Ngôi
làng Việt giữa lòng châu Âu
NGUYỄN
BÍCH NGỌC
TTCT - Làng Mai có diện tích 100ha, là một làng tu thiền theo đạo Phật
VN nằm ở phía tây nam nước Pháp, cách Paris chừng hơn 600km.
Trong ngôi làng VN này có đủ các Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Đoài,
Xóm Mới và vùng Sơn Hạ... Mỗi xóm có một tháp chuông lớn kiểu dáng VN.
Bốn mặt phía trên tháp chuông được đắp các chữ: “Gắng nhìn lại, hiểu và
thương”, chuông được kéo lên sau buổi thiền cuối ngày. Sau hồi chuông,
người đánh chuông cất lên bài ca nguyện theo giai điệu VN mà lần đầu
nghe tôi đã ngạc nhiên đến sững sờ. Ở một chân trời phương Tây xa xôi,
những bài kệ nguyện Phật mang giai điệu của ba miền Bắc, Trung, Nam VN
lần lượt được cất lên trong không gian tĩnh lặng, truyền xa, vang vọng.
Ngoài tháp chuông, mỗi xóm còn có một giảng đường (cũng là thiền đường),
một thư viện và một cửa hàng sách. Giảng đường chứa được khoảng 500
người, nhưng các buổi giảng năm nay phải dựng lều kê thêm ghế ra phía
ngoài. Các cửa hàng sách cũng bán thêm một vài món đồ lưu niệm, tất cả
đều là những sản phẩm đặc trưng văn hóa VN như tượng Phật, nón, quạt
giấy, túi thêu hình chùa Một Cột...
Các khoa tu ở Làng Mai được tổ chức liên tục: một, hai, ba tuần. Vào
những ngày đầu khóa tu, các sư thầy, sư cô lái xe ra ga đón thiền sinh
nườm nượp đến từ khắp năm châu. Cả châu Phi, Campuchia, Myanmar, Triều
Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ cũng có mặt. Có đủ các lứa tuổi: từ những trẻ sơ
sinh vài tuần tuổi đến cụ già trên 80. Khá nhiều thanh niên độ tuổi
20-30.
Có cả người tàn tật mang theo xe đẩy đi xuyên qua nhiều nước để đến Làng
Mai. Người châu Âu, châu Mỹ đến Làng Mai nhiều hơn châu Á và đông nhất
là từ các nước Đức, Anh, Pháp, Ý và Mỹ. Có lẽ những người giỏi kiếm tiền
nhất thế giới này tìm đến Làng Mai để có được sự thư thái của tâm Phật.
Số người ghi tên đến làng hiện nay nhiều hơn khả năng đón tiếp. Có khóa
phải nhận cả hơn ngàn người đại diện cho trên 50 nước. Người ta dựng lều
ngủ la liệt ngoài trời vì làng không đủ chỗ.
Các thiền sinh tham gia mọi công việc hằng ngày như nấu ăn, rửa bát, đi
chở nước, dọn vệ sinh... Họ thiền làm việc (working meditation) một cách
hăng hái, luôn vui hát những bài ca, tụng niệm Phật và ăn chay ngon lành.
Họ sống thoải mái vui vẻ như khẩu hiệu của làng: “Youre arrived, youre
home”, về với giây phút hiện tại bình an, không để tâm tán loạn.
Người sáng lập và là vị chủ làng, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Thở vào
tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Tâm bình tĩnh thì sáng. Đó là chủ
đích của việc thực hành tu thiền ở Làng Mai. Về Làng Mai là để dừng lại,
nhìn lại và tìm hướng đi mới cho hạnh phúc”.
Đối với tôi, được nghe thiền sư Nhất Hạnh giảng về đạo Phật là một may
mắn vì đó là một người có kiến thức uyên bác, đã nghiên cứu đạo Phật hơn
nửa thế kỷ nay... Đến với mỗi buổi giảng, tôi còn được thưởng thức những
bản hòa tấu không nhạc đệm được chỉ điểm bằng tiếng chuông chùa ngân nhẹ,
hướng tâm con người đến chân, thiện, mỹ.
Người ta đến với các buổi giảng ở Làng Mai một cách háo hức vì ở đây lý
luận được áp dụng để đưa ra những giải pháp hóa giải khổ đau trong đời
sống từ căng thẳng trong công việc đến bi kịch gia đình, từ đau khổ vì
tình đến vấn đề chiến tranh và bạo lực... Chỉ vài câu hỏi của trẻ em
trên dưới mười tuổi, có thể cho ta hình dung được mức độ cuốn hút của
những buổi hỏi và đáp.
- Làm sao con có thể sống trong một thế giới toàn bạo động?
- Cái gì là quan trọng nhất để trở thành người tốt?
Có bà mẹ Do Thái lo lắng là con mình sắp đến tuổi đi lính, phải cầm súng
bắn người Palestine. Biết làm sao đây? Có những bậc cha mẹ đau khổ và
thất bại trong cách dạy con cũng tìm đến Làng Mai đặt câu hỏi.
Tìm đến Làng Mai có đủ mọi tầng lớp: thương nhân, nhà khoa học gia, nhà
quản ly, học sinh sinh viên, không ít người đạo Thiên Chúa và các đạo
giáo khác; cả người Israel và Palestine đều đến. Họ cùng giống nhau một
điểm: đến để chia sẻ và được chia sẻ. Họ đến đây để khóc và để có thể mở
được trái tim khép kín và đau đớn của mình. Tôi thật ngạc nhiên là họ
không ngần ngại nói ra cả những điều rất riêng tư cũng như ngạc nhiên
khi thấy họ đăng ký thọ giới rất đông, kính cẩn vái lạy.
Khi tôi hỏi những người mới đến lần đầu, họ nói là rất muốn có dịp quay
lại hoặc chắc chắn sẽ quay lại. Tất cả đều nói rằng họ “tới Làng Mai để
học con đường thâm sâu của Phật chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc”. Họ
tới Làng Mai vì đời sống tâm linh và cũng là để thụ hưởng những cái đẹp
của một nền văn hóa: VN.
Một phụ nữ người Hà Lan gốc Mỹ nói: “Tôi đã được đến VN cùng thiền sư
Thích Nhất Hạnh năm ngoái. Tôi rất thích VN. Cái gì của VN cũng đặc biệt”.
Bà đã từng chống chiến tranh VN, đã rời bỏ nước Mỹ và quốc tịch Mỹ. Một
người Hà Lan khác nói: “Tôi rất thích VN. Tôi đã đến Làng Mai gần 20 năm
nay. Tôi hiểu VN qua Thích Nhất Hạnh ”.
Một người Đức nói: “Tôi đã đến Làng Mai một số lần. Càng đến đây tôi
càng thấy muốn sang VN”. Một người Thụy Sĩ nói: “Tôi thấy văn hóa VN
được bảo tồn rất tốt ở Làng Mai”. Một người Mỹ nói: “Tôi mong có một lần
đến VN, để được nhìn thấy quê hương của Thích Nhất Hạnh ”.
Một bà người Pháp biết tôi là người VN đã nói hối hả: “VN hiện nay thế
nào? Tôi nghĩ rằng người VN có một đời sống tinh thần rất cao”.
Những chuyện này làm tôi nhớ lại một chuyến bay: một trung niên ngồi
cạnh tôi tự giới thiệu là người Israel. Sau một lúc nói chuyện, biết anh
mang quốc tịch Mỹ, sống tại Mỹ, tôi hỏi: “Vậy thì anh là người Mỹ chứ?”.
Anh trả lời: “Dù gì thì tôi vẫn là người Israel”. Tôi nhớ đến câu nói
của một danh nhân: “Con người có thể tách ra khỏi quê hương, nhưng không
ai có thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người”.
Giữa khóa tu ở Làng Mai có những lễ hội như “Lễ bông hồng cài áo” để
tưởng nhớ công ơn mẹ; “Lễ cúng trăng” rằm Trung thu, “Lễ cúng tổ tiên”...
Người nước ngoài tham gia rất nồng nhiệt các lễ hội này và các cô gái
Tây cũng mặc áo dài VN. Đặc biệt, ngày “Lễ cúng tổ tiên” được tổ chức
rất tôn nghiêm và tưng bừng. Hai chữ tổ tiên bằng tiếng Việt ở giữa phía
trên bàn thờ bày biện theo kiểu VN, hai bên là bốn thứ tiếng Anh, Pháp,
Ý và Đức. Các thiền sinh trẻ mặc áo dài dâng hương. Bài văn tế bằng
tiếng Việt được đọc đầu tiên, sau bằng tiếng Anh. Cả ngàn người vái lạy
sát đất nhiều lần theo lời tế. Cỗ tiệc cũng là những món chay VN. Buổi
lễ cùng bài văn tế xúc động đã để lại ấn tượng đặc biệt cho mọi người.
Thiếu nhi quốc tế ở các xóm của Làng Mai tham gia rất tích cực việc vận
động tài trợ trẻ em nghèo VN.
Nói đến sự phát triển của ngôi làng VN này, không thể không nói đến
những cộng sự cùng chí hướng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đó là sư cô
Chân Không, tiến sĩ, từng dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn và Huế. Ở tuổi
68, sư cô vẫn làm việc với cường độ của thanh niên. Đó là đại đức Pháp
Ấn, từng dạy ở trường đại học Massachusetts Institute of Technology hàng
đầu nước Mỹ. Vị tiến sĩ này đã quyết định bỏ sự nghiệp để đến Làng Mai
đi tu sau khi đọc cuốn Đường xưa mây trắng. Trong đội ngũ tăng ni của
làng, có những vị sư là người Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Ireland,
Singapore, Thái Lan, Campuchia... Tất cả đều học và nói tiếng Việt. Tất
cả đều mặc bộ đồ tu màu nâu, “màu của đất - người mẹ, màu của người lao
động, người nông dân VN”.
Thế giới đang phát triển nhanh, nhưng sự phát triển này cũng đồng thời
tàn phá môi sinh, đẻ ra hận thù, chiến tranh, bạo lực và khủng bố. Một
trung tâm thiền như Làng Mai rõ ràng đã góp phần xây dựng một thế giới
hòa bình, như khẩu hiệu có ở khắp nơi trong ngôi làng này: “An bình
trong mỗi người - Hoa bình cho thế giới (Peace in oneself - Peace in the
world)”.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=179226&ChannelID=3