Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT ĐẢN SANH :
ÁNH SÁNG TỎA KHẮP NHÂN LOẠI
Ngô Hưng Đan

 

Gia hệ của đức Thế Tôn

 Tài liệu về gia hệ của đức Phật được ghi trong "Lịch sử Phật Giáo thế giới" của Thánh Nghiêm Pháp sư viết : Đức Phật sinh tại Lâm Tỳ Ni, trong  lãnh thổ của Ca Tỳ La Vệ; đây là một tiểu quốc phía Nam dãy Hy Mã Lạp Sơn, mà dòng họ Thích Ca trị vì. Đây là một trong những nước Cộng hòa quý tộc còn sót lại đương thời, ở miền đông bắc của con sông La Bạt Đề (Rapti). Diện tích vào khoảng  320 dặm vuông, chia ra làm 10 thành bang. Những thành bang này chọn ra một vị Chúa Thánh, có thế lực nhất bầu làm vua. Tịnh Phạn Vương của thành bang Ca Tỳ La Vệ là lãnh tụ nước Cộng hòa đương thời của họ.

Thích tôn Tất Đạt Đa (Siddharatha) là thái tử của vua Tịnh Phạn.Theo truyền thuyết Ấn độ xa xưa, dòng họ Thích Ca thuộc đẳng cấp Sát Đế  Lợi của người Aryens, là dòng dõi của vua  Cam Giá nổi tiếng; dòng họ vua Cam Giá từ Cù Đàm mà ra, lại gọi là con cháu của dòng Kiều Đáp Ma (Gautama), cho nên lấy họ là Cù Đàm. Tuy nhiên, theo các sử gia cận đại, như các học giả Địch NguyênVăn Lai và Đằng Điền Phong Ba của Nhật Bản, Pháp sư Ấn Thuận của Trung Quốc đều cho rằng : Dòng họ Thích Ca (Sakya) không phải là người Aryens, mà là người Mông Cổ da vàng. Theo những tư liệu được ghi chép trong Luật Bộ, bộ tộc Thích Ca gần gũi với bộ tộc Bạt Ki, mà tộc Thích Ca không thông hôn với các tộc  thuộc giống người Aryens.

Theo "Tây Vực Ký" của ngài Huyền Trang, khi ông du hành sang Ấn Độ, thì  tình trạng phân hóa nhân chủng thời đó là vùng tộc Thích  Ca sinh sống, tức vùng của người da vàng. Nước Népal ngày nay chính thuộc về tộc da vàng của người Mông Cổ. Tuy nhiên,  những phát hiện về phân bố chủng tộc mà  ngài Huyền Trang trình  bày trong Tây Vực Ký lại không giống như tình hình của thời đức Phật.

Căn cứ theo thứ tự thời gian khi ngoại tộc xâm nhập Ấn Độ, thì người da vàng đến Ấn Độ sớm nhất là dòng dõi Đại Nguyệt Thì. Đại Nguyệt Thì cũng được gọi là Trại Tộc (Seythian). Đức vua Tịnh Phạn kết hôn với hai chị em con vua Devadaha là Mayavà Pajapati. Theo những tục lệ hôn nhân của người theo đạo Bà La Môn thời đó thì kết hôn trong cùng chung một bộ tộc phù hợp quy luật hôn nhân nội tộc thịnh hành thời đó, mặc dù việc này cũng có thể bị coi thường trong trường hợp có chuyện ái tình hay món hồi môn đủ sức lôi cuốn.

Tộc  tánh của vua Tịnh Phạn là Gotama, vì thế ngài không được phép kết  hôn với một phụ nữ cùng họ hàng. Hẳn ngài đã tuân theo  đúng luật lệ này, tuy nhiên sự kiện này không có  gì chắc chắn, vì  tộc tính Devadaha -  Sakha hay Anjana đều không được ghi chép trong chính sử Ấn  Độ. Tuy nhiên, ta chỉ nhìn vào Gia Phả thì thấy rõ: Mối  liên hệ huyết thống rất mật thiết giữa triều vua Tịnh Phạn và  2 bà Hoàng hậu chị em này. Mẫu thân của ngài và phụ thân của hai bà là chị em ruột, và phụ thân ngài cùng mẫu thân hai bà cũng  vậy. Nói rõ hơn, hai Hoàng hậu là 2 em họ của vua Tịnh Phạn cả.

 II- Danh xưng Ngài

 Thích Ca  Mâu Ni dịch  theo tiếng Phạn Sakyamuni, có người  dịch thành "Thích Ca Văn". "Thích Ca" là tên gọi của một bộ lạc miền Bắc Ấn, ý nghĩa của nó là "có tài năng khác thường"; chữ "Mâu Ni" dịch thành "Văn", ý nghĩa của nó là "Nhân", "Nhu, "Nhẫn", "Tịch", "Tịch lặng"... Ý nghĩa của danh từ  "Thích Ca Mâu Ni" cũng có thể trở thành "Năng  nhân" (giàu lòng nhân từ);  "Năng nhẫn" nghĩa là sự chịu đựng kiên trì khác thường; "Năng Tịnh" là biết cách giữ gìn cho thân  tâm thanh tịnh; hoặc có thể  hiểu là  "Vị Thánh của dòng họ Thích Ca".

"Thích Ca Mâu Ni" là tôn xưng; tên thật của Ngài là Tất Đạt Đa; có nơi dịch là Kiều Đáp Ma. "Kiều Đáp Ma" dịch theo lối cũ gọi  là "Cù Đàm", là tên  họ của Ngài. Vấn đề này, học giả  Trung Quốc, giáo sư Quý Tiện Lâm lại giải thích như sau: Ngài Thích Ca Mâu Ni sinh ra trong một dòng họ thuộc đẳng cấp Sát Đế Lợi, nhưng  "Cù Đàm" lại là tên gọi của một dòng tộc Bà La Môn; như thế tên gọi cho dòng họ Cù Đàm này là tên mượn từ gia tộc có dòng dõi tiên thánh" (Trích Nghiên cứu Tôn giáo Thế giới - 1992). 

Tất Đạt Đa là tên gọi của Ngài, có nghĩa là  "Cát Tài" (tài giỏi và cao thượng); ngài Huyền Trang dịch thành "Tình nghĩa hết mức". Tóm lại, đó là những danh xưng mang ý nghĩa tốt đẹp, công đức cao thượng."Thích Ca Mâu Ni" còn thường được mọi người  hiểu là "Phật", hay "Phật Đà";  trong dân gian thường  gọi là "Ông Phật", "Ông Bụt". Chữ "Phật" là chữ viết  tắt của chữ  "Phật Đà"; danh  từ này còn được dịch là  "Phù Đà", "Phù Đồ", "Phù Đố". 

Ý nghĩa của những từ này là "Giác ngộ", "Người trí". Chữ Giác ở đây có 3 nghĩa: (1) Tự giác; (2) Giác tha; (3) Giác hạnh viên mãn. Đây là ngôi vị cao nhất trong tu hành của Phật Giáo. Trong các bộ kinh Phật, thường thấy danh xưng "Thế Tôn", để thay thế dùng danh từ "Phật Thích Ca Mâu Ni". "Thế Tôn" vốn là tên mà đạo Bà  La Môn dùng để gọi những vị Trưởng Giả. Phật Giáo cũng dùng danh xưng này để tỏ lòng cung kính  đức Phật.

Trong bộ kinh "Thám Huyền Ký" quyển IX có đoạn giải thích: Vì đức  Phật có đủ 3 đức, 6 nghĩa, là vị độc tôn của  thế gian, do đó được tôn là "Thế Tôn". Trong chương Vân Môn của  bộ "Ngũ Đăng Hội Nguyên" có viết : Khi đức Thế  Tôn vừa sinh ra, một  tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, bước 7 bước theo hình vòng tròn, nhìn 4 hướng rồi Ngài nói "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn".  Nhiều kinh điển còn dùng đến danh xưng "Như Lai" hay  "Như Lai Phật" để tôn xưng Ngài. Phật Quang Đại Từ Điển viết: Như Lai (Tathagata) có nghĩa  là "Người đã đến như thế"; danh hiệu chỉ một vị đạt được mức giác ngộ cao nhất, là bậc Chánh đẳng, Chánh giác. Như Lai  là 1 trong 10 danh  hiệu của một vị Phật. 

Theo ý nghĩa nguyên thủy, danh từ "Như Lai" không phải là một danh hiệu. Đức Thích Ca Cồ Đàm sử dụng danh từ này để  tránh sử dụng  chữ "Ta", "Tôi" trong lúc giảng dạy đệ tử; đây cũng là một phong cách biểu lộ sự khiêm tốn của Ngài. Với sự phát triển của Phật Giáo theo thời gian, ý nghĩa của danh xưng "Như Lai" cũng biến đổi.

Trong kinh điển Phật Giáo Đại Thừa, Như Lai  chỉ "Ứng thân"  (Nirmanakaya) của Phật. Đó là nhân vật toàn hảo, có thể xuất hiện dưới mọi dạng khác nhau; vị này có đủ 10 lực (Dasabala) của một vị  Phật. "Như Lai" cũng biểu hiện cụ thể của Chân Như, thể tính của vũ  trụ, được xem là sứ  giả trực tiếp của Chân Như, là gạch nối  giữa hiện tượng và bản thể. Trong nhiều trường hợp, "Như Lai" được xem là đồng nghĩa với "Trí Huệ" (Prajna) và tánh Không (Sunyata). Đức Phật thường dạy : "Như Lai tức là chỉ những con người đến bằng con đường chân thật, những con người đã hiểu Chân lý". Trong "Thành Thực Luận" (tập I) có đoạn viết: "Như  Lai đi bằng con đường chân thật mà đến chánh giác,  sau đó mới  gọi là Như Lai"."Như Lai" là 1 trong 10 danh hiệu lớn dùng để xưng tán đức Thích Ca. 10 danh hiệu đó là :

(1) Như Lai

(2) Ứng Cúng (sẵn sàng nhận sự phụng dưỡng của người cũng như ở cõi trời)

(3)  Chánh Biến Tri (Chánh là chân chính; Biến là khắp nơi, rộng lớn; Tri là sự hiểu biết; Hiểu biết đúng đắn, hiểu biết tất cả bao trùm khắp thế gian)

(4) Minh Hạnh Túc (có đầy đủ Hạnh Tam Minh: Túc Mạng Minh; Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) 

(5) Thiên Thọ (Khéo léo vượt qua tất cả, để nhập Niết bàn)

(6) Thế Gian Giải (Thấu hiểu tất cả các pháp của thế gian)

(7) Vô Thượng Sĩ (Lên đến cao vô thượng)

(8) Điều Ngự Trượng Phu (Dùng những lời lẻ hiền từ, dễ nghe, kiên trì thuyết phục mọi người, để mọi người đến với thiện đạo)

(9) Thiên Nhân Sư (Người thầy đưa đường dẫn  lối giữa cõi trời và cõi người ở thế gian)

(10) Thế Tôn (Cả cõi trời và cõi người thế gian đều tôn quý Ngài). Trong 10 danh hiệu này, thì danh hiệu "Như Lai" và"Thế Tôn" là thường dùng nhất. Mật Tông  thường xưng tán đức Thích Ca Mâu Ni là  "Tì Lô Giá Na Phật", có  nghĩa là: "Đại Nhật Như Lai". Trong Phạn  ngữ, "Tì Lô Giá Na" là tên gọi khác của  mặt trời, có nghĩa đức Phật Thích Ca Mâu Ni như ánh mặt trời chói sáng, không bao giờ tắt.

  III- Tiền thân đức Phật

   Hơn hai thiên niên kỷ qua, câu chuyện về cuộc đời của đức Phật đã được các thế hệ Phật tử truyền lại, tạo cho nó trở thành một rong những sự giải thích về con đường của đạo Phật. Những sự diễn  giải khác nhau nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau của pho sử thi vĩ đại này. Những tác phẩm nổi tiếng là:

   Túc Sanh Truyện (Jatakanidana) bằng tiếng Pali (khoảng thế kỷ thứ V) đi vào những chi tiết lớn lao về tiền thân của đức Phật.

Buddhacharita (khoảng thế kỷ thứ II) nói về kiếp tái sanh cuối cùng của Ngài.

Trong khi đó, sách Lavitavistara (Sử thi Phật Giáo) nhấn mạnh đến tính chất siêu nhiên của Ngài. Các nhà nghiên cứu Phật họcTây Phương đã thực hiện những công trình uyên thâm để khám phán hững sự thật đằng sau những huyền thoại này. Tuy vậy, tất cả những bản dịch  và chú giải đều trở thành tài sản văn hóa chung, và  đây, chính là cốt lõi của tài sản kế thừa của nền văn hóa Phật Giáo. 

Truyện Jatakanidana thuật lại rằng: Nhiều thiên niên kỷ trước đây, khi một vị Phật khác, có danh hiệu là Dipankara, khi đang đi trên quả địa cầu, thì tại đó có một vị đạo đức, danh xưng là Sumedha. Vị này sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng lại từ bỏ cuộc sống xa hoa, tìm đường giải thoát, trở thành một nhà tu khổ hạnh. Khi ngài Sumedha gặp gỡ Phật Dipankara, ngài khẳng định rằng : Vị này cũng sẽ trở thành một vị  Phật (người đã thức tỉnh khỏi giấc ngủ vô minh. Ý định để đạt được giác ngộ khiến cho vị này trở thành một vị Bồ Tát (Bodhisattva). Đức Phật Dipankara cuối cùng đã nhận biết rằng: Sumedha sẽ hoàn toàn  giác ngộ, và các vị Phật kế tiếp theo sau đó tái khẳng định sự tiên đoán nầy.  Vị Bodhisattva tái sanh trong nhiều kiếp và dưới nhiều hình dáng, tự hoàn thiện bản thân mình trong từng kiếp, để trở thành Phật. Ngài mưu cầu mục đích từ bi, độ lượng với tất cả đồng loại, để dẫn đến một cuộc sống đạo đức hoàn hảo, thực hiện nó với càng ít tư hữu càng tốt, để tu dưỡng được những khả năng tinh thần và thể xác, và để đạt được tuệ giác theo bản chất thật của sự vật.

 Những hình thức này và những phẩm hạnh khác sau đó đã trở thành những chuẩn mực về giáo lý của ngài và của đạo Phật nói chung.

- Kiếp cuối của Ngài : Sách Boddhacharita viết như sau :Trong kiếp sống áp chót, vị Bodhisattva được tái sanh vào cõi trời Đâu Suất (Tusita), ở nơi đây Ngài chuẩn bị cho lần sanh cuối cùng  trong cõi  người. Từ cõi trời Đâu Suất, Ngài xem xét thế gian, chọn lựa người mẹ đạo đức của ngài, Hoàng hậu Maya, vợ của Quốc  vương Suddadana (Tịnh Phạn), vua của dòng Shakya ở thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) vào cái đêm vị Bồ Tát thụ thai, bà Hoàng hậu nằm mơ thấy một con  bạch tượng chạm vào hông bà và đặt một đóa hoa sen trắng trong dạ con của bà, vào khoảnh khắc thụ thai đó, 10.000 cõi vũ trụ rung động dữ dội. Những nhà tiên tri được triệu tập đến để đoán giấc mộng của Hoàng hậu, rồi tâu rằng: Bà đã thụ thai  và hài nhi chào đời sẽ là  "Vua của vũ trụ", hoặc một vị Phật, tùy  thuộc vào sự việc là vị này sống một cuộc đời của một vị gia trưởng hay một đạo sĩ khổ hạnh. Vào thời gian gần ngày sinh nở, Hoàng hậu Maya trên đường trở về Devadaha, nơi cha mẹ bà sinh sống, bà dừng lại nghỉ ngơi dưới cội cây Sala trong vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Khi tiến vào khu rừng, bà cảm thấy mình  chuyển dạ và một cây Sala to lớn nhẹ nhàng uốn mình xuống để đỡ bà. Vị Bồ Tát  từ trong hông của mẹ mình hiện ra - trong  sạch và  tinh khiết  - giống như một người từ trên cầu thang hạ dần xuống - và được các vị Phạm Thiên (Brahma) đỡ vào trong một chiếc lưới đan  bằng sợi vàng ròng. Quan sát mười phương, Ngài bước  7 bước về hướng Bắc và dõng dạc tuyên bố: "Ta là chủ của thế gian (Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn); đây là lần sinh cuối cùng của ta; kể từ đây, ta không còn trở lại vòng sinh tử". 

Sự ra đời đầy phép mầu nhiệm này được đánh dấu bởi niềm vui lớn lao khắp thế gian: người mù thì được nhìn thấy, người què thì có thể đi lại, người điếc có thể nghe, người câm có thể nói. Chính thế gian cũng tán dương, bởi vì biển cả biến thành dòng nước ngọt, năm loại hoa sen phủ đầy khắp mặt đất... (Bản dịch tóm lược cuốn Bodhacharita).

IV- Túc Sanh Truyện (Jataka) về đức Thích Ca

Jataka (Truyện về tiền thân của Đức Phật) là một tập truyện gồm có 547 câu chuyện làm sáng tỏ về những cuộc phiêu lưu của Đức Phật trong những tiền kiếp của Ngài. Tất cả có chung một hình thức diễn đạt, bắt đầu bằng cách thể hiện rõ ràng nền tảng đạo đức của cốt chuyện và kết thúc bằng cách đồng hóa Đức Phật (lúc ấy chỉ là Bồ Tát) trong câu chuyện. Trong sách, Đức Phật xuất hiện  trong nhiều tính cách, khi là một vị Thần,  một thương gia, cũng có khi là một tên cướp đường, một người hướng dẫn đoàn buôn, một con nai, một con sơn dương, một con kên kên.Trong những truyền thuyết này, có  một số câu chuyện dựa trên các chuyện dân gian trước thời đức Phật đã được thuật lại nhiều lần.

Những chuyện này hoàn toàn ăn sâu trong kho tàng của nhiều nền văn hóa mà đạo Phật đã  truyền bá và đã  gây cảm hứng cho vô số những sự thể hiện nghệ thuật. Đặc biệt là những chuyện đều được phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp Phật tử khác nhau.

Truyện Jataka ca tụng những giới đức khổ hạnh, dẫn đến một đời sống chân chính, đạo đức, để có thể hướng về một cuộc tái sinh tốt đẹp. Chẳng hạn: trong câu chuyện "Khỉ chúa", vị Bodhisattva đánh lừa một con cá sấu tham lam, bằng cách bảo con thú ăn thịt ầy rằng: trái tim con khỉ đó đang được treo ở một cành cây gần đó, và  nhờ đó, dạy cho loài bò sát này về đạo đức của sự chân thật. Trong một câu chuyện Jataka Vessantare nổi tiếng, vị Bồ Tát lại xuất hiện là một hoàng tử: ngài dạy về công đức bố thí bằng cách từ bỏ hết mọi thứ, kể luôn cả vợ và con mình.

V- Đức Phật

Vị Giáo chủ sáng lập ra đạo Phật là Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni). Người Trung Hoa dịch là "Năng Nhân Tịch Mặc" lấy ý nghĩa là một bậc trí tuệ trong dòng họ Thích Ca. Tên chính của  Ngài là Cù Đàm Tất Đạt Đa (Gautama Siddhatha). Cù Đàm nghĩa là Giác Giả (Buddha) hay là Thế Tôn (Bhagavat). Giác Giả và Thế Tôn  là danh hiệu tôn xưng về đức độ của Ngài.

