Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Sư trưởng Như Thanh với Công tác từ thiện và Cơ sở tự túc
Thích Nữ Hạnh Tâm
Phật tử Tâm An

Có thể nói, thế kỷ 20 là thế kỷ của các cuộc cách mạng nhân sinh, cách mạng khoa học kỹ thuật, và cũng là thế kỷ để đạo Phật vươn lên hòa nhập vào lòng nhân thế. Một bước ngoặc mới đã được mở ra để cho mọi người cùng góp mặt, cùng ra sức củng cố cho ngôi nhà đạo pháp được trường tồn. Trong giai đoạn này, Ni giới đã có thể nói lên tiếng nói của chính mình. Và một trong những vị lãnh đạo Ni giới - người đứng đầu Ni bộ miền Nam chính là Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh, đức và tài của Người đã làm sáng lên một góc trời chân lý.

Công đức cùng sự nghiệp hoằng pháp của Người thật vĩ đại! Người không chỉ là bậc Trưởng lão Ni, không chỉ là nhà nghiên cứu Phật học, không chỉ là nhà thơ mà Người còn là mẹ hiền của bao kiếp người nghèo khó, của bao trẻ thơ không mẹ cha, không chỗ nương nhờ.

 

I. CÁC CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI.

Đứng trước bao hiện cảnh mất mát đau thương của nhân loại, Sư trưởng hiện thân như một mẹ hiền Quan Âm. Người ban phát cho đời bằng tình thương bao la của người mẹ, bằng ân tình sâu rộng của người cha. Những việc làm đó đã nêu rõ quyết tâm cùng hạnh nguyện của vị Bồ-tát xuất thế, đem đạo vào đời, khế hợp mọi căn cơ trình độ của chúng sanh. Sư trưởng không chỉ thể hiện việc này trên ngôn từ, qua những lời giáo huấn, mà người còn đi sâu hơn bằng những việc làm thực tế có ích cho muôn người.

1- Mở trường dạy văn hóa:

Là vị Ni đầu tiên đặt nền móng trong lãnh vực hoạt động xã hội vì nhân sanh, Sư trưởng đã chú ý tới việc mở mang kiến thức cho mọi người. Nhiều ngôi trường miễn phí được xây dựng khắp nơi cũng đủ nói lên bao tâm huyết của Người.

font> Trường Tiểu học Kiều Đàm tại chùa Huê Lâm I, quận 11, Chợ Lớn, thành lập năm 1952. Có khoảng 200 học sinh theo học.

font> Trường Trung Tiểu học Kiều Đàm tại chùa Huê Lâm I, khai giảng năm 1967. Có 14 lớp, dạy từ Mẫu giáo đến lớp 9 (Trường này được hình thành từ trường Tiểu học Kiều Đàm).

font> Trường Mẫu giáo Kiều Đàm tại Gò Vấp, thành lập năm 1967.

font> Ký nhi viện Kiều Đàm tại chùa Huê Lâm I quận 11, Chợ Lớn, thành lập năm 1970.

font> Trường Kiều Đàm tại chùa Qui Sơn, ở Vũng Tàu, thành lập năm 1970.

font> Ký nhi viện Kiều Đàm ở Vũng Tàu, thành lập năm 1971.

Do nhận thức "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", con người là một nhân tố tích cực tạo nên xã hội, và chủ nhân ông quyết định cho sự sinh tồn, hưng thịnh của xã hội, của đất nước chính là thế hệ trẻ. Sư trưởng rất quan tâm đối với trẻ em - những mầm non của đất nước. Điều này vừa mang tính nhân bản, lại vừa thể hiện được tinh thần nhập thế của đạo Phật. Việc làm đầu tiên của Sư trưởng là hướng đến những trẻ em nghèo thất học, một thành phần rất cần được sự nâng đỡ của xã hội. Những ngôi trường miễn phí ra đời sẽ đào tạo thêm cho đất nước nhiều người có học thức, có đạo đức. Những mầm xanh của đất nước phải được giáo dục từ một môi trường lành mạnh. Những ngôi trường mang tính từ thiện được hình thành trong giai đoạn mà xã hội còn nhiều hạn chế, nước nhà còn trong thời chiến tranh. Ấy vậy mà Sư trưởng đã đứng lên với một quyết tâm dũng mãnh. Người đã đơn phương vạch ra nhiều phương hướng để làm lợi ích cho đời. Và Sư trưởng, bằng mọi khả năng đã từng bước, từng bước tạo ra nhiều cơ sở vật chất. Người đã vượt qua mọi khó khăn thử thách ban đầu, đã sẵn sàng dấn thân vì sự thôi thúc của xã hội, vì sự nghiệp trồng người. Mọi sự dấn thân của Người đều mang những ý nghĩa tuyệt vời làm sao! Bởi ở nơi Người chỉ có niềm tin, ý chí và một tâm hồn vĩ đại bao la! Suốt cuộc đời Người là một cuộc hành trình dài không biết mỏi mệt. Người đã tạo nên sức sống cho vạn trái tim xanh. Đã khơi nguồn cho mọi thăng hoa thế hệ ngàn sau.

