Một con ngựa đau...
Phước Thắng
Tuần báo Giác Ngộ số 506 ra ngày 10-10-2009 có đăng bài Nhận định của
Trung ương GHPGVN về tình hình tại tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ thị
xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tại trang 4, mở đầu có Lời Tòa soạn, xin
trích ra một đọan của lời này như sau : [ …Lộ trình “Sống, làm
việc theo Hiến pháp và pháp luật” đang bị thử thách nghiêm trọng bởi
cách hành xử thiếu văn hóa của chính quyền địa phương, phủ nhận những nỗ
lực của xã hội theo hướng thượng tôn luật pháp…] Là cư dân của
Thành phố Đà Lạt, đọc lời ấy tôi cũng cảm thấy xấu hổ cho địa phương
mình. Quả thật, từ lâu tôi không quan tâm đến cái “chủ thể pháp luật”
kia, nếu có chăng tôi chỉ quan tâm đến Đạo Phật Việt Nam, nghĩa là tôi
kính trọng Phật, Pháp, Tăng của Đạo mình. Bây giờ với tấm lòng ấy xin
được tản mạn đôi điều.
Bộ
Luật Ngũ Phần (thuộc Hữu Bộ) được Tam Tạng Phật Đà Thập cùng Trúc Đạo
Sinh dịch tại Kế Tân vào đời Tống được cố Tỳ kheo, ngài Thích Đỗng Minh
dịch ra tiếng Việt vào năm 1994. Trong đó có truyện vua Lưu Ly tiêu diệt
dòng họ Thích. Vua Lưu Ly là con rể dòng họ Thích,
học trò bắn cung của Thích-ma-nam. Đứng trước sự tiêu diệt, Thích-ma-nam
tức tốc đến gặp vua Lưu Ly đề nghị: “Xin cho tôi từ khi lặn xuống nước
cho đến khi ngóc đầu lên khỏi nước, trong thời gian ấy, cho phép các
người dòng họ Thích được phép chạy ra thành, đừng giết họ…” Vua Lưu Ly
chấp thuận và sau khi phát hiện, Thích-ma-nam đã chết dưới đáy nước đầu
tóc cột chặt vào gốc cây… Qua vụ việc Bát Nhã, chúng ta thấy đã xuất
hiện rất nhiều Thích-ma-nam đầy nghĩa cử cao quí, trong đó có Thượng tọa
Thích Thái Thuận đã cột chặt mình bằng áo ca-sa vào cột chùa Phước Huệ.
Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, đó là đạo lý của dân tộc Việt Nam,
nói chi đến tinh thần cộng trụ, lục hòa… tinh thần đồng Phạm hạnh v.v...
Từ lâu lắm rồi, trên đất nước có đến 80% dân số theo Đạo Phật và “Đạo
Ông Bà” mà ông bà thì lại theo Đạo Phật, đạo thờ cúng… có nơi đâu cùng
một lúc nuôi dạy đến gần 400 hình hài tu sĩ như tại Tu viện Bát Nhã, xã
Đam B’ri, thị xã Bảo Lộc? Chắc chắn trong gần 400 hình hài tu sĩ ấy nói
riêng, theo như Luật Phật có đủ 5 hạng Tỳ kheo. Nhìn kỷ vào biến cố Bát
Nhã thì 5 hạng Tỳ kheo kia hiện rõ nguyên hình nhưng chắt như đinh đóng
cột loại 4 và loại 5 chiếm đa số. Lý tưởng của Tỳ kheo trước là làm Sứ
giả Như Lai sau là cầu mong giải thoát khổ đau, mà đúng hơn là ngược lai,
cầu mong đạt được Tứ quả Sa-môn theo giới Luật Thanh Văn. Muốn được thế
thì phải gối đầu lên ba Tạng kinh điển, trong đó nồng cốt là Tạng Luật.
Cứ xem pháp môn tu tập của “Làng Mai” có đặt nền tảng trên Ba Tạng Thánh
Điển hay không thì mới đủ cơ sở kết luận chánh tà, không thể hàm hồ chụp
mũ két, mũ bảo hiểm, mũ hoa hậu, hay cái mũ loa kèn nào đó… lên cái đầu
không tóc của họ. Hãy nhớ họ đặt tấm thân của họ trong giới luật Phật
một cách vững chắc. Họ thọ giới gần đây nhất là tại Giới đàn Bích Nguyên
chùa Linh Sơn Đà Lạt, nhưng đó chỉ là một thủ tục cần thiết, còn muốn
biết giới luật có hiện thực hay không thì xin nhìn vào bốn oai nghi: đi,
đứng, nằm, ngồi trong sự tu tập, thiền hành của họ. Hãy nhớ vị Tổ của
pháp môn Làng Mai xuất thân từ chùa Từ Hiếu - Huế, nói khác hơn xuất
thân từ Thiền môn Việt Nam. Muốn biết Thiền môn Việt Nam là gì xin đọc
Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui… hay chí ít đọc bộ Luật Tiểu của mấy chú
Tiểu mới tu… Xin thưa, tác phẩm văn học Đường Xưa Mây Trắng của Tổ Làng
Mai đã được chuyển thể dựng thành phim sắp công chiếu cho cả thế giới
xem. Cứ đọc và cứ xem đi thì thấy được Kinh Luật của Phật hiện thực. Ai
làm hiện thực, dù một phần nào đó trong Ba Tạng kinh điển cũng sẽ đầy đủ
phước báo trang nghiêm, nói chi sự hiện thực đó lấp lánh trong tủ sách
các nước Tây Phương thì phước báo ấy lớn lao biết chừng nào! Chẳng lẽ,
đạo Phật Việt Nam không vui mừng, hãnh diện với sự hiện thực này hay sao?!
Đức Phật từng bảo 152 đệ tử A-la-hán như vầy: “Các ông mỗi người nên
phân bố đều du hành khắp thế gian, có nhiều bậc Hiền thiện có thể nhận
sự giáo giới của các ông. Nay riêng Ta, một mình sẽ đến cõi Ưu Vi, chỗ
Uất-tì-la Ca-diếp để khai hóa” (sđd trang 1). Lời dạy này
cho thấy lý tưởng của người tu được xác định rõ ràng. Nghĩa là làm hiện
thực đạo đức giải thoát lên khắp thế gian. Ý nghĩa Sứ giả Như Lai gói
trọn trong ý nghĩa này. Phải chăng Tăng thân Làng Mai không là Sứ giả
Như Lai? Nếu phải, thì nên thực hiện đúng đắn lời dạy này của Phật. Giả
như, không làm tròn Sứ giả Như Lai, thôi tu thì có thể xác tín, các vị
là công dân tốt của đất nước trong đó chủng tử “Làng Mai” không bị thiêu
rụi trong “Tăng thân” của quí vị. Hơn ai hết quí vị hiểu rất rõ danh
xưng này khổ hạnh và tri thức biết bao.
Trước cái tâm khinh khỉnh của năm anh em Kiều Trần Như, những “đồng chí”
một thời khổ hạnh của Phật, Đức Phật vẫn an nhiên nhận nước rửa chân của
các đồng phạm hạnh… Thế rồi, cái tâm khinh khỉnh ấy lắng xuống, lắng
xuống khi nghe pháp Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên… từ Đức Phật tuyên
thuyết. Chứng A-la-hán, 5 vị trở thành ngôi Tăng Bảo trong Ba ngôi báu
Phật, Pháp, Tăng, đây là cái Nhân cao quí nhất của Đạo Phật. Hình ảnh
Chuyển Pháp Luân chính là hình ảnh Phật, Pháp, Tăng tạo ra Tăng Tín đồ,
tạo ra chùa chiền, tự viện, tạo ra thiện căn, tín, tấn, lực, định, tuệ…
qua từng nước, từng nước. Và chính Tăng được tạo ra từ Phật, Pháp, Tăng
ấy lại tiếp nối hoằng dương Chánh pháp theo cái nhân ban đầu định sẵn
tại Vườn Lộc Uyển. Thầy trụ trì Tu viện Bát Nhã ơi! Lẽ nào thầy không
được tạo ra tư cái Nhân ấy và lẽ nào Tăng thân Làng Mai không tạo ra từ
Phật, Pháp, Tăng để đến nỗi Tăng thân phải nhận khổ nạn đánh phá, đuổi
xua?! Chắc thầy còn nhớ câu chuyện Kim Mã Thương đối với Đức Phật ?
Tại Đà Lạt, sau khi Đồi Cù trở thành sân golf thì “phúc lợi tinh thần”
của cư dân Thành phố cũng đổ luôn xuống hồ. Bù lại, Thiền Viện Trúc Lâm
trở thành “phúc báo” cho cả nước. Ngài Thanh Từ và Ngài Nhất Hạnh là
đồng hệ, nếu có khác nhau là bên Trúc bên Mai. Mai không thể sống cho
hoa trong không khí lạnh ở cao nguyên này là chuyện thường. Nhưng đối
với Đạo lại mất đi phúc báo lớn lao. Không ai chịu trách nhiệm cho sự
mất mát này, ngoài chủ trương đốn ngã nó!
Quyển 2 LNP, đọan 5 phần thứ 3 nói về y pháp trang 148 – 154
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vande/