- Tìm hiểu "Đâu đây buông lững lờ tiếng
chuông"
- trong nhạc phẩm "Đêm Đông"
- Dương
Kinh Tha`nh
Trong dòng nhạc tiền chiến mang xu hướng lãng mạn, nếu
như các nhạc sĩ tài hoa còn để lại cho đời một nhạc phẩm tiêu biểu,
đôi khi hai hoặc ba, và trở nên nổi tiếng bằng chính tác phẩm đó, như
Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Suối mơ, Buồn tàn thu của Văn Cao,
Trở về bến mơ của Ngọc Bích, Tiếng còi trong sương đêm của
Lê Chí Trực (Hoàng Việt), Hòn vọng phu của Lê Thương v.v... thì nhạc
phẩm Đên Đông của Nguyễn Văn Thương cũng là một nét tiêu biểu
trong rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác của nhạc sĩ. Riêng Đêm Đông
của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có một chi tiết – nói đúng hơn đó chỉ
là hai từ "Tiếng chuông" – cho đến hôm nay, kể từ ngày
nhạc phẩm được ra đời (1939) gần trọn 60 năm, vẫn chưa có lời giải
đáp thỏa đáng ngay cả từ phía tác giả bài hát (hiện đã nghĩ hưu và
đang ở tại TP.HCM). Nếu như hơn nữa thế kỷ qua, "tiếng chuông"
trong Đêm Đông đã bị đánh sai tiếng, chủ yếu là do các nhạc sĩ
có trách nhiệm phối âm, các nhà thu băng, thì những ai từng quý trọng,
trân trọng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và có ít nhiều quan tâm đến tính
chính xác lịch sử mai sau, không thể xem nhẹ.
Đôi dòng về nhạc sĩ Nguyễn Văn
Thương
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (NVT) sinh ngày 22-51919 tại làng
Vân Thê, tổng Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Thân phụ và thân mẫu đều
là những người yêu âm nhạc, nên đã ươm mầm nghệ thuật cho nhạc sĩ
từ tấm bé. Năm lên 9 tuổi đã được học đàn Nguyệt, 13 tuổi được
vào học ở trường Quốc học-Huế. Thời gian này, từ vốn âm nhạc căn
bản hò-xự-xang của dân tộc, nhạc sĩ đã bắt đầu học ký âm Pháp đô-rê-mi
của cuốn Marmontel của Pháp. Kết thúc những năm trung học (Hè 1939), nhạc
sĩ NVT đã sáng tác ca khúc đầu tiên "Trên sông Hương". Năm
sau, bài hát được xuất bản ở Hà Nội. Sự nghiệp âm nhạc bắt đầu
từ đó. Bài Đêm Đông là sáng tác thứ hai, lúc nhạc sĩ NVT đang học
tại Hà Nội (1939). Sau đó, nhạc sĩ vào Sài Gòn học và sáng tác bài thứ
ba "Bướm hoa" (1942); bài này, nguồn cảm hứng lấy từ hình
ảnh một rứng áo dài của các nữ sinh trường Trưng Vương sau giờ tan học.
Năm 1948, nhạc sĩ viết Bình Trị Thiên khói lửa... . Cuộc đời và
sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ NVT cũng từ đó bước vào rẽ ngoặc
quan trọng, gắn liền với vận mệnh dân tộc, đấu tranh chống ngoại xâm
...
Ngoài các ca khúc, nhạc sĩ NVT còn sáng tác nhạc phim, nhạc
giao hưởng, nhạc biến tấu dành cho piano, violon, cello, sáo trúc, đàn t’rưng
v.v... Nhạc sĩ NVT còn là một nhà quản lý, giáo dục kiệt xuất qua các
chức vụ như Giám đốc Bưu điện khu 4, Chi đoàn trưởng Chi đoàn nhạc sĩ
khu 4, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Trung ương, Giám đốc nhạc viện Hà Nội.
Với các trọng trách đó, nhạc sĩ NVT từng hướng dẫn, tham gia biểu diễn
tại Phủ Chủ tịch và đã được tiếp xúc với cụ Hồ Chí Minh nhiều lần;
hướng dẫn Đoàn nghệ thuật Việt Nam tham gia biểu diễn nước ngoài,
được Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp xúc (1954); từng làm việc
và trao đổi ý kiến chuyên ngành với Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1973)
v.v...
Với công lao và thành tích đóng góp đó, nhạc sĩ NVT –
ngoài học hàm Giáo sư, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân – còn được Chủ tịch
nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng nhất, Huân chương Độc Lập
hạng ba, Huân chương Lao Động xuất sắc của Xô-viết Tối cao Liên Xô,
Huân chương Hoàng hậu Kosamark của Vương Quốc Camphuchia v.v...
Trên đường cô lữ, Đêm Đông
ra đời
Đó là mùa Đông năm kỷ mão (1939), lúc còn trọ học ở
Hà Nội, nhạc sĩ NVT kể: "Đêm giao thừa (29) tết, không có tiền để
về quê đoàn tụ với gia đình ngày đầu năm, buồn, nhớ tái tê lắm,
tôi lang thang ở ga Hàng Cỏ, nhìn người qua tay xách nách mang, lũ lượt
bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi dục giã. Từ nỗi niềm
riêng, tôi chạnh lòng liên tưởng để chia sớt với những ai cùng cảnh
ngộ phải xa nhà trong đêm giao thừa "đêm Đông - xa trông cố hương
buồn lòng chinh phu, đêm Đông – bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng...".
Người chinh phu ở đây có pha chút lãng mạn của tiểu thuyết đương thời,
có nhiều đoạn hư cấu. Tuy vậy, câu "ca nhi đối gương ôm sầu
riêng bóng" là có thật, bởi vì lúc ấy đang buồn nhớ, tôi lê bước
từ ga Hàng Cỏ trở về, đi ngang qua xóm cô đầu (*), nghĩ rằng chắc đêm
giao thừa chẳng có cô nào hành nghề cả, nhưng khi đi ngang căn nhà còn để
đèn, một cô bước ra chào mời, và khi tôi không phải là khách làng chơi
nên cô quay vào, tôi chợt thấy nét buồn đó thoáng qua chiếc gương soi
treo ở cửa ra vào. Lang thang khắp nơi rồi cũng về đến nhà trọ ở số
10 phố Hội Vũ, cạnh nhà thương Phủ Doãn, lên gác trọ rồi mà nỗi cô
đơn buồn thương cộng vào gió thổi mạnh qua khe cửa sổ mãi đến khuya
không dứt; lấy ý đó, tôi viết tiếp "gió reo sầu miên – gió
đau niềm riêng – gió than triền miên...".
Bài hát được hoàn thành nhanh chóng sau khi kết nối được
các ý tưởng hoàn chỉnh, bắt đầu bằng câu "Chiều chưa đi màn
đêm rơi xuống, đâu đây buông lững lờ tiếng chuông"; và
người hát bài Đêm Đông đầu tiên là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết
(thân phụ của ca sĩ Hồng Hạnh).
"Lững lờ tiếng chuông"
Những chi tiết quý giá trên về sự ra đời của bài hát Đêm
Đông được chính nhạc sĩ NVT tự tình, ít ra từ sau năm 1975 đến nay
đối với quần chúng hâm mộ.Về sau này, các nhạc sĩ phối âm, các nhà
sản xuất và cả các ca sĩ thể hiện mặc sức tung hoành để đến nỗi
công chúng vẫn cứ nghĩ rằng Đêm Đông được sáng tác trong chiều
hướng phục vụ tôn giáo, từ đó, các nhạc sĩ phối âm, phối khí không
ngần ngại tạo ra dòng nhạc Intro – mở đầu bằng tiếng chuông... nhà
thờ! Từ âm sắc êm ả của bài hát (tranquillo) trở nên pop-rock (kiểu
liên khúc)! Hoặc vừa (adlib) đã là tốt; có người sử dụng cả giọng
nam trung cao (ténor) và cho đó là bài hát chỉ dành cho... thính phòng! Vẫn
chưa hết, các nhà kinh doanh xuất bản cũng vào cuộc hàng loạt lần tái bản
tờ nhạc bướm và ảnh bìa là nữ hoặc nam ca sĩ đứng bên cạnh cây
thông!
May mắn thay, nhạc sĩ NVT còn đây và đã lên tiếng giúp
cho giới mộ điệu tìm được ra chất xúc tác cấu thành Đêm Đông.
Thế còn Tiếng chuông? Không gì xác quyết hơn,
có sức mạnh thuyết phục hơn chính lời người sản xuất sản sinh ra bài
hát Đêm Đông. Vâng! Nhạc sĩ NVT đã lên tiếng thật sự, đápﬦ#7841;i
mối quan tâm không chỉ riêng người viết bài này như sau: "Đâu đây
buông lững lờ tiếng chuông. Tiếng chuông buông lững lờ, chỉ có thể
là tiếng chuông chùa. Nhưng không cứ gì tôi phải đi ngang qua một ngôi
chùa, mà chỉ cần nghe tiếng chuông; thường những người tu tại gia, khi
niệm kinh buổi chiều, vẫn thỉnh thoảng gõ chuông từ một gác thờ nào
đó. Vì tôi đi từ nhà ra ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên rồi đi lang thang
khắp các nẽo đường trước khi trở về gác trọ thì có thể nghe được
nhiều lần tiếng chuông ấy lững lờ buông. Còn nếu tiếng chuông nhà thờ
thì phải dùng chữ chuông đổ, chứ không thể dùng buông lững lờ
được".
Đó là phần đầu của nội dung lá thư đề ngày 04-11-1997
của chính nhạc sĩ NVT đã xác nhận. Như vậy, tất cả những thắt mắc
từ lâu nay đều đã được giải tỏa, vấn đề còn lại là cách thể hiện,
chủ yếu nơi các nhạc sĩ phối âm, phối khí, góp phần trả lại sự thật
hơn nữa thế kỷ qua của Đêm Đông. Cũng trong lá thu đó, nhạc sĩ
NVT còn nói đến hai vấn đề đã được đặt ra là cách thể hiện dẫn
đến sai biệt như đã phân tích phần trên. Nhạc sĩ NVT vốn rất ôn hòa,
bình dị và cũng không nặng câu nệ chữ nghĩa, song việc hát sai lời, phối
âm tiếng chuông sai, thậm chí lợi dụng Đêm Đông để giới thiệu
xiêu vẹo như một băng cassette nước ngoài rằng, Đêm Đông là bài
hát nói về lính viễn chinh Mỹ (dựa vào câu "xa trông cố hương buồn
lòng chinh phu"...) v.v...đã góp phần biến Đêm Đông trở nên
dị dạng. Vấn đề thứ hai là chi tiết tiếng chuông trong phối âm.
Theo nhạc sĩ NVT, tiếng chuông được mô tả trong Đêm Đông là tiếng
chuông gia trì (nhạc sĩ NVT gọi là "tiếng chuông cúng") của giới
Phật tử tại gia dùng để gõ mỗi khi thắp nhang hoặc đọc kinh hàng đêm.
Do đó, vì tính chất nghệ thuật và mang hàm ý bao quát, nó sẽ được nâng
lên thành tiếng chuông chùa (đại hồng chung) là điều dễ dàng chấp nhận
được.
Đã qua rồi thời chinh chiến, cách ngăn; nhạc sĩ NVT một
nơi, Đêm Đông một nơi, để ai đó thể muốn làm gì tùy thích
"khi mình không có ở đó" (lời nhạc sĩ NVT). Chỉ một tiếng
chuông thôi, đã đẩy đưa bài hát bất hủ ấy đi vào một nẽo khác
hơn nữa thế kỷ qua, để rồi một người nhạc sĩ sản sinh cho đời một
tuyệt tác cũng chỉ hiền từ mà rằng: "Chú chỉ cười và khen cho họ
(những ông bầu) khéo lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, để đạt được
mục đích hốt bạc!"
(*) Cô đầu tức cô đào, người nghệ sĩ ca trù,
được phiên âm là A=Y (ả đào, người Hoa gọi ả xẩm, ta gọi là cô).
Tuiy nhiên, các cô đầu thời gian này đã biến tướng, chuyên ca xướng
trong các thanh lâu, phục vụ dân ăn chơi một thời, làm mất hết ý nghĩa
cao đẹp của cô đầu.(DKT).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/005-timhieu.htm