Bằng tình cảm bao dung của bậc chân tu khả kính, Sư trưởng đã đem ánh sáng văn hóa, cùng những kiến thức văn học nghệ thuật trao truyền lại cho đời. Ước vọng của Người là mong đào tạo, xây dựng nên nhiều thế hệ biết yêu thương đất nước, con người.

2- Mở các lớp dạy nghề:

Trên cương vị của một vị Ni trưởng, Sư trưởng đã đem chân lý đạo mầu ban rải ra cho mọi loài sanh chúng. Việc làm từ thiện của Người như một làn gió mát, khơi dậy vạn niềm tin yêu. Là người đứng đầu Ni Bộ Bắc Tông, Sư trưởng hiểu rất rõ vai trò cùng trọng trách của mình trong việc chấn hưng và đào tạo những bậc Ni tài cho Đạo pháp. Bên cạnh đó, Người cũng không quên mở rộng tâm nguyện độ đời. Người đã cho mở các lớp dạy nghề miễn phí để giúp đỡ người nghèo có thể tự lập, tự kiếm sống bằng chính đôi tay, khối óc và sức lao động của chính họ:

- Lớp dạy đan len tại chùa Huê Lâm, thành lập năm 1966.

- Lớp dạy may tại chùa Huê Lâm, thành lập năm 1968.

Các lớp dạy nghề này ra đời đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ khắc phục những khó khăn, bức xúc trong hiện tại cũng như đem lại được một hướng đi mới cho tương lai. Qua đó, Người cũng nhằm tạo cơ hội để chư Ni có dịp hòa nhập vào thế giới bên ngoài để đi sát với thực tế đời thường. Đó là tâm hạnh độ sanh của Bồ-tát xuất thế. Đó cũng là hạnh nguyện không thể thiếu được của những ai đang trên bước đường thực hành Bồ-tát hạnh.

Từ những việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực đó, Sư trưởng đã đào tạo nên một thế hệ có đầy đủ bản lãnh và chí khí. Những con người đã tự đứng lên bằng khả năng và ý chí tự cường. Thương chúng sanh, Người không chỉ cho ăn mà còn tạo nhiều điều kiện để họ có được một nghề nghiệp chơn chánh. Giúp họ hiểu được giá trị đồng tiền, sự sống. Xóa tan đi cái mặc cảm nghèo khổ, ăn bám xã hội. Một khi họ đã tự ý thức được giá trị đồng tiền do họ làm ra bằng mồ hôi và nước mắt, họ sẽ có sự quý yêu và thương cảm với cuộc đời hơn. Với những việc làm này, Sư trưởng cũng muốn phá vỡ cái quan niệm xưa nay người ta thường cho rằng Ni giới là khăn che kín tai, là không nghe được tiếng kêu thương của muôn loài. Trước chủ trương của Sư trưởng, nhiều vị Ni trẻ đã cùng góp mặt, thực hiện các công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ, thất nghiệp, bệnh tật, trẻ em thất học. Họ đã đóng góp hết sức mình, đã tham gia vào các công tác từ thiện như dạy chữ, dạy nghề, bốc thuốc... Mỗi việc làm, mỗi hành động xả thân của chư Ni đã ít nhiều góp sức cùng xã hội trong việc giáo dục con người, tạo cơ duyên cho họ phát huy năng khiếu, tài nghệ cũng như đưa họ hòa nhập vào lòng xã hội tìm kế mưu sinh.

