Thiền
sư Hương Hải (1628 - 1714) không chỉ là một trong những người đi đầu trong
công cuộc phục hưng thiền phái Trúc Lâm, mà còn là người thiết kế và mở
mang cho trang nghiêm, đồ sộ ngôi chùa Nguyệt Đường (ngày nay thuộc khuôn
viên Văn miếu Xích Đằng, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
1 - Hương Hải thiền sư: Tiểu sử và sự nghiệp
Hương
Hải thiền sư thuộc dòng dõi thế phiệt, sinh ra và lớn lên ở làng Bình An
Thượng, phủ Thăng Bình, còn tổ tiên ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (sau
đổi thành Chân Lộc, rồi Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ngay từ nhỏ, ông đã là
người rất thông minh, 18 tuổi đỗ Hương tiến (cử nhân), được bổ làm văn
chức trong phủ chúa, đời chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648). 25
tuổi (1652), ông được bổ làm Tri phủ phủ Triệu Phong (nay là Quảng Trị).
Từ đây, Hương Hải càng hâm mộ Phật pháp hơn, nên tìm và học đạo với thiền
sư Viên Cảnh ở Lục Hồ, được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự
là Minh Châu Hương Hải. Về sau, Ngài tìm đến thiền sư Đại Thâm Viên Khoan
để tham học.
Làm quan được 3
năm, ông từ quan xuất gia. Hương Hải đã cùng một số đồ đệ dùng thuyền ra
biển Nam Hải, trụ trên núi Tim Bát La, cất am (ba gian) tu hành. 8 tháng
sau, ông lại chuyển sang cù lao Đại Lãnh, thuộc vùng biển Ngọc Long tu
hành. Ở đây, sư đã đã chuyên tu thiền định, giới luật tinh thông, nhân dân
cùng quan trưởng xa gần đều quý kính, tiếng tăm vang dội. Tiếng lành đồn
xa, chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) đã cho sứ ra đảo thỉnh sư về
dinh phủ ở Phú Xuân. Chúa Hiền lập Thiền Tịnh viện ở núi Quy Kính, cho sư
Hương Hải trụ trì. Được một thời gian, số người đến quy y cửa Phật rất
đông, và Thiền Tịnh viện trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở
Đàng Trong, nhưng chỉ vì có sự hiểu lầm, chúa Nguyễn đã chuyển sư về Quảng
Nam.
Trước tình hình
như vậy, Hương Hải thiền sư quyết định ra hoằng dương Phật pháp tại xứ
Đàng Ngoài. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682), sư cùng với 50 đệ tử dùng thuyền
vượt biển ra Đàng Ngoài. Ra đến Nghệ An, Trịnh Tạc (1657 - 1682), cũng là
người rất hâm mộ Ngài, nên cho người đem thuyền rước sư cùng đệ tử ra Đông
Đô (Thăng Long). Về kinh, biết ông là người uyên thâm Phật pháp, đã phong
sư làm Vụ sứ, thưởng 300 quan tiền, mỗi năm cấp 24 bồ thóc, 36 quan tiền
và 1 xấp vải trắng. Tháng 8 năm 1685, chúa Trịnh sai người đưa sư lên trấn
Sơn Tây, được 8 tháng sau (1686), Trịnh Căn (1682 - 1709) lại đưa sư về
ngự ở trấn Sơn Nam, và ra lệnh cho Trấn thủ Sơn Nam là Lê Đình Kiên cất am
và cấp cho sư 3 mẫu công thổ để tu hành. Tại đây, Hương Hải thiền sư đã
nghiêm trị giới luật, tu hành tịnh tiến, ngoài ra còn dịch giải kinh ra
chữ Nôm...
Năm Canh Thìn
(1700), thiền sư Hương Hải rời chùa trấn thủ Sơn Nam về mở đạo tràng ở
chùa Nguyệt Đường (tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng
Yên), có hơn 70 đệ tử theo học, tất cả đều tinh thông kinh luật. Ngài đã
cho trùng tu chùa Nguyệt Đường rộng lớn và trang nghiêm hơn. Và cũng chính
tại đây, thiền sư Hương Hải đã giáo hóa chúng sinh, phát triển đạo pháp và
làm phục hưng thiền phái Trúc Lâm.
Tháng 6 năm
Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh Thứ 10 (1714), chúa Trịnh Cương (1709 -
1729) nhân dịp đi kinh lý qua, có ghé thăm chùa Nguyệt Đường, đã cúng 100
quan tiền và ngự đề bài thơ:
Danh lam
từng trải đã hay danh
Trình độ
này âu hợp chốn trình
Pháp
giới chăm chăm tuyên diệu pháp
Kinh lâu
rờ rờ diễn chân kinh
Công
nhiều nhà có công vô lượng
Thế
thuận vây lên thế hữu tình
Ngán tục
chẳng hề mùi tục lụy
Lòng
thiền tu cẩn chốn thiền quynh.
Đến sáng
ngày 13 tháng 5 năm Ất Mùi (1715), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, đời Lê Dụ
Tông (1705 - 1719), sau khi tắm rửa, thiền sư Hương Hải khoác y, đội mũ,
đeo tràng hạt, ngồi kiết già an nhiên mà tịch, thọ 88 tuổi. Thiền sư
Phương trượng đã xây ngôi tháp ba tầng để thờ ông (dấu tích vẫn còn đến
ngày nay).
Hương
Hải thiền sư để lại nhiều tác phẩm có giá trị, như: Giải Pháp Hoa kinh
(1 quyển), giải Kim Cang kinh lý nghĩa (2 đạo), giải Sa di giới
luật, giải Phật tổ tam kinh (3 quyển), giải Di Đà kinh
(1 quyển), giải Vô Lượng thọ kinh (1 quyển), soạn Quán vô lượng
thọ kinh quốc ngữ, soạn Cúng Phật tam khoa cát, soạn Cúng
Cửu phẩm nhất khoa...
Như vậy, trong
lúc thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726) đang chủ trì đạo tràng ở Long Động
và Quỳnh Lâm thì tại lưu vực sông Xích Đằng (tỉnh Hưng Yên), thiền sư
Hương Hải (1628 - 1715) cũng đang chủ trì một đạo tràng lớn, đó là đạo
tràng của chùa Nguyệt Đường. Chính thiền sư Chân Nguyên và thiền sư Hương
Hải là “hai người đi đầu trong công cuộc phục hưng phái thiền Trúc Lâm”.
2 - Chùa Nguyệt Đường
Nguyệt
Đường đã từng là một ngôi chùa lớn, có quy mô bề thế và trang nghiêm, từng
là một danh lam nổi tiếng của trấn Sơn Nam xưa. Theo những tư liệu liên
quan, nhất là cuốn Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, thì chùa
Nguyệt Đường được mô tả như sau:
Khoảng
cuối năm Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), sư Hương Hải sang ở
chùa Nguyệt Đường. Tại đây, sư đã gặp bà Thị nội cung tần Nguyễn Thị Ngọc
Hân (người đã từng đến thỉnh cầu tại chùa này) và bàn về việc trùng tu, mở
mang cho chùa. Đức Bà nội cung đã thưa với chúa, cúng 3 dật bạc (60 lạng),
lại khuyên quan Trấn thủ, tước Quận công (tức Trấn thủ Sơn Nam Lê Đình
Kiên), hỷ cúng mười quan tiền. Từ đó, sư trụ trì chùa Nguyệt Đường là
Hương Hải thiền sư đã ngày đêm nhóm họp, thiền đồ xa gần tựu về. Hàng pháp
tử xuất gia thọ giáo, trường trai tu hành, tinh thông kinh luật thuộc hàng
chữ “Chân” khoảng bảy mươi người, hàng cư sĩ thuộc chữ “Chân” thì rất
nhiều, còn hàng cư sĩ thuộc chữ “Như” số không kể hết. Và cũng từ đây, sư
xây dựng lại thượng điện, gồm ba gian hai chái rất khang trang. Bên trong
có chín pho tượng Tam Thế Phật toàn bằng vàng, mười hai tượng Tứ thánh,
bốn tòa Tứ đại Thiên vương, mỗi tòa ba tượng bằng gỗ phết sơn, hai tượng
Thiên Chủ bằng gỗ. Sư lại cất hai ngôi tiền đường, mỗi ngôi năm gian; bên
trái có tượng Địa Tạng bằng gỗ, bên phải có tượng Di Lặc bằng đồng, lại có
một tượng Tề Thiên Đại Thánh bằng gỗ; hai bên trái và phía phải bên ngoài
có hai tượng Hộ pháp bằng gỗ. Lại cất hai ngôi Hậu đường, mỗi ngôi năm
gian, bên trong có tượng Mười tám vị La Hán bằng gỗ phết sơn, giữa có
tượng Phật Mẫu Chuẩn đề ba mắt, mười tám tay bằng gỗ, hai tượng Thánh Tăng
và Thổ Địa, sáu tượng Lục Phủ Thần Vương bằng gỗ phết sơn năm màu; hai dãy
nhà hai bên bằng ngói xếp chồng đồ sộ, mỗi bên chín gian. Phía trước dãy
bên trái có hai ngôi Nghi đàn Dược sư, bên trong giữa nóc nhà có cửa thông
gió (Thiên tỉnh), ngoài chạy bát vận, trên treo ba ngàn vị hóa Phật hình
dáng người Ấn, giữa có tượng bảy Đức Phật bằng đồng, hai hàng mười vị Đại
Bồ tát, mười hai vị Dược Xoa, mỗi tượng đều bằng đồng thân tướng đoan
nghiêm.
Phía
trước bên phải có ba đài Cửu Phẩm Liên Hoa, tầng trên chồng mái, dưới giáp
vòng bát vận, giữa nổi bật lên chín phẩm hoa sen chia ra làm chín tầng,
mỗi tầng tám mặt, mỗi mặt ba tượng. Phía trên có lọng báu rủ xuống, duới
đất nổi lên sen vàng, hai bên là tranh vẽ cảnh Tây phương với rất nhiều
Thánh tượng, bốn góc có vị thần vương Đại Hộ pháp, thân cao tám thước (khoảng
2,6m) rất uy nguy, trang nghiêm. Phía sau có tượng Địa Tạng bằng đồng. Lại
có ba tượng Tam Tổ bằng gỗ quý, một tượng Thiên Chủ ba cõi toàn bằng vàng,
tượng Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương, lại có hai hàng tượng Phật bằng gỗ ở
phía sau.
Phía
sau bên phải có ngôi đàn Đại bi năm gian hai chái, bên trong có tượng Phật
bốn mươi hai cánh tay, làm đài sen rất đẹp. Phía Đông Bắc có một ngôi nhà
Trù bát vận ba gian, phía Tây Nam có một ngôi nhà chứa Kinh cũng ba gian
bát vận, bảy ngôi tăng đường vây quanh giáp vòng, một ngôi ngay giữa ba
gian bằng gạch. Trong chùa, bốn vách bằng gạch, hành lang làm bằng gạch
xám tro; ngoài chùa, bốn góc toàn bằng gạch Bát thiết quý giá.
Lại có
hai tòa nghi môn ở hai bên, mỗi tòa ba gian, chồng lớp hai tầng dùng làm
gác Khánh, gác Mai. Hai ngôi Tổ đường hai bên, mỗi ngôi ba gian bát vận,
chồng mái; bên trong có khám thờ cùng hai tượng vị Tổ. Một ngôi bảo tháp
Tổ sư ở bên trái, cao hai mươi mốt thước (khoảng 6,93m). Một bảo tháp Tôn
sư bên phải, cao hai mươi năm thước (khoảng 8,25m), cả hai tháp đều có
tượng sư tử ở bệ đá của hai bên. Một cổng tam quan ở con đường trước chùa,
lầu gác trên dưới, ba gian bát vận, toàn dùng gạch Bát thiết.
Núi
bên trái có gác Chuông, tầng trên treo một quả hồng chung, rộng hai thước
(0,66m); tầng dưới treo một quả đại hồng chung, rộng ba thước năm tấc
(1,15m). Núi bên phải có lầu Trống đối lại, trong đặt một cái trống to, bề
mặt rộng ba thước (0,99m). Thềm phía dưới lát gạch Bát thiết bằng phẳng.
Trước chùa có tường bao quanh, trang trí hoa văn. Con đường hai bên phải
và trái toàn lát gạch Bát thiết. Trong ngoài vườn cảnh, cây cối, hoa quả
tươi tốt, trước sau sắp bày hàng lối như lọng che.
Đến
năm 1724, chúa Trịnh Cương truyền lệnh cho phép mở rộng phạm vi của chùa
Nguyệt Đường, vì cơ sở hành đạo này đã quá chật hẹp. Những khu đất xung
quanh đều thuộc sự quản lý của nhà chùa, và bổ sung thêm hơn năm mươi mẫu
ruộng. Công tác xây dựng kéo dài trong nhiều năm mới hòan tất, và thiền sư
Như Nguyệt, pháp tử của thiền sư Hương Hải, là người chủ trì việc xây dựng
này.
Một ngôi chùa nổi tiếng là thế, đồ sộ và trang nghiêm là thế, nhưng chỉ
còn lại trong ký ức, bởi ngày nay, hiện vật còn lại duy nhất của chùa
Nguyệt Đường là hai cây tháp đá (một của Hương Hải thiền sư, và một của
Phương Trượng thiền sư) nằm ở phía Đông Văn miếu Xích Đằng.
-----***-----
Tóm lại, một
thiền sư nổi tiếng đã sáng lập ra một đạo tràng lớn và chủ trì một ngôi
chùa có quy mô bề thế, đó chính là Hương Hải thiền sư và chùa Nguyệt Đường,
đúng như nhận xét: “Đạo tràng mà ông sáng lập và chủ trì cuối thế kỷ mười
bẩy và đầu thế kỷ mười tám đã trở thành một tùng lâm lớn, một thiền phái
lớn mà pháp đăng còn truyền lại mãi cho tới ngày nay”./.
L.Q.C
Tài liệu tham khảo:
1 - Thích Thanh Từ:
Hương Hải thiền sư ngữ lục giảng giải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh,
1999.
2 - Viện Triết học:
Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1988.
3 - Nguyễn Lang: Việt
Nam Phật giáo sử luận, Tập II, Nxb. Văn học, HN, 1994.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/ts.huonghai&chuanguyetduong.htm