Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Một đóa Ưu Đàm
Tâm Quang

Thấm thoát đã hơn ba mùa lá rụng, con lìa xa đất Việt thân yêu, lìa xa mái chùa Huê Lâm thân thương. Sống nơi đất khách quê người, trôi lăn theo dòng đời chìm nổi, con ít có dịp được lắng lòng để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm khi còn ở quê nhà, những dịp rằm, mùng một được câu hội về chùa để nghe những lời từ huấn của Thầy.

Con có duyên may được quy y với Thầy ngay khi mới lọt lòng. Suốt thuở ấu thời, vì Thầy đa đoan Phật sự, nên con ít có dịp được gần Thầy. Con nhớ những khi đứng trong hàng Phật tử, chắp tay nhìn Thầy đi vào chánh điện trong tiếng chuông trống Bát-nhã vang rền, hay những khi Thầy đăng đàn thuyết pháp, vì quá nhỏ dại nên không hiểu hết những lời dạy bảo quý báu, mà chỉ ham vui theo quà bánh, trái cây do Thầy cho.

Đến tuổi thiếu niên, con được theo học lớp giáo lý La-hầu-la do Thầy tổ chức giảng dạy tại chùa Huê Lâm. Kế đến các lớp Phật học phổ thông, Thập thiện, rồi dần đến Bát-nhã, Duy thức. Chúng con rất cảm động thấy Thầy lúc đó đã tuổi cao sức yếu, mà vẫn không nề lao nhọc, ân cần dẫn dắt chúng con trong bước đầu học đạo. Con không sao quên được những buổi học nơi lầu một hay lầu năm chùa Huê Lâm, giọng nói từ hòa và ngay cả những lời nghiêm trách của Thầy khi chúng con bật cười vì không trả lời được những câu hỏi hay khi không hiểu được tôn ý. Thầy lại còn từ mẫn tạo thiện duyên cho chúng con được thọ giới Bát quan trai mỗi hai tuần lễ, để chúng con được gieo hột giống lành trong một ngày một đêm giữ tròn giới hạnh. Mỗi kỳ thọ Bát, chúng con đều được nghe giảng về Phật pháp và lần lần hiểu rõ hơn những lời Phật dạy. Thầy luôn chăm sóc chúng con từ tinh thần cho đến vật chất, có những khi Thầy vào tận nhà trù để nếm từng món ăn và dạy quý cô cắt dưa leo cho thật mỏng vì sợ quý bác không có răng nhai không nổi.

Làm sao quên những lúc được hầu Thầy, đánh máy các bài giảng hay bài Thầy soạn để xuất bản. Ngồi bên Thầy, trong sự tĩnh lặng của nhà giảng, chúng con được thấm đượm không khí an tịnh của nhà thiền, quên đi dòng xe cộ ngược xuôi của một thành phố náo nhiệt, quên đi sự đua tranh của một hoàn cảnh đầy khó khăn.

Ngoài việc phiên dịch và xuất bản kinh sách, Thầy còn làm rất nhiều thơ để sách tấn chúng con trên đường học đạo, nhắc nhở chúng con bằng những vần thơ dung dị:

"Con ơi! sóng gió bão bùng"

Và khuyên răn:

"Con ơi! đường Đạo rộng sâu,
Con nên thẳng tiến mới hầu nên danh."

Đó chính là:

"Lòng Thầy chứa cả muôn lời,
Muôn lời Thầy muốn trao dời cho con".

Mặc cho tuổi cao, sức yếu, Thầy vẫn dõng mãnh kiến tạo những công trình mỹ thuật để cho nhân sanh được chiêm ngưỡng tôn tượng của Chư Phật và Bồ-tát. Thầy đã xây dựng Quan Âm Phật Đài tại chùa Huê Lâm II trong khuôn viên Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa. Đây là một thành tựu lớn, thực hiện trong hoàn cảnh rất khó khăn lúc bấy giờ. Chưa chịu nghỉ ngơi, Thầy lại tiếp tục xây dựng một công trình rất quy mô là Quan Âm Bảo Điện tại chùa Hải Vân - Vũng Tàu, công trình này khó khăn gấp bội. Thầy đã lập chí nguyện cao cả, được Chư Phật hộ trì và chư Thiện thần ủng hộ, toàn thể Phật tử hưởng ứng tham gia, cuối cùng Quan Âm Bảo Điện đã được hoàn thành.

Ngày nay, Quan Âm Phật Đài ở Huê Lâm II và Quan Âm Bảo Điện chùa Hải Vân là nơi Phật tử bốn phương đến chiêm bái, đồng thời cũng là hai công trình kiến trúc oai nghiêm, tráng lệ, tô điểm thêm cho thắng cảnh Bà Rịa–Vũng Tàu, được nhiều du khách trong và ngoài nước đến viếng.

Chúng con còn nhớ, những lúc ra chùa Hải Vân thăm Thầy, Thầy ung dung chống gậy xuống núi, miệng nở nụ cười từ ái, gió quyện vạt áo Người bay bay.

Đó là hình bóng của một vị Đại trưởng lão Thiền Ni, trọn đời quên mình vì đạo.

Một tấm gương sáng, cao quý như đóa Ưu-đàm.

Bắc Úc, Mùa Thu 1997.
Tâm Quang
(Tiền Anh Thơ)
Kính bút

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang