Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TIỂU SỬ
THƯỢNG TỌA THÍCH AN THIÊN (1950 – 2002)

-----------------

 

I.                     THÂN THẾ:

Thượng Tọa thế danh võ MINH MẪN, sinh năm Canh Dần (1950) tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ là ông VÕ NGHĨA và thân mẫu là cụ BÀ LÊ THỊ DO. Ông bà có sáu người con, bốn trai hai gái. Thượng tọa là trưởng nam. Năm người bào đệ  đều đã lập gia đình.

II.                  THỜI GIA XUẤT GIA TU HỌC:

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tin Tam Bảo, từ thuở thơ ấu, nhờ đã có sẵn hạt giống xuất trần nhiều kiếp, nên Thượng tọa sớm nhận thức được cõi đời là giả tạm, thế sự phù du, chỉ có xuất gia mới giải thoát.

Năm 1962, Thượng tọa đã xin phép song thân xuất gia đầu Phật với Hòa Thượng Bổn sư Thượng TRÍ Hạ HƯNG viện chủ Chùa Thiền Lâm, Sài Gòn – Gia Định, được Hòa thượng ban pháp danh NHƯ MẪN, tự GIẢI KÍNH, hiệu là AN THIÊN, đời thứ 41 dòng Lâm Tế Chánh Tông, năm ấy Thượng tọa vừa tròn 12 tuổi.

Sau khi xuất gia Thượng tọa đã tinh tấn tu học và tỏ ra tánh thông minh đĩnh ngộ, xuất sắc về nhiều mặt, nhất là về học vấn, đã được Hòa Thượng Bổn sư và huynh đệ vô cùng yêu mến.

Năm 1973, Thượng Tọa được Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo.

Năm 1974, Thượng tọa được sự bảo lãnh của Thượng tọa AN DIỄN (Lâm Duy Tạng) tại Nhật Bổn và được sự chấp nhận của Bổn sư cho phép du học tại xứ Phù Tang. Sau khi đã tốt nghiệp tú tài toàn phần và tốt nghiệp Trung cấp Chuyên khoa Phật học tại Chùa Giác Sanh.

Trong thời gian tu học tại Nhật Bổn chỉ hơn một năm thì đất nước được thống nhất, để đạt được ý nguyện Thượng tọa càng nỗ lực nhiều hơn nữa để đem kiến thức của mình phục vụ cho mai sau.

Song song chương trình thế học, Thượng Tọa cũng đã theo học Cao học Phật giáo và tốt nghiệp năm 1984.

Trong xu thế phát triển của thế giới, kiến thức mà Thượng tọa đã có nhận thấy cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của hàng Phật tử gần xa. Do đó, Thượng tọa đã tiếp tục học chương trình tiến sĩ Phật học.

Năm 1988, Thượng tọa đã bảo vệ luận văn tiến sĩ Phật học tại trường Đại học Rissho Đông Kinh – Nhật Bản.

III.                THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Phật học, Thượng tọa đã được Hội Phật Giáo tại Úc và chùa Pháp Bảo - bảo lãnh định cư và hành Phật sự tại Úc châu.

Năm 1991, Thượng tọa mới chính thức được di trú tại Sidney và cộng tác Phật sự với Thượng tọa THÍCH BẢO LẠC cho đến năm 1996.

Năm 1996, Thượng tọa nhận thấy cơ duyên đầy đủ và hỗ trợ mọi mặt nên đã thành lập Chùa MINH GIÁC để truyền bá Chánh pháp tại quê khách đất người. Thượng tọa là Viện chủ cho đến ngày viên tịch.

Năm 1998, Thượng tọa được Hội Phật Giáo Tại ÚC tấn phong hàng giáo phẩm Thượng Tọa tại Giới đàn HƯƠNG SƠN Chùa Pháp Bảo ở Syndey.

Năm 2000, nhận thấy cơ sở hiện tại chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chư Tăng và tín ngưỡng lễ bái của hàng Phật tử thập phương mỗi ngày mỗi đông, Thượng Tọa đã cùng Ban Trị Sự Chùa Minh Giác tạo được một cơ sở mới, hy vọng đáp ứng mọi sinh hoạt Phật sự chung.

Công việc đang tiến hành tốt đẹp, Thượng tọa dự định sẽ di chuyển về cơ sở mới một ngày không xa, ý nguyện chưa thành thì đột nhiên Thượng tọa đã thâu thần thị tịch.

 

IV.                    THỜI GIAN VIÊN TỊCH:

Nhưng tưởng Thượng tọa trên con đường phụng sự Đạo pháp và chúng sanh phát triển Phật giáo tại hải ngoại còn lâu hơn nữa, nào ngờ ngàu 24/5/2002 (nhằm ngày 13/4/Nhâm Ngọ) Thượng tọa đã thu xếp công việc của Chùa chu đáo, căn dặn và chuẩn bị về mọi mặt như hiến sát để phụng sự chúng sanh, tổ chức tang lễ … để chuẩn bị cho một chuyến đi xa mà Thượng tọa không bao giờ trở lại nữa. Tất cả những việc cần làm, những ai cần liên lạc, đều được ghi lại bằng bút tích trước giờ viên tịch. Vào lúc 4 giờ 00 chiều trước giờ viên tịch, Thượng tọa đã gọi điện thoại đến các tổ chức và Phật tử để nói lời cảm ơn và sự giúp đỡ Thượng tọa thực hiện những công tác Phật sự đã thành tựu đến ngày hôm nay. Và coi như đó là lời từ biệt cuối cùng của cuộc đời hành Đạo trên đất nước Úc Châu. Thế là 4 giờ 30 Thượng tọa đã thác hóa theo ngọc lửa hồng trong tư thế ngồi Kiết già thọ thế 53 tuổi, Đạo Lạp 40 năm, Tăng Lạp 29.

Có thể nói sự ra đi của Thượng tọa quá đột ngột bàng hoàng cho háng Tăng Ni và Phật tử tại Úc, cũng như huynh đệ Môn phong Tổ Đình THIỀN LÂM tại Việt Nam vô cùng bùi ngùi xúc động và thương tiếc.

Hạnh nguyện Bồ Tát và ý nguyện cao cả của Thượng tọa đã để lại một tấm gương tốt trên cõi đời. Giác linh Thượng tọa đã trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Thượng tọa vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của hàng Tăng Ni và Phật tử trên đất nước Úc Châu cũng như tại Việt Nam. Nguyện cầu Giác linh Thượng tọa cao đăng Phật quốc hội nhập Ta bà tiếp tục sứ mạng hoằng Pháp lợi sanh báo Phật ân đức.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế Khai Sơn Giác Minh Đường Thượng Húy Thượng Như Hạ Mẫn Tự Giải Kính Hiệu An Thiên Giác Linh Thượng Tọa Thùy Từ Minh Chứng. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/thichanthien.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang