Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Vô thường và Thường
Qua thi kệ CÁO TẬT THỊ CHÚNG

D

 

 òng đời luôn trôi chảy mãi, những gì đã qua đi không bao giờ trở lại, trên dòng sông miên man bất tận đó con người luôn đối diện với hoàn cảnh mới mẻ. Quá khứ là những gì đã qua làm cho con người nuối tiếc nhớ thương, vị lai là những ảo tưởng mơ hồ. Còn hiện tại là cái ngắn ngủi nhất mà con người luôn bỏ quên vì mãi tìm cầu ở tương lai hay tiếc thương cho quá khứ. Chúng ta không biết rằng hoàn cảnh xung quanh ta luôn thay đổi từng sát-na. Trăng tròn rồi khuyết, hoa nở rồi tàn. Có cuộc hội ngộ nào mà không có sự chia tay ? Mỗi nhịp tim lên xuống đều liên quan đến sự hiện thành và tiêu tán của kiếp người mà sự sống chết chỉ là sương mờ giữa bình minh rạng rỡ. Nhận chân cuộc đời là vô thường huyễn hóa tạm bợ, Mãn Giác Thiền sư đã khai thác toàn diện luật vô thường để đề ra một quan niệm sống, một ý chí hành động trước sự thịnh suy của cuộc đời qua thi kệ “Cáo Tật Thị Chúng”.

              Xuân đi trăm hoa rụng,
              Xuân đến trăm hoa cười,
              Trước mắt việc đi mãi,
              Trên đầu già đến rồi.
              Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết,
              Đêm qua sân trước một cành Mai”.

Bằng một phong thái an nhiên tự tại, vừa Thiền sư, vừa thi nhân, với một cành mai, một mùa Xuân, một mái đầu, Thiền sư đã cho chúng ta thấy sự đến, đi và trở lại của con người trước sự sống, cái chết, vô thường và thường vốn không hai.

                   Xuân đi trăm hoa rụng
                   Xuân đến trăm hoa cười”.

Xuân đến, xuân đi theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Xuân có một, nhưng tùy quan niệm, tâm tư, hoàn cảnh, hay nói chung, tùy nghiệp thức của mỗi người mà cảm nhận về Xuân khác nhau. Theo thường tình của thế nhân, có kẻ vui mừng hớn hở khi tết đến xuân sang, cũng có người lo sợ tiếc nuối lúc xuân tàn :

          Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
          Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
          Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.
                                                         (Xuân Diệu)

Hoặc thất vọng u sầu khi nghĩ đến xuân :

              Tôi có chờ đâu có đợi đâu
       Mang chi xuân đến gợi thêm sầu ?
                                                               (Chế Lan Viên)

Với tâm hồn nhạy bén, chứng kiến cảnh đổi thay của vạn vật, những thi sĩ đa sầu đa cảm thường than thở xót thương cho số kiếp phù du của muôn loài.

Trái lại, dưới mắt Thiền sư, cõi lòng đã rũ sạch có, không và mặc nhiên với thị phi, nhân ngã, các Ngài nhìn mùa xuân với hương tâm trí tuệ. Đối với các Thiền sư, mùa Xuân là miên viễn, là hằng hữu giữa lòng thực tại. Chân Không Thiền sư đã có một mùa xuân đại thể sống động đánh thức chúng ta :

Xuân đi cứ ngỡ xuân tàn
Hoa dù nở rụng tiết xuân vẫn là”.
                                 (Thơ văn Lý Trần tập 1, trang 302)

Mùa xuân không đến không đi nếu cõi lòng chúng ta gội sạch những não phiền. Ngược lại, nếu cuộc sống nội tâm chúng ta chưa trong sạch, cái nhìn chưa thấu đáo, và sự hiểu biết còn điên đảo ngược xuôi thì chúng ta sống bất an trong từng ngày, từng giờ, thì làm sao có được một mùa xuân miên viễn ? Cho nên, muốn có một mùa xuân miên viễn xinh đẹp thì chúng ta phải luôn phản chiếu lại với chính mình và thật sự giác ngộ. Vì chỉ có giác ngộ chúng ta mới an hưởng một mùa xuân an lạc. Chỉ có trí tuệ giác ngộ mới khai thác và mở được cánh cửa bí ẩn của mùa xuân mà vua Trần Nhân Tông đã bộc lộ :

            Thuở bé chưa từng rõ sắc không
            Xuân về hoa nở rộn trong lòng
            Chúa xuân nay bị ta khám phá
            Trải chiếu giường thiền ngắm mặt hồng”.
                                       (Thơ văn Lý Trần, tập 2 trang 463).

Khi chúng ta đã tìm hiểu rõ ràng những bí ẩn của nàng Xuân và tâm chúng ta lắng dịu những vọng tưởng lao xao của ngã chấp, lúc ấy chúng ta sẽ dạo lên khúc nhạc Thiền để cùng các Thiền sư vui bước song hành đón một mùa xuân miên viễn.

                     Trước  mắt  việc  đi  mãi
                     Trên  đầu  già  đến  rồi”.

Trong cuộc sống, con người thường dễ bị chi phối mất định hướng, chao đảo, sợ hãi trước những quy luật của vô thường. Bởi vì trên thế gian này có ai dám bảo đảm là mình trẻ mãi không già, mạnh hoài không đau, sống hoài không chết ? Điều đó là không. Bởi vì ngay cả khoa học cũng phải công nhận rằng trong một giờ đồng hồ có hàng ngàn tế bào trong thân người bị hủy diệt và đồng thời sanh trưởng. Qua sự đào thải của các tế bào đã đưa chúng ta từ trẻ đến già, từ già đến chết.

Trong KINH LĂNG NGHIÊM có một đoạn Đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc về lẽ sống chết. Vua bạch với Đức Phật rằng :

- Bạch Đức Thế Tôn ! Cái thân vô thường của con đây tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó tàn tạ dần, tàn tạ trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng sát-na một, khác nào như lửa đốt thành tro, cháy dần cho đến phút tiêu tàn.

Thậm chí, thân mạng con người chỉ vỏn vẹn trong một hơi thở ra vào, nếu một hơi thở ra mà không trở lại thì ngàn năm vĩnh biệt. Trong KHÓA HƯ LỤC, vua Trần Thái Tông đã nói :

              Xuất  tức  nan  kỳ  nhập  tức
              Kim  triêu  bất  bảo  lai  triêu”.

Nghĩa là : “Thở ra khó mong hít vào, sống ngày nay khó bảo đảm được ngày mai”.

Vì biết rõ điều này cho nên Mãn Giác Thiền sư đã chọn thời tiết nhân duyên hợp lý nhất là lúc mình bệnh và sắp từ biệt cuộc đời để chỉ bày giáo hóa môn nhân. Đối với người học Phật, sự sanh tử là lẽ thường. Con người sanh ra có sống rồi chết là quy luật tất yếu. Nhưng trong cái thân vô thường này lại  tiềm ẩn cái toàn tịnh toàn chơn. Cho nên hai câu cuối của bài thơ Ngài đã nói :

          Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
          Đêm qua sân trước một cành Mai”.

Cành Mai nở vững vàng an nhiên thanh tịnh trong đêm đông giá rét là biểu lộ chơn tâm thường trú, nó đứng ngoài sanh diệt lục thức. Cành mai lộng lẫy giữa đêm trường giá lạnh nhắc cho ta cái pháp thân Phật tánh thanh tịnh đứng ngoài mọi khái niệm không gian và thời gian. Cho nên hôm nay, ngày mai, sống hay chết, sanh hay diệt v.v... đều ứng hợp với nguyên lý tất định, đâu khác gì một làn khói lung linh mờ ảo, chẳng đáng để cho ta lưu tâm. Nếu chỉ duyên niệm vui buồn xuất hiện thì dòng sông phẳng lặng kia bắt đầu gợn sóng.

Do đó, sống là phải biết đương niệm hiện tiền, không bị cảnh làm nhiễm, cũng không bị âm thanh sắc tướng dẫn nhập, thì dòng sông tâm tưởng muôn đời là dòng sông bất tuyệt. Ngài đã đánh tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn chìm đắm trong cảnh đời ảo mộng để rồi nhận chịu dòng sanh tử niệm niệm chuyển lưu. Do vậy khi niệm khởi biết là huyễn, tùy pháp huyễn mà làm thì không bị nó trói buộc. Nhận rõ chân tướng nhất như của tướng duyên sanh vô ngã cho nên không sợ hãi trước mọi biến động, mọi tình huống, mà luôn giữ được trạng thái an nhiên tự tại. Muốn được vậy thì phải có thiền định quán sát, vận dụng trí tuệ chơn chánh để không rơi vào thế gian trí; vì trí thế gian không lý giải nổi thật tướng của các pháp nên sanh ra vọng tưởng điên đảo. Khi tâm trí ta không còn chi phối bởi những dao động trước các pháp, thì lúc ấy ta đã nắm vững nguyên lý “thực tại tuệ giác”. Nhận thấy rằng tự tánh của ta và vạn pháp vốn rất trong sáng, vắng lặng hồn nhiên và dung thông tất cả. Tất cả đều trôi chảy, chẳng có gì ngưng đọng để ta phải bám víu ngập ngừng. Nó như một dòng sông mà ta phải hòa mình vào để lắng nghe từ bên trong nhịp sống đang trôi chảy không cùng. Nếu ai biết trở về với nguồn sống nơi mình thì có thể hóa giải được tất cả mọi ràng buộc, khổ đau. Phải nhìn thấy rằng : Sóng phiền não của tâm thức chẳng phút giây nào ngừng nghỉ, nó cuốn trôi viên bảo châu vô giá của chúng ta và đẩy tất cả vào biển sanh tử. Do vậy chúng ta phải thấy được thật tướng của các pháp, để từ đó không còn chấp đắm vào cảnh duyên bên ngoài, vượt ra những vọng cầu sở chấp. Những ý niệm sanh diệt không còn trong tâm thức thì đạt được trạng thái chơn thường, chơn lạc. Vì thế mà cuộc sống, đối với cái nhìn của Thiền sư tự nhiên đâu vào đấy. Ví như : “Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông”, không có gì phải bận lòng. Trạng thái nhất tâm ở điểm cao là sự trở về với cái sống toàn diện cho chính mình. Vấn đề đáng nói là việc loại trừ những tạp loạn đã len vào địa hạt tâm linh. Đó là tinh thần chủ đạo đúng pháp, từ hiện tượng để tìm về bản thể, từ sự tướng để tìm về lý tánh, từ những sinh hoạt hữu hình tìm về an trú cõi tâm linh.

Tóm lại, bài thơ Ngài phú chúc cho môn đồ trước giờ thị tịch là bài học lớn cho chúng ta về tinh thần giác ngộ của Đạo Phật, về lẽ sống vô thường của con người và cảnh giới chung quanh. Đồng thời, Ngài cũng biểu thị cho đệ tử thấy rõ giá trị của kiếp người hoàn thiện với đầy đủ ý nghĩa sống phụng sự an lạc, lợi ích cho quần sanh đến hơi thở cuối cùng, đem ánh sáng Chân-Thiện-Mỹ truyền đạt, chuyển hóa, ý thức trước cuộc sống nhân sinh :

                           Vạn  pháp  bởi  duy  tâm
                           Vọng  trần  nên  thức  biến
                           Ngộ  đạt          thường
                        Bồ - đề   chơn   thị    hiện”.    

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/vothuong_va_thuong.htm

 


Vào mạng: 1-11-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang