Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Một cánh Hoa Đàm
Thích Thiện Thuận

 Lò lửa, sen vàng mấy kẻ hay,
Mây che nguyệt rạng chẳng phô bày.
Ngọc lành ẩn đá không phai sắc,
Bể Thánh, nguồn chơn mặc tỉnh say.
(Cảm Thán – Hoa Đạo)

Giữa chốn hồng trần, chơn và ngụy như hình với bóng trong gương khó mà biết rõ; thật và giả khác nào khói quyện vào mây thiên nan biện biệt. Vả lại, kiếp con người lại quá ư ngắn ngủi so với dòng biến dịch bất tận, nên đã mấy ai hơn một lần đứng giữa cõi huyền chơi vơi để tận hưởng thanh vị của dòng suối an lạc, diệu huyền từ nguồn chơn nhẹ nhàng len lỏi qua bao núi đồi đang tỉnh say say tỉnh không đoạn kết, để rồi lấp kín toàn thân nơi bể Thánh tĩnh lặng nghìn đời.

Dù "văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình", nhưng hậu bối chúng tôi tin tưởng: trong số người ấy, hẳn nhiên có Sư trưởng Như Thanh. Đơn giản - bởi lẽ hạnh nguyện và hành trạng của Người hiển hiện bàng bạc trong hai tập thơ Hoa Thiền, Hoa Đạo được sáng tác suốt chặng đường ngót 60 năm trải qua bao biến thiên của thế sự thăng trầm, thiền gia suy thịnh. Sáu mươi năm tuy chưa hẳn là dài so với chuỗi thời gian vô tận, nhưng nó nghiễm nhiên có thể gói trọn một đời người với lắm cuộc khổ vui, an nguy trong kiếp phù sinh huyễn ảo, đầy tham chấp dối lừa:

Cõi lòng đã nát tan rồi,
Phước duyên đâu nữa tô bồi ích chi.
Thân tâm rã rượi còn gì,
Tương lai đâu nữa, vân vi thêm phiền…

(Tuyệt Tử Tái Tô – Hoa Thiền)

Bao nhục vinh, thành bại của cuộc đời là bấy nhiêu nguồn đau, khổ lụy đến nát tan cả cõi lòng. Hiện tại đã kết toàn sầu thương chất ngất thì ngõ nào dẫn tới tương lai xán lạn. Tương lai đâu nữa, chi bằng:

… Một lời trước Phật nguyền thôi cả,
Trong cảnh vô vi ngắm phận mình…

(Cảm Thán – Hoa Đạo)

Nhưng Sư trưởng nào an thân, lập mạng chốn lâm tuyền tịch liêu mà hưởng thú trăng trong, mây bạc, ngắm trúc biếc, hoa vàng; để thân Ni lưu độc bộ cô hành từ chốn Tổ đình Giác Hoàng – Gia Định vân du thiên lý đến Ni trường Diệu Đức, xứ Thần Kinh. Chí cầu học không hề lui sụt, đơn thân vượt ngàn, thẳng ra Bằng Sở pháp tịch nơi Thăng Long thành ngàn năm văn vật, mong lập hạnh anh nhi.

Bến mê thăm thẳm nước sôi trào,
Chôn lấp bao đời lượn sóng xao.
Thương xót khách trần, ai cứu vớt?
May chăng cơ cẩn chí anh hào.

(Mê Tân – Hoa Đạo)

Sóng khổ hải lao xao đến mức sôi trào nhẫn tâm cuốn phăng bao khách trần hờ hững đáng thương. Động lực này thúc giục chí anh hào trong Sư trưởng dâng cao, bất từ nguy khốn. Bóng Ni lưu ngược đường vào Yên Tử, tham học thiền cơ chốn rừng Trúc – ba Tổ uy danh ngàn đời. Để từng ngày:

… Khách ngồi thấm ngẫm sâu xa,
Chợt bừng tỉnh dậy, chung trà đưa duyên.
Lẽ giải thoát đâu phiền han hỏi,
Tâm thanh nhàn ấy cõi Chân như.

(Triệu Châu Trà – Hoa Thiền)

Thâm tâm thiền khách vẫn hướng về hạnh phúc của tha nhân. Nói khác đi, hạnh nguyện tự tha kiêm lợi thật sự hòa cùng hơi thở và nhịp đập trái tim dạt dào tình thương của Sư trưởng, nên không đành:

… Thánh vức ngao du vẹn phận mình,
Thương ai thơ thẩn chốn phù sinh…

(Hồn Quê Cảm Tác – Hoa Đạo)

Thương ai? Thương vạn loại với tâm từ vô phân biệt. Nhờ bi nguyện ấy, trí lực ấy mà thân làm Phật sự không biết mỏi, miệng giảng Phật pháp không thấy mệt, tâm trì Phật hạnh không chán nhàm. Từ Hạ trường Hội Sơn, Kim Sơn đến đạo tràng Giác Thiên, Huê Lâm, bao Phật sự đã viên thành, lắm kẻ mê được tế độ. Thật đúng:

"Phật sự oằn vai, gánh nặng sao!
Nhưng đâu lui khiếp chí anh hào,
Liền tay đỡ vớt bao nhiêu kẻ,
Đưa đón vui về cảnh giới cao."

(Phật Sự – Hoa Đạo)

Dưới con mắt của Sư trưởng:

… Đường trần sanh diệt qua rồi lại,
Pháp giới tư bề cảnh rộng thinh.

(Hồn Quê Cảm Tác – Hoa Đạo)

nên trọn đời:

Muối dưa làm vị trân cam,
Rừng xanh nước biếc, khỏe làm mệt chơi.

(Phật Đài Cảm Tác – Hoa Đạo)

chính vì thế mà Sư trưởng:

… Suốt đời không luận câu nào,
Suốt đời chí quyết mong sao quên lời.

(Độc Bộ Cô Hành – Hoa Thiền)

Làm tất cả mà không thấy làm tất cả, thuyết pháp độ sanh mà không giảng nói câu nào. Cao quý thay! Mong sao quên lời để người đời ghi nhớ. Rõ ràng "tu vô tu tu, hành vô hành hành" chính là hành tung của bậc Đại sĩ.

Nếu Diệu Nhân Thiền sư Ni vang danh miền Bắc Việt, Hồng Ân - Diệu Không Ni trưởng rực rỡ xứ Hương Giang - Ngự Bình đất Trung phần, thì Nam bộ hiền hòa - Sư trưởng Như Thanh tỏa ngát như một cánh Hoa Đàm.

Quý Thu, năm Mậu Dần.
Hậu bối Thích Thiện Thuận

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang