Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

GIAO ĐIỂM PHỎNG VẤN THẦY NHẬT TỪ VỀ CHUYẾN VIẾNG THĂM VIỆT NAM CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH VÀ TĂNG THÂN LÀNG MAI TẠI SÀI GÒN TỪ NGÀY 23-1-05 ĐẾN NÀY 18-2-05

(Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng internet trực tuyến, ngày 05/02/2005 từ bang California và Thành phố HCM.)


Lời của tòa soạn Web GIAO ĐIỂM:

Đại đức Thích Nhật Từ là người sáng lập và biên tập trang Đạo Phật Ngày Nay (buddhismtoday.com) là người có mặt hầu hết trong các ngày hoằng hoá của thiền sư Nhất Hạnh ở Sài Gòn. Đại đức được chùa Pháp Vân mời làm Phó ban tổ chức lễ nghinh đón thiền sư ở Phi trường (ngày 23-01-05) và lễ khánh thành Giảng đường và tăng xá chùa Pháp Vân (ngày 06-02-05). Đại đức là thành viên ban tổ chức thỉnh thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng cho tăng ni sinh trường Cao Trung Phật Học TP. HCM (25-01-05), đồng thời là thành viên ban tổ chức tiếp đón thiền sư tại Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM và Thiền viện Vạn Hạnh (ngày 26-01-05), cũng như tại Tịnh Xá Trung Tâm (ngày 27-01-05), Chùa Phật Học Xá Lợi (ngày 03-02-05) và Học Viện Hành Chánh Quốc Gia (ngày 04-02-05). Đại đức cũng là phó ban tổ chức Khoá tu Tăng Ni do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, từ ngày 27-01-05 đến ngày 02-02-05. Vì lý do đó, Giao Điểm đã có cuộc phỏng vấn Đại đức về một số thông tin liên hệ đến chuyến viếng thăm Việt Nam tại Sài Gòn của thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai.

***

Nguyễn Văn Hoá: Kính chào thầy. Xin thầy cho độc giả của trang nhà Giao Điểm khắp năm châu được biết: Tăng ni và Phật tử Sài Gòn đã tiếp đón thiền sư Nhất Hạnh tại phi trường Tân Sơn Nhất như thế nào?

Thích Nhật Từ: Có thể nói đây là lần đầu tiên sau năm 1975, trên dưới 8000 người bao gồm tăng ni và Phật tử Sài Gòn đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất để đón tiếp một vị khách quý từ nước ngoài về, đó là thiền sư Nhất Hạnh, một nhà cải cách Phật giáo theo tinh thần nhập thế. Không khí ngày hôm đó vô cùng nhộn nhịp, hân hoan và hoành tráng.

Hàng ngàn hoà thượng, thượng toạ, ni trưởng, ni sư, đại đức tăng ni đã có mặt trước cổng sân bay nội địa từ 8h00 sáng. Nhiều đoàn xe buýt, xe 12 chỗ chở tăng ni và Phật tử vào khu vực đậu xe. Có khoảng 200 huynh trưởng gia đình Phật tử thuộc Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử, gia đình Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm, gia đình Phật tử chùa Giác Nguyên (Q.4) và gia đình Phật tử chùa Pháp Vân (Q. Tân Phú), đứng nối kết nhau tạo thành hai hàng thẳng tắp và trang nghiêm. Nhiều Phật tử đã cầm cờ Phật giáo năm sắc phất phới chào mừng. Một biểu ngữ nền đỏ chữ vàng (không biết do ai làm) song ngữ Anh Việt ghi: "Cung đón thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Phật giáo Quốc Tế thuộc Tăng Thân Làng Mai" (hàng trên, và hàng dưới là câu tiếng Anh: "Welcome Zen Master Nhat Hanh and the International Buddhist Delegation of Plum Village Sangha").

Nhiều đoá hoa và lẳng hoa tươi thắm đang được nâng cao để chào đón. Hai hàng Phật tử, một hàng mặc áo dài vàng khăn đóng và một hàng là các nữ sinh mặc áo trắng đội nón lá cung kính xá chào. Các lẳng hoa đẹp đã được gởi đến thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai.

Tăng thân Làng Mai gồm 50 vị tăng, 50 vị ni và 90 vị cư sĩ ngoại quốc, đến từ 30 quốc gia khác nhau, nở trên môi những nụ cười thảnh thơi, khi đặt chân xuống phi trường Tân Sân Nhất. Các vị sư ngoại quốc với chiếc áo tràng màu nâu sòng trông rất dễ thương, vẫy tay chào mọi người. Các máy chụp ảnh và quay phim đã đỗ dồn về phía thiền sư Nhất Hạnh, làm tắt nghẽn cả hai hàng rào danh dự của gia đình Phật tử. Ai cũng muốn nhìn thấy tận mắt thiền sư, một vị thầy khả kính mà họ đã từng đọc sách và nghe băng giảng trong mấy mươi năm qua. Hàng ngàn người chen chúc nhau xá chào và đón mừng thiền sư đã trở về Sài Gòn sau gần 40 năm hoằng pháp ở Âu Mỹ. Thiền sư Nhất Hạnh đã cất những bước chân thanh thản với nụ cười tươi như hoa sen như để đáp lại tấm lòng ngưỡng mộ của tăng ni và Phật tử. Chủ và khách nhìn nhau trong chánh niệm, mừng vui, hân hoan chào đón. Đây là cuộc tiếp rước chưa từng có trong mấy mươi năm qua.

Điều đó cho thấy tấm lòng của tăng ni và Phật tử Sài Gòn dành cho thiền sư Nhât Hạnh là vô song, đầy ấn tượng. Khi thiền sư Nhất Hạnh ra đến xe buýt để về chùa Pháp Vân, hàng ngàn người vẫn còn đó nỗi quyến luyến, dõi mắt nhìn theo đoàn xe, cho đến lúc mất dạng. Các chốt giao thông chính của trục lộ từ phi trường Tân Sơn Nhất về đến chùa Pháp Vân đều bật đèn xanh, để giúp cho đoàn đi qua các ngã tư được nhanh chóng và dễ dàng. Quần chúng đi đường hôm đó đều chứng kiến trong ngạc nhiên hàng ngàn người đã tiếp đón một vị thiền sư Việt Nam về thăm quê hương sau gần 40 năm trời xa cách (xa mặt nhưng không cách lòng).

Nguyễn Văn Hoá: Số lượng tăng ni và Phật tử đến nghe thiền sư Nhất Hạnh giảng có đông hơn ở Hà Nội không?

Thích Nhật Từ: Dĩ nhiên là đông hơn nhiều lần, vì Sài Gòn là nơi thiền sư Nhất Hạnh đã từng sinh sống và làm Phật sự trước khi sống lưu vong ở ngoại vào năm 1966. Sách vở của thiền sư Nhất Hạnh, dù bị cấm đoán trong nhiều năm qua, đã được in chui (in lụa), phổ biến khắp Sài Gòn trong gần 20 năm trở lại đây. Trước khi thiền sư Nhất Hạnh trở về Việt Nam, một số sách của thiền sư đã được NXB Tôn Giáo cho xuất bản chính thức. Thấy được thiền sư và nghe thiền sư giảng trực tiếp là điều mà phần lớn tăng ni và Phật tử Sài Gòn hằng mong đợi.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 25-01-05, theo dự kiến của Ban giám hiệu, có khoảng 1500 tăng ni theo học hai lớp Trung Cấp và Cao Đẳng Phật học TP.HCM đến chào đón thiền sư và nghe giảng. Không ngờ, ngày hôm đó, có trên 8000 tăng ni và Phật tử đến tham dự, đông hơn cả ngày đại lễ Phật đản do Thành Hội Phật giáo TP.HCM tổ chức hằng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Tương tự, theo dự kiến, vào ngày 26-01-05, chỉ có khoảng 500 tăng ni thuộc Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, sinh viên lớp Hán Văn Phật Học Nâng Cao thuộc Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam tham dự một ngày chánh niệm do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn tại thiền viện Vạn Hạnh. Trên thực tế, hôm đó gần 3000 tăng ni và Phật tử về nghe pháp.

Tại Tịnh xá Trung Tâm, ngày 27-01-05, đã có gần 2000 tăng ni và Phật tử thuộc 6 giáo đoàn của hệ phái Khất Sĩ và Bắc tông đã tham dự một ngày tu do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn.

Tại chùa Hoằng Pháp, từ ngày 27-01-05 đến 02-02-05, có khoảng 1000 tăng ni tại 3 miền đất nước đã hội tụ về để tham dự khoá tu dành cho người xuất gia do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn, dù họ rất bận với các công việc Phật sự trong những ngày cận tết nguyên đán. Có trên 1000 Phật tử tham dự ngày lễ khai mạc khoá tu. Đặc biệt, ngày Cổ Phật Khất Thực, hàng ngàn Phật tử đã có mặt rất sớm tại chùa Hoằng Pháp vào ngày 30-01-05 để tìm cơ hội cúng dường cho tăng chúng thiền hành khất thực từ khuôn viên chùa Hoằng Pháp đến ngã ba Hồng Châu, Hóc Môn. Họ đã mang nhiều loại thực phẩm, bánh trái, để sớt bát cho quý Tăng Ni theo truyền thống khất thực thời xưa của đức Phật tại Ấn Độ. Có thể nói đây là lần đầu tiên tại Việt Nam trong nhiều thập niên qua, gần 1000 tăng ni đã đi khất thực trong chánh niệm tại Sài Gòn. Ngày khất thực theo phong cách truyền thống này đã làm cho người dân Hóc Môn, kể cả người theo đạo Thiên Chúa và quân đội nhân dân ở vùng phụ cận chùa biết về ý nghĩa và tương tác hai chiều trong quan hệ giữa người xuất gia và tại gia trong cách tiếp nhận và truyền trao, trong tinh thần tương trợ giữa vật chất và tâm linh.

Tại chùa Phật Học Xá Lợi, khoảng 2000 tăng ni và Phật tử ngồi nghẹt cả giảng đường, chánh điện, sận trước và sân hông của giảng đường, ngồi trang nghiêm trong im lặng chưa từng thấy để lắng nghe thiền sư Nhất Hạnh ban bố pháp âm. Các Phật tử đã đứng lấn ra đường Bà Huyện Thanh Quan và đường phụ, đến độ, không còn chỗ để vào khuôn viên Chùa.

Tại Học Viện Hành Chánh Quốc Gia, ngày 04-02-05, gần 800 các nhà nghiên cứu tư tưởng Maxist, các giáo sư đại học, các nhà nghiên cứu, các nhân sĩ trí thức và các nhà làm công tác tôn giáo tại Sài Gòn đã ngồi chật cả hội trường. Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM đã phải sắp xếp thêm 100 ghế ở ngoài hội trường và khoảng gần 300 ghế bên dưới tầng trệt của hội trường mới có thể dung chứa hết số lượng quan khách đến dự ngày hôm đó.

Đặc biệt là khoá tu dành cho người tại gia do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn tại chùa Hoằng Pháp từ ngày mùng 3 tết cho đến mùng 5 tết nguyên đán (nhằm 11-2 đến 13-2-05) hiện nay đã có trên 2000 Phật tử đăng ký chính thức và trên 1500 đăng ký dự thính, vì chùa Hoằng Pháp không có đủ phòng ngủ cho số lượng lớn như vậy. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu chùa Hoằng Pháp có sức chứa 10000 người thì người dự khoá tu cũng sẽ tăng vọt đáng kể.

Nhìn chung, số lượng thính chúng đến nghe thiền sư Nhất Hạnh giảng nhiều gấp hai ba lần so với số lượng dự định, và tuỳ thuộc rất nhiều vào không gian của từng ngôi chùa, nơi thiền sư Nhất Hạnh đến giảng.

Nguyễn Văn Hoá: Được biết, trong chuyến về thăm quê hương lần này, thiền sư Nhất Hạnh thăm viếng HT. Thích Trí Tịnh, chủ tịch Hội Đồng Trị Sự GHPGVN. Xin thầy cho biết nội dung của cuộc viếng thăm này.

Thích Nhật Từ: Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đến chùa Vạn Đức vào lúc 8h30 sáng 24-01-05. Lúc đó, HT. Thích Trí Tịnh đang truyền giới bát quan trai cho các Phật tử. Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai sau khi đi thưởng lãm cảnh, ngồi xuống tại tượng đài Quan Âm, bên cạnh thất của HT. Thích Trí Tịnh. Bài thiền ca Tịnh Độ Là Đây đã được tăng thân Làng Mai cất lên để mọi người nhận chân được Tịnh Độ của thiền có mặt bây giờ và tại đây.

Vào phòng khách của chùa Vạn Đức, thiền sư Nhất Hạnh đã xá chào HT. Thích Trí Tịnh và giới thiệu với tăng thân rằng Hoà thượng là bậc thầy vĩ đại của Tịnh Độ Tông thời hiện đại. Tăng thân Làng Mai đảnh lễ Hoà thượng. Thiền sư Nhất Hạnh giới thiệu pháp danh của một số thầy và sư cô phương Tây cho HT. Thích Trí Tịnh. Tăng thân Làng Mai đã hợp ca bài Quay Về Nương Tựa bằng tiếng Sanskrit và Anh. Sau đó, tụng Bát-nhã Tâm Kinh bằng tiếng Anh. Nghe xong, HT. Thích Trí Tịnh nhắc nhỡ tăng thân Làng Mai nên nhớ ba chữ “vô sở đắc” như tông chỉ quan trọng của bài kinh này và mong mọi người sống với tinh thần đó. Thiền sư Nhất Hạnh đã tặng bức tranh thư pháp do chính thiền sư viết: "Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ." cho HT. Thích Trí Tịnh. Sau đó, tất cả cùng chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Quán Thế Âm trước sân chùa. Tăng thân Làng Mai đã rời chùa Vạn Đức trong sự quyến luyến.

 Nguyễn Văn Hoá: Theo Tú Gàn (Lữ Giang-Nguyễn Cần) , trong thời gian thiền sư Nhất Hạnh thuyết pháp tại Sài Gòn, nhiều đề tài đã bị thay đổi bất ngờ mà chẳng ai biết lý do. Tù Gàn dẫn chứng rằng "chẳng hạn buổi thuyết giảng ở Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh qua đề tài "Vai trò Phật giáo trong xã hội đương đại", nay đổi ra "Người thương tôi chết, bây giờ người ở đâu?" Một số đề tài dự tính thuyết trình trong khuôn viên Đại học, thì nay chuyển vào Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, v.v...” Xin thầy cho biết sự thực hư của vấn đề này thế nào?

Thích Nhật Từ: Tôi không quan tâm lắm đến các bài viết của Tú Gàn về chuyến thăm viếng Việt Nam của thiền sư Nhất Hạnh, vì tôi biết rất rõ Tú Gàn là một chuyên gia phịa sử, với sứ mệnh gây chia rẽ nội bộ Phật giáo trong và ngoài nước. Ông sống bằng nghề "bẻ cong ngồi bút" ở Sài Gòn Nhỏ là chuyện khó có thể bịt mắt thiên hạ được. Nhưng vì đã hỏi thì tôi xin trả lời. Đó là một thông tin sai lầm có "dụng ý" của Tú Gàn, nhằm "dấy bụi tung mù" những bước chân hoằng hoá của thiền sư Nhất Hạnh ở Việt Nam, sau gần 40 thiền sư Nhất Hạnh hoằng pháp thành công ở Âu Mỹ.

Là người trực tiếp tham gia tổ chức tiếp đón thiền sư Nhất Hạnh tại các chùa Pháp Vân, chùa Vĩnh Nghiêm, thiền viện Vạn Hạnh, tịnh xá Trung Tâm và chùa Hoằng Pháp, Chùa Phật Học Xá Lợi và Học Viện Hành Chánh Quốc Gia, tôi xin khẳng định rằng việc thay đổi đề tài pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh là không hề có. Chúng tôi cố gắng truyền thanh trực tiếp các buổi pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh. Do vì bận, hai buổi giảng đầu của thiền sư tại Sài Gòn, tôi đã nhờ cư sĩ Trần Tiến cho người phụ trách giúp. Đại đức Bước Tới_Thảnh Thơi đã mở ra một room mới, "Phap thoai cua hoa thuong thien su Thich Nhat Hanh" trong nhom "By Language: the Asia and the Far East." Số lượng người vào nghe trực tiếp có khi lên đến gần 150 vị. Có khi chỉ có khoảng 20 vị, tuỳ thuộc rất nhiều vào giờ giảng ở Việt Nam. Những buổi giảng của thiền sư vào buổi chiều ở VN, thường ít người vào nghe, vì lúc đó là khuya của Hoa Kỳ. Các bài giảng này đều được thâu âm trực tiếp. Tôi xin nhắc lại rằng không hề có chuyện thay đổi đề tài giảng. Các đĩa CD do Làng Mai phổ biến ở Việt Nam và post lên trang http://langmai.org đã sửa tựa đề pháp thoại cho ngắn và dễ nhớ hơn đề tài ghi trong chương trình. Đừng thấy vậy mà tưởng rằng nhiều đề tài pháp thoại đã bị thay đổi.

Tại Sài Gòn, chỉ có sự thay đổi một địa điểm giảng mà thôi. Thay vì giảng tại "Nhà Hát Hoà Bình" vào lúc 14h30 ngày 04-02-05, thiền sư Nhất Hạnh đã giảng tại "Học Viện Hành Chánh Quốc Gia” về đề tài “Tương Lai của Đạo Bụt ở Âu, Úc và Mỹ Châu" (The Future of Buddhist Practice in Europe, Australia and America). Đề tài pháp thoại này trước và sau không thay đổi gì cả. Trong khi đó, pháp thoại “Người thân tôi chết, người đi về đâu?" (Tú Gàn viết sai thành "Người thương") là đề tài được giảng tại chùa Hoằng Pháp vào lúc 8h00 ngày 02-02-05, theo đúng chương trình đã sắp xếp. Cũng cần nói thêm rằng, đề tài này rất hợp với chùa Hoằng Pháp vì ngôi chùa này là nơi xiển dương giáo nghĩa và hành trì pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông.

Sở dĩ thiền sư Nhất Hạnh phải đổi địa điểm là vì nhà hát Hoà Bình đang trong quá trình nâng cấp (theo dự kiến qua tết nguyên đán mới xong) nên không thể sử dụng để làm hội trường được. Học Viện Hành Chánh Quốc Gia nằm ở số 10 đường 3/2, P.12, Q.10, (cách nhà hát Hoà Bình, số 14 đường 3/2, khoảng 100 m), bị Tú Gàn đổi thành “Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc” là nhằm mục đích nối kết “chuyến đi hoằng hoá giảng đạo” của thiền sư Nhất Hạnh thành "chuyến công tác chính trị”, thiển nghĩ không cần phân tích người đọc vẫn thấy rõ. Cũng cần nói thêm rằng theo chương trình dự kiến, không có đề tài nào được thuyết trình trong khuôn viên Đại học, như Tú Gàn đã tự "vẽ rắn thêm chân" cả.

Nói tóm lại, không hề có chuyện "nhiều đề tài đã bị thay đổi bất ngờ mà chẳng ai biết lý do" như Tú Gàn đã bịa đặt, để lạc dẫn người đọc.

 Nguyễn Văn Hoá: Theo Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (của ông Võ Văn Ái) và tờ Sài Gòn Nhỏ (tuần báo cho không ở vùng Orange County, miền Nam California), thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai bị Thượng toạ Tuệ Sỹ "tẩy chay" tại Quảng Hương Già Lam. Thầy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Thích Nhật Từ: Theo tôi, nhận định như vậy là quá vội vã, nếu không nói là võ đoán, nhất là có thể tạo ra sự hiểu lầm và đổ vỡ. Hằng năm, từ rằm tháng chạp (nhằm 24-1-05) đến rằm tháng giêng, TT. Tuệ Sỹ thường phát nguyện nhập thất (Thị Ngạn Am) để tĩnh tu, dịch Kinh và viết sách. Trong suốt thời gian nhập thất, TT. Tuệ Sỹ không bao giờ mở cửa thất và không tiếp khách, dù người đó là ai! Mấy chục năm qua, TT. Tuệ Sỹ đã duy trì truyền thống này. Thị Ngạn am của TT. Tuệ Sỹ gồm có 2 phòng. Cửa ra vào ở phòng đầu đã được khoá từ bên ngoài. Trong suốt thời gian nhập thất, TT. Tuệ Sỹ đã tắt máy điện thoại. Điều đáng chú ý là TT. Tuệ Sỹ đã không hề hay biết thiền sư Nhất Hạnh đến thăm và đứng đợi bên ngoài. Điều đáng nói hơn, thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai cũng không hề biết đến truyền thống nhập thất của TT. Tuệ Sỹ nên đã không liên lạc sắp xếp trước. Chúng ta không thể võ đoán rằng TT. Tuệ Sỹ đã tẩy chay thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai, vì TT. Tuệ Sỹ không hề biết đến sự hiện diện của thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai đang đợi ở ngoài Thị Ngạn am. Do vì phòng cách âm nên việc liên lạc từ ngoài am với trong am đã không thiết lập được. Đó là điều đáng tiếc.

Nguyễn Văn Hoá: Theo các thông tin internet ở hải ngoại, khi phái đoàn vượt qua cổng Tam Quan, vào sân, đến trước tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Quảng Hương Già Lam, thay vì tiến lên chánh điện, lạy Phật, lễ tổ và sau đó đến thăm Hoà Thượng Trí Quang như dự tính, song một vị trong phái đoàn nắm tay Thiền sư Nhất Hạnh, hướng dẫn phái đoàn của Ngài rẽ qua phía trái, nhắm hướng Thị Ngạn Am (phòng) của Thượng Tọa Tuệ Sỹ. Là người đi chung với phái đoàn, xin thầy cho biết sự kiện diễn ra vào sáng hôm 24-1-05.

Thích Nhật Từ: Mô tả sự kiện như vậy chỉ đúng một phần đầu và phần còn lại thì thiếu và có thể lạc dẫn, tạo tiền đề cho các nhận định chủ quan và thiên kiến xuất hiện. Đúng 10h20 (chứ không phải 10h30), thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai gồm 50 Tăng, 50 Ni và 90 cư sĩ ngoại quốc đến Quảng Hương Già Lam.

Khi được TT. Nguyên Giác trụ trì Quảng Hương Già Lam thỉnh lên điện Phật, thiền sư Nhất Hạnh đã nói "lên mời thầy Tuệ Sỹ xuống Chánh Điện cùng lạy Phật cho vui." Nói xong, thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai hướng về Thị Ngạn am, nơi TT. Tuệ Sỹ đang nhập thất. Tôi cho rằng câu nói trên rất quan trọng trong bối cảnh tại sao thiền sư Nhất Hạnh không lên Chánh điện trước. Sự kiện thiền sư Nhất Hạnh muốn mời TT. Tuệ Sỹ lên chánh điện lạy Phật, lạy tổ, lạy hương án Hoà thượng Trí Thủ rồi qua thăm viếng HT. Trí Quang là một sự kiện rất quan trọng cho cuộc gặp gỡ giữa HT. Thích Trí Quang, thiền sư Nhất Hạnh và TT. Tuệ Sỹ. Tôi đoan chắc, nếu cuộc gặp gỡ đó được diễn ra, sẽ có nhiều điều thú vị và tích cực. Do đó, sự kiện thiền sư Nhất Hạnh lên mời TT. Tuệ Sỹ như vừa nêu không có gì sai với nguyên tắc thăm viếng theo thứ tự lớn nhỏ, trước sau trong thiền môn, như nhiều người đã phân tích méo mó.

Lúc đó, đại đức Nguyên Vương, thị giả của TT. Tuệ Sỹ đi theo, chấp tay xá (không hề có chuyện đảnh lễ như các thông tin trên internet đã ghi) rồi thưa: "Bạch Hoà thượng, Thượng Toạ của con đang nhập thất.” Thiền sư Nhất Hạnh đã ôn tồn đáp: “Nhập thất thì nhập, thăm thì cứ thăm!” Nói xong, thiền sư thong thả rẽ qua trái, lên cầu thang và đến trước am của TT. Tuệ Sỹ. Tiếng gõ cửa vang lên khe khẻ. Không nghe động tĩnh, TT. Giác Viên cất tiếng: "Bạch thầy, con là Giác Viên. Có Sư ông Nhất Hạnh đến thăm thầy.” TT. Giác Viên thưa lần thứ hai nhưng vì phòng cách âm, bên trong phòng không hề động tĩnh. Tôi đề nghị thầy Pháp Ấn nhờ thầy Nguyên Vương thưa với TT. Tuệ Sỹ về ý định của thiền sư Nhất Hạnh. TT. Giác Viên yêu cầu mượn chìa khoá. Thầy Nguyên Vương thưa: "Chìa khoá Thượng toạ Trú trì giữ."

Lúc đó, thiền sư Nhất Hạnh đến bục nước ở vách tường cuối am rửa mặt. Được năn nỉ vài lần, thầy Nguyên Vương nói với chúng tôi (không hề nói trực tiếp với thiền sư Nhất Hạnh): "căn phòng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ ngăn làm đôi, hoàn toàn cách ly và có hai lớp cửa. Dù có gõ lớn mấy ở đây, Thượng Toạ chúng con cũng không nghe thấy được. Hơn nữa, mỗi khi Thượng Toạ của chúng con nhập thất, Ngài luôn mời Thầy Thượng Toạ Trụ Trì khoá trái cửa, giữ chìa khoá và đến ngày ấn định xuất thất, thì tự tay Thầy Thượng Toạ Trụ Trì lại mở cửa thỉnh Thượng Toạ Tuệ Sỹ ra thất."

Chờ gần 5 phút trong sự im lìm, tôi thưa thiền sư Nhất Hạnh rằng TT. Tuệ Sỹ không cách nào biết được sư ông đang có mặt. Tôi thỉnh thiền sư Nhất Hạnh đi xuống cầu thang. Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đi lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ, lễ hương án HT. Thích Trí Thủ và xuống thăm viếng HT. Thích Trí Quang.

Nguyễn Văn Hoá: Xin thầy cho biết nội dung của cuộc gặp gỡ giữa HT Thích Trí Quang và thiền sư Nhất Hạnh.

Thích Nhật Từ: Vì lý do phòng không đủ chỗ, HT. Thích Trí Quang chỉ tiếp thiền sư Nhất Hạnh và không cho tăng thân Làng Mai vào phòng đảnh lễ. Trong cuộc tiếp xúc đó, có TT. Giác Toàn và TT. Minh Tâm, thị giả của HT. Thích Trí Quang. Tăng thân Làng Mai và những người có mặt đều đứng ngoài cửa phòng chờ đợi trong im lặng và chánh niệm. Cuộc tiếp xúc diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ. Người đứng ngoài phòng, không ai biết được nội dung của cuộc trao đổi đạo tình sau gần 40 năm xa cách. Sợ đại chúng chờ lâu, thiền sư Nhất Hạnh nhờ TT. Giác Toàn xuống thông báo cho tăng thân Làng Mai đi theo chúng tôi đến chùa Dược Sư để chuẩn bị dùng cơm trưa tại đây. Sau cuộc gặp gỡ, thiền sư Nhất Hạnh và TT. Giác Toàn cùng một số vị thị giả và trợ lý của thiền sư Nhất Hạnh cũng đã đến chùa Dược Sư lễ Phật, thăm viếng Ni trường, dùng cơm trưa.

Nguyễn Văn Hoá: Theo Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, sáng thứ ba, 25-01-05, thiền sư Nhất Hạnh dẫn 170 vị tăng thân Làng Mai đến Quảng Hương Già Lam. Đi theo đoàn, còn có 70 vị từ GHPGVN. Khi đến trước cổng, Tăng thân Làng Mai vào thương lượng với Thượng tọa trú trì về nghi thức nhập chùa. Làng Mai yêu cầu cho Sư Ông đi một khoảng đường từ bên ngoài rồi từ từ tiến vào chùa, có hai lọng vàng che Sư Ông, có chư Tăng đi trước mang khay trầm, khay hoa, và khánh. Khi Sư Ông bước qua cổng tam quan, thì trong chùa gióng chiêng trống Bát nhã nghênh đón. Thượng tọa trú trì không đồng ý, lập luận rằng : “Thầy Nhất Hạnh đến đây đảnh lễ Hòa thượng Trí Quang cũng như học trò về thăm thầy. Chùa không thể nghênh đón theo nghi thức ấy. Tăng thân Làng Mai lại bàn thảo với nhau một hồi. Sau đó đề nghị với Thượng tọa trú trì rằng họ đồng ý chùa không gióng chiêng trống bát nhã, họ cũng không vác lọng vàng che bước Sư Ông. Tuy nhiên xin để cho chư Tăng mang khay trầm và khay hoa để rước Sư Ông vào chùa. Lúc ấy có mặt các vị đại diện Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Thành phố và Ðại diện Thành hội Phật giáo nhà nước, Thượng tọa trú trì Quảng Hương Già Lam đáp : "Như thế thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, kể từ nay khi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo đến thăm Già Lam, chúng tôi cũng sẽ nghênh đón như thế." Nghe vậy, các vị chức sắc nhà nước bàn tính với Tăng thân Làng Mai chịu hủy hết nghi lễ, không hoa, trầm, chiêng khánh chi cả. Thế là Sư Ông Nhất Hạnh cùng Tăng thân bước vào chùa tự nhiên như khách thập phương, chẳng cần lọng vàng, hoa đỏ, khói trầm hay chiêng trống. Phái đoàn ra tháp Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ trong vườn chùa để đảnh lễ. Theo chỗ tôi được biết, thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai không chú trọng về nghi lễ. Xin thầy cho biết sự kiện trên có chính xác không?

Thích Nhật Từ: Tôi lấy làm tiếc về thông tin vừa không chính xác, vừa bịa đặt này. Không chính xác là vì phái đoàn Làng Mai hôm đó gần 190 vị. Chỉ có vài ba vị thượng toạ đại diện GHPGVN đi theo. Do vì thay đổi ngày giờ thăm viếng, phần lớn tăng ni và Phật tử Sài Gòn không biết thiền sư Nhất Hạnh có mặt tại Quảng Hương Già Lam vào lúc 10h20 ngày 24-1-05, nên không có mấy người đi theo. Chỉ có tăng chúng Quảng Hương Già Lam đứng dọc theo lang cang của Chính điện và tăng xá dõi mắt quan sát trong im lặng. Thông tin trên bịa đặt là vì không hề có lời thoại diễn ra giữa TT. Nguyên Giác và tăng thân Làng Mai, thảo luận về việc tiếp đón thiền sư Nhất Hạnh tại Quảng Hương Già Lam.

Điều đáng tiếc trước nhất là Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã không nắm được ngày giờ cụ thể nên đã ghi sai ngày thăm viếng, thay vì ngày thăm viếng là ngày 24-1-05 lại ghi sai thành ngày 25-1-05. Ngày 26-1-2005, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã gửi một thông báo ngắn để đính chính vài "điểm sai sót trong Thông cáo báo chí phát hành hôm thứ ba 25.1.2005."

Theo chương trình đã sắp đặt thì thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai sẽ thăm viếng và đảnh lễ HT. Thích Trí Tịnh vào lúc 15h00 và HT. Thích Trí Quang vào lúc 16h30 ngày 23-01-05. Nhưng vì sức khoẻ không cho phép, cuộc thăm viếng đầu tiên của thiền sư Nhất Hành và phái đoàn Làng Mai tại Sài Gòn đành phải dời vào sáng hôm sau. Lý do là, thiền sư đáp cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 10h30. Sự nghinh đón của khoảng 8000 tăng ni và Phật tử tại phi trường đã làm cho thiền sư và phái đoàn về đến chùa Pháp Luân muộn hơn dự định. Đáp lại lòng mong đợi của hàng ngàn tăng ni và Phật tử tại Sài Gòn đang có mặt tại chùa Pháp Vân, thiền sư Nhất Hạnh đã kể sơ lược về cuộc đời hoằng hoá của ngài ở hải ngoại, về trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (nay là chùa Pháp Vân) và pháp môn hành trì tại các chùa thuộc đạo tràng Mai thôn. Lễ cung đón kết thúc vào khoảng 13h00. Thiền sư Nhất Hạnh cảm thấy thân thể không khoẻ, nên đã không dùng cơm trưa, không thể cắt băng khánh thành phòng triển lãm "Vườn Cải Hoa Vàng" của các đại đức hoạ sĩ và thư pháp trong 3 miền, chào mừng thiền sư và phái đoàn Làng Mai. Đại chúng đều lo cho sức khoẻ của thiền sư và mong rằng cuộc thăm viếng vào chiều hôm đó được diễn ra như đã dự định. Nhưng sức khoẻ của thiền sư đã không cho phép.

HT. Minh Cảnh (một trong các vị đệ tử lớn của HT. Trí Tịnh), TT. Phước Trí và chúng tôi hướng dẫn tăng thân Làng Mai đến sám hối với hai vị hoà thượng và xin hẹn lại ngày giờ thăm viếng. HT. Thích Trí Tịnh hẹn 9h00 sáng ngày 24-1-05. HT. Thích Trí Quang hẹn 10h30 cùng ngày. Cuộc thăm viếng hai vị hoà thượng đã được diễn ra đúng ngày giờ đã sắp xếp lần thứ hai.

Điều đáng tiếc tiếp theo là không hề có chuyện thảo luận giữa tăng thân Làng Mai với TT. Nguyên Giác, trụ trì Quảng Hương Già Lam về cách thức tiếp đón thiền sư Nhất Hạnh như trong bản tin của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, trong ngày hôm đó. Thượng toạ Nguyên Giác ra đến đầu hẻm của Quảng Hương Già Lam để đón thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai. Thiền sư và phái đoàn Làng Mai đã đi thong thả trong im lặng cho đến khi vào đến tượng đài Quán Âm, trước thềm thang lên Chánh điện. Không hề có chuyện thảo luận, như bản tin đã thêm thắt quá trắng trợn.

Vấn đề đặt ra là tại sao người ta phải dựng lên các tình tiết hoàn toàn không có thực để lạc dẫn độc giả ở nước ngoài. Khi thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đi bộ vào từ đường Lê Quang Định vào cổng chùa Quảng Hương Già Lam hoàn toàn không có lời đối thoại nào, cho đến lúc TT. Nguyên Giác thỉnh thiền sư Nhất Hạnh lên chánh điện. Ai bịa đặt thêm thắt như vậy chỉ muốn chứng tỏ mình là người mù điếc không cần biết đến hình thái và âm thanh của thế giới đang diễn ra xung quanh mình. Thật là đáng tội nghiệp!

Là người tôn trọng và yêu quý sự thật, chúng ta không nên thêm thắt để cho người đọc hiểu sai tinh thần phá chấp hình tướng và thong dong của thiền sư Nhất Hạnh. Là phó ban tổ chức của các chùa Pháp Vân, chùa Hoằng Pháp và chùa Phật Học Xá Lợi, cũng như thành viên Ban tổ chức của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam v.v… trong khi tiếp đón thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai, chúng tôi chứng kiến và biết được rằng thiền sư Nhất Hạnh là người không thích hình thức tiếp rước long trọng. Tăng thân Làng Mai cũng chưa hề yêu cầu ban tổ chức của các chùa được thiền sư viếng thăm và ban bố pháp thoại, tiếp rước thiền sư và phái đoàn một cách trọng thể. Vì tôn kính một bậc thiền sư, không ai bảo ai, các chùa đã tổ chức tiếp đón thiền sư và phái đoàn Làng Mai một cách trọng thể.

Có lần, sau khi giảng xong pháp thoại ở tịnh xá Trung Tâm vào lúc 13h30 ngày 27-01-05, thiền sư Nhất Hạnh đã lặng lẽ kêu thị giả chở thiền sư về chùa Hoằng Pháp, làm cho TT. Giác Toàn không kịp ra tiễn đưa. Theo chương trình, thiền sư sẽ đến chùa Hoằng Pháp vào lúc 17h30, nhưng thiền sư đã có mặt tại đây vào lúc 14h30, trong sự ngạc nhiên của gần 1000 tăng ni tham dự khoá tu do thiền sư hướng dẫn. Điều đó cho thấy thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai không hề thích lễ nghi long trọng mà tăng ni Sài Gòn do quá tôn kính nên đã tiếp đón trọng thể. Xin những người phịa đặt hãy nhớ một điều: “cái gì chân thật thì bất hư" dù có bị xuyên tạc và bóp méo.

Nguyễn Văn Hoá: Là một trong những người dẫn đại diện Làng Mai đến Thanh Minh Thiền Viện xin hẹn gặp HT. Thích Quảng Độ, xin thầy cho biết diễn tiến câu chuyện đã xẩy ra?

Thích Nhật Từ: Sau khi hướng dẫn đại diện tăng thân Làng Mai đến sám hối quý Hoà thượng Thích Trí Tịnh và Hoà thượng Thích Trí Quang về việc thiền sư Nhất Hạnh vì lý do sức khoẻ không thể đến thăm viếng như chương trình đã định, và xin lại cuộc hẹn vào ngày hôm sau, chúng tôi đã đến Thanh Minh Thiền viện vào khoảng 17h00 ngày chủ nhật 23-1-05, để xin gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, để lấy hẹn cho thiền sư Nhất Hạnh đến thăm viếng và tăng thân Làng Mai đến đảnh lễ.

Phái đoàn Làng Mai gồm có các thầy Chân Pháp Ấn, Chân Pháp Sơn, Chân Pháp Dung, sa-di Pháp Điền và các sư cô Chân Đức, Trung Chính, Chân Không, Diệu Nghiêm và Tú Nghiêm. TT. Phước Trí, trưởng ban tổ chức và chúng tôi với tư cách là phó ban tổ chức lễ tiếp đón của chùa Pháp Vân, đã thỉnh HT. Minh Cảnh (một trong các đại đệ tử của HT. Thích Trí Tịnh) hướng dẫn đại diện tăng thân Làng Mai đến chùa Vạn Đức sám hối với HT. Thích Trí Tịnh và xin hẹn lại giờ thăm viếng khác. HT. Minh Cảnh, TT. Phước Trí và chúng tôi đi theo đoàn không với tư cách của Giáo hội hay của Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Sau khi gặp hai hoà thượng Thích Trí Tịnh và hoà thượng Thích Trí Quang, chúng tôi đã đến Thanh Minh Thiền Viện. Chúng tôi đã hướng dẫn đại diện tăng thân Làng Mai đắp y trang nghiêm xin gặp hoà thượng Thích Quảng Độ để xin cuộc hẹn cho thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai được đến thăm viếng chính thức vào lúc 15h30 ngày thứ ba, 25-1-05. Hoà thượng Trụ trì đang tụng kinh trên chánh điện. Sư cô tri khách của chùa khuyên chúng tôi không nên gặp hoà thượng Thích Quảng Độ vì sợ chúng tôi bị công an làm khó dễ. Sư cô nói: "Các vị hãy đi về đi. Công an đang đứng ở bên kia đường. Họ sẽ làm khó các vị." Tôi trình bày: "Không sao đâu sư cô. Chúng tôi không sợ gì cả. Sư cô vui lòng thưa với Hoà thượng cho phép đại diện tăng thân Làng Mai đảnh lễ Hoà thượng để xin cuộc hẹn cho thiền sư Nhất Hạnh thăm viếng.” Sư cô tri khách đã gọi điện thoại loa (speaker phone) trình với Hoà thượng rằng "TT. Phước Trí, trụ trì chùa Pháp Vân và đại diện Làng Mai muốn thăm Hoà thượng." Chúng tôi nghe giọng của Hoà thượng Thích Quảng Độ vọng qua máy nói: “Công an đứng ở bên kia đường. Công an sẽ bắt quý vị đấy.” Nói xong, Hoà thượng tắt máy.

Chúng tôi đã yêu cầu sư cô Chân Không thưa thỉnh. Sư cô Chân Không nhờ sư cô tri khách của chùa nối kết máy xong, liền thưa: "Bạch Hòa thượng con là Chân Không đây. Chúng con đến xin đảnh lễ Hòa thượng và xin Hòa thượng cho một cái hẹn cho Thầy con đến thăm.” (Thầy đây là thiền sư Nhất Hạnh). Chúng tôi cũng đã nhận được câu trả lời tương tự.

Sư cô Chân Không xin nối kết máy lại và thưa tiếp: "Bạch Hoà thượng, chúng con được phép nhà nước đến viếng thăm Hoà thượng. Xin Hoà thượng đừng lo. Bạch Hoà thượng cho phép tăng thân Làng Mai lên đảnh lễ Hoà thượng, để xin phép Hoà thượng cho Thầy con đến thăm.” Hoà thượng đã không nói thêm câu gì nữa. Hoà thượng lại cúp máy.

Chúng tôi năn nỉ sư cô tri khách cho phép chúng tôi lên gặp. Sư cô bảo: "Hoà thượng đã không muốn tiếp thì quý vị lên cũng vô ích thôi. Hoà thượng sẽ không ra khỏi phòng, làm sao quý vị gặp được!"

Lúc đó, thầy Pháp Ấn đã gọi điện thoại nhờ TT. Đức Thắng xin phép Hoà thượng Quảng Độ cho tăng thân Làng Mai được đảnh lễ và xin cuộc hẹn. TT. Đức Thắng khuyên nên thỉnh ý Hoà thượng trực tiếp, chứ không cần qua trung gian. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đến. Gần một giờ trôi qua, chúng tôi đành ra về trong ý thức rõ rang rằng nhân duyên chưa hội đủ để cuộc gặp gỡ giữa HT. Thích Quảng Độ và thiền sư Nhất Hạnh được diễn ra.

Sư cô tri khách cho biết mỗi ngày thị giả chỉ gặp Hoà thượng một lần. Đó là dịp mang cơm vào phòng Hoà thượng. Nghe vậy, thầy Pháp Ấn đã để lại số điện thoại cho sư cô tri khách và mong sư cô thưa lại tấm lòng tha thiết của tăng thân Làng Mai để cuộc gặp gỡ và thăm viếng được diễn ra theo dự định. Sau giờ cơm ngọ hôm sau, niềm hy vọng của chúng tôi tắt lịm dần. Cuộc gặp gỡ và thăm viếng đã không thành tựu . . .

Nguyễn Văn Hoá: Theo thầy, mục đích chính của chuyến viếng thăm của thiền sư Nhất Hạnh là gì?

Thích Nhật Từ: Mục đích và giá trị của chuyến viếng thăm rất đa dạng, không thể phân tích sơ sài mà thấy hết được.

Theo tôi, mục đích chính của chuyến viếng thăm Việt Nam của thiền sư Nhất Hạnh là nhằm giới thiệu và truyền bá con đường chuyển hoá tâm linh trên cơ sở pháp môn "quán niệm hơi thởi" (an ban thủ ý) và "bốn đối tượng quán niệm” (tứ niệm xứ) cho tăng ni và Phật tử Việt Nam, như một cách thức mời gọi giới trẻ và giới trí thức Phật giáo hành trì lời Phật dạy để vực dậy niềm tin chánh pháp cho con người Việt Nam và đất nước Việt Nam.

Kế đến, thiền sư Nhất Hạnh, thông qua phong cách hoằng hoá của ngài, giới thiệu và khích lệ các nhà lãnh đạo Phật giáo cần phải mạnh dạn làm mới cách thức truyền bá Phật giáo cho người Việt Nam, bằng ngôn ngữ của thời đại và các ngành học hiện đại, đặc biệt là tâm lý học trị liệu và xã hội học tôn giáo. Hai cách thức tiếp cận này sẽ giúp cho các giới có thể hiểu rõ được phần "phi tôn giáo và tín ngưỡng" của đạo Phật mà người Việt Nam ít có cơ hội biết đến. Đó là góc độ “tâm học” hay “đạo học.”

Sau cùng, nếu tăng thượng duyên có mặt, thiền sư Nhất Hạnh sẽ kêu gọi thiết lập "tình huynh đệ" trong các giáo hội và giáo phái Phật giáo, ngồi lại với nhau, trong sự cảm thông, chia xẻ và hợp tác, để chân lý của đạo Phật có thể toả sức sống đến với đất nước và con người Việt Nam.

Giá trị của chuyến đi, trên cơ sở này, sẽ là giá trị văn hoá và tâm linh, chứ không thuộc về các giá trị chính trị thế tục. Điều mà thiền sư Nhất Hạnh đã mấy chục năm mong đợi là làm thế nào để con người Việt Nam biết nương vào đạo Phật để duy trì và phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho số đông. Chính giá trị văn hoá tâm linh của đạo Phật đã từng làm cho hai triều đại Lý Trần rạng ngời trong trang sử Việt. Hy vọng các giá trị tâm linh này, sau khi được thiền sư Nhất Hạnh đánh thức và gieo trồng, sẽ nở hoa kết trái hạnh phúc và thái bình cho người Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.

Nguyễn Văn Hóa: Thay mặt nhóm chủ trương web Giao Điểm và toàn thể độc giả, xin cảm tạ thầy đã làm sáng tỏ thêm sự thật các diễn tiến trong chuyến viếng thăm VN của Thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn tăng thân Làng Mai. Với những câu trả lời chính thức của một tu sĩ có trách nhiệm trong việc tổ chức và đón tiếp phái đoàn, thầy đã soi sáng cho những đầu óc sân hận của một thiểu số ma-vương--ngoại-đạo ở nước ngoài đã cố tình xuyên tạc để gây chia rẽ tinh thần nhất thống bền vững của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.


 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/thiensuNhatHanhveVN.htm

 


Vào mạng: 7-2-2005

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang