Giao Điểm:
Qua các tác phẩm đã xuất bản như Hai Ngàn Năm Việt Nam Và Phật Giáo,
Phật Giáo Và Quốc Đạo Việt Nam, Bồ Tát Hùynh Phú Sổ Và Phật
Giáo Thời Đại…, anh đã có những nhận xét độc đáo về văn hóa,
chính trị và lịch sử Việt Nam, nên truớc hết xin anh cho biết nhận xét
của anh về nhân vật Thích Nhất Hạnh?
Lý Khôi Việt (LKV): Thầy
Nhất Hạnh là một nhân vật văn hóa lớn của thế giới hiện đại. Từ
gần 40 năm truớc, một vĩ nhân của Hoa Kỳ là Mục sư Martin Luther King,
người được giải thửơng Nobel Hòa bình, đã đề cử thầy Nhất Hạnh
là ứng cử viên cho giải thưởng cao quý này. Thầy là người Việt Nam đầu
tiên nhận được vinh dự lớn lao này. Tuy không sống tại Hoa Kỳ, nhưng
thầy Nhất Hạnh đã có một ảnh huởng sâu đậm trên đời sống tâm
linh, văn hóa, xã hội của Mỹ quốc. Thầy đã từng thuyết giảng trứơc
những nhân vật lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có đương kim Tổng thống
Clinton trong năm 2000, đã từng huớng dẫn các khóa tu học cho các thuợng
nghị sĩ, dân biểu và những người trong giới ưu tú của xã hội Mỹ thuộc
nhiều lãnh vực khác nhau. Các tác phẩm của Thầy đựơc coi là những
sách bán chạy nhất trong lãnh vực tâm linh, tôn giáo và đã góp phần lớn
lao vào việc đưa đạo Phật trở thành một suối nguồn văn hóa, tâm linh
được hâm mộ nhất của giới trí thức. Nước Mỹ là nơi mở rộng nhất
cho sự du nhập và phát huy của tinh hoa trên thế giới cũng như của mọi
sản phẩm tinh thần và vật chất của nhân loại, nhiều như cát sông Hằng.
Nên chiếm được một chỗ đứng trội bật và vững chải, có ảnh huởng
sâu đậm và bền chắc như thầy Nhất Hạnh đang có tại Hoa Kỳ là một
điều hiếm hoi, mà ít có một nguời ngoại quốc nào có thế có được.
Riêng đối với dân tộc Việt Nam,
gần ba triệu ngừơi Việt trên thế giới là phần tinh hoa, và là một
tài sản vô giá bất khả phân ly của quốc dân Việt Nam; rất nhiều nguời
của khối "Việt Năm Châu” đã thành công xuất sắc trên nhiều lãnh
vực, và đã làm cho nhiều người bản xứ phải thán phục. Tuy nhiên
không có một người Việt Nam nào đã có những thành công và có ảnh hưởng
lớn lao trên thế giới Tây Phương như thầy Nhất Hạnh: hơn 50.000 nguời
ngọai quốc đã từ bỏ tôn giáo của họ để quy y với Thầy, hàng triệu
nguời Tây Phương đang tu tập theo pháp môn của Thầy và nhiều tăng đoàn
và tăng thân ngọai quốc đã được thành lập tại nhiều nước trên thế
giới. Thầy đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam và đồng thời, vì nền
văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, đã sinh ra một đứa con tài hoa,
xuất chúng như thiền sư Nhất Hạnh, nên người Việt chúng ta có quyền
tin tưởng vào nền văn hóa này và con đường tâm linh này. Nếu thầy Nhất
Hạnh trở về Việt Nam sau ngày 30/4/75, thì chắc chắn thầy đã không có
cơ hội cống hiến cho thế giới và cho người Việt Nam chúng ta những hoa
trái ngọt ngào của cuộc chuyến pháp luân tại Tây Phương trong 40 năm
lưu vong vừa qua. Những cay đắng, đau thương của 40 năm lưu đày đang
đơm bông kết trái, và thầy, cũng như tất cả chúng ta, đang muốn đem những
hoa trái tốt đẹp nhất về dâng quê hương và trao tặng cho đồng bào
trong nước. Hãy nhìn đại sư Nhất Hạnh đúng như con người mà ông đã
là và đã sống: một nhà văn hóa lớn, một vị thầy tâm linh được yêu
mến và kính trọng, một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín nhất,
không phải của riêng Việt Nam, và của Âu Mỹ, mà còn của thế giới hiện
đại.
Giao Điểm: Vậy theo anh, chuyến
trở về thăm đất nước của Thiền sư Nhất Hạnh lần nầy sẽ đóng
góp được những gì cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong
giai đoạn hiện nay?
LKV: Việt Nam hôm nay đang đi vào
giai đoạn lập quốc mới như Việt Nam sau thời kì Bắc thuộc. Sau những
cuộc cách mạng giải phóng bây giờ là lúc bắt đầu cuộc cách mạng
phát triển. Sau ba thập niên thất bại, mất phương hướng mọi người Việt
Nam ngày nay đều thấy rõ là phải hiện đại hóa đất nước trên nền tảng
văn hóa dân tộc, và quốc đạo truyền thống. Phật giáo là một phần
quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất của văn hóa dân tộc và quốc
đạo Việt Nam. Nhưng chính bản thân Phật giáo cũng cần được hiện đại
hóa, và thầy Nhất Hạnh từ năm mươi năm trước đã là người tiền
phong của công cuộc hiện đại hóa Phật giáo. Không những bằng sách vở
mà bằng các khóa tu, thầy Nhất Hạnh đã giới thiệu cho người Tây phương
một pháp môn tu tập của đạo Phật phù hợp với thời đại. Chính những
nhà lãnh đạo Trung quốc trong nổ lực hiện đại hóa đất nước trên nền
tảng của nền văn hóa đặc thù Trung quốc đã thấy rõ vai trò quan trọng
của Phật giáo, đã thấy rõ nhu cầu phải hiện đại hóa Phật giáo, nên
mấy năm trước đã mời phái đoàn tăng thân Làng Mai hơn 100 vị đã đến
hướng dẫn tu tập cho tăng ni Trung Hoa và đã gởi nhiều tăng ni Trung Hoa
đến tu tập tại Làng Mai. Những gì đã xảy ra ở Trung quốc đề có ảnh
hưởng đến Việt Nam và chính quyền trong nước cũng đã thấy rõ nhu cầu
phục hưng và hiện đại hóa Phật giáo nên đã mời thầy Nhất Hạnh trở
về Việt Nam hoằng pháp. Việt Nam đang chạy đua để phát triển kinh tế
nhưng nó sẽ không thể nào phát triển bền vững và không có tương lai nào
nếu tình trạng xã hội nhiễu nhương, luân lý đạo đức suy đồi, quốc
nạn tham nhũng hòanh hành, con người sống không có gốc rễ , không lý tưởng,
chạy theo chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ. Cốt tủy của đạo Phật
là sự bao dung, là giáo lý hướng con người sống một đời sống thiện
lành, an lạc và hữu ích. Những thời đại vinh quang của đất nước như
thời Lý Trần đều xuất phát từ sự bao dung văn hóa và chủ đạo Phật
giáo. Và trên nền tảng của luân lý đạo đức Phật giáo.
Tự thân việc thầy Nhất Hạnh
thong dong trở về trên quê hương đã là một tín hiệu văn hóa có ý nghĩa,
nếu không nói đó đã là sự vượt thắng của văn hóa Việt Nam và văn hóa
Phật giáo đối với các nguồn văn hóa phi-Việt-Nam, phi-Phật-giáo. Như Đức
Phật chỉ ngồi yên và mĩm cười an lạc là đủ để đem lại hạnh phúc
cho nhiều triệu người, và hòa bình cho nhiều xứ sở trong suốt hơn 25 thế
kỷ vừa qua.
Lịch trình của phái đoàn Làng Mai
tại Việt Nam chú trọng đến những khóa tu nhiều ngày cho tăng ni, cũng
như cư sĩ Phật tử tại gia. Đây là một bước khởi đầu đầy khích lệ
cho thấy đây là một chuyến đi mang tính tâm linh và văn hóa để đổi mới
đạo Phật, đổi mới tinh hoa và cốt tủy của văn hóa truyền thống Việt
Nam, để cho nó thêm sức sống, thích hợp với thời đại. Tôi tin đạo
Phật Việt có đủ khả năng để đóng góp tích cực cho việc xây dựng
phát triển văn hóa đặc thù Việt Nam, như nó đã đóng góp trong suốt
2.000 năm qua.
Giao Điểm: Anh nghĩ gì về
ảnh hưởng chính trị của chuyến đi này?
LKV: Trung Quốc đã đi trước Việt
Nam khỏang 20 năm trên nhiều mặt và đã chào đón nồng nhiệt thầy Nhất
Hạnh. Việt Nam cũng đang nồng nhiệt chào đón thầy Nhất Hạnh, đó là một
tín hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ Việt Nam đang đổi mới tư duy, đang mở
cửa và đang đến gần với thế giới văn minh, tiến bộ. Khoảng 15 năm
nay, gần một triệu người Việt ở hải ngoại đã trở về và dường
như không một ai dám đưa ra một điều kiện nào. Thầy Nhất Hạnh có lẽ
là người Việt Nam duy nhất đã dám đặt ra một số điều kiện để trở
về và có lẽ thầy là người duy nhất đã đạt được một số nhượng
bộ đáng kể từ chính quyền. Có thể nói thầy đã mở một con đường
mới, con đường trung đạo, hợp tình hợp lý, tuy thuần túy tôn giáo, nhưng
ảnh hưởng chính trị sẽ không nhỏ. Khi tâm con người được chuyển hóa
thì cả quốc gia, cả thế giới sẽ được chuyển hóa. Liên Bang Sô Viết
tan rã, nước Nga ngày nay đang trở về với truyền thống văn hóa, tôn
giáo của họ. Trung Quốc cũng vậy. Việt Nam cũng bắt buộc sẽ như vậy
nếu chúng ta không muốn bị xóa tên trên bản đồ văn hóa, và cả chính
trị của thế giới. Trở về với văn hóa truyền thống của cha ông, ta sẽ
thấy bên trong cốt lõi là những chất liệu của đạo Phật và của văn
hóa Phật giáo. Và chúng ta thật may mắn, vì Phật giáo là tôn giáo duy nhất
trên thế giới ngày nay phù hợp với khoa học và với thời đại. Trở về
với truyền thống, ta gặp văn hóa Phật giáo, tiến đến tương lai, ta
cũng gặp Phật giáo. Chất liệu của quốc đạo mới của Việt Nam là gì
nếu không phải là Phật giáo, một nền Phật giáo được hiện đại hóa?
Một phút khi bồ tát Quảng Đức ngồi xuống và một phút sau khi lửa từ
bi đại lực đại hùng bùng cháy thì tình hình đã khác. Chính trị Việt
Nam trong giây phút thầy Nhất Hạnh đặt chân đến Việt Nam sau gần 40
năm lưu vong đã khác tình hình đất nước ở giây phút trước đó. Trên
thế giới thầy Nhất Hạnh nổi tiếng đến mức thầy được coi như là
biểu tượng của Phật giáo, như Đức Đại Lai Lạt Ma. Nếu ngài Đạt
lai Lạt Ma đến thăm và giảng dạy cho tăng ni, Phật tử Việt Nam thì đó
là một vinh dự lớn, một phước đức lớn cho dân tộc Việt Nam. Không
những là một niềm vui và hạnh phúc lớn của Phật tử VN, sự hiện diện
của Thầy Nhất Hạnh là một nguồn khích lệ, cổ võ lớn cho sự đổi mới
toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn của đất nước Việt Nam. Có lẽ đó là
bài thuyết pháp không lời của thầy, nhưng tôi biết rõ những người lãnh
đạo Việt Nam hôm nay và những người lãnh đạo tương lai đang nghe rất
rõ bài thuyết pháp im lặng này.
Giao Điếm: Trong chuyến đi này
anh nghĩ thầy Nhất Hạnh đang muốn nói gì với đồng bào Việt Nam ở
trong nước?
LKV: Thầy Nhất Hạnh muốn nói
rằng đồng bào ơi, các bạn ơi, các con, các cháu ơi, chúng ta có một gia
tài thật quý giá, một di sản rất giàu có, đó là đạo Phật. Tôi đã
đi khắp mười phương thế giới, tôi đã đến những nước văn minh phát
triển cao nhất, đã thấy rất rõ rằng đạo Phật của chúng ta là một
suối nguồn văn hóa đáp ứng đựơc nhu cầu tâm linh của con người trong
xã hội hiện đại, đạo Phật có dư khả năng để đem lại an vui hạnh
phúc cho mọi người và thương yêu hòa bình cho thế giới . Chúng ta hãy
thôi làm người cùng tử, làm đứa con nghèo khổ thiếu thốn, hãy trở về
học hỏi, tu tập đạo Phật, đó là điều cần thiết nhất của chúng ta
trong giai đoạn hiện nay. Đó chính là phép lạ có thật, là thần thông
có thật, là phương thuốc mầu nhiệm để chửa lành nhưng căn bệnh nan y
của dân tộc chúng ta. Suốt hai ngàn năm qua quê hương đã chất đầy châu
báu, sinh sản ra từ truyền thông tâm linh của đạo Phật, đã có những
thời đại vinh quang khi đạo Phật trở thành nguồn văn hóa chủ đạo của
đất nước thân yêu. Ngoài ra sự trở về của thầy Nhất Hạnh chính là
thông điệp của sự khoan dung, hòa giải trên nền tảng vượt thắng và
dung hóa của văn hóa Việt Nam. Có những thay đổi đến nhanh như ánh chớp
và cũng có những thay đổi đến thầm lặng như bước chân của những
con bồ câu. Những bông sen tỉnh thức đang nở ra trong tâm của những người
có dịp tiếp xúc với những lời giảng dạy của thầy Nhất Hạnh, những
thay đổi sâu sắc đang nở ra trên con đường hoằng pháp của tăng thân
Làng Mai. Những Phật tử ở chợ Đông Ba Huế đã xúc động khi nhìn thấy
những tăng ni người Tây phương, đệ tử của thầy Nhất Hạnh, sắc mặt
khôi ngô tuấn tú, mặc áo nâu sòng, đầu đội nón lá đi thiền hành
thong dong giữa đường phố, có người nói được thấy cảnh nầy chết
cũng sướng. Mọi người phật tử Việt Nam đang sống lại tự tin hơn, an
lạc hơn nhờ chuyến trở về lịch sừ này. Nó phả hủy tinh thần vọng
ngoại, tinh thần nô lệ, tôn thờ những sản phảm văn hóa, tôn giáo, những
ý hệ Tây phuơng. Nó xây đắp tinh thần tự đo, độc lập, tinh thần tự
lực, tự cường. Nó khai mở niềm tự tin dân tộc, khai mở nội lực dân
tộc và tinh thần đoàn kết dân tộc trên nền tảng của quốc đạo truyền
thống.
Giao Điểm: Anh nghĩ gì về
những ý kiến chống đối sự trở về trong thời điểm này của thầy Nhất
Hạnh?
LKV: Trước khi có chuyến đi này,
rất nhiều nhân vật Phật giáo có tên tuổi đã liên tiếp bị xuyên tạc,
chụp mũ, bôi nhọ suốt 30 năm qua, kể cả những người đã hy sinh thân mạng
cho lý tưởng tự do dân chủ như thầy Thiện Minh, nên không có gì lạ khi
thầy Nhất Hạnh bị đánh phá. Những lời vu cáo, buộc tội này, đối với
một nhân vật văn hóa có tầm cở thế giới như thầy Nhất Hạnh thật
ra chỉ là những viên sỏi bắn vào vách đá núi, những đống bùn ném
vào biển cả. Một số người vì không có đủ thông tin nên đã cáo buộc
sai lầm rằng thầy không tiếp xúc với quý thầy Huyền Quang, Quảng Độ.
Trong lịch trình chính thức (có thể xem trên trang nhà daophatngaynay.com)
thấy có một buổi gặp gỡ thầy Quảng Độ và thầy dành cả một chương
trình riêng ở Bình Định, một tỉnh nhỏ ít tăng ni, Phật tử hơn những
thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, nhưng thầy vẫn đến đó
nhiều ngày vì lý do giản dị là thầy Huyền Quang đang ở đó. Chắc hẳn
hai vị cao tăng đáng kính của Phật giáo sẽ có dịp trò chuyện nhiều lần
và biết đâu sẽ có một giải pháp hợp tình hợp lý cho sự hòa giải
trong nội bộ Phật giáo.
Chuyến đi này kéo dài ba tháng và
hiện nay chỉ mới bắt đầu hai tuần, hy vọng chúng ta sẽ có dịp trao đổi
thêm trong tương lai gần. Cám ơn Giao Điểm đã cho tôi cơ hội phát biểu
một số ý kiến về sự kiện văn hóa và tôn giáo nổi bật này. Tôi có
cảm tưởng là lịch sử, sau bao năm thụt lùi và đứng yên, đang cất bước
đi tới, với một nguồn hứng khởi mới. Tôi biết hàng vạn tăng, ni, Phật
tử VN trên quê hương yêu quý đang dâng trào một niềm vui lớn khi nghe tin
thầy Nhất Hạnh trở về. Tiếng hải triều âm hiểu và thương đang cất
cao lên trên quê nhà, đang vang xa trong lòng người. Tôi đang nghe rất rõ tiếng
gọi hào hùng của tổ tiên và tiếng cười an vui của những thế hệ
tương lai, khi thế hệ chúng ta đang trên đuờng trở về phục hưng, phát
triền và hiện đại hóa Phật giáo, nền tảng bất khả phân ly của văn
hóa và quốc đạo Việt Nam.
Giao Điểm: Thay mặt độc giả
GĐ, chúng tôi cảm ơn tiến sĩ Lý Khôi Việt đã dành thì giờ quý báu để
trả lời cuộc phỏng vấn nầy.