Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NHỤC THÂN CHÙA KHÁNH VÂN

 

Lâu nay, khi nói đến sự để lại nhục thân của các vị thiền sư Việt Nam sau khi viên tịch, không ai lại không biết đến nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu thuộc tỉnh Hà Tây, Việt Nam. Nhưng có lẽ ít ai biết đến nhục thân của một vị danh Tăng gốc Việt nam  đã để lại  nhục thân của mình tại một ngôi chùa Việt Nam ở Thái Lan. Đó là nhục thân của Hoà Thượng Thích Phổ Sái trụ trì chùa Khánh Vân. Dựa trên những tài liệu hiện còn lưu giữ ở chùa, người viết xin được giới thiệu đến độc giả một số thông tin về quá trình tu học và hành đạo của Ngài.

  Hoà Thượng Thích Phổ sái, Pháp danh Giác Lượng, thế danh Krung Maturotsakung. Ngài sinh vào giờ Tý, ngày mồng 9 tháng 8 năm  2443 B.E (1900)  tại Bangkok, Thái Lan. Trong sử sách không thấy ghi rõ về gia đình cũng như những thông tin về gia phả của Ngài.  Chỉ  thấy ghi  lại tên Cha va Mẹ rất đơn giản mà không thấy đề cập đến Cha và Mẹ của Ngài  họ gì ? Sách chỉ ghi lại  Cha tên Cuôi và Me tên Năng Thẹp. Sỡ dĩ  thông tin Gia phả trong gia đình của Ngài không được ghi chép chi tiết cụ thể, do có thể trước đây người viết  lại sử liệu này là người gốcThái. Vì vậy khi gặp những thông tin về họ tên của người Việt nam, ít nhiều sẽ gặp khó khăn và lung túng. Một khi phát âm không rõ ràng, từ đó dẫn đến việc chú âm họ tên (Việt – Thái) cũng không được chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin như tên của Cha và mẹ, bức chân dung của Ngài lúc còn trẻ,  cũng như qua việc Ngài đến xuất gia ở ngôi chùa Việt . . . chúng ta có thể khẳng định được Ngài là người gốc Việt. Chính bởi  xuất thân trong gia đình  có truyền thống Phật Giáo Việt Nam, cũng như trong tâm trạng của những người con sống xa quê hương, nên việc gia đình cho phép Ngài đến xuất gia ở ngôi chùa Việt nam cũng là điều dễ hiểu. Vì qua đó ít nhiều họ sẽ cảm nhận được sự ấp ám va an ủi phần nào trên đất khách quê người.

Với truyền thống hiếu đạo của Đất nước Phật Giáo Thái Lan, người con trai phải trãi qua một giai đoạn xuất gia ở chùa. Thời gian lâu hay ngắn tuỳ theo phát nguyện của mỗi gia đình cũng như bản thân của người con khi phát nguyện xuất gia. Đây được xem  là một hình thức trả hiếu đối với cha mẹ.  Cùng trong truyền thống đó, năm 2456 B.E (1913)  Ngài  phát nguyện đến xin  xuất gia ở chùa Hội Khánh (Wat Mongkornsamakom) do Hoà Thượng Thích Mật Ngôn làm Thầy Bổn Sư thế phát.  Lúc đó Ngài vừa tròn 12 tuổi . Sau 1 năm xuất gia trả hiếu xong, Ngài đã xin Thầy được hoàn tục. Tuy hoàn tục, nhưng Ngài vẫn tiếp tục sống trong chùa với hình thức là một cư sĩ phật tử thuần thành. Hằng ngày phụ giúp những công việc chấp tác trong chùa, cũng như chăm sóc hầu cận Thầy. Trong suốt gần 7  ở chùa, lời kinh tiếng kệ sớm tối đã dần thấm nhuần và Ngài đã thật sự  hiểu rõ về lý tưởng và tâm nguyện của một người xuất gia. Nên đến năm 20 tuổi, Ngài đã xin Thầyï được xuất gia trở lại và được thọ Đại giới vào ngày 20 tháng 5 năm 2464 B.E (1921)  dưới sự chứng minh và truyền giới của tam sư  là Hoà Thượng Thích Mật Ngôn, Hoà Thượng Thích Diệu Lý và Hoà Thượng Thích Thục Trí [1] .

Năm 2469 B.E (1926) Ngài chính thức được bổ nhiệm đến làm trụ trì chùa Khánh Vân, ngôi chùa đã gắn liền với Ngài suốt một cuộc đời hành đạo. Chùa Khánh Vân (Wat Upai Ratchabumrung), một trong 17 ngôi chùa Việt Nam tại Thái lan thuộc hệ phái Phật Giáo Annam Nikaya, mà người Thái vẫn quen gọi là Annam Nikai (nghĩa là Annam Tông), toạ lạc tại số 864 Charoenkrung, Taladnoi, Sampantawong, Bangkok, 10100 Thailand. Theo sử liệu ghi lại cho đến ngày hôm nay, Chùa đã trãi qua 6 đời trụ trì. Hoà thượng Thích Phổ Sái là vị trụ trì đời thứ 4 từ năm 2469 - 2501 B.E [1] (1926 – 1958), thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Trong một khoảng thời gian dài làm trụ trì Ngài đã tiếp nối sứ mạng của các Bậc Thầy đi trước, ra sức xiển dương Phật Pháp, cũng như trùng tu và xây dựng chùa chiền.  Vốn tư chất rất thông minh, hiền từ và độ lượng nên Ngài đã cảm hoá được rất nhiều tín đồ Phật tử cả người Việt cũng như người Thái. Do vậy mà được rất nhiều người biết đến. Không những thế, trong Sơn Môn , Ngài được chư Tăng trong Annam Tông cảm kích, tín nhiệm và suy tôn Ngài đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội Phật Giáo Annam Nikaya trong suốt nhiều nhiệm kỳ. Với cương vị là những người lãnh đạo Giáo hội phật Giáo Annam Tông, Ngài  hết mình tận tụy trong mọi công việc phật sự,  với tâm nguyện làm tốt vai trò kế thừa và phát triển tông phái. Trong tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên  của Đạo Phật, Ngài đã khéo vận dụng những phương tiện hoá đạo khác nhau để có thể phát triển tông phái một cách hài hoà trên mảnh đất Thái Lan, một đất nước vốn có truyền thống Phật Giáo Nam truyền mấy nghìn năm. Chính bởi yếu tố kết hợp hài hoà giữa Phật Giáo Đại thừa và Phật Giáo Theravada, mà hệ phái Phật Giáo Annam Tông đã dần chiếm được sự ưu ái của nhiều người dân Thái lan.

Nhận thấy thế duyên đã mãn, sau khi sắp xếp mọi công việc Phật sự trong Giáo hội, cũng như  di huấn lại những gì cần thiết cho các vị đệ tử của mình, Ngài đã viên tịch vào lúc 21h 15 ngày 21 tháng 4 năm 2501 B.E (1958), trụ thế 58 đời và 37 hạ lạp [1]. Sau khi viên tịch Ngài đã để lại Nhục thân còn nguyên vẹn trong tư thế kiết già tĩnh toạ. Đây là điều vô cùng đặc biệt mà xưa nay người dân Thái lan ít ai biết đến. Vì vậy, sự để lại nhục thân của Hoà thượng Phổ Sái  có thể nói đã để lại trong lòng người dân Thái Lan một sự kính ngưỡng vô hạn. Đến ngày nay Nhục thân của Ngài vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn và được  tôn thờ tại Tổ đường chùa Khánh Vân. 

Trong những tháng ngày đang học tại Thái lan, người viết được nhân duyên đến ở tại ngôi chùa Khánh Vân này. Đây được xem là một trong những ngôi chùa Việt nam được xây dựng và hình thành sớm nhất tại Bangkok, Thaland dưới hình thức sinh hoạt của hệ phái Phật Giáo Annam Nikaya [1]. Như chúng ta cũng biết, Annam Tông là một hệ Phái Phật Giáo đã được chư vị Tổ Sư Việt Nam khai sáng và hình thành trên đất nước Thái Lan. Thông qua hình thức của hệ Phái này, những nét văn hoá, truyền thống của Phật Giáo Việt Nam đã phần nào được giới thiệu rộng rãi đến người dân Thái. Hình ảnh sáng ngời của chư vị Tổ Sư trong những ngày đầu truyền đạo như Hoà Thượng Thích Chân Hưng, Hoà thượng Thích Bảo Ân, Hoà Thượng Thích Mật Ngôn .. . và đặc biệt qua sự để lại nhục thân của Hoà Thượng Thích Phổ sái đã mang đến cho người dân Thái lan những hiểu biết hơn về Phật Giáo Việt nam. Khi biết nơi đây hiện đang còn lưu giữ và tôn thờ Nhục thân của một vị Hoà Thượng gốc Việt, người viết cố gắng tìm hiểu về nguồn gốc của Ngài với mong muốn giới thiệu đến mọi người cùng biết. Do vậy đã cố gắng tìm tòi nghiên cứu những sử liệu hiện đang lưu giữ trong chùa, cũng như tra cứu các bia ký, long vị, hình ảnh và qua một số  thông tin kể lại của những vị Hoà Thượng thuộc Hệ phái Annam Tông hiện nay, để tìm ra những thông tin tương đối khả dĩ nhất. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, người viết nhận thấy còn rất nhiều hạn chế. Bởi nguồn sử liệu về Annam Tông rất ít, nhất là những ghi chép về quá trình truyền thừa của chư vị Tổ Sư cũng như  các vị Hoà Thượng trong tông phái còn rất sơ sài. Hơn nữa, các vị trụ trì sau này dường như không mấy quan tâm đến vấn đề ghi chép mang tính sử liệu. Ngay cả việc công bố hay giới thiệu về nhục thân của Hoà thượng Phổ Sái đến công chúng cũng mang tính nội bộ.

Ai đã một lần có duyên đến chiêm bái nhục thân của Hoà thượng Phổ Sái có lẽ sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm thiêng liêng khó diễn tả thành lời. Trong những chuyến hành hương của Chư Tăng Ni cũng như Phật tử trong nước và hải ngoại đến Thái Lan, khi nghe tin có nhục Thân của một vị Hoà thượng Gốc Việt còn lưu lại,  ai cũng háo hức mong muốn được đến đó để xem thực hư như thế nào . Trước hương án Tổ đường chùa Khánh Vân, chúng tôi đã chứng kiến không biết bao lần những dòng lệ xúc động nghẹn ngào của chư Tăng Ni  Phật tử  khi được thành kính đảnh lễ Nhục Thân của Ngài. Qua đó, chúng tôi mới cảm nhận một cách sâu sắc về những giá trị tâm linh cội nguồn. Dù ở phương trời nào đi nữa thì  những giá trị ấy luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc và ấm áp trong lòng những người con Phật Tử Việt nam.  Bởi lẽ, khi đề cập đến nhục thân của quý Ngài, chúng ta không thể đo lường bằng những thước đo vật chất, mà nơi đó chứa đựng những giá trị tâm linh mầu nhiệm. Giá trị ấy là bằng chứng trung thực nhất để tô điểm cho một cuộc đời hành đạo và chứng đạo. Đối với các nhà khoa học, điều đó đã tạo nên  cho họ không biết bao sự ngạc nhiên lẫn thán phục. Dẫụ đã trãi qua bao công trình nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra một công thức tương đối nhất. Nhưng tất cả vẫn đang còn là một ẩn số. Điều đó đã là một minh chứng hùng hồn nhất trong lịch sử tu chứng của các vị Thiền sư việt nam.

Qua bài viết này, người viết không chỉ nhằm giới thiệu đến Phật Tử Việt Nam chúng ta biết thêm về Nhục Thân của Hoà thượng Thích Phổ sái, một vị danh Tăng gốc Việt, đã có công lao rất lớn trong việc duy trì và phát triển hệ phái Phật Giáo Annam Tông, mà mong muốn  có được sự  quan tâm nhiều hơn đến một hệ phái Phật Giáo Việt Nam đã và đang có mặt trên đất nước Thái lan trong suốt thời gian gần 300 năm qua. Qua đó, hy vọng sẽ mang lại cho phật giáo việt Nam  cũng như Phật Giáo Thái lan những nét khởi sắc trong tiến trình hội nhập và phát triển văn hoá phật giáo giữa hai quốc gia ngày càng tốt đẹp.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nhucthan_htPhoSai.htm

 


Vào mạng: 1-1-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang