nhìn ngắm biển rộng, trời xanh, để thấy rõ hơn,
để hiểu sâu hơn về lẽ thật của cuộc đời!
1- Chùa Hội Sơn.
Chùa tọa lạc tại số 1A
Cầu Ông Táng, Long Bình, huyện Thủ Đức. Chùa có lịch sử gần hai trăm
năm, do Thiền sư Khánh Long khai sáng vào cuối thế kỷ 18. Chùa mang tên Hội
Sơn cũng nhằm giới thiệu cảnh trí nơi có đất thiêng tụ hội, sơn minh
thủy tú.
Buổi đầu chùa chỉ là một am nhỏ,
nằm trên khu đất cao 15m so với mặt biển. Phía trước chùa là sông Đồng
Nai, phía sau là Hương lộ 38. Có thể đến chùa bằng hai ngã: đường sông
và đường bộ. Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì, hiện còn lại một
số bài vị trong chùa thuộc đời thứ 37 (Hòa thượng Liễu Lộc Từ Lâm),
đời 38 (Hòa thượng Khánh Long), đời 39 (Hòa thượng Đức Hội), đời 42
(Hòa thượng Chơn Truyền), đời 44 (Hòa thượng Đạt Biên). Trong khuôn
viên chùa khi trùng tu, còn phát hiện được bia mộ của Hòa thượng Huệ
Tấn (đời 43). Tất cả các Thiền sư này đều thuộc phái Lâm Tế.
Chùa còn là một di chỉ khảo cổ
học quan trọng, nằm trong một quần thể di chỉ khảo cổ học khác đã
được khai quật như Bến Đò, Ngãi Thắng, Cù Lao Phố, Bến Gỗ, Bình
Đa...
Từ năm 1904 (Giáp Thìn) sau khi Hòa
Thượng Đạt Biên viên tịch cho đến năm 1920, chùa Hội Sơn khuyết trụ
trì. Chùa được Hương Cả của làng trông nom. Từ năm 1920 đến năm 1930,
chùa do ông Nguyễn Xích Hồng trông coi. Năm 1930, Hòa Thượng Bửu Quý trụ
trì chùa Phước Tường, chịu trách nhiệm quản lý chùa Hội Sơn. Sau đó,
giao cho đạo hữu Hồng Đạo trông nom.
Năm 1935, Hòa thượng Bửu Quý cử
Ni cô Diệu Tánh (nay là Sư trưởng Như Thanh) đến chùa thay thế đạo hữu
Hồng Đạo. Sau khi vâng lệnh Thầy về Hội Sơn, Sư trưởng được thân
phụ là Phật tử Hồng Ngộ đứng ra lo việc tu sửa, xây dựng thêm dãy tăng
đường và nhà trù. Ngoài số gạch ngói do kiến trúc sư Hồng Đạo vận
động một số người Pháp ủng hộ và một phần gỗ khai thác từ vườn
chùa, chi phí trùng tu còn lại đều do gia đình Sư trưởng cúng dường. Tại
ngôi chùa này, Sư trưởng đã từng mở lớp học Hạ, quý Sư cô ở các nơi
về học. Hiện nay là Sư bà Tâm Đăng (Nha Trang), Sư bà Huyền Huệ (chùa Hải
Ấn, quận Tân Bình)…
Năm 1948, Sư trưởng giao chùa Hội
Sơn cho Sư cô Như Tiên trông coi. Sau khi Sư cô Như Tiên tịch, chùa được
giao cho Thượng tọa Nhật Tiến (đệ tử của Sư trưởng) coi tạm.
Năm 1992, Sư trưởng giao chùa lại
cho Thượng tọa Nhật Quang (đệ tử) trông nom. Hiện nay, Đại đức Thiện
Hảo (Lệ Tâm) là đệ tử của Thượng tọa Nhật Tiến đang trông giữ
và trùng tu ngôi chùa này.
2- Chùa Huê Lâm I.
Chùa tọa lạc tại số 130 đường
Lục Tỉnh, quận 11, Chợ Lớn. Trên khuôn đất 1815m2, năm 1900 gia
đình bà Trần Thị Nhiều đã lập ngôi chùa nhỏ cho dòng họ, theo dạng cải
gia vi tự.
Năm 1945, Sư trưởng nhận lời mời
của ông bà huyện Nguyễn Kỳ Sắc (quyến thuộc của bà Trần Thị Nhiều),
về tu tại đây. Năm 1947, mở Phật học Ni viện Huê Lâm. Năm 1953, Người
được gia đình bà Trần Thị Nhiều ủy quyền chùa. Cũng trong năm này, Sư
trưởng mở lớp bình dân học vụ để dạy văn hóa cho dân quanh vùng.
Năm 1954, xây trường Tiểu học Kiều
Đàm miễn phí. Dưới khả năng điều động, tổ chức của Sư trưởng,
chùa Huê Lâm đã là Tổ đình của Ni Bộ Nam Việt (sau này là Ni Bộ Bắc
Tông). Đại hội thành lập Ni bộ được tổ chức tại đây từ ngày 05
đến ngày 07 tháng 10 năm 1956.
Từ năm 1959, theo đồ án và sự chỉ
đạo thi công của Thầy Hồng Đạo, chùa được tái thiết toàn diện theo
kiến trúc hiện đại và theo sự gợi ý của Sư trưởng. Chùa đã trải
qua nhiều lần trùng tu để cất thêm Ni xá, hệ thống trường Trung Tiểu
học Kiều Đàm (năm 1970).
Chùa Huê Lâm đã trở thành một cơ
sở văn hóa giáo dục và từ thiện xã hội, từ năm 1945 cho đến năm
1975.
Ngày 19 tháng 02 năm Quý Dậu (1993),
chùa Huê Lâm dưới sự chỉ đạo và điều động của Sư trưởng đã tiến
hành xây dựng chánh điện mới. Lễ lạc thành được tổ chức vào ngày
19 tháng 02 năm Ất Hợi (1995). Trong dịp này, Sư trưởng đã mở
"Thiên Tăng Hội" cúng dường 1250 vị Tăng Ni. Đây là Đại lễ
Trai Tăng rất hiếm có.
3- Chùa Từ Nghiêm.
Chùa tọa lạc tại số 415–417
đường Bà Hạt, quận 10, Chợ Lớn.
Vào năm 1950, nơi đây là Ni trường
của Phật Học Đường Nam Việt, lúc này chỉ là ngôi nhà lá nhỏ ba gian,
đủ cho 40 vị Ni học tập. Đến năm 1952, Ni chúng dời về học tại chùa
Dược Sư.
Năm 1957, khi tìm nơi làm trụ sở
Ni bộ miền Nam, Sư trưởng và quý Ni trưởng trong Ban quản trị Ni bộ
được Hòa thượng Thích Đạt Từ nhượng lại chùa Từ Nghiêm (lúc này
còn là chùa lá).
Năm 1959, chùa được khởi công
xây dựng, đồ án do Thượng tọa Thích Hồng Đạo là anh ruột của Sư
trưởng thiết kế và chỉ đạo thi công. Phụ với Sư trưởng có quý Sư
bà Tâm Nhàn, Giác Thiên, Vĩnh Bửu là những người lo về mặt tài chánh
tích cực nhất. Ngoài ra, về phía cư sĩ còn có bà bác sĩ Trần Vạn Kim,
nhũ danh Trương Thị Chơi, pháp danh Diệu Đạo và ông Tố Tân là những Phật
tử rất đắc lực trong công trình xây dựng này.
Năm 1962, chùa được hoàn thành gồm
một quần thể kiến trúc quy mô với giảng đường, trai đường, phòng
công nghệ, nhà bếp, phòng làm việc của Ban chức sự ở tầng trệt. Tầng
lầu có chánh điện, văn phòng Ni bộ... Sư trưởng là Viện chủ chùa Từ
Nghiêm. Lễ lạc thành cũng được tổ chức trong năm này. Từ đó, mỗi kỳ
Đại hội Ni bộ miền Nam và toàn quốc, các Giới đàn Ni đều tổ chức
tại đây và đây cũng là Ni trường Phật học.
4- Chùa Phổ Đà.
Chùa tọa lạc tại số 31/1 đường
Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu, được thành lập vào năm 1958 trên
một vùng đồi hoang, do một người Pháp cúng. Chùa do Sư trưởng khai phá,
bà Phạm Thị Khá (pháp danh Tâm Minh) đã cùng một số Phật tử khác bỏ
công sức và tiền bạc phụ với Sư trưởng gầy dựng trong buổi đầu. Lễ
lạc thành được tổ chức vào năm 1960. Hiện nay, chùa do Ni sư Như Lý
trông coi.
Tại đây, Sư trưởng đặc biệt xây
dựng Bảo Tạng thất làm nơi nhập thất và dịch kinh. Vườn chùa có trồng
xoài, mít lấy bóng mát và trái cây cúng Phật. Ngoài ra, Người còn kiến
tạo Quan Âm Các. Chư Phật tử thường xuyên đến viếng rất đông.
Trước năm 1975, Sư trưởng đã kết
hợp hoạt động từ thiện xã hội của chùa Phổ Đà cùng với chùa Quy Sơn
để có điều kiện vật chất cho trường Kiều Đàm ở Vũng Tàu hoạt động.
5- Chùa Hải Vân.
Xuất phát từ ý nguyện tạo lập
tự viện nơi thanh vắng, trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ để độ hàng Phật
tử lớn tuổi có chí nguyện xuất gia và mở đạo tràng Tòng Lâm Ni Chúng
Bộ nên vào năm 1964, Sư trưởng đã quyết tâm xây dựng chùa Hải Vân.
Chùa tọa lạc tại số 114 đường
Hạ Long, thành phố Vũng Tàu, trên vùng đất cao tại Bãi Dứa, thuộc sườn
núi Nhỏ, nhìn ra biển Đông.
Là người đứng ra thiết kế đồ
án cho mọi công trình, Sư trưởng lần lượt cho cất tạm nhà lợp tôn
vào năm 1964. Năm sau, nhà thiền được dựng lên. Năm 1968, xây nhà tổ và
chánh điện bằng vật liệu nặng. Năm 1970 Pháp Bảo Tạng được tạo dựng
để lưu trữ Đại Tạng Kinh. Sư cô Như Lượng và một số Ni chúng đã
phụ giúp đắc lực trong các công trình này.
Từ năm 1990 đến 1992, xây thêm giảng
đường và Quan Âm Bảo Điện.
Tại chùa Hải Vân, Sư trưởng đã
thành lập một đạo tràng Bát quan trai, khoảng 150 vị. Mỗi tháng hai lần,
chùa có giảng giáo lý cho các Phật tử trong vùng. Việc giảng dạy đều
do Ban hoằng pháp tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đảm nhiệm. Do cảnh trí trang
nghiêm thanh tịnh và địa thế thuận lợi, hằng năm có hàng ngàn khách du
lịch trong và ngoài nước đến viếng cảnh.
6- Chùa Quy Sơn.
Chùa tọa lạc tại số 48/2 đường
Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu, trên một đồi cao gần Thích Ca
Phật Đài, chùa mang tên Quy Sơn để tưởng nhớ đến vị Tổ khai sáng
tông Quy Ngưỡng.
Từ năm 1966 chùa được khởi công
xây dựng gồm chánh điện, hồ nước ngầm. Đến năm 1969, tổ chức Lễ
khánh thành. Năm 1970, tiếp tục hoàn thành giảng đường và tăng xá. Mãi
đến năm 1994, các dãy nhà phụ mới được hoàn tất. Việc xây dựng do
Hòa thượng Hồng Đạo thiết kế và chỉ đạo thi công, Sư trưởng giữ
vai trò cố vấn và ủng hộ tài chánh.
Phong cảnh chùa Quy Sơn yên tĩnh, với
vẻ đẹp khiêm tốn hòa vào thiên nhiên hùng vĩ, nên có bài thơ ca tụng của
Hòa thượng Hồng Đạo:
- Quy Sơn cảnh trí thiên nhiên,
- Biển kia bao bọc nối liền trước sau.
- Xa xa lại có cù lao,
- Vòng cung phía trước, núi cao quanh vùng.
- Quy Sơn cảnh đẹp lạ lùng,
- Gần xa quý mến cùng chung vui vầy.
- Ngôi chùa kiến trúc dựng xây,
- Cổ kim hòa hợp, Đông Tây trình bày.
-
- Đồi cao bao khắp vườn cây,
- Đường lên kiên cố không gây nhọc nhằn.
- Dễ đâu có cảnh cho bằng,
- Giúp cho hành giả thường hằng an tâm.
-
7- Chùa Huê Lâm II.
Chùa tọa lạc tại số 383/5 ấp Quảng
Phú, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu; được tạo lập
từ năm 1976, trên mảnh đất khuôn viên Đại Tòng Lâm, do Hòa thượng Giám
đốc Tổ đình Ấn Quang (Hòa thượng Thích Thiện Hòa) cấp và được xây
dựng theo đồ án thiết kế của Hòa thượng Hồng Đạo. Hai đạo hữu
Thiện Chí, Thiện Phước đã nhiệt tâm góp phần công đức.
Sư trưởng dựng lập ngôi chùa
này với mục đích tạo điều kiện cho các Ni trẻ, tuổi từ 17 đến 45,
học tập và lao động.
Năm 1977, Người mở trường Hạ, làm
nơi tập trung nhập Hạ của chư Ni toàn vùng.
Năm 1983, Sư trưởng cho tu sửa chùa
khang trang hơn. Toàn bộ khu đất ba mẫu rưỡi quanh chùa, được sử dụng
trồng rau cải, đậu phộng, thanh long... để chư Ni lao động và tự túc
thực phẩm. Ngoài ra, Sư trưởng còn chỉ đạo chế biến tương chao, chanh
muối... giúp thêm phần thu nhập cho Ni chúng an tâm tu học.
Năm 1989, kiến lập Quan Âm Phật Đài
theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bạch Hoàng
Năm 1990, mở lớp Sơ cấp Phật học.
Năm 1995 (19- 9 Ất Hợi), chùa được
vinh dự xây dựng Đàm Hoa Bảo Tháp (tên tháp do Hòa thượng Quảng Thạc,
chùa An Lạc đặt) theo chỉ thị của Ban trị sự Thành hội Phật giáo
Thành phố Hồ Chí Minh, với dự kiến đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của
Sư trưởng (mặc dù Người đã phó chúc không nên xây tháp). Thượng tọa
Minh Phát đã sáng tác bốn bài thơ khắc trong lòng tháp, có đoạn đúc kết
công hạnh Sư trưởng trong việc xây dựng và trùng tu các ngôi Già-lam tịnh
địa:
- "Thủ Đức từ khi gởi chút duyên,
- Phước Tường xuất thế được lưu truyền..."
- "...Núi Phổ vẹn lòng ân hóa pháp,
- Hải Vân thắm đượm, cỡi xe trâu.
- Hội Sơn một độ ngôi Phương trượng,
- Trùng kiến Huê Lâm buổi ban đầu..."
- "...Ni bộ lập thành, công đệ nhất,
- Từ Nghiêm độ chúng, cảnh Thiền-na.
- Một đời trọn vẹn hơn tám chục,
- Tùy duyên hóa độ cõi Ta-bà.
- Theo dấu chân xưa về Bảo sở,
- Tháp bia còn đó với sử gia."
-
8- Pháp Hoa Tịnh Viện.
Do lòng kính mộ bậc Tôn túc trong
Ni giới, Ni sư Tịnh Hoa và môn nhơn đại diện phái Hoa Tông, chùa Diệu
Pháp đường Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, đã cúng ngôi Pháp
Hoa tịnh viện (Tùng Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho Sư trưởng. Vào
ngày 24 tháng 11 năm 1994, trước sự chứng minh của Giáo hội và chính quyền
địa phương, Ni sư Tịnh Hoa chính thức cung thỉnh Sư trưởng trụ trì
ngôi Tịnh viện này. Kể từ đây Pháp Hoa tịnh viện trực thuộc hệ thống
Tổ đình Huê Lâm.
9- Quan Âm Phật Đài.
Điểm chung nhất trong các ngôi
chùa do Sư trưởng trụ trì và thành lập đều có nơi riêng biệt để thờ
tôn tượng Quan Âm. Tại chùa Huê Lâm II, nhờ địa thế rộng rãi nên vào
ngày 19- 02 năm Kỷ Tỵ (1989), Sư trưởng đã đặt viên đá đầu tiên xây
dựng Quan Âm Phật Đài. Đây là một công trình quy mô kiên cố, với cấu
trúc cầu vồng mềm mại thanh thoát, phù hợp truyền thống Á Đông.
Công trình kéo dài 12 tháng.
Đến ngày 19- 02 năm Canh Ngọ (15-
3- 1990) cử hành lễ an vị Phật.
10- Quan Âm Bảo Điện.
Quan Âm Bảo Điện được tạo dựng
trong khuôn viên chùa Hải Vân, nằm trên sườn núi Nhỏ (Vũng Tàu) xoay mặt
ra biển Đông, có cấu trúc vững, tầm vóc quy mô kiên cố, màu sắc tươi
sáng, phù hợp với phong cảnh hùng vĩ của núi rừng và khoảng rộng bao
la của biển trời.
Bảo điện do kiến trúc sư Nguyễn
Hữu Thiện và Tô Ngọc Ẩn thiết kế đồ án; đạo hữu Tâm Khai chỉ đạo
thi công; đạo hữu Thiện An và Chí Pháp nhiệt tâm ủng hộ tịnh tài. Tuy
nhiên, người chỉ đạo tài ba nhất chính là Sư trưởng. Mặc dầu tuổi
đã quá bát tuần, Người vẫn không ngại tuổi già sức yếu, hằng ngày
lên non theo dõi công trình suốt 2 năm.
Ngày 19- 02 năm Nhâm Thân (22- 03-
1992), tổ chức Lễ khánh thành.
Bảo Điện Quan Âm thật đáng làm
nơi ghi dấu bước tiến về nghệ thuật văn hóa của Ni giới Việt Nam.
Nhờ oai lực của Đức Quan Thế
Âm và chư Thiện thần ủng hộ, cùng trí huệ tuyệt vời phong phú, Sư
trưởng đã nghĩ ra đồ án và chỉ đạo cho kỹ sư thiết kế hoàn thành
được hai Điện-Đài to lớn có tầm vóc nguy nga vĩ đại như trên.
Ngày nay, hai công trình này là thắng
cảnh Phật giáo có tầm cỡ quốc gia, thu hút nhiều khách tham quan từ mọi
miền đất nước hằng năm về đây chiêm bái.
- Thật là hy hữu thay,
- Vinh hạnh thay cho Ni giới!
KẾT LUẬN.
Qua một số công trình kiến trúc
được Sư trưởng Như Thanh tạo lập, Tăng Ni Phật tử có thể hiểu thêm
về Người - một vị Ni có hoài bão cao đẹp, có ý chí sắt đá, có bản
lãnh và hơn hết là hạnh nguyện cao cả. Rất nhiều ý kiến khác nhau về
hàng loạt ngôi chùa do Sư trưởng dựng lên. Có người e ngại rằng: nên
chăng việc dựng xây quá nhiều chùa chiền tráng lệ? Điều đó cũng đã
từng được Sư trưởng nghĩ đến.
Mỗi một Già-lam được dựng lên
trong một bối cảnh đặc biệt, nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau
trong công cuộc hoằng pháp. Nếu như ngôi chùa Hải Vân được tạo lập
chỗ thanh vắng, phù hợp cho hàng Phật tử lớn tuổi, thì chùa Huê Lâm lại
là nơi thu hút sức trẻ, có chí nguyện, có tinh thần tự túc, tự lập để
tiến tu. Chính từ những suy nghĩ và hoài bão trợ duyên cho hàng hàng lớp
lớp Phật tử nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, nhiều hạnh nguyện khác
nhau mà những ngôi Già-lam lần lượt ra đời.
Trong suy nghĩ của mình, Sư trưởng
không hề cho rằng khung cảnh nguy nga, thoáng mát của ngôi Già-lam sẽ làm
chùn bước Đại chúng trên đường giải thoát. Trái lại, nơi đây còn tạo
thuận duyên cho nhiều khách vãng lai mến cảnh mến người mà đến để
gieo duyên lành, gieo tư tưởng vô ngã vị tha. Hơn nữa cảnh thanh tịnh
trang nghiêm sẽ làm tăng thêm nét đẹp thâm trầm của thiên nhiên hùng vĩ,
làm tăng thêm tình yêu quê hương với sơn lam thủy tú, trong đó ẩn chứa:
Mái chùa che chở hồn dân tộc!
Ngày nay, sống trọn cuộc đời gần
một thế kỷ, nhìn lại những ngôi Già-lam được bàn tay mình tạo dựng
có lẽ Sư trưởng đã mãn nguyện và tin tưởng rằng tinh thần và ý chí
lợi sanh vẫn còn hiện diện qua hàng Ni giới Nam bộ. Từ đây, bao hạt giống
Bồ-đề được gieo rắc nhiều nơi, sẽ nảy nở những tấm lòng nhân
ái, biết thương yêu và hết lòng vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.
Quý đông, Năm Đinh Sửu, 1997.
Trần Hồng Liên