Với chí nguyện Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài, đối với người nghèo khổ trong xã hội, trước hết Sư trưởng giúp cho họ cái ăn, sau giúp cho nghề nghiệp. Với người bệnh tật thì giúp cho thuốc men, với trẻ mồ côi giúp cho cơm ăn áo mặc, học hành để sau này chúng góp mặt với đời mà không cảm thấy thua kém, tự ti. Từng công việc ấy đã góp phần làm vơi đi bao nỗi khổ của kiếp người và giảm bớt gánh nặng xã hội.

3- Mở các phòng thuốc:

Nhằm xoa dịu bao nỗi đau bệnh tật của con người, nhất là những người nghèo khổ, bơ vơ, Sư trưởng đã mở ra một số phòng phát thuốc, phòng châm cứu, chữa bệnh miễn phí.

- Phòng thuốc Nam tại chùa Huê Lâm I, thành lập năm 1961.

- Phòng thuốc Tây tại chùa Huê Lâm I, thành lập năm 1966, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân.

- Phòng châm cứu tại chùa Huê Lâm I, thành lập năm 1975, điều trị mỗi tháng hơn 300 bệnh nhân.

Các Sư cô có nguyện vọng phục vụ về ngành thuốc đều được Sư trưởng cho đi học hỏi, nghiên cứu thêm và đã trở về lo đảm trách các cơ sở này. Những phòng khám bệnh Đông, Tây y ra đời, chính là những ước mơ thiết thực, một việc làm phù hợp với lời dạy của Đức Thế Tôn: "Bát phước điền trung, khán bệnh đệ nhất." Xem việc cứu vớt người như cứu độ mình, tâm hồn Người luôn có sự đồng cảm sâu xa khi Người coi tất cả chúng sanh như con ruột. Với một tình thương không bờ bến, Người sẵn sàng tạo ra nhiều phương tiện để cứu vớt, nhằm xoa dịu phần nào những vết thương, nỗi đau của nhân thế.

4- Thành lập Ban Bảo Trợ:

Để công tác từ thiện xã hội được bảo đảm bền lâu, vào năm 1953 Sư trưởng đã thành lập Ban bảo trợ Hội từ thiện chùa Huê Lâm, do bà bác sĩ Trần Vạn Kim (nhũ danh Trương Thị Chơi) pháp danh Diệu Đạo làm Hội trưởng. Mục đích của Ban bảo trợ là kêu gọi các Phật tử, các nhà hảo tâm đóng góp công và của, chung sức giúp cho công tác từ thiện xã hội luôn đều đặn phát triển.

Trong bối cảnh của đất nước lúc bấy giờ mang nhiều thương tích vì chiến tranh tàn phá, việc làm của Sư trưởng cũng như nhiều đoàn thể công tác từ thiện khác đã thổi vào một luồng sinh khí mới. Bồ-tát nhìn thấy chúng sanh đang lặn hụp trong bến bờ vô vọng, và Người đã không ngần ngại ra tay cứu giúp. Người hiện hữu ở đời như một vị lương y biết bệnh cho thuốc. Dù đang đi trên con đường Thánh đạo nhưng không xa lánh cuộc đời. Đem tâm niệm của mình ứng hợp với tâm nguyện của chúng sanh, Người luôn đặt trách nhiệm lợi tha đi đôi với chí nguyện tự lợi để thực hành theo lời dạy của đức Lục tổ:

Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mích Bồ-đề,
Tức như tầm thố giác.
 

II. CÁC CƠ SỞ TỰ TÚC.

Trong cuộc hành trình đơn phương và nhiều nghịch cảnh, Sư trưởng đã đem đến cho đời sự an vui hạnh phúc, tình thương không vụ lợi; đem đến cho thế hệ trẻ bất hạnh mái ấm gia đình. Từng bước chân Người đi qua, những nơi Người đến đều lưu lại ít nhiều những dấu tích của niềm tin. Người đã đến với từng cuộc đời, những cụ già cô đơn không người thân thích, những em bé, những thiếu phụ bơ vơ... đều là những hình ảnh rất quen thuộc nhưng thường bị cuộc đời hất hủi lãng quên. Với tâm từ rộng mở, với chí nguyện cao ngời, đôi tay kỳ diệu của Người đã tác động đến bao tâm hồn. Người vừa xoa dịu, lại vừa trân trọng, thân tình trước mọi mầm sống của tha nhân.

Song song với những việc làm đó, Sư trưởng lại thường dạy cho hàng đệ tử xuất gia, ngoài việc học hỏi, trau giồi trí đức, tâm đức lại còn phải biết kiến tạo cho mình có được một tinh thần tự lập, thực hiện theo lời dạy của Tổ Bá Trượng: "Một ngày không làm, một ngày không ăn." Do đó, nhiều cơ sở vật chất được Người thành lập để cho Ni chúng có dịp phát huy tài khéo léo cùng tính năng động.

 

1. Các phòng phát hành Kinh sách:

- Phòng phát hành tại chùa Huê Lâm I, quận 11, Chợ Lớn, thành lập năm 1960.

- Phòng phát hành tại chùa Huê Lâm II, Bà Rịa- Vũng Tàu, thành lập năm 1989.

 

- Phòng phát hành tại chùa Hải Vân, Vũng Tàu, thành lập năm 1992.

2- Các tiệm cơm chay:

- Tịnh Tâm Trai 170A Hiền Vương, quận 3, Sài Gòn, (Võ Thị Sáu, TP.HCM) thành lập năm 1959.

 

- Thanh Tâm Trai ở Ngã Bảy, được thành lập năm 1959. (hiện nay không còn hoạt động)

3- Các cơ sở sản xuất nước tương:

Cơ sở sản xuất nước tương Hoa Sen Trắng tại chùa Huê Lâm I (Quận 11, Chợ Lớn) thành lập năm 1965; tại chùa Huê Lâm II (Bà Rịa- Vũng Tàu) thành lập năm 1989; tại chùa Hải Vân (Vũng Tàu) thành lập năm 1992.

4- Phòng may:

- Phòng may tại chùa Huê Lâm I, thành lập năm 1960.

 

- Phòng may tại chùa Huê Lâm II, thành lập năm 1989.

5- Cơ sở sản xuất nhang:

Cơ sở sản xuất nhang tại chùa Huê Lâm I, thành lập năm 1970.

Các cơ sở tự túc này đến nay vẫn còn hoạt động và phát triển. Chính điều này đã thể hiện được tinh thần tự lập trong cuộc sống nhà chùa. Không như nhiều người vẫn nghĩ về người xuất gia chỉ là những người ăn không ngồi rồi, ăn bám xã hội. Ngoài ra, nơi đây cũng chính là nơi đào luyện một thế hệ trẻ năng nổ.

Ngoài việc trau giồi Giới Định Huệ, họ còn biết làm việc, biết sống tự lập, không lệ thuộc vào chế độ cúng dường của Phật tử, và nhất là đã góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, cũng như giúp cho công việc từ thiện của Sư trưởng ngày càng phát triển tốt đẹp. Xây dựng nhiều cơ sở tự túc, Sư trưởng cũng nhằm tạo cho Ni chúng ý thức được trách nhiệm cùng sứ mệnh của mình. Đã qua rồi thời kỳ mà người tu sĩ chỉ biết ẩn mình giữa chốn non cao, tìm vui trong ý đạo, mùi thiền. Như loài ong hút mật mà không hề làm tổn thương đến hương sắc của hoa, người xuất gia học đạo bây giờ, ngoài việc tấn tu đạo nghiệp còn phải biết lăn xả vào đời; lăn xả vào đời cũng có nghĩa là vượt lên trên cuộc đời, biết tổ chức, sáng tạo. Như thế, những vật chất do mình tạo ra bằng sức lực và mồ hôi sẽ mang một ý nghĩa rất khác biệt: Người xuất gia dùng nó để làm phương tiện độ sanh. Trước hết Bồ-tát đem vật chất cho chúng sanh đang đói khổ, sau hướng dẫn về con đường chánh đạo. Có được phương tiện trong tay chúng ta sẽ dễ dàng tạo điều kiện để cứu người, giúp đời.

Tiếp bước theo hạnh nguyện của Sư trưởng, nhiều vị Ni trẻ đang ngày càng lăn xả vào đời. Với vốn kiến thức sẵn có về thế học và đạo học, họ lại thể hiện được tinh thần trách nhiệm rất cao, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, vì ý thức phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật. Các vị luôn có mặt khắp nơi, từ những công tác từ thiện, phát thuốc, phát quà cho trẻ em nghèo tại địa phương vào những ngày rằm, lễ lớn, cũng như quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt khắp nơi. Họ luôn đi vào thực tế để hiểu thế nào là câu nói của cổ nhân Một miếng khi đói, bằng một gói khi no. Ở nơi nào có chúng sanh đói khổ kêu thương, nơi đó luôn có những con người, những tấm lòng của Bồ-tát vị tha. Họ là những người con gái của Thích-ca Như Lai, những đứa con sanh ra trong ngôi nhà Phật pháp, đã tự nguyện làm chiếc cầu nối giữa đạo và đời. Một nét đẹp khá tiêu biểu đặc trưng của Ni giới ngày nay: Những con người biết hy sinh và tận tụy vì mọi người.

Công tác từ thiện là một việc làm mang tính xã hội cao, cũng như đã nêu lên được tính nhân ái cùng chí hướng của một bậc Trưởng thượng Ni. Người đã đem giọt nước cành dương làm dịu bớt bao cảnh đời tăm tối. Tình thương của Người đã vượt lên mọi nhân ngã thường tình. Một tình thương không có sự phân biệt, không có ranh giới của hận thù vị kỷ. Các cơ sở một thời vang bóng đó, bây giờ dù chỉ còn tồn tại trong ký ức của bao người, nhưng những dấu ấn về nó thì không bao giờ phai mờ.

Từ những việc làm mang đầy ý vị đạo đời, Sư trưởng đã để lại một tấm gương sáng chói về lòng vị tha, ý chí sắt đá. Đạo Phật đi vào đời ngoài chân lý bất di bất dịch, còn ẩn sâu một niềm thương cảm, một thứ tình thương không có biên giới sắc màu. Đời Người là cả một vùng trời của những ước mơ cao đẹp. Tâm hạnh của Người là tâm hạnh của bậc Đại bi, Đại trí, Đại dũng. Lòng đại bi của Người đã vượt xuyên qua cả không gian và thời gian. Trí huệ của Người là trí huệ của bậc Thượng thừa. Người đã đem sự hiểu biết chánh tri kiến của mình để nhìn cuộc đời bằng đôi mắt từ tâm rộng lượng. Tinh thần đại dũng của Người càng làm nổi bật lên vai trò của một người nữ đầu tiên tham gia vào các hoạt động xã hội.

Những ngôi trường, những phòng thuốc Đông, Tây y là những hình ảnh cụ thể nhất của hạnh nguyện Bồ-tát. Như muôn dòng sông cùng đổ về biển cả, bao tấm lòng người cũng đang hướng về đây, hướng về với biển cả bao la để được sống với những giây phút bình an trong hiện tại.

Trong sự trở về của mỗi người, Sư trưởng là một vị Hướng đạo sư, là một bậc Thầy khả kính. Tấm lòng đại bi, đại trí của Người như dòng thác mênh mông cuốn sạch hết những bụi trần tăm tối. Người còn dạy chúng ta biết thế nào là giá trị cuộc sống, biết tự lập bằng sức lao động, biết hướng về chân thiện mỹ để tạo lập một thế giới an lành vĩnh cửu.

Như ngọn đèn tuệ giác không bao giờ tắt, công đức và sự nghiệp của Sư trưởng đã mang nhiều lợi lạc quần sanh, đã nêu bật được tấm gương cùng nguyện lực của người xuất thế. Ngọn tuệ đăng mà Người thắp lên sẽ mãi mãi là ngọn đèn bất tử. Báo thân của Người dù mai đây có trở về tịnh cảnh bình yên lặng lẽ vẫn mãi là nguồn thanh khí cho đời. Trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam từ đây sẽ khắc ghi công đức của Người.

Tất cả rồi đây sẽ chỉ còn là hoài niệm. Một hoài niệm mang nhiều ý nghĩa sâu đậm về một bậc chân tu, suốt đời tận tụy vì đạo, vì đời.

Chúng con, hàng hậu học xin cung kính đảnh lễ Người.

Thích Nữ Hạnh Tâm
Phật tử Tâm An

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang