Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Người Lái đò Nước Nam
Thích Thanh Thắng
Trên chiếc thuyền độc mộc, thiền sư Pháp Thuận nhận mệnh ngoại giao, cải trang làm người lái đò để đón sứ giả Lý Giác nhà Tống. Lý Giác thấy đôi ngỗng đang bơi, liền cảm hứng đọc hai câu thơ:
       Nga nga lưỡng nga nga.
       Ngưỡng diện hướng thiên nha

       (Song song ngỗng một đôi/ Ngửa mặt ngó ven trời).  

Nghe xong, Pháp Thuận bèn ứng khẩu ngâm tiếp:

       Bạch mao phô thủy lục.
       Hồng trạo bãi thanh ba

       (Lông trắng phơi dòng biếc/ Sóng xanh chân hồng bơi).


Lý Giác đã thán phục người lái đò mà viết tặng bài thơ trong đó có lời rằng:

       Ngoài trời còn có trời nên chiếu
       Sóng lặng khe đầm, rọi mảnh thâu.


Ý tứ của câu thơ được hiểu là tôn địa vị nước Nam ngang bằng với địa vị Trung Hoa. Nhưng đây cũng là “khẩu khí” ngoại giao của một sứ giả nước lớn. So sánh ngang bằng nhất thời của Lý Giác không giải quyết được những khúc mắc nhiều đời của hai dân tộc, tuy vậy cũng giúp cho nhận thức ngoại giao của nước Nam được củng cố. Thực tiễn cần phải chứng minh lời của Lý Giác không phải sự “vỗ về” hay “hạ cố”. Có như vậy, niềm tự hào của nước Nam mới không phải là ảo tưởng vĩ cuồng hay xuất phát từ tâm lý nhược tiểu.


Vận nước đến, nước Việt đã mở ra một thời đại độc lập, tự chủ lâu dài khi thiền sư Vạn Hạnh cố vấn và thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Vua Lý Nhân Tông đã ca ngợi Vạn Hạnh là bậc “dung tam tế”, “trụ tích trấn vương kỳ”.


Từ Giao Châu, Hoa Lư đến Thăng Long, những vị vua minh triết, những thiền sĩ hòa ánh sáng cùng cát bụi đã nối tiếp chí hướng tạo nên hình ảnh “người lái đò nước Nam” vững chí, vững tay trước mọi thác ghềnh, xây đắp nên nền móng độc lập, tự chủ cho Đại Việt. Có thể nói, văn hiến Thăng Long là sự kết hợp của bản sắc văn hóa và tầm vóc hiền tài.


Những “người lái đò nước Nam” thuở ấy luôn rộng lòng chở người trong bốn bể, nên mảnh đất Thăng Long trở thành chứng nhân của những thời đại khoan dung tư tưởng trong lịch sử dân tộc. Đó là những thời đại vua hóa Phật, văn thần võ tướng, thiền sĩ…, không kể tầng lớp xuất thân đều tích cực dấn thân nhập thế trong tinh thần ứng xử “Tam giáo” (hòa nhi bất đồng). Thời đại Lý - Trần sáng ngời bản sắc văn hóa và triết lý hành động, khi mọi trí tuệ, sức lực đều được tập trung tối đa cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự chủ.


Cốt cách Thăng Long là cốt cách của những trí thức “Tam giáo”. Nhưng với không ít người trí thức, dù có được đào tạo bài bản về học vấn hay gắn bó mật thiết với triều đình, thì họ vẫn giữ được sự thanh thản trước danh lợi thế gian. Phong cách sống tự do, tự tại, cư trần lạc đạo của họ đã không biến họ thành những trí thức “tầm gửi”, có tư tưởng bảo hoàng. Trí tuệ và sức sáng tạo của tầng lớp trí thức được sử dụng vào việc đem đến sự no đủ, thuần thiện cho nhân dân. Tương quan với tâm thức ấy, thời đại của họ đã sản sinh ra những vị vua nổi tiếng anh minh, khoan dung, độ lượng và những quần thần thủy chung, tiết nghĩa.


Người trí thức trong nhiều hoàn cảnh vẫn không đứng ngoài những biến động của thời cuộc và vận mệnh dân tộc. Con đường của họ đi là con đường tự hoàn thiện mình, hiểu đời, vui đạo và tự chủ. Họ không lớn tiếng hô hào, không kiểu cách màu mè về lòng yêu nước, nhưng họ đã chiến thắng nhiều bộ óc xâm lược lớn, vì họ hiểu rằng ngôi nhà dù có tối cả nghìn năm nhưng nếu biết đoàn kết cùng nhau thắp ngọn đèn lên thì ngôi nhà cũng sẽ sáng tỏ.


Hội thề đền Đồng Cổ khởi nguyên từ thời Lý, có sức sống mãnh liệt trong thời Trần, nhưng đáng nói chỉ có hai nội dung chính: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch”. Không thể có quan trong sạch khi vua không sống (và đề cao) trong sạch. Và chỉ khi nào hai sự trong sạch đó được thể hiện như nhau thì lời thề thứ nhất mới trở nên có ý nghĩa. Lời thề ấy tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.


Thời đại nào có vua sáng tôi hiền thì tiếng nói của người trí thức được tôn trọng: thân phận của họ được đề cao; việc dở hay của họ luôn có cơ hội để điều chỉnh; sự đổi thay trong con người họ không có nhiều mâu thuẫn, dằn vặt, đớn đau... Trước sự đổi thay, họ không phải nén lòng mình lại hay mất quá nhiều năng lực để nuôi lớn giấc mộng “kinh bang tế thế” một cách hão huyền. Vì họ hiểu công việc và trách nhiệm gần nhất của họ là trả nợ áo cơm cho dân cho nước, để cuộc đời được đẹp hơn, thiện hơn. Điều họ hiểu và làm đều căn bản trên tinh thần vô chấp, vô vi, nên sự thăng trầm của cuộc sống chỉ làm họ nhận thức rõ hơn về sự thật lầm than của nhân dân mà coi trọng việc giữ gìn cảnh thanh bình, an vui.


Trong những mâu thuẫn tư tưởng, người trí thức cố gắng tìm một tiếng nói chung khi nhận thấy có những sự “dung dưỡng”, “trói buộc” của chính sách. Nhưng tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” không lĩnh xướng cho một thái độ chấp thủ, bài tha. Người trí thức phải tự đi tìm lời giải cho cuộc sống của mình ở những trải nghiệm cuộc sống khi thời thế xoay vần, lấy bỏ. Và phần nhiều trong số họ đã không bị những cái “khuôn” chật hẹp nào đó giam hãm. Họ có khả năng ra vào trong “Tam giáo”. Cái ngưỡng duy nhất buộc họ phải tỉnh táo vượt qua đó là tham vọng của chính họ. Họ không thể đứng ngoài những vận động của cuộc sống. Vì họ luôn có những dự cảm về chính trị và cả sự nhạy bén trước thời cuộc. Đôi khi họ nhận thức về những cái “chóng qua” đó để kịp thời phản tỉnh những xu hướng sống tiêu cực của chính mình.


Sự rộng dung tư tưởng trong thời đại của họ đã nói lên tinh thần hóa giải và làm mềm đi những hoàn cảnh sống khắc nghiệt, để họ hiểu rõ hơn về lẽ đời “xuất xử hành tàng”, “công thành thân thoái”… Một trong những đặc điểm tư duy của người Việt là dung hóa, tiếp biến mọi hình thức tư tưởng, nên trong nhiều hoàn cảnh, những nhiệt tình độc quyền chân lý, tư tưởng thường phải nhường chỗ cho sự dung hóa. Khoa thi “Tam giáo” được nhà Lý mở ra nói lên tầm nhìn xa rộng về một tầng lớp ưu tú của dân tộc.


Bộ máy xã hội muốn vận hành tốt thì không thể chiếu lệ, ban ơn, mà phải biết đề cao trí tuệ và sức sáng tạo của người trí thức. Có nghĩa rằng những con người đa tài, thị tình, khoáng đạt ấy không phải con thoi trên bàn dệt được đẩy qua đẩy lại một cách nhân tạo. Nếu sống chỉ để mượn danh “trí thức” thì chính bản thân họ không thể làm khác trước áp lực của nhu cầu quyền lực với những mối quan hệ “trong họ ngoài làng” đầy phức tạp. Hơn ai hết, người trí thức khi “được chọn” để đứng vào hàng ngũ quyền lực ấy, họ phải có đủ bình tĩnh và tỉnh táo để biết mình sẽ phải hy sinh những gì để không quay lưng lại với tiếng gọi nhân sinh tha thiết ngoài kia.


Đôi khi một số trí thức ở hoản cảnh nào đó đã hướng sự “đơn độc” của mình vào những phản biện xã hội quyết liệt. Nhưng chính khi ấy họ hiểu hơn về giá trị vai trò, cũng như tinh thần tự do của người trí thức. Họ đã biết sống với tinh thần hy sinh, chứ không sống bằng thái độ “mũ ni che tai”, “an phận thủ thường” để cuối đời có một sự thờ phụng hoành tráng trong tháp miếu. Nếu có thể “giữ mình” để tồn tại cho qua hoàn cảnh và chờ thời thì không ai khác họ đã tự “kiểm duyệt” mình một cách khắt khe, trong khi xu hướng xã hội đang rất cần sự rộng mở.


Đám đông và một số sự kiện xã hội, trong hoàn cảnh nào đó có thể không phải là quan tâm của họ, nhưng ở khả năng “định hướng”, người trí thức phải biết phân tích và thể hiện một tiếng nói (dù thuận hay nghịch) để xã hội dành cho họ một chỗ đứng hay một “bản án” công nhận sự tồn tại của họ với tư cách của người trí thức được thể hiện qua động cơ trong sáng vì lợi ích dân tộc.


Trong những diễn biến phức tạp của cuộc sống, thói quen lấy việc “cầu an” làm phương thức tự vệ đã khiến cho những phản xạ của người trí thức tiến gần đến sự “bảo lãnh”. Sự “bảo lãnh” làm cho họ ngỡ rằng mình đang được bọc nhung trong những “hóa thành” quyền lực. Người trí thức có lẽ nào lại xem giới hạn cuối cùng của mình là những “hóa thành” đó, khi biết bao trở ngại thác ghềnh còn đang nằm ở phía trước.


Người trí thức là ai? Cần đặt ra câu hỏi này khi một bộ phận người trí thức thời nay đang hối hả bên những hành lang quyền lực, họ thân cận các chức vụ, họ lao vào trong đám đông của các sự kiện, họ ngợi ca lãnh đạo để tìm chốn tiến thân… Từ những dữ kiện này, chúng ta tin rằng đang có những phân hóa trong cuộc sống của người trí thức. Và đâu đó có những sự vận hành “lệch chuẩn” đang bước dần ra khỏi “truyền thống” [xin hiểu chữ “lệch chuẩn” và “truyền thống” này với đầy đủ ý nghĩa tích cực và tiêu cực của nó]. Vì vậy, chưa có một cơ sở tồn tại mang tính lý thuyết nào để khái quát về một hình mẫu người trí thức hiện nay. Vì sự thích nghi với những biến động thời đại vẫn chưa bung xung được điều gì để có thể gọi tên cho một thái độ “trí thức” đúng nghĩa. Thái độ hoài nghi (lý trí), trong trường hợp đặt câu hỏi cho chính mình là cần thiết, để định nghĩa cho “động cơ” của người trí thức trước những biến động của thời cuộc, đặc biệt trong sự tương quan giữa các hệ tư tưởng khác nhau.

Sự không thống nhất trong “quan điểm” và cái nhìn về diễn biến cuộc sống vốn dĩ là sự phân hóa trong chính bản thân người trí thức, nhưng dù gì cũng có những điểm chung trước một đường hướng có ích cho dân tộc trong một tương lai gần. Tuy nhiên, nếu dư luận xã hội không được người trí thức định hướng, nó sẽ rơi vào sự thỏa hiệp (phe nhóm) một cách đầy cả tin về lợi ích riêng.


Đối kháng và đối thoại không phải là “mạt cưa” cãi nhau với “mướp đắng” vì bản chất của người trí thức phải từ những đối kháng và đối thoại ấy mà tự soi sáng và điều chỉnh mình. Nếu không, họ đã sống phí một đời chỉ để ngồi trên quyền lực với những mệnh lệnh và lòng hăng hái “thẳng tay” với mọi đối kháng hay đối thoại. Và người trí thức khi không còn nhiệt tình để dấn thân cống hiến là lúc họ rơi vào cảnh sống mòn, dù tư tưởng “vô vi” (ở đâu đó) vẫn dành một chỗ để khuyến khích riêng cho những ai muốn sống ẩn thân, không màng danh lợi.


Tinh thần của người trí thức phải là những “định nghĩa” lịch sử, những “văn tự không cháy” trước mọi cố gắng tiêu hủy của cái ác, cái bất công. Xã hội trong mọi thời đại luôn cần đến họ. Vì thế danh xưng “trí thức” không cho phép họ sống bằng thái độ hoạt đầu, quỳ gối, hạ mình trước quyền lợi để thỏa mãn dục vọng ích kỷ cá nhân.


Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, chống gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng để khuyên dân chúng giữ gìn mười điều thiện, vì có thể ông đã nhận ra trên con đường vươn tới, từ bao đời nay, những “người lái đò nước Nam” không cho phép cái định mệnh u minh, bất thiện tồn tại trong đầu. Hành động từ bỏ ngai vàng của Trần Nhân Tông ở tuổi 41, thêm một lần khẳng định thái độ “phản ứng” với những gì mà các bộ óc quyền lực cổ kim đã thừa nhận, tán dương, cung phụng (bằng mọi cách). Việc từ bỏ những cái khó bỏ (đã được thiết định chặt chẽ) là sự dấn thân siêu việt, không thể nhìn một cách máy móc, xem đó như một sự “phản động” với cách thức duy trì quyền lực. Bằng hành động nhường ngôi tích cực đó, Trần Nhân Tông đã tự làm mới mình trên con đường của bậc thiện tri thức đã đi. Điều đó đủ để người đời xem ông là một triết vương của thời đại.


“Người lái đò nước Nam” xưa nay đều là những bậc thiện tri thức luôn biết rõ chuyện của mình, ngay cạnh mình, gắn bó với dân tộc mình. Quốc sư Phù Vân từng nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân, tất phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Và cho đến nay, lời thề “trong sạch” từ Đồng Cổ vẫn vọng về… như nước non nghìn thu một thuở.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoilaidonuocnam.htm

 


Vào mạng: 02-10-2009

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang