Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Cây đại thụ trong rừng thiền Ni Bộ Bắc Tông
Dương Kinh Thành

TỪ SUY NGHĨ BAN ĐẦU

Thuở còn thơ ấu, qua những bước chân sáo, hồn nhiên, ngây thơ đến chùa lễ Phật, hình ảnh đầu tiên được ghi vào tâm khảm tôi là chân dung một vị Sư cô hiền từ đôn hậu. Từng được quý Sư cô cho phép sa vào lòng, được vuốt đầu khen ngoan và được nghe những âm thanh hiền từ kể cho tôi nghe về gương hiếu hạnh của Đức Phật và Tôn giả Mục-kiền-liên. Lớn hơn chút nữa, tôi được vào sinh hoạt Gia đình Phật tử, rồi Học sinh Phật tử. Chính vào những thời gian này, tôi đã biết phân biệt được thế nào là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni qua màu y áo trang nghiêm trong những dịp lễ lớn. Dĩ nhiên, ngoài một vị Sa-di chưa thọ Tỳ-kheo với chiếc y vàng trơn, hình ảnh hàng chư Ni với hậu là chiếc áo tràng màu khói hương và y điều vàng tạo nên màu sắc hài hòa êm ả bình yên, càng làm tăng thêm nét đẹp hiền từ vốn đã là dáng hình của một cô Ni.

Chỉ đơn giản vậy thôi, vì kiến thức lúc bấy giờ chưa cho phép tôi hiểu thêm gì hơn. Vả lại, thế hệ tôi lớn lên đã thừa hưởng được phước báo của một Giáo đoàn vĩ đại, bình an tu học, ca ngợi, tán dương, cúng dường chư Phật. Để đổi lấy niềm an lạc đó, đã có biết bao công lao khó nhọc, kể cả máu xương chư liệt Tổ sư phải đổ ra từ thời chấn hưng rực rỡ. Trong đó có cả sự âm thầm khiêm cung của quý Ni sư khả kính mà người tiếp nối lại là người khởi xướng một tổ chức hiệp chúng Ni bộ, để phù hợp với đà phát triển của đạo Phật thời đại mới – đó chính là Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh. Vâng! Những điều đó tôi chưa hề biết đến, kể cả khi cái màu khói hương, vàng y theo tôi vào các bức tranh vẽ, vẫn vô tình và dần quên đi theo năm tháng. Chẳng những vậy, lúc tư duy đã có thể phân định được Phật pháp và mon men bước vào ngưỡng cửa Duy Thức Học, thì cũng là lúc tôi phải phân vân trước những lời đáng buồn của các vị gần gũi quen biết: "Tại mấy bà Ni mà chánh pháp lung lay", "Mấy bà Ni chỉ có biết nấu đồ chay" v.v… và v.v… Điều khiến tôi thất vọng khi đi tìm những câu trả lời "Tại sao vậy?" của bản thân là: ở các tài liệu Phật pháp xác nhận đúng như vậy, nên mới có sự xem thường của các vị kia. Nhưng sự tiếp nhận không tồn tại lâu trong tư duy và kiến thức ngày càng vươn tới do không được minh giải thỏa đáng, càng là động lực thôi thúc tôi đi tìm sự thật. Và đánh giá của tôi lúc này đã hoán ngược tầm nhìn, để rồi cái màu sắc đầu tiên đi vào tâm khảm tôi từ thuở bé lại được dịp sống dậy nguyên màu tinh khôi, càng lung linh hơn bao giờ hết, mà không phải cần đến một sự cố vấn nào, bởi vì nó nằm ngay nơi tâm thức tôi, một Vô sư trí của mình.

Người nữ tu sĩ Phật giáo luôn tuân thủ giới luật Phật chế một cách nghiêm ngặt, luôn tự đặt mình ở vị trí khiêm cung để hanh thông Phật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đứng về mặt tổ chức, nhất là ở vào những giai đoạn chấn hưng, việc tin tưởng Ni giới hãy còn đôi điều hạn chế, đôi lúc quá khắt khe. Từ đó, đã khiến Ni giới trở về an phận, chỉ thuần tu học, không đặt trọng tâm mở mang kiến thức nội điển lẫn ngoại điển, hoặc chỉ là nội điển, mà vẫn không trọn vẹn. Từ thời chấn hưng (từ năm 1920), điều đó đã được thay đổi ít nhiều. Nhưng tư tưởng xem nhẹ Ni giới chưa hẳn đã chấm dứt, nhất là về mặt tri thức. Cho nên việc đặt ra một Ni đoàn quả thật là điều không tưởng nổi. Trong khi đó, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, hình thức đó đã được xác lập, đã đem lại lợi ích cho công việc hoằng pháp và đã có không ít vị trong Ni giới đã lưu danh nơi sử liệu.

 

ĐẾN NHÌN XA QUÁ KHỨ

Nhìn qua lăng kính lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, hình ảnh các vị Ni rất ít khi được tìm gặp, huống là các vị Ni có kiến thức thâm đạt và lại càng khó khăn để bắt gặp các vị có tài tổ chức, quy tụ. Ở đây xin được hiểu cho rằng lịch sử đã ghi vào công hạnh hành trạng các vị, sẽ được lược nêu dưới đây, không là sự phủ định, càng không phải ý nghĩa phủ định kiến thức nơi các vị đó. Vấn đề là ở chỗ qua các vị đó, phải được xem là một dấu hiệu để vươn tới, nhằm để củng cố Ni đoàn trong từng giai đoạn lịch sử nhất định; đồng thời là tiền đề cho hôm nay và mãi mãi về sau kế thừa, phát triển. Và sẽ càng sai lầm khi so sánh tổ chức, hình thành Ni bộ thời đại ngày nay với điều kiện phát triển Phật giáo xa xưa ấy qua các triều đại. Vì đó là sự so sánh khập khểnh và bất cập. Đó là điểm lưu ý quan trọng, chúng tôi muốn nhấn mạnh để tránh tư tưởng sai lầm rất dễ phát sinh, dẫu là ngoài ý muốn.

Vâng! Hình ảnh các vị Ni không nhiều, thậm chí không có trên bình diện nổi. Mãi đến thời Lý Thánh Tôn (1054- 1072) mới có bà Lý Ngọc Kiều. Bà xuất gia tu học, pháp danh Diệu Nhân, đời thứ 17 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Qua sử liệu, Bà là người Ni nổi bật nhất. Tuy nhiên, bên dưới đó, chúng ta vẫn có thể suy luận ra được rằng nếu đã có người nữ xuất gia, ắt phải là chuyện phổ thông, bình thường mà tất cả các vị nữ xuất gia khác do vì nhiều nguyên nhân, kể cả điều kiện tri thức Phật học, chỉ tu để tìm nơi an dựa tinh thần v.v… nên đã không có được cơ hội tiến triển, nổi bật. Phải chăng đây là nguyên nhân mà người ta đã nêu lên hình ảnh "Bà vãi với góc bếp sau hè?" Dĩ nhiên cũng không loại trừ việc do thành kiến, do dựa vào Giới luật quá cứng nhắc đã biến Ni giới các thời này trở nên an phận, chịu khuất lấp! Và do đó, vẫn không thể đặt vấn đề thành lập Ni chúng bên cạnh Tăng chúng. Một yếu tố quan trọng khác là bên cạnh các vấn đề trên, hầu hết các vị Ni xuất gia đều phải trực tiếp thọ giới với bên Tăng. Điều này đã góp phần tác động không nhỏ vào ý nghĩa BỔN PHẬN - AN PHẬN của Ni giới. Trong điều kiện bối cảnh lịch sử, các mặt hạn chế đó, âu cũng là điều tất nhiên và cần thiết, kể cả việc không được có chùa riêng, Ni chúng cũng đã tuân thủ triệt để.

Rõ ràng Ni giới xưa nay, bởi do quan niệm cổ xưa của Tăng đoàn và hoàn cảnh tất yếu của lịch sử vô tình đẩy họ vào thế ngự trị ở… nhà trù! Biết đâu được lại có những vị xuất chúng, có đầu óc tổ chức tuyệt luân, nhưng đã bị hàng rào ngăn cách đó đè bẹp, dập tắt tài ba và ý thức trách nhiệm của họ? Phải chăng hệ quả đó đã để lại cho đời những hình ảnh "Bà vãi", "Cô vãi" lần mò quanh quẩn chu vi nhà trù Già-lam an phận, làm Phật giáo mất đi cánh tay trái đắc lực mà lẽ ra đã đem lại phần lợi lạc ngay từ khi Phật giáo đặt chân đến xứ sở Giao Châu (Luy Lâu, Hà Bắc - năm 189, Thế kỷ thứ 2), tính đến nay đã gần 20 thế kỷ.

 

ĐỂ NHÌN VÀO CẬN ĐẠI

Bước vào thiên niên kỷ thứ 2. Đáng kể nhất, bắt đầu từ giai đoạn Phú-lang-sa xâm chiếm và đô hộ đất nước, Phật giáo lâm vào thế điêu tàn như vận mệnh non sông. Vai trò Tăng sĩ trở nên lạc lõng và bị đẩy lùi vào sâu trong quá khứ, biến Tăng đoàn trở thành những "Ông thầy chùa làng" với một ít vốn liếng Phật pháp là hai đường công phu sớm tối. Tăng đã vậy huống lại là Ni. Lúc này, Phật giáo bị khai thác triệt để những điểm yếu như trình độ, kiến thức xã hội và cả sự không có tổ chức giáo đoàn, biến những người xuất gia Tăng lẫn Ni trở thành những kẻ chán đời, thất tình hòng giảm nhẹ ảnh hưởng đối với quần chúng. Họa hoằn lắm mới có vài trường Hương, trường Kỳ mở ra lẻ loi và buồn thảm.

Nhận thức được nguy cơ đó, năm 1920 chư tôn đức Khánh Hòa, Khánh Anh, Chí Thiền, Huệ Quang, Từ Phong, Thiện Dư… cùng các Cư sĩ nhiệt tâm khác đã dấy lên làn gió chấn hưng Phật giáo khắp ba miền đất nước, làm ngẩn ngơ các thế lực u minh và làm không ít vị Tăng Ni đã phải tự nhìn lại bản thân mình mà phát nguyện lớn. Đây là một việc làm dõng mãnh, có giá trị tác động nhiều mặt, bởi hơn ai hết Chư Tôn Đức chủ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo đã tự đặt nỗi ưu tư của mình vào tiền đồ Phật giáo mai sau, trong thời kỳ mà xã hội và Phật giáo cần phải được nhích lại gần hơn, kể cả hòa tan nhau mới có thể bắt kịp nhu cầu tiến hóa. Nhờ đó, các trường Phật học (thời bấy giờ gọi là Gia giáo) ra đời, và điều quan trọng hơn hết là các trường Phật học dành riêng cho Ni giới cũng cùng lúc có mặt, như chùa Giác Hoa (Bạc Liêu, năm 1927), Phật học đường Lưỡng Xuyên (năm 1935, sau dời về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre), chùa Diệu Đức (Huế), chùa Bồ Đề, chùa Bút Tháp (miền Bắc), Phật học đường Phật Quang (tiền thân là Phật học viện Kim Sơn, Huế) ở Trà Ôn v.v…

Từ các ngôi trường Phật học mang phong cách tiến bộ đó, Ni giới bước đầu đã có điều kiện vươn vai, sánh bước cùng chúng Tăng làm vẻ vang tiền đồ Phật giáo thời phát triển. Những vị tiên phong đầu tiên của Ni giới thời gian này đã thấy xuất hiện tư tưởng khai phóng như:

- Ở Bắc kỳ có Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm, người được xem là một chân tài xuất sắc nhất thời bấy giờ.

- Ở Trung kỳ, ngay từ đầu đã có lớp học Ni tại chùa Từ Đàm do Cụ bà Ưng Bàng tổ chức (từ trước năm 1938), sau một khóa hạ phải dời về chùa Diệu Đức. Đảm trách giảng dạy có Ni sư Diệu Hương (Đốc giáo) và bà Cao Xuân Sang (sau này là Sư bà Diệu Không).

- Ở Phan Rang có Ni sư Diệu Hường (đệ tử cụ Khánh Hòa).

- Ở Nam kỳ, tuy có khởi nguyên về Ni giới sớm hơn vài năm (từ năm 1927) nhưng nhìn chung tất cả cũng chỉ mang ý nghĩa cá biệt và có chăng chỉ là nhằm phân biệt giữa Ni chúng và Tăng chúng. Tuy nhiên, việc làm của Ni chúng ở Nam kỳ lúc bấy giờ luôn ẩn chứa hoài bão tích cực, nhắm hướng đến lý tưởng chung nằm trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong đó, ta có thể kể đến bà Hai Ngọ (con ông Cả Trá) là người có tư tưởng tiến bộ, luôn hộ trì cho Ni giới, đã tổ chức trường Gia giáo đầu tiên dành cho Ni chúng và người được thỉnh làm Chủ giảng là Hòa thượng Khánh Anh, khi Ngài vừa từ Quảng Ngãi mới vô xứ Nam kỳ.

 

CHO LỘ TRÌNH SỰ NGHIỆP HIỆP CHÚNG SÁNG DẦN

Tính chất Nam kỳ tác động không nhỏ vào ý chí tiến tu của quý Ni sư có tâm huyết, thiết tha cho sự nghiệp hiệp chúng Ni giới. Điều đó ban đầu được thể hiện qua kiến thức và khả năng linh hoạt xã hội, bằng phương tiện báo chí. Ngoài Ni sư Huệ Tâm ở Bắc kỳ cho đến giữa thập niên 30, đầu những năm 40, các Ni sư có điều kiện thực hiện điều đó quả thật rất hiếm hoi, đủ nói lên sự an phận, thờ ơ bấy lâu nay trong chính Ni giới; từ đó tác động các mặt liên đới. Vì vậy, noi theo Ni sư Huệ Tâm, dù trong tình cảnh hết sức khó khăn, Ni sư Diệu Tịnh (1910- 1942) đã đưa vấn đề trở lại với sự thôi thúc thời thế và quyết liệt hơn qua báo chí, nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của Chư Tôn Đức lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo. Mỗi bài viết của Ni sư là mỗi nỗi niềm thao thức và đầy ý thức trách nhiệm. Chỉ tựa đề của từng bài báo cũng đủ nói lên tính chất quyết liệt như Tiếng Chuông Một, Tiếng Chuông Hai. Và khi sự thủ phận muôn thuở chưa chịu thoái bộ thì lời cảnh báo của một Tiếng Chuông Sắp Bể vẫn không làm nhụt chí. Cảm kích trước nhiệt tâm to lớn đó của Ni sư, tạp chí Từ Bi Âm số 73 đã có bài viết ca ngợi công lao và không ngần ngại đề tặng bài thơ cũng khẳng khái và khí phách như tâm nguyện Ni sư, trong đó có những câu như sau:

"Hành vi ngôn luận hãn siêu quần, vì cớ sao mà hiện nữ thân, trăm kiếp rèn nên gươm trí tuệ, một tay tháo sổ cõi phong trần…"

Cùng thời với Ni sư Diệu Tịnh, có Ni sư Diệu Tấn (1910- 1948) là một người từng ra Bắc vào Nam với bề dày công hạnh tu hành, đã hun đúc nên chí hướng cao cả đó. Nếu như Ni sư Diệu Tịnh là người, theo chúng tôi, chủ trương xây cất chùa dành riêng cho Ni giới, thì Ni sư Diệu Tấn đã có công rất lớn trong việc thành lập các Ni trường có phong cách tiến bộ của thời cận đại. Lúc này, các vị Tôn túc Ni bậc Thầy đã có và số lượng Ni trẻ đã rất đông. Các vị thừa hiểu rằng, đó là trách nhiệm tương lai mà người cầm chìa khóa khai mở không ai khác hơn là chính các vị.

Tóm lại, sức lực và kiến thức, kể cả chư Tôn túc Ni có bản lãnh đã hiện hữu và ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Nhưng, ước nguyện to lớn nhất của Ni giới cho đến lúc này vẫn chưa được thực hiện, đó là một hiệp chúng Ni, có lãnh đạo và có tổ chức một khi hàng ngũ Ni giới đã phát triển.

 

QUY LUẬT TẤT YẾU CỦA THỜI ĐẠI

Năm 1950, Hội Phật giáo thế giới được thành lập và Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập, được đặt chi bộ tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Phật giáo Việt Nam cũng như 64 nước thành viên của tổ chức Phật giáo thế giới này, phải cải tổ nhiều mặt để theo kịp đà phát triển chung. Từ đó, năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời, chấm dứt cảnh mạnh ai nấy tu, chùa nào nấy quản. Có thể nhìn thấy qua sự vươn mình mạnh mẽ này, các thế lực thực dân, chánh quyền tay sai không còn dám xem nhẹ Phật giáo Việt Nam nữa. Càng chặt chẽ hơn, như thay vào "Hội Phật giáo" ở ba kỳ là ba danh xưng "Giáo hội Tăng Già Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt" đều trực thuộc Tổng hội Phật giáo do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Dưới sự tổ chức đó, Ni giới ngay từ đầu đã có mặt trong hàng ngũ lãnh đạo. Nhờ vậy, những ước vọng bấy lâu nay đã được từng bước thực hiện.

Người còn lại trong số rất ít chư Ni có bản lãnh và kiến thức đương thời, có thể nhận lấy những trách nhiệm tổ chức cho Ni giới - Người đó không ai khác hơn là Ni sư Thích Nữ Như Thanh (Diệu Tánh). Ni sư là người đương thời với các Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tấn v.v… còn lại trong giai đoạn Phật giáo phát triển này. Vì vậy, Ni sư như gánh phần trách nhiệm nặng nề, thay mặt Chư Tôn Đức Ni xưa nay với hoài bão thiết tha đó. Vai trò ấy bắt đầu được nhận lãnh khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt được hình thành năm 1952, do Hòa thượng Thiện Hòa làm Trị sự trưởng. Qua tài liệu ít ỏi chúng tôi có được, chưa đầy đủ để khẳng định dứt khoát. Nhưng qua điều 13, 14, chương II của Nội quy điều lệ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, có thể mạnh dạn nói rằng lần đầu tiên tổ chức Ni bộ được chính thức hình thành và được Giáo hội công nhận bằng văn bản tổ chức hẳn hoi(1). Như vậy, lịch sử đã trao tận tay Ni sư Như Thanh niềm vinh dự to lớn, cũng là hoài bão của bao thế hệ Ni chúng Việt Nam. Đạt được thành tựu đó, vì Ni sư là người trực tiếp đấu tranh và phấn đấu không mệt mỏi, đã trải qua vô vàn chướng duyên. Ngay cả Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội trước đó, có vị vẫn còn ý niệm không tin tưởng lắm về khả năng, kiến thức lãnh đạo, dẫu đó là một tổ chức nhỏ và nằm khiêm nhường ngay trong khuôn viên Ni tự. Ni sư đã dùng hết khả năng và kiến thức của mình để Chư Tôn lãnh đạo Giáo hội biết rằng khả năng của tầng lớp Ni chúng thế hệ mới ngoài công tác từ thiện ra, còn có khả năng đạt thành sở nguyện nếu những mặt khác được Giáo hội tin tưởng và giao phó. Bởi vì, ngay trong giai đoạn đó, do nếp nghĩ cổ xưa, Giáo hội chỉ dám trao phó công tác từ thiện xã hội cho Ni bộ, đã là một vượt tiến lớn lao mà hiện hữu của chư Ni trong hàng lãnh đạo Giáo hội cũng tương đồng ý nghĩa "tháo khoán" khác xưa.

Mặt khác, ngay trong hàng ngũ Ni chúng, dù bất cứ tông phái nào và xa xôi vạn dặm đến đâu, cũng đều có bóng hình Ni sư và bàn chân không ngại khó đến nơi thuyết phục, lý giải để tranh thủ sự đồng tình trực tiếp, góp thêm sức mạnh vào lý tưởng hiệp chúng Ni bộ. Điều đó nói lên nét nhạy bén cũng như khả năng nhìn xa thấy rộng của Ni sư, một hình thức tích cực mà trước đó nhiều Ni sư khác quên nghĩ tới và không làm được, dù rằng qua báo chí, qua uy tín, đức độ, các vị đã thể hiện hết tâm huyết của mình. Lý do đơn giản, hầu hết Ni chúng thời bấy giờ vẫn chưa thoát khỏi quan niệm cũ kỹ, luôn lo sợ bước qua Giáo luật, đồng thời Bổn sư truyền giới của Ni chúng hãy vẫn còn là các vị Tăng, như đoạn phân tích lịch sử phần trên đã nói. Cộng vào đó, trong Ni chúng, còn nhiều vị chưa được thoát nạn mù chữ do hệ quả thời thực dân với chính sách ngu dân còn để lại. Một lớp khác thì lại chỉ chuyên tâm dung nạp đơn điệu Hán văn v.v… Cho nên, tất cả cộng vào là một khối bê-tông khá nặng nề, không chỉ bằng kiến thức văn hóa mà một sớm một chiều có thể phá vỡ được. Như vậy, đủ để thấy rằng công lao và công ơn của Ni sư đã đổ ra rất lớn để mang về cho tổ chức Giáo hội một sự kết hợp vô cùng lợi lạc, mà không vượt qua Giới luật, thậm chí ngược lại còn có điều kiện để quản lý Ni chúng về mặt đạo lẫn đời. Duy chỉ có điều đáng tiếc là khi những nỗ lực của Ni sư thành công lại ở vào giai đoạn đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève 1954, do vậy đã hạn chế phần nào hoài bão. Tuy nhiên, ở phần đất còn lại, mặc dù chiến tranh loạn ly, Ni sư vẫn hoàn thiện tổ chức Ni bộ, rộng đều khắp, hết sức tài tình. Do hoàn cảnh lịch sử ấy của đất nước, tổ chức Ni bộ phải khiêm nhường bằng danh xưng "NI BỘ NAM VIỆT".

 

ĐẠT THÀNH SỞ NGUYỆN

Ngày 06 và 07 tháng 10 năm 1956 sẽ đi vào khuôn sử tổ chức Phật giáo bằng Đại hội thành lập Ni bộ tại chùa Huê Lâm (Chợ Lớn), và đó là điểm mốc ngời sáng của Sư trưởng Như Thanh cùng với Ni chúng cả nước sau hằng bao nhiêu thế kỷ trông đợi mỏi mòn. Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt đã viết những dòng tán thán quý báu cho lịch sử hình thành Ni bộ.

"Người ta thường tưởng rằng, giới Ni lưu chỉ có khả năng tự tu chứ không có khả năng đảm đương những Phật sự lớn lao, làm vẻ vang cho Phật pháp. Nhưng trái lại, ngày nay người ta đã thấy Ni lưu với ý chí mạnh mẽ, cương quyết, đứng ra lãnh một nhiệm vụ cùng với chư Tăng chia sớt gánh nặng, lo đào tạo Ni tài, để duy trì gia phong của Từ Phụ, thật là một điểm son đáng ghi trên lịch sử Phật giáo Việt Nam."(1)

Cũng như các phần chúng tôi đã phân tích, trong bài diễn văn ngày thành lập Ni bộ, Hòa thượng Thiện Hòa đã mạnh mẽ phát biểu:

"Trên một danh từ giả huyễn nam tôn nữ ty, có thể làm ngăn cách đường lối, chia rẽ ranh giới. Vậy chúng ta biết đó là do tập tục giả lập, chúng ta cần phải phá vỡ ranh giới, cùng nhau hòa hợp lực lượng sẵn có, cùng nhau đem hết khả năng đặc biệt của mình, để tô đắp cho ngôi lâu đài Chánh pháp ngày càng thêm rạng vẻ." (1)

Cũng trong ngày ấy, những tiếng nói thiết tha của đại diện mỗi Ni chúng địa phương, đặc biệt là ý kiến của Ni sư Đàm Hương, đại diện Ni Bộ Trung Việt, đã xô bật được cánh cửa thế kỷ để ánh nắng thời đại tràn vào, bù đắp lại phần nào bóng đêm phủ tràn, làm hao tổn biết bao thế hệ Ni chúng tài ba mà ngày vinh quang này họ đã không còn trên cõi đời này nữa. Những ai có nhiệt tâm với tiền đồ chánh pháp sao tránh khỏi chạnh lòng khi Ni sư Đàm Hương viết:

"Theo sở kiến riêng tôi, bấy lâu nay chúng ta không mấy quan tâm đến sự hộ trì Ánh đạo vàng bằng cách: chung lực lượng, kết đoàn thể, gom cả tinh thần hùng hậu, với ý niệm thiết tha của toàn thể, để đầy đủ phương tiện tôn nghiêm Ánh đạo vàng cao quý. Sự thờ ơ này, làm cho trở ngại con đường tiến thủ mạnh mẽ mà kết quả đem lại cho Ni giới chúng ta hao mất những nguồn công đức tốt đẹp. Trên hai mươi năm nay, chúng tôi cũng như quý vị, hằng ao ước chấm dứt tình trạng dở dang ấy, từng ấp ủ tâm niệm đoàn kết trong công cuộc xây dựng tương lai Ni giới. Giờ đây, có lẽ là ngày bắt đầu thực hiện ước vọng này…" (1)

Các đại diện Ni chúng các tỉnh thành miền Nam cũng chung cùng những bộc bạch thiết tha đó. Mới hay công lao Sư trưởng Như Thanh quả là to lớn khi đáp ứng đúng nguyện vọng của hầu hết chư Ni khắp nơi.

Danh đã chánh, ngôn đã thuận, giờ đây Sư trưởng Như Thanh lại phải tiếp tục, trực tiếp đương đầu với nhiều thử thách mới, không kém phần khó khăn đang chờ phía trước. Trong phần phát biểu của mình, Sư trưởng cho chúng ta thấy lý tưởng hợp nhất Ni bộ không chỉ là một ý nghĩ đơn thuần và dừng lại ở điều hoàn mãn ban đầu như sau:

"Ngày nay, Ni giới đứng trước tân trào bồng bột, với những ý niệm của nhu cầu quần chúng nhiệm vụ của Ban quản trị chánh thức là: thay mặt và hướng dẫn bao nhiêu tâm hồn vị Đạo của Ni giới, bước lên giai đoạn tiến hóa kịp trào lưu đủ duyên lành ứng phó ngoại cảnh. Thật là một điều rất khó khăn nặng nhọc cho Ban quản trị, khi nỗi lòng còn ngại ngần vì chưa thông cảm tâm lý của quần chúng hiện tại…"

"…Đang buổi giao thời, tất cả hai vấn đề đối nội, đối ngoại đều thắc mắc nan giải, trên bước đầu tiên của người lãnh đạo…" (2)

Với tâm tư một người lãnh đạo Ni bộ, Sư trưởng cũng đã thể hiện niềm tiếc nuối quá khứ và đặt trọng tâm lo lắng cho thế hệ tương lai. Sư trưởng đã bộc bạch nỗi niềm đó trong bài diễn văn bế mạc Đại hội, có đoạn:

"Từ lâu Ni chúng là một nhóm ít ai quan tâm đến; mặc dầu có đôi vị hữu tài hữu chí, tự cố gắng làm nhiệm vụ cao quý của một người Ni thì cũng được một số người trong các giới đạo đức tán thành. Ngoài ra, xã hội phần đông vẫn cho Ni chúng là một nhóm người không quan trọng đối với quần chúng hiện tại…"

"Vì thành kiến không công bình như thế, nên Ni chúng phải bị ảnh hưởng không tốt, chìm vào trong bóng tối của nhân gian từ lâu…"

Với Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội, Sư trưởng cũng bày tỏ nỗi lòng thiết tha của Ni chúng khi mang gói hành trang nặng nề trách nhiệm bước vào tương lai:

"Chúng tôi vẫn mong sao, sự sáng suốt của quý Ngài soi xét tới nỗi lòng thắc mắc của chúng tôi mà thật dạ đỡ nâng, đủ lời khuyến miễn cho chúng tôi hân hoan đạt đến trên con đường chơn lý sâu xa vô tận trong cảnh giới Phật pháp vô biên."

Nhìn qua nội dung của bản Nội Quy Ni Chúng Bộ với 26 điều, 9 khoản mục, chúng ta sẽ thấy đầy đủ trong đó những tôn chỉ, mục đích của tổ chức lịch sử này. Tuy mang tầm vóc thời đại mà vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống Phật giáo nhiều mặt và không vượt quá công hạnh của một Ni chúng có giáo luật. Xét trên bình diện tổng quan, chẳng có gì quá đáng và nổi cộm theo kiểu một cuộc "cách mạng", nhưng tiềm ẩn trong đó là cả một nỗ lực phấn đấu có chuyển biến to lớn về mặt tổ chức; bởi giới lãnh đạo Ni bộ vẫn thừa biết rằng Phật giáo dân gian biến tướng hãy còn rất nặng nề, chưa hẳn đã chấm dứt bằng ý thức tự giác. Xin lược qua vài điều mục đáng lưu ý sau:

- Ở điều thứ 4, gồm có: khoản (h): Phải chỉnh đốn và dung nhất về chùa, tháp, thờ tự, nghi lễ và phẩm phục; khoản (o): Không được cúng tụng trước những án thờ không phải Phật giáo (như: am, miếu, đền, phủ v.v…); khoản (p): Không được ở những nơi phụng thờ không phải Phật giáo; khoản (s): Sự tu hành, tuyệt đối không được có tính cách lập dị, hoặc lìa chúng và tùy thuận phá Tăng luân.

Là một người Phật tử, cùng lăn lộn xả thân từ thời tuổi trẻ, phục vụ chánh pháp, chúng tôi hiểu và cảm nhận được ý nghĩa điều lệ trích dẫn trên, tưởng là chẳng có gì quan trọng ấy. Đó chính là nỗi đau không nhỏ, không chỉ là di chứng thời Phật giáo bị biến thoái mà ngay cả hiện nay, thời điểm thực hiện bài viết này, vẫn còn nhan nhản đó đây những hình ảnh đáng buồn. Mới hay ra nỗi lòng của Sư trưởng Như Thanh và chư Ni trưởng lãnh đạo Ni bộ, không vì chức danh suông và quyền lực, mà là trách nhiệm trước lịch sử. Trách nhiệm đó, được nêu bật nơi điều thứ 2 với bốn điểm cụ thể của tổ chức Ni bộ là:

1. Đoàn kết và chấn chỉnh Ni chúng đúng theo kỷ luật và giới pháp của nhà Phật.

2. Nâng cao trình độ văn hóa của Ni chúng cho kịp với trào lưu tiến hóa của xã hội.

3. Thực hành những công cuộc từ thiện xã hội để biểu dương tinh thần từ bi của Phật giáo.

4. Thống nhất tất cả các lực lượng của Ni chúng để tiến đến thực hiện chế độ lục hòa của Giáo hội Tăng Già.

Phật giáo khi đã đi vào công cuộc chỉnh đốn toàn diện nhờ làn gió chấn hưng thúc giục, việc có mặt tổ chức Ni bộ đầu tiên như tăng thêm nguồn phúc lạc được nương thừa từ bao nhiêu thế kỷ qua. Ni bộ càng phát triển, hình ảnh Sư trưởng Như Thanh càng thêm rạng rỡ và là cột trụ vững chắc để Giáo hội giao phó trọng trách. Với Ni chúng khắp nơi, uy đức ấy đã là chỗ dựa đầy lạc hạnh tự hào. Giáo hội giao chùa Dược Sư, đường Lê Quang Định (Gò Vấp) cho Sư trưởng dùng làm trụ sở Ni bộ ngay khi vừa được kiện toàn tổ chức, đã nói lên sự thành công to lớn bởi nhiều nỗ lực của chính Sư trưởng. Ni bộ phát triển như sức mạnh không gì ngăn cản nổi, tác động cả đến cơ ngơi vật chất và chùa Dược Sư lại trở nên nhỏ bé so với tầm vóc hoạt động Ni bộ. Do đó, bằng uy đức của mình, Sư trưởng mạnh dạn thành lập Ban kiến lập nhằm sớm có được trụ sở mới tương đối hơn so với yêu cầu Phật sự lúc bấy giờ. Và ngôi chùa Từ Nghiêm (Quận 10) đã hình thành năm 1962, trở nên Tổ đình riêng của Ni bộ, xứng đáng với công lao to lớn của Sư trưởng và toàn thể thành viên Ni chúng bộ. Một điều đáng lưu ý thêm là nơi nào Sư trưởng kiến lập hoặc phó chúc dựng xây các cơ sở vật chất dù là chùa, tự viện, hoặc các cơ ngơi tương đối hợp yêu cầu v.v… thì hầu hết những nơi đó đều có Ni trường, Phật học viện. Buổi giao thời nhận lãnh trách nhiệm thật khó khăn, song Sư trưởng đã thành công nhiều mặt, tuy thế vẫn còn dồn dập các Phật sự dở dang trước mắt.

Với một tâm nguyện thiết tha vì đạo, vì tương lai Phật giáo dài lâu, trong đó có gần nửa là hàng ngũ Ni chúng, Sư trưởng luôn thể hiện tinh thần tiên phong cao độ, tác động với thế lực u minh vẫn không chùn bước. Một mẫu người như thế, các mặt thể nhập xã hội vẫn là ý chí tích cực của Sư trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Sư trưởng năm 1963, lúc chánh quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, hình thức đấu tranh của Ni bộ cũng được mang màu sắc riêng biệt. Đọc lại lịch sử đấu tranh của Phật giáo năm 1963, sẽ không khó khăn lắm để chúng ta thấy được rất nhiều gương sáng xả thân vì đạo pháp, kể cả máu xương của Ni giới. Đến đây người ta thấy thêm ở Sư trưởng ngoài tinh thần, kiến thức thâm đạt, còn có cả ý chí sáng suốt mong sao đừng xúc xiểm và đánh bạt Giới luật, oai nghi Ni giới mà ở nội quy Ni bộ luôn đặt để hàng đầu. Ở nghĩa rộng, qua đó là một bàn tay bao la, luôn muốn được che chở, bao bọc cho Ni chúng khắp nơi. Với tinh thần kiên nghị và tâm nguyện chánh đáng, Sư trưởng qua đó càng thể hiện được sự trong sáng rằng ước nguyện đã thành tựu, tổ chức Ni bộ đã trụ vững, còn lại các mặt thế lực, chức vụ với Sư trưởng chỉ là điều huyễn giả. Tinh thần đó khiến uy đức Sư trưởng càng được thêm kính trọng và thêm một lần nữa những thế lực chống đối xưa kia lại có dịp suy ngẫm về sự quá lời của mình.

 

CON ĐƯỜNG TIẾN TỚI CỦA NI BỘ

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được hình thành, Ni bộ được khoác lên mình chiếc áo mới, với trách nhiệm mới, nặng nề hơn qua danh xưng "NI BỘ BẮC TÔNG VỤ" một trong năm vụ của Tổng vụ Tăng sự, có tầm hoạt động thêm rộng, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Như vậy, chư Tôn Đức Ni có đủ đầy kiến thức khắp nơi được chung cùng gánh vác trọng trách. Sự có mặt của Ni Bộ Bắc Tông một lần nữa minh xác tính tất yếu mà Sư trưởng cùng chư Ni tiền bối từng khổ nhọc vận động, đấu tranh mới có được. Vì vậy, chúng ta hy vọng rằng Ni bộ sẽ luôn là một tổ chức cần thiết ở mọi thời kỳ, giúp lợi ích không nhỏ và chia sớt trách nhiệm cùng chư Tăng trong cộng đồng Giáo hội.

Trong tổ chức Ni Bộ Bắc Tông, Sư trưởng luôn giữ mình đúng khuôn phép, khiêm cung trước chư Ni lớn tuổi nhiều đạo hạnh; hòa ái, đùm bọc, và chở che với chư Ni thế hệ đời sau. Dù ở chức vụ nào, Sư trưởng vẫn luôn mãn nguyện và sự kế thừa nào cũng là điều tự hào to lớn cho Ni bộ, Giáo hội và ngay với bản thân Sư trưởng.

Có thể nói, Ni Bộ Bắc Tông là hình ảnh của Sư trưởng, vì Sư trưởng thừa hưởng chí nguyện chư Ni sư tiền bối; Sư trưởng viết về các vị đó, lo lắng cho Ni bộ hình thành và phát triển cũng vì có bóng hình các vị. Nhưng rồi mai sau liệu hình bóng Sư trưởng có mờ dần và ai sẽ là người viết về Sư trưởng? Sư trưởng có mặt với Ni bộ từ khi còn trong trứng nước và với những lúc thăng trầm theo vận mệnh non sông. Sư trưởng đã triệu tập Đại hội Ni Bộ Bắc Tông vào tháng 12 năm 1972. Qua đó, mục đích vẫn nói lên chí hướng thiết tha: Củng cố tinh thần đoàn kết trong Ni giới; kiểm điểm công tác Phật sự từ thiện đã qua; chỉnh đốn và phát triển các tổ chức Phật sự Ni bộ.

Ôi! Áo hậu màu khói hương, y vàng sáng dịu, những gam màu đó bây giờ trong chúng tôi lại càng đẹp thêm. Ai là người giúp tôi cảm nhận được màu sắc hài hòa ấy, để đến quá nửa đời người tôi vẫn còn mãi mãi mang theo trong tâm tư với cả sự kính trọng thiết tha?

 

MAI SAU DÙ CÓ BAO GIỜ, HÃY TRỞ LẠI VẤN ĐỀ MUÔN THUỞ

Nếu như xưa kia, khi đồng ý cho bà Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Kiều-đàm) cùng 500 người nữ xuất gia, để giáo đoàn có thêm Ni giới, Đức Thế Tôn đã phải tuyên báo như một sự hoán đổi: "Chánh pháp vì vậy sẽ diệt vong sớm trước năm trăm năm." Ai biết được thời gian chánh pháp được tồn tại là bao lâu, tính từ thời điểm nào để làm bài toán trừ 500 năm đó, ngoài ba thời kỳ "Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp" đã được khắc họa, để rồi chúng sanh không khỏi nghĩ về một Đức "Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật" như là một vị Thiên sứ được cử xuống trần gian làm công việc cứu rỗi! Vì vậy, bằng phương pháp Vị tằng hữu Đức Thế Tôn luôn muốn chúng ta nhìn sự việc bằng tâm thức để đạt đến giá trị chân như đó, chứ không bằng nhãn quan của một lối biến kế sở chấp trần ai để lý giải. Vâng! 500 năm sớm diệt vong kia là điều có thật trên cơ sở nghiệp dĩ một người nữ ở thế gian này, mà đó đây rải đều trong các thời thuyết pháp ròng rã 49 năm trời, Đức Thế Tôn thường nhắc đến.

Thì nay, nếu như tất cả người con Phật có tâm huyết, đầy đủ bản lãnh cả về mặt trí thức lẫn đạo hạnh, thực thi được những điều có ý nghĩa, ý thức trách nhiệm như Sư trưởng Như Thanh, thì việc đổi lấy 500 năm đáng buồn ấy có lẽ sẽ là sự đền bù xứng đáng. Nói một cách khác, việc làm đó là những cố gắng trên thân phận nghiệp dĩ của mình để lợi lạc thiền lâm - củng cố Ni chúng - hữu ích quần sanh, trước khi 500 năm kia đến, không còn tự ti, mặc cảm và hối hận. Còn lại chăng, người viết bài này vẫn nghĩ rằng, từ con số 500 năm bất khả tư nghì đó – hoặc là của tư tưởng Đại Thừa vô lượng nghĩa, làm ta liên tưởng đến con số 1000 năm Bắc thuộc; 100 năm Phú-lang-sa đô hộ… Hơn nữa, thời gian trong các con số đó cũng là thời gian Phật đạo lận đận, thậm chí mất hẳn theo dòng chiến chinh, loạn ly, điêu tàn; há chẳng phải là những thời kỳ Phật giáo đứng bên bờ vực MẠT PHÁP ấy sao! Từ đó, suy theo dạng rộng, phạm trù "Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp" nó nằm ngay trong thuận duyên, nghịch duyên ở mỗi quốc độ có bánh xe pháp lăn đến. Vì vậy, ở nơi này đang Chánh pháp, nhưng ở nơi khác lại đang Tượng pháp hoặc Mạt pháp. Do đó mà mọi sự cố gắng tổ chức, xây dựng nhằm trùng tuyên chánh pháp ở vào giai đoạn nào, của bất kỳ ai, vẫn luôn là điều cao đẹp, đáng tuyên dương khâm phục. Huống lại đây là Ni giới, điều đó càng tăng thêm giá trị cao đẹp đó.

Vâng, những điều đó Sư trưởng Như Thanh không nói, Ni sư Diệu Nhân (1041–1113) xưa kia đã từng trả lời Đạo vốn không lời. Nhưng lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ nói thay những điều đó, vì tất cả những gì Sư trưởng làm hiện đã đi vào sử sách cho tổ chức Ni Bộ Bắc Tông. Chúng tôi là cư sĩ Phật tử, có lẽ nói lên những điều này cũng chỉ với tham vọng nhằm phần nào đóng góp chút ít tư liệu cho tập sách này và mong sẽ được Chư Tôn Đức, quý độc giả gần xa hoan hỷ. Và như vậy, nếu không vì kiến thức nhỏ hẹp, chưa có đầy đủ sử liệu về một người nữ tu sĩ Phật giáo Việt Nam nào khác, đủ đầy bản lãnh, đức độ điều hành có tổ chức một Ni bộ, thì xin mạo muội kết luận khiêm nhường rằng: Sư trưởng Như Thanh – Cây đại thụ trong rừng thiền Ni Bộ Bắc Tông – là một trong rất ít người thuộc Ni giới đã làm được những điều to lớn trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Dương Kinh Thành

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang