Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tiếng Thét Giữa Hư Không
Thích Nguyên Hùng

Nếu một bài thơ hay được đánh giá cao bởi nó là kết tinh của nghệ thuật và đạt được đỉnh cao của tư tưởng đại chúng, thì "Ngôn Hoài" của thiền sư Không Lộ, là bài thơ tiêu biểu nhất, trong nền văn học đời Lý. Bên cạnh đó, tính đa nghĩa, độ hàm súc trong "Ngôn Hoài" có thể mở ra cho người đọc một cách hiểu nhiều tầng. Đó cũng là dấu hiệu của một bài thơ hay, điều mà không phải bất kỳ một tác phẩm văn chương đích thực nào cũng vươn tới được. Chưa kể đến lối diễn đạt mới mẻ, táo bạo, hiếm có trong văn học thời cổ trung đại vốn nhuốm màu cổ điển, ước lệ, khuôn sáo.

Ngoài ra, có thể xem "Ngôn Hoài" như một bản tuyên ngôn độc lập. Khẩu khí trong "Ngôn Hoài" không những không thua kém gì "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt, mà còn mạnh mẻ hơn, tự tin hơn và tự do hơn nhiều. Trạch đắc long xà địa khả cư Dã tình chung nhật lạc vô dư Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Với lịch sử tồn tại của thi phẩm "Ngôn Hoài", nhiều nhà phê bình, nhận định văn học đã cho rằng "Ngôn Hoài" đã vượt ra ngoài giới hạn của thơ, đã "siêu thơ", hay "thơ trên thơ", bởi vì nó diễn tả một thực tại "siêu thực".

Thật ra, "Ngôn Hoài" không phải là thơ trên thơ, không phải siêu thơ, lại không phải diễn tả một thực tại siêu thực nào cả. Ngôn Hoài đích thực là thơ, là tinh anh linh hồn, được vắt nặn, nung nấu từ cuộc sống con người, rất con người của dân tộc Việt Nam. Sở dĩ Ngôn Hoài tồn tại mãi với thời gian như thế là bởi nó đã đạt được cái đỉnh cao của sự diễn tả thực tại. Vâng, chỉ khi nào đạt được thực tại như thực mới có thể nói đến siêu thực, cũng như muốn siêu thơ trước hết nó phải là thơ đàng hoàng đã!.

Trước hết, Ngôn Hoài là đỉnh cao của tư tưởng quần chúng. Tư tưởng ấy là sự kết tinh của bao xương máu và hồn thiêng của dân tộc: Tư tưởng tự chủ, ý thức không (hay vô ngã), ý thức như nhiên. Hẳn khi đọc những dòng này bạn cho rằng đó không phải là tư tưởng của dân tộc Việt Nam, đó là tư tưởng của Thiền Phật giáo. Phải đấy! Nhưng bạn ạ, "nền tảng tư tưởng và hành động của Việt Nam là sự dung hoá cực cao giữa tính dân tộc và thiền Phật giáo"(Võ Văn Ái). Chúng tôi không muốn lý giải điều này, tự sinh thức và hành động của dân tộc Việt Nam qua bao thế kỷ đã chứng minh được điều đó (mà các bạn có thể thấy rõ qua hai triều đại cực thịnh của nước nhà, điều đại Lý – Trần).

Chúng tôi chỉ muốn nói Ngôn Hoài bật lên từ trái tim, từ xương máu, từ khốn cùng của một ngàn năm ngậm đắng nuốt cay dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, chợt vùng mình trổi dậy, bật khởi và hào hùng giành quyền độc lập tự chủ qua chiến thắng Bạch Đằng 1010. Chiến thắng ấy, dân tộc Việt Nam đã mở ra một trang sử mới, trang sử của kỷ nguyên độc lập và tự chủ thật sự. Chúng ta không có cách gì để biết được đích xác năm ra đời của bài thơ, nhưng chắc chắn là vào khoảng thời gian vua Lý Thái Tổ lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long ("Trạch đắc long xà địa khả cư" không phải đã chứng minh điều đó sao?); hay ít ra sau đó cũng không bao lâu, như là một lời khẳng định sự việc đống đô ở Thăng Long là hợp lý, nếu như không phải là một sự trù lượng, sắp đặt trước về việc khuyến khích dời thủ đô về Lăng Long. Dựa vào tiết tâu và mạch văn, thêm vào đó là thuật phong thuỷ, thì ‘long xà’ chính là một mảnh đất lý tưởng, nhân dân có thể an cư lạc nghiệp phồn thịnh. Ở đây, không phải Không Lộ đã tiên đoán, trù lượng một thủ đô của nước nhà hay sao? (ít ra là khẳng định).

Quả vậy, sau khi chiến thắng quân Nam Hán, Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, vì "thành Đại La là nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng vị trí các hướng nam bắc đông tây, rất tiện cho sự nhìn sông dựa núi, địa thế vừa rộng vừa bằng phẳng, đất đai vừa cao vừa thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất phong phú, tốt tươi. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, xứng đáng là nơi kinh đô của bậc nhất của đế vương muôn đời.(Chiếu dời đô).

Hơn nữa, ‘long xà’ không phải là mảnh đất hiểm trở như nhiều người vẫn quan niệm. Theo Truyền Đăng Lục thì ‘long xà’ là biểu tượng cho thánh nhân và phàm tục, tức chỉ cho thế giới này là nơi thánh phàm đồng cư vậy. Như thế, Không Lộ thiền sư đã không những chia sẻ với vua dân về tương lai một đất nước được an bình thạnh trị mà còn thể hiện phong thái của một bậc xuất thế vào đời hành đạo một cách thong dong tự tại. Thiền sư không vì lợi ích cá nhân, không vì tự lợi, tìm chốn thâm sơn cùng cốc để an vui tự độ mà chọn ngay nơi đô thành để hành đạo. Nơi đô thành mà cuộc sống của sư rất giản dị, thanh bạch, rất mộc mạc, chân quê : Dã tình chung nhật lạc vô dư. Vả chăng, nếu như chúng ta đều công nhận việc dời đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ là có ý kiến của thiền sư Vạn Hạnh, thì việc xem Ngôn Hoài của thiền sư Không Lộ có giátrị như một bản tuyên ngôn độc lập cũng không có gì là lạ (dù rằng ta không mạnh dạn cho lắm vì yếu tố thời gian ra đời của bài thơ chưa xác định). Bây giờ là đỉnh cao nghệ thuật của bài thơ. Mở đầu bằng một câu thơ rất dễ thương : Dã tình chung nhật lạc vô dư. ‘Dã tình’ là tình quê. Câu thơ mới thi vị làm sao! Nó thi vị bởi lời thơ chân chất, dân dã. Câu thơ toát lên một niềm vui mộc mạc, chân tình, hồn nhiên, đậm đà đầy tình người. Không phải ai trong chúng ta cũng được nuôi lớn từ thứ tình quê đó sao! Một thứ tình dễ làm rung động lòng người, dễ gợi nhớ gợi thương. "Tình quê dờn dợn vời non nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà." (Huy Cận). Không Lộ ở đây mới bình dị, lặng lẽ làm sao. Nhưng trong con người vốn thâm trầm đó đôi khi lại toát ra một năng lượng tâm linh thật mãnh liệt, một sức mạnh có thể làm rung chuyển trời đất.

Có lần thiền sư đã cao hứng leo lên tới đỉnh núi trơ trọi và bất chợt thét dài một tiếng làm nát cả hư không và âm hưởng hãy còn vang vọng đến tận bây giờ, xuyên qua mười thế kỷ: Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Không Lộ bây giờ mới vĩ đại biết bao. Chao ôi! Hơn mười thế kỷ trôi qua câu thơ đọc lại vẫn thấy lạnh cả người. Tiếng thét giữa hư vô, trống vắng, giữa núi đồi hoang vu đã làm cho hư không lạnh đi, không gian thêm cô tịch. Có thế thôi sao? Ồ không, đó còn là tiếng reo vui giải thoát, giải thoát khỏi cái xác thân bé nhỏ, cái tâm hồn vị kỷ mà thể nhập với thiên nhiên, với vũ trụ bao la, vô cùng. Chúng ta hãy thử hình dung, trên đỉnh núi cao ngất, có vi vu gió, có bồng bềng mây, có xanh xanh những cỏ cây hoa lá và thoang thoảng những hương rừng ngây ngất, trên vách đá cheo leo đó, có bóng dáng của một thiền sư đang chống gậy đứng nhìn bao la, đôi mắt sáng ngời phóng cái nhìn nhất thể thâu tóm ba ngàn thế giới, rồi mỉm cười, bất chợt, thét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời và núi đồi: Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Quả thật, với câu thơ này đã hiện thân một Không Lộ thiền sư với bản lĩnh phi thường, đã chuyển được cảnh, đã làm không những cái có.

Chúng ta sẽ dễ dàng thấy những tùng, trúc, mai, những sương, tuyết, gió, trăng và bàng bạc những tâm tình trong rừng thi ca vốn mang tính ước lệ, cổ điển của nền văn học cổ trung đại nhưng khó có thể tìm đâu ra một tiếng thét lạnh cả thái hư như Ngôn Hoài. Đây là tiếng rống sư tử đầu tiên cất lên trong rừng thi ca nhân loại. Cũng như một chiếc thuyền và giấc ngủ say nằm chơ vơ giữa dòng sông mặc cho tuyết rơi và thời gian trôi, Không Lộ đã đưa con thuyền và giấc ngủ ấy (Ngư Nhàn) lần đâu tiên cập bến thi ca mà sau này Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi… cũng lần lượt bơi theo. Khép lại bài thơ chúng ta vẫn còn nghe cái khí thiêng lành lạnh của đất trời, của hồn thiêng đất nước thấm vào làn da thớ thịt, thấm nhuần trong xương máu, con tim những tinh anh của giống nòi. Vẫn còn vang vọng đâu đây tiếng thét kinh hồn làm lạnh cả bầu trời hay là tiếng kêu trầm hùng của dân tộc Đại Việt! Thật là, "Ta hồ, văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ."

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/013-tienghetgiuakhong.htm

 


Cập nhật: 1-6-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang