Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Cách vật trí tri
Tỳ-kheo-ni Như Nguyên

Trong suốt thời gian xây dựng Quan Âm Bảo Điện tại chùa Hải Vân, trên sườn núi Tao Phùng, thành phố Vũng Tàu, chúng tôi đủ duyên được chỉ định làm phụ tai> theo Thầy. Trong những năm tháng lao nhọc ấy, lắm lúc chúng tôi bị quở rầy nghiêm khắc, nhưng cũng nhiều khi được Thầy trực tiếp chỉ dạy tận tình. Theo chúng tôi, đó là những bài học quý giá thắm tình Sư Đệ suốt đời không thể nào quên.

Năm ấy, Thầy đã 81 tuổi. Vì công trình nằm trên sườn đồi đá nên việc san lấp để tạo mặt bằng hết sức khó khăn. Sau nhiều tháng chiến đấu cam go với đá bàng, đá trải, mặt bằng để xây dựng ngôi điện chính, các sân bái và tiền sảnh đã tạm ổn. Nhưng phần đất còn lại nhìn ra biển trông thật khó coi, chỗ thì lồi cao nham nhở những đá, chỗ thì khoét sâu hun hút vì đấy là lối thoát của nước từ đồi đổ xuống trong mùa mưa. Chúng tôi rất ngán khu vực này. Mỗi lần theo Thầy đi qua, luôn cố tình không nhìn thấy, vì sợ Thầy hỏi cách xử lý thì nguy. Hình như đọc được những suy nghĩ trong tôi nên sau mỗi ngày làm việc, khi công thợ đã về, Thầy thường dẫn chúng tôi đến ngồi bên bờ vực đáng sơi> này để hóng gió, nhìn biển và ngắm trời chiều! Có lần Thầy hỏi chúng tôi: "Cô thấy chỗ này thế nào?" Tôi thưa: "Trời chiều đẹp quá!". Thầy im lặng rồi bảo: "Xuống thôi!"

Một lần khác, cũng ngồi ngắm trời chiều, Thầy hỏi chúng tôi: "Cô thấy gì không?" Tôi thưa: "Tịch dương vô hạn hảo!" Thầy nhìn tôi thật nghiêm và hỏi: "Cô nói gì vậy ?" Hoảng quá, tôi đọc luôn: "Chỉ tích cận hoàng hôn!" Câu này được Thầy dạy cách nay mấy hôm, thích quá tôi nhập tâm, khi được hỏi thì bật ra luôn. Thầy nói: "Cận hoàng hôn nên tối thui", rồi thong thả đi xuống dốc, tôi chỉ còn cách lẽo đẽo theo sau.

Sáng hôm sau được Thầy gọi sớm, tôi hơi lo ngại, nhưng khi diện kiến thấy vẻ mặt Người rất hoan hỷ nên cũng an tâm. Thầy dạy: "Cô cho mấy chú thợ đi làm sớm một chút, nhớ đem theo dây và rựa để vót cọc." Tôi vâng dạ nhưng không hiểu kế hoạch hôm nay Thầy dạy làm gì. Sau khi đã đối diện cái nơi mà tôi không thích tí nào, Thầy hạ lệnh: "Tất cả xuống hố, kể cả cô!" Tôi hơi lo ngại, nhưng vốn nghịch lại lì, thay vì đi vòng xuống như thợ, tôi lựa một chỗ tương đối trống, buông chân theo chiều thẳng đứng. Đất tuột, đá lăn, tôi bị tuôn xuống hố với một tốc độ kinh hoàng. Nhưng may quá, tôi đã đứng được trong lòng hố một cách nhanh gọn lại an toàn. Nhìn lên, tôi thấy mắt Thầy thật sáng pha lẫn niềm vui và sự quở trách. Tôi thầm hối hận vì tính bướng nghịch của mình đã khiến Thầy lo lắng và tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Sau khi thấy mọi người đã ổn định, Thầy dạy: "Đóng cọc, giăng dây theo vị trí đầu chiếc gậy chỉ đạo của Thầy." Và lạ thay! Khi chiếc cọc thứ tư vừa được đóng xong và sợi dây được kéo qua tôi chợt hiểu và thưa vọng lên: "Bạch Thầy, con biết làm rồi!" Một lát sau, Thầy đi nơi khác, tôi được dịp chỉ huy và thấy hiện rõ trên quá tầm đầu một lối đi có chiều ngang khoảng 2m. Từ đây, ngày nào cũng đào, cũng lấp. Sau nhiều tháng lao động cật lực, một chuỗi bậc cấp hình rẽ quạt đã hình thành, lượn quanh ngôi tiền sảnh nguy nga. Và Thầy lại hỏi: "Cô thấy thế nào?". Tôi thưa: "Con không ngờ chỗ như vầy mà Thầy thiết kế được lối đi lên tuyệt hảo như vậy!" Thầy nói: "CÁCH VẬT TRÍ TRI là vậy đó! Thầy dạy cô rồi, sở dĩ Thầy đến đây ngồi nhiều lần là để quan sát, để suy nghĩ và để dạy cô cách thực nghiệm bài học, mà cô chẳng "hội" được gì hết. Nếu Thầy không đến sát, quán sâu thì đâu có lối đi này để cô khen đẹp." Thầy nói tiếp thật nhỏ, thật êm, chỉ đủ hai Thầy trò nghe: "Chư Phật, chư Bồ-tát, chư lịch đại Tổ sư, các bậc Tiên hiền đều hành xử trong sự nhìn sâu, nhận rõ và dạy người bằng kinh nghiệm thực tiễn của chính mình. Không có kinh nghiệm thì không hướng dẫn được ai, mà có hướng dẫn cũng không hề kết quả." Tiếng chuông Thầy gióng làm tôi ù tai – đứng trên núi báu mà tôi vẫn nghèo kiết xác.

Từ dạo ấy đến nay, sáu năm đã trôi qua. Trong sáu năm ấy thật nhiều thay đổi. Thầy yếu dần, mà chúng tôi cũng đã già đi. Nhiều lúc một mình dạo quanh công trình cũ, tôi bùi ngùi, nuối tiếc những lúc được ở bên Thầy. Nhớ lắm, những lúc được Thầy chỉ dạy, nhớ lắm những lúc được quở rầy. Thầy thương chúng con, thương chúng sanh, lúc nào Thầy cũng muốn trắc nghiệm, theo dõi, để đúng thời giúp đỡ. Lúc nào Thầy cũng muốn truyền trao những kinh nghiệm của Thầy cho chúng con. Rất tiếc là Thầy cho thật nhiều mà mỗi chúng con đã nhận phần quá ít. Khi cần thì đã mất, khi hiểu được thì đã quá muộn màng. Hiện tại, chúng con muốn cầu học ở Thầy mà không thể được. Thầy đã yếu lắm rồi!

Công ơn giáo dưỡng của Thầy đối với chúng con hơn cả biển rộng, núi cao. Dầu là vốn liếng góp nhặt thật ít, chúng con cũng xin nguyện noi theo gương hạnh của Thầy:

"Hoằng pháp vi gia vụ,
Lợi sanh vi bổn hoài."

Và xin vứt bỏ cái mặc cảm tự ti của nhi nữ thường tình, tự sách tấn mình như lời Tổ dạy, Thầy khuyên: "Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ."

Trăng đã lên cao, gió thật nhẹ, mặt biển phẳng lì. Ngồi đây, bên cạnh Quan Âm Bảo Điện, trên mặt bực cấp rẽ quạt năm xưa, bỗng thấy mình như được theo Thầy hòa nhập vào không gian vũ trụ bao la. Mình cũng là gió, là trăng, là mây, là tất cả... Trên Bảo điện, Đức Quan Âm vẫn từ nhãn thị chúng sanh, vẫn bình tịnh thủy và nhành dương liễu trên tay. Giờ này, không gian như được rưới cam lồ. Mọi nhiệt não trong không khí, trong tâm con đều được giải trừ tất cả, vô cùng an lạc và trong không trung như vọng lại tiếng Thầy – chậm, rõ thật nghiêm:

Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị
Hư ngụy vô chủ
Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu
Như thị quán sát
Tiệm ly sanh tử.
(Kinh Bát Đại Nhân Giác, Đệ Nhất Giác Ngộ)

Bất chợt tôi quỳ xuống, chắp tay hướng vào không gian. Tôn dung Thầy hiện lên thật rõ và cùng khắp. Giọng Thầy như bên tai:

"Như thị quán sát,
Tiệm ly sanh tử…"
 
Hải Vân, ngày 25–9–1997.
Tỳ-kheo-ni Như Nguyên

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang