Tiếng nói Phật tử trước pháp nạn Tu viện Bát Nhã
LUẬT LUÂN HỒI – NHÂN QUẢ - NGHIỆP BÁO LÀ CÓ THẬT
Cư sĩ: Đan Tâm - HP
Ngày 08 tháng 07 năm 2009
Tôi chỉ là một người dân rất đỗi bình thường 60 tuổi, mang bệnh nan y, vô tình tự ngồi thiền và ăn gạo lức muối vừng nhờ đọc sách mà khỏi bệnh, thoát cảnh cô đơn trầm uất, bế tắc như được hồi sinh, đáng quý hơn từ phương pháp tôi ngộ ra giáo lý Phật pháp. Từ thực tế trải nghiệm của bản thân, tích cực kết hợp giữa đọc kinh sách và thực hành theo sách, đạt kết quả đúng như sách hướng dẫn, tri ân Đức Phật tôi phát nguyện tu tại gia bởi tôi thực chứng những giáo lý như: Vô ngã – vô thường – nhân quả - luân hồi – nghiệp báo… như lời chư Phật dạy là có thật và nhận ra Đạo Phật là một tôn giáo cao quý giúp con người tu tập bằng thực hành là chính để tìm ra chân giá trị cuộc sống lâu dài chứ không phải một tín ngưỡng tâm linh để cầu xin, thờ phụng và theo cũng được không cũng được, thậm chí do vô minh (không nhìn thấy sự thật) mà báng bổ, giày xéo, nghi tình, xem thường, tranh chấp như pháp nạn Tu viện Bát Nhã hiện nay.
Đạo Phật khó mà dễ, dễ mà khó, có thời Đạo Phật đặc biệt là thiền tông đã chủ trương VÔ NGÔN (bất lập văn tự) bởi sự hạn chế của ngôn từ và tính hai mặt của nó. Có câu: “Động thiệt (lưỡi) thị phi sanh” vì bất cứ một ngôn từ nào được viết hoặc nói ra, bất kể đúng sai xuất phát từ đâu đều mang sẵn mầm mống thị (phải) phi (sai), rồi do quan niệm (ái ngã chấp) riêng của từng đối tượng và hoàn cảnh, mục đích đi kèm. Bên cạnh đó Phật Pháp có thực tu mới có thực chứng, cái chứng lại chỉ có ở thực hành chứ không bằng luận chiến. Cái khó hơn là cái chứng thuộc về tâm khó nhận biết và nhìn thấy nên mới có câu: “Ai tu người ấy chứng như uống nước nóng lạnh tự biết” còn cái giống như CHỨNG thì được thể hiện ra ngoài bằng ngôn từ. Có ai đi tu mà không nhận mình tu đúng. Giáo lý thì có sẵn cứ thuộc lòng, học vẹt là nói ra y hệt, vì thế mới xảy ra việc ngay cả trong giáo hội có cả bậc chân tu và tu chưa chín thậm chí có cả tà đạo tìm cách lọt vào để phá pháp. Bởi đã hiểu đúng giáo lý và tu đúng thì không ai làm những việc như pháp nạn Tu viện Bát Nhã đối với 400 tu sinh hiện nay vì sự tuyệt đối công bằng của luật Nhân quả - Nghiệp báo vì thế pháp nạn xét đến cùng và y theo giáo lý không ai có lỗi cả, cái này có do cái kia có. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, gần trọn một đời tu hành ở xứ người, đi đến đâu có người theo đến đó toàn làm việc thiện lợi mình lợi người chưa làm phương hại đến ai, mãi năm 2005 mới được về nước, khát khao được góp phần làm tốt cho đất mẹ, với tinh thần vô ngã và bác ái ngài đóng góp ý kiến với nhà nước. Nhà nước có thể cho là người đã đi tu không nên tham dự vào chuyện chính sự, vì chưa có cái nhìn sâu về Phật pháp. Ngày xưa các bậc đế vương cao minh vẫn phong các bậc cao tăng, đạo sĩ làm quốc sư để làm cố vấn, an dân trị nước. Bởi những người tu đắc đạo thường có trí huệ thông hiểu hơn người nhưng không còn vướng mắc vào lợi danh nên chỉ đứng sau để cứu dân độ thế. Thầy chùa Đức Nghi và các đệ tử tu chưa chín mới ra nông nỗi này, nếu không chẳng ai dại gì làm cái việc “gậy ông đập lưng ông”, không cần phải đợi kiếp sau nào cả. Sau những lúc không làm chủ được bản thân hoặc quá đà đâm lao phải theo lao tự các thầy đã thấy nhiều điều bất ổn và bất lợi cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh với 200 đầu sách Phật pháp được lưu hành khắp thế giới, nếu chuyên tâm ứng dụng chỉ cần một quyển bất cứ nào của Ngài cũng giúp thành tựu, chuyển hóa thân tâm theo chiều hướng tốt, tìm thấy hạnh phúc đích thực ở ngay hiện đời và ít nhiều ngộ ĐẠO. Nghi án chính trị và pháp nạn Tu viện Bát Nhã cho thấy khi người ta giàu lòng yêu thương và nhiệt tình quá đôi khi bị nghi ngờ và mang họa. Với tôi dù trời sập cũng không thể tin ngài ăn ở hai lòng. Một người có tầm vóc tư tưởng và trí tuệ lớn lao như vậy không bao giờ là người bán nước hại dân, những ai nghi ngờ và tòng nghi là những người không có chính kiến và vô tình bộc lộ sự yếu kém của mình. Cái tên Làng Mai rất Việt Nam và khẩu hiệu Ngài luôn căng ở các buổi thuyết giảng mỗi lần về nước:
Rễ tâm linh xin bồi đắp
Cội nguồn huyết thống nguyện khai thông
Và:
Vô não vô ưu chơi cực lạc
Bất cấu, bất tịnh thị Tây phương
Đã nói lên con người trong sạch của Ngài, một lòng vì non sông đất nước Việt Nam. Làng Mai chuyển 17 tỉ để xây dựng Tu viện Bát Nhã không cần đứng tên, không cần danh nghĩa, chỉ cần nơi tu tập thích hợp để đào tạo nhân tài cho Phật giáo cũng là sự hạnh phúc bình yên của nước nhà, việc Ngài không thông qua Giáo hội có thể có lý do riêng hoặc Ngài chủ trương con đường vô ngã, không có chủ khách hoặc vì một ẩn tình nào đấy mà có khi xin phép lại không thành công để thực hiện hoài bão lớn.
Tác giả Đức Bình (Đạo Phật ngày nay) nói đúng chỉ có một giáo hội ví như một nước không thể hai vua, nhà có một nóc, kim chỉ có đầu nếu không sẽ dễ rối nhưng xã hội vốn được cấu tạo từ nhiều thành phần, vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã nên mới tạo thành phức tạp khó cùng nhìn về một hướng. Đạo và đời kết hợp được thì là một, dãn ra thì không những là hai mà là rất nhiều vì thế ngay cả Phật giáo hai miền Nam – Bắc đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Huống hồ Thiền sư Thích Nhất Hạnh mỗi lần về nước phải qua nhiều thủ tục và cách tu ít nhiều đã khác với trong nước.
Đức Phật dạy có 84.000 pháp môn tu và pháp môn nào cũng được coi là NHẤT. Nhất ở đây là cái hợp và sự thành công của mỗi người tu, đường đi có nhiều lối nhưng chỉ có một đích duy nhất để về đó là: Tự do – An lạc – Giải thoát những giá trị tột đỉnh của cuộc sống
Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những cải cách, tìm tòi đưa Đạo Phật nhập thế khắp năm châu với những pháp môn: Thở ý thức, hiện tại giây phút nhiệm màu, sống chánh niệm, lắng nghe để hiểu – nhìn lại để thương, dễ hiểu dễ thực hành và bất cứ ai tin và làm theo đều có kết quả, bởi thực tế đây là một cách tu nhất tâm hữu hiệu nhất của chính Đức Phật. Giá trị hơn là với chữ KHÔNG của Đạo Phật, gần 2.600 năm với bao cách giải thích công phu vẫn gây nhầm lẫn và trừu tượng khó hiểu nhưng với cách giải thích khoa học và ngắn ngọn cụ thể của Ngài: Không là rỗng không, là không có tự tính, tự thể riêng biệt vạn hữu đều mang tính không nên không có ngã riêng biệt (cái tôi), một là tất cả, tất cả là một để từ đó chỉ ra hàng loạt giáo lý cơ bản của Đạo Phật: Vô ngã, vô thường, bất nhị, vô thần… dẫn đến chỉ ra quy luật bất biến của vũ trụ: Nhân quả - Luân hồi – Nghiệp báo. Vì vậy Phật pháp là quyền lợi thiết thân của cả nhân loại chứ không phải của riêng người xuất gia. Vì vậy bảo vệ Phật pháp cũng là bảo vệ chân lý và báu vật của đời là trách nhiệm của tất cả mọi người trong và ngoài Đạo. Đại chúng hay lãnh đạo cấp cao không tin lời tôi nói, thử đi mua sách của Ngài rồi về làm theo, làm đúng sau một tuần sẽ có câu trả lời. Đó là các sách: Phép lạ của sự tỉnh thức; ước hẹn với sự sống; đường xưa mây trắng; con đường chuyển hóa và người vô sự…
Sau đại lễ VESAK 2008, Phật giáo nước nhà đã khởi sắc và phát triển, nhưng phát triển theo xu hướng thịnh hay suy thì chưa biết được? Nhiều người hiểu đúng giáo lý và tu đúng là thịnh, nhiều người hiểu sai lạc vào mê tín hoặc phát triển ngã mạn là suy nhưng chắc chắn không bao giờ diệt vong. Thịnh thì nước nhà được hòa bình an lạc, quốc thái dân an, suy thì điêu đứng vất vả khổ sở từ trên xuống dưới do đạo tặc, tật bệnh hoành hành. Giờ tiếp đến pháp nạn TVBN, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì đây cũng là một pháp nạn đau lòng gây tổn thất và hi hữu đối với đạo và đời gây hoang mang và mất lòng tin của quần chúng đối với nhà nước, giáo hội về nhân quyền và tự do tín ngưỡng
Thiền sư Nhất Hạnh đã ở tuổi 84 lúc này Ngài có thể nói được gì ngoài sự lặng im. Đức Phật thủa xưa cũng có lần không hòa giải được tranh chấp đã một mình đi vào rừng tĩnh tu để chứng minh đạo quả, thu phục lòng người. Nếu chúng ta hiểu được rằng từ một Nhất Hạnh giờ khắp thế giới đã xuất hiện hàng vạn hàng triệu Nhất Hạnh, những đệ tử, phật tử tu theo pháp môn và đi chung con đường của Ngài. Nếu chúng ta hiểu được những việc làm trái đạo lý (côn đồ, mê muội, a dua để vi phạm nhân quyền, bức tử tu sinh…) dù có lọt lướt pháp luật nhưng không thể ra ngoài luật nhân quả nghiệp báo.
400 tu sinh, chỉ thương cho những tu sinh còn non tuổi đời, tuổi đạo còn lại những vị đã thấm nhuần pháp môn Làng Mai và cũng là giáo lý chân chính của Phật Pháp chỉ cần sau một năm tu tập thân tâm đã được chuyển hóa. Gặp kiếp nạn này lại là cơ hội để tiến tu, thiền định kiên cố thâm sâu, nếu có mệnh hệ nào cũng là tử vì đạo sẽ tái sinh lại ở kiếp khác để tu tiếp sinh tử không còn là nỗi sợ hãi đối với bậc chân tu, chỉ lo và thương cho những người lầm lạc đang cố ý hoặc vô tình tham gia vào pháp nạn TVBN.
Hi vọng trong họa có phúc, sau pháp nạn này Giáo hội cùng nhà nước bình tâm xem xét đoàn kết đồng tâm nhất trí để đưa ra những giải pháp hữu hiệu và kịp thời để bảo vệ và phát triển nước nhà và Đạo Phật hưng thịnh. 400 tu sinh Bát Nhã vượt qua kiếp nạn để chứng minh thêm sự diệu kỳ và chân xác của Phật pháp. Phật tử trong và ngoài nước cùng đại chúng có thêm một bài học quý để rút kinh nghiệm và vững niềm tin vào đạo pháp.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vande/BatNha_tiengnoiphattu.htm