Dòng họ Thích Ca cư trú tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) thuộc phía bắc Trung Ấn. Vua nước này là Tịnh Phạn (Suddhodana). Vương phi là Ma Gia (Maya) phu nhân,  con gái vua A Nâu (Anu) nước Câu Ly (Koli), một nước nhỏ đối diện với nước Ca Tỳ La Vệ. Ma Gia Phu Nhân mãi đến 45 tuổi mới  thọ thai. Tới kỳ mãn nguyệt khai hoa, phu nhân trở về cố quốc để sinh nở (theo phong tục đương thời của những quốc gia trong vùng). Ở đây, một biệt điện được thiết lập sẵn trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) để đón Ma Gia Phu Nhân.

Tục truyền, một hôm ra dạo chơi vườn thì sinh ra Thái Tử ở dưới gốc cây Vô  Ưu (Asoka), nhằm  ngày mồng 8 (hay 15) tháng 4 năm  624 trước Tây Lịch (Về niên đại giáng sinh có nhiều thuyết khác nhau). Vua Tịnh Phạn đặt tên cho Thái Tử là Tất Đạt Đa (Siddhatha). Sau khi sinhThái Tử được bảy ngày thì Hoàng hậu từ trần. Thái Tử được kế mẫu là Ba Xà Ba Đề (Prajapati) trông nom nuôi nấng. Khi lên 8 tuổi, Thái Tử được theo học về cả hai ngành: văn học và võ đạo.  Nhờ bẩm tính thông  minh, nên học không  bao lâu, Thái Tử đều thông thạo cả. Để tiếp xúc với đời, đã 3 lần Thái Tử được phép của cha cho ra ngoài thành để quan sát về  sinh hoạt dân gian. Thái Tử đã mục kích thấy những cảnh tương tàn, tương sát của các loài sâu bọ, chim muông, những cảnh sinh, già, ốm, chết của nhân thế. Vì vậy, nên Thái Tử cảm ngay thấy cuộc dời không có gì là sung sướng, là bền vững, là giải thoát, hết thảy đều là vô thường. Sau khi quan sát vạn vật, Thái Tử sinh ra buồn rầu, luôn luôn suy nghĩ để tìm cách cứu khổ cho chúng sinh. Lại một lần, Thái Tử ra chơi ngoài  thành, gặp một vị Sa Môn,  tướng mạo đoan  trang, đi đứng thong dong, trông có vẻ tiêu dao giải thoát, do đó Thái Tử liền nảy ra ý tưởng xuất gia cầu đạo. Thái Tử đã mấy lần xin phép vua cha đi xuất gia, nhưng vua cha đều không ưng thuận.  Vì sợ Thái Tử đi xuất gia, nên vua cha bắt tìm đủ mọi thứ khoái lạc để cho Thái Tử khuây lòng.

Khi 16 tuổi (?), Thái Tử đã vâng lịnh vua cha, thành hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasoddhara), con gái vua Thiện Giác (Suppabuddha) nước Câu Ly (Koli); sau Hoàng Hậu đã sinh ra  một con trai đặt tên là La Hầu La (Rahula). Vua cha thấy thế lại càng  yêu quý, vui mừng và sai tuyển thêm mỹ nữ vào cung để  hầu hạ Thái Tử. Nhưng vì chí xuất gia đã quyết, cho nên dù ở trong khung cảnh cao quý, xa hoa, Thái Tử cũng không say đắm. 

Khi tới 29 tuổi (có thuyết ghi 19 tuổi) là thời kỳ xuất gia đã đến; Thái Tử không thể chậm trễ  hơn được nữa, liền trốn vua cha, từ giã vợ con, bỏ nơi Hoàng cung, nửa đêm vượt thành ra đi, nhằm ngày mồng 8 tháng 2.

- Tìm đạo :  Sau khi vượt thành ra đi, Thái Tử một mình dấn  thân trên băng tuyết, tìm  vào nơi thâm sơn cùng cốc để tìm chân lý. Trước hết, Thái Tử vào rừng tu khổ hạnh, thuộc nước Ma Kiệt Đà, hỏi đạo ông tiên Bạt Già Bà (Bhagava), sau khi nghe giáo lý của ông, vì không mãn nguyện, nên chỉ lưu lại một đêm rồi từ giã đi nơi khác. Sau Thái Tử lại hỏi đạo ở nhà đại học giả của tôn giáo Ấn Độ đương thời là A Ra Ca Ca Lan  (Aralakalama) và Uất Đà Ka La Ma Tử(Udraka Ramaputta), nhưng về tư tưởng triết lý của hai học  giả này, đại khái chỉ tu thiền định để mong cầu phúc báo sinh lên cõi trời "Vô Sở Hữu Xứ" (Akincavyatatan) và "Phi Tướng Phi Phi Tưởng Xứ" làm cảnh giới giải thoát tối cao. Thái Tử cho rằng pháp môn tu này cũng chưa phải là cứu cánh, vì sau khi hưởng hết phúc báo cõi trời, rồi lại đi vào vòng sinh tử luân hồi; cho nên Thái Tử cũng từ biệt để ra đi nữa.

Đắc đạo : Thái Tử sau khi từ biệt những  nhân vật này, liền tự nghĩ: "Phải chính mình tìm con đường giải thoát mới tìm được Chánh Đạo". Nghĩ thế rồi, Ngài đi  sâu vào khu rừng tu khổ  hạnh, thuộc tây ngạn sông Ni Liên Thuyền (Naira Njana), một chi lưu của sông Hằng Hà (Gange). Ở nơi đây, Thái Tử tu khổ hạnh suốt  6 năm ròng rã, mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một chút cơm, chút vừng, thân thể trở nên khô héo, gầy còm, chỉ còn da bọc lấy xương mà vẫn chưa chứng đạo quả. Thái Tử tự nghĩ: "Ta thường hành hạ xác thịt, chỉ khổ sở mà không ích gì, chi bằng cứ tự ăn uống như thường, giữ cho xác thân khỏe mạnh, để làm cái lợi khi cầu đạo giải thoát". Sau khi đó, bỗng có một thiếu nữ chăn bò tên là Nan Đà trông thấy Thái Tử, trong lòng vui mừng khôn xiết, nàng liền chọn hai con bò mập, vắt lấy sữa đem về chòi canh, rồi đựng trong bát vàng mang ra dâng cúng Thái Tử; Thái  Tử hoan hỉ nạp thọ và cầu nguyện cho nàng; do công đức dâng cúng này, nàng sẽ được sung sướng đời đời. Sau khi  dùng sữa xong, Thái Tử tự thấy trong mình khoan khoái, khí lực điều hòa, liền xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ mà trong những năm tu hành đã không để ý tới. Tắm xong, Ngài đến dưới cây Tất Bà La (Pippala - tức là cây Bồ đề), rải cỏ cát tường làm toà, ngồi kiết già công phu, hướng mặt về phía Đông. Khi bắt đầu ngồi, Ngài thề rằng: "Nếu ta ngồi tòa này mà không chứng được đạo Vô  Thượng Bồ Đề thì thân này dù nát, ta cũng không quyết không chịu đứng dậy". Phát nguyện xong, Thái Tử lặng lẽ vào thiền định, suy nghĩ luôn trong 49 ngày đêm; Ngài suy nghĩ biết được kiếp trước  của mình, của người, của mọi chúng sinh. Đến nửa đêm thứ 49, nhằm vào ngày mồng 8 tháng 12, giữa lúc sao Mai mọc thì trong tâm Thái Tử tự nhiên đại ngộ, sạch hết phiền não, chứng được quả Vô Thượng Đại Bồ Đề, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, vào năm Thái Tử 35 tuổi.-

Thuyết pháp : Sau khi Thái Tử thành Phật, hiệu là Thích Ca  Mâu Ni, Ngài liền đem những giáo pháp đã chứng ngộ được ra để giảng diễn, hóa độ chúng sanh, về những cội nguồn của sự khổ và niềm vui của con người. Trước hết, Ngài tuyên dương pháp môn "Tứ Diệu Đế" ở vườn Lộc Uyển (Margadava) thuộc nước Ba La Nại Tư (Varanasi) để độ cho năm người đệ  tử đầu tiên của Ngài là Kiều Trần Như, A Tháp Bà, Bạt Đề Ca Diếp, Ma Ha Man và Thập Lực Ca Diếp. Trong Phật điển, đã gọi lần thuyết pháp này là Sơ Chuyển Pháp Luân (Dharama Cakrapravarana). Ngôi Tam bảo  (Phật, Pháp, Tăng) cũng bắt đầu có từ đó. Cũng tại vườn Lộc Uyển, đức Phật còn độ cho ông Trưởng giả Da Xá (Yassa) và song thân của ông trở thành Phật tử tại gia. Bên nam giới thì gọi là Ưu Bà Tắc (Upasaka); bên nữ giới thì gọi là Ưu Bà Di (Upasika). Hai chúng bộ Phật  tử tại gia cũng được khởi đầu từ đó. Sau khi độ 5 vị Tỳ Kheo, đức Phật và các đệ tử của Ngài đi các nơi giáo hóa. Trước hết, Ngài đi về xứ Ma Kiệt Đà, thủ phủ là thành Vương Xá; ở giữa đường, Ngài độ cho 3 anh em ông Ca Diếp, tức là Tam Ca Diếp. Ba ông này trước kia theo đạo Bà La Môn, thờ thần Lửa, sau khi nghe đức  Phật giáo hóa, ai  nấy đều vui mừng, làm lễ cải giáo, xin theo Phật làm đệ tử. Những vị này còn có trên 1.000 người đồ đệ cũng được đắc độ. Vì vậy, giáo đoàn của đức Phật ngày một thêm bành  trướng; vua Tần Bà Sa La (Mimbisara) nước Ma Kiệt Đà sai Trưởng Lão Ca Lan Đà (Karanda) xây Trúc Lâm Tịnh Xá  (Venuvana Vihara) phía ngoài thành Vương Xá và Tịnh Xá Linh Thứu ở  núi Kỳ Đà Quật (Ghridharkuta) để cúng dâng Phật làm nơi thuyết pháp, an cư. Ở nơi đây, đức Phật đã độ cho 3 ông thuộc Bà  La  Môn  Giáo  là :  Xá Lợi Phất (Sariputra), Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) và  Đại Ca Diếp (Maha Kasyyapa). Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có hơn 250 người đồ đệ cũng đều xin theo Phật làm đệ tử. Đến lúc này đệ tử của Ngài đã lên đến 1.250 người, thường thường đi theo Phật giáo hóa. Khi trở về thăm bệnh Phụ Vương,  đức Phật còn giáo hóa cho cả vua Tịnh  Phạn và các hàng  Vương tử. Trong các hàng Vương tử, có chính con Ngài là La Hầu La; người em khác mẹ là Nan Đà (Nanda), em họ là A Nan Đà (Ananda), Đề Bà Đạt Đa (Bevadatta), A Nâu Lâu Đà (Anurudha) cũng đều xin theo Phật làm đệ tử. Sau khi đức Phật đi hóa đạo tới thành Vương Xá, thủ phủ của nước Kiều Tất La, vua nước này là Ba Tư  Nặc (Prasenajit), con vua Ba Tư Nặc là Thái tử Kỳ Đà (Jeta)  và một bậc phú hào trong nước là Trưởng lão Tu Đạt Đa (Sudatta)  được nghe Phật thuyết pháp, rất hâm mộ và kính phục; hai ông đã phát nguyện cho xây Kỳ Viên Tịnh xá (Jetavana Vihara) để cúng dường Phật. Ngoài ra, vua nước Tỳ Xá Ly (Vaisali) cũng xây Đại Lâm Tịnh xá (Mahavana Vihara) và giảng đường Lộc Từ Mẫu (Mrgaramatuh  Prasada); đối ngạn với thành Vương Xá là nước Phệ Xá Ly thì thiết lập Trùng Các Giảng đường (KutagaaSala); phía Tây  thành Vương Xá là nước Kiều Thưởng Di (Kosambi) thì dựng  Tịnh Xá Cù  Sử La Viên  (Ghosilarama) để cúng dâng đức Phật làm nơi thuyết pháp. Các Tịnh Xá tuy rất nhiều, nhưng chỉ có Trúc Lâm Tịnh  Xá và Kỳ Viên Tịnh Xá là hai nơi mà đức Phật hay lui tới giảng đạo nhiều hơn cả. Đức Phật thành đạo được 5 năm thì Phụ Vương băng hà, kế mẫu của đức Phật là Ba Xà Ba Đề và Công chúa Da Du  Đà La cũng được Phật độ cho xuất gia làm Tỳ Kheo Ni. Đó là lần đầu tiên mà bên nữ giới được Phật độ vào hàng đệ tử xuất gia. Đến đây thì giáo đoàn của đức Phật gồm đủ Tứ chúng : hai chúng xuất gia là Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni; hai chúng tại gia là Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.

Trong hàng đệ tử của đức Phật thì rất đông, nhưng có 10 vị đệ tử trứ danh, trong kinh điển gọi là "Thập đại đệ tử". đó là : Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất; Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất; Đại Ca Diếp là tu định đệ nhất; Ca Chiên Diên là nghị luận đệ nhất (các vị đệ tử kể trên đều xuất thân từ giai cấp Bà La Môn); A Nan Đà là đa văn đệ nhất; A Nâu Lâu Đà là thiên nhãn đệ nhất; La Hầu La là mật hạnh đệ nhất (các vị đệ tử kể  trên xuất thân từ giai cấp Sát Đế Lợi); Tu Bồ Đề là giải thông đệ nhất; Phú  Lâu Na là biện tài đệ nhất, (các vị này xuất thân từ giai cấp Tỳ Xá); Ưu Ba Ly là trì luật đệ nhất (xuất thân từ giai cấp Thủ Đà La).-

Nhập diệt : Từ lúc Phật thành đạo cho tới lúc nhập Niết Bàn, trong khoảng 45 năm trời, Ngài đi khắp mọi nơi để tuyên dương Chánh pháp, hóa độ chúng sanh, không mấy khi gián đoạn. Nơi trung tâm điểm mà đức Phật thường hay lui tới để giáo hóa nhiều nhất là 2 nước Ma Kiệt Đà và Kiều Tất La, rồi đến  các nước thuộc vùng Trung Ấn Độ, theo duyên ngạn sông Hằng như : nước Thiểm Ba (Campa) ở phía Đông, nước Kiều Thưởng Di và nước Ma Thâu La (Mathura) ở phía Tây; nước Ba La Nại Tư (Baranès) ở phía Nam, thành Ca Tỳ La Vệ ở phía Bắc. Ngoài ra, còn nhiều nước nhỏ  khác, cũng đều có vết chân của đức Phật đến thuyết pháp. Về phương  thức thuyết pháp mà đức Phật hay dùng nhất là phương pháp đối thoại và thí dụ; cốt là để những người nghe pháp dễ hiểu và mau lĩnh ngộ hơn là những tư tưởng quá siêu việt, những danh từ khó hiểu.

Về nội dung thuyết pháp đức Phật tùy theo căn cơ mà giảng, tùy cơ thuyết pháp, tùy bệnh mà thuốc. Với những hàng vua chúa thì bàn về  trị quốc, an dân; với thường dân  thì dạy cách bố thí, cư xử trong gia đình, xóm  giềng. Đối với những Phật tử tại gia thì Ngài giảng giải về  Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, Bát chánh đạo; với những người xuất gia thì Ngài giảng về pháp môn Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn... Như thế, lối thuyết pháp của Ngài là phương pháp dẫn dụ, từ  thấp tới cao, từ nông đến sâu, từ phàm phu trở thành Phật quả. Khi đức Phật đã 80 tuổi, Ngài nhận thấy cơ duyên giáo hóa chúng sanh đã viên mãn, và đã tới lúc nhập Niết  Bàn, Ngài liền hướng dẫn các hàng đệ  tử, du hành đến rừng Sa La  (Sala), trên bờ sông Ni Liên Nhã Bạt Đề (Hirannagara)  thuộc thành Câu Thi  Na Yết La(Kusinagara) để giảng giải cho các đệ tử nghe  những chỗ nào còn nghi ngờ. Trong khi đó, có ông Tu  Bạt Đà La  (Subbadra) đã 120 tuổi, thuộc Bà La Môn Giáo, tu ở gần đó, nghe tin đức Phật sắp nhập diệt, vội đến hỏi đạo và xin làm đệ tử của Ngài. Ngài liền nói pháp và thu nạp làm đệ tử; đó là người đệ tử cuối cùng được Phật độ. Để ban lời giáo huấn sau cùng, chỉ có trong một ngày đêm mà Ngài nói xong  bộ kinh Đại Bát Niết Bàn. Nói xong kinh, Ngài lên tòa Thất Bảo, nằm nghiêng sườn bên  phải, đầu gối về phía Bắc, chân duỗi về phương Nam, mặt ngoảnh về phía Tây rồi  vào Đại Diệt Độ (Maha Virvana) nhằm ngày 15 tháng  2. Trước khi nhập Niết Bàn, Ngài giao phó y bát cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp, vị đệ tử tối cao của Ngài. Đức Phật nhập Niết Bàn rồi, Ngài Ma Ha Ca Diếp và đại chúng rước kim quan của Ngài tới dàn thiêu để làm lễ Trà Tỳ (Jhapeta – Hỏa táng); làm lễ xong thì Xá  Lợi (Sarira) được chia nhiều phần cho các nước để xây tháp cúng dàng.  Những di tích của Phật trở thành những trung tâm  chiêm bái tín ngưỡng của toàn thể Phật Giáo Đồ. Vườn Lâm Tỳ Ni là nơi giáng sinh, Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Phật thành đạo; vườn Lộc Giả là nơi Phật thuyết pháp đầu tiên; Sa la Long Thụ là nơi Phật nhập diệt. Đây là 4 thắng cảnh mà nhiều người chiêm bái nhất.

VI- Vết tích kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu).

Trong những vùng quan trọng của Ấn Độ thời cổ đại, kinh thành CaTỳ La Vệ (Kapilvastu) tuy không phải là một vương quốc rộng lớn, nhưng cũng vô cùng trù phú. Tương truyền vào thế kỷ VI  trước Công nguyên, khi vùng Ca Tỳ La Vệ còn là chốn  hoang vu, chưa ai khai phá mấy, có một vị Thánh giả Kapil Gautama (Ca Quỷ Cồ Đàm) đã khuyên thái tử Ikshwaku đến đó lập nghiệp, sẽ tạo dựng được cơ ngơi quan trọng sau này trong sự nghiệp của mình.  Vị thái tử này về sau được nhiều người biết đến, qua tên Sakya;  vùng đất được đặt là Kapilvastu và Thái tử lên ngôi tức là Sakya Gautama. Thái tử Sĩ Đạt Ta đã xuất thân từ dòng này. Ca Tỳ La Vệ  ở miền cao nguyên, ít khai phá, sống bằng nghề chăn nuôi và trồng  trọt. Ở đây có trục thông thương thuộc "Con đường tơ lụa":  miền Nam chạy đến  vùng Na Lan Đà của xứ Magatha; miền Bắc lên đến Savatthi của xứ Kosala (Kiều Tất La). Tuy nhiên sống trong một hoàn cảnh bốn bề thọ địch. Ca Tỳ La Vệ thường bị tấn công, bởi nước lớn Kosala. Đô thị Savatthi (Xá Vệ) binh hùng tướng mạnh, thường mở ra những đợt tấn chiếm để đoạt của cải. Nơi đây, trị vì các vị vua hung tàn, như vua Mahakosala, vua Pasenadi, nhất là vua Vidudabha. Những tên tướng điều hành các đô thị khác của  nước này, như Saketa và Varanasi (Benares = Ba La Nại) cũng tham tàn không kém. Còn phía Tây của Ca Tỳ La Vệ, sinh hoạt tương đối thái bình hơn; bởi vì các vị vua của bộ tộc Morya, bộ tộc Koliya và bộ tộc Videha cũng là nạn nhân của hai cường quốc Kosala và Magagha, nên đoàn  kết để chống kẻ thù chung. Phía Nam  là vùng đồng bằng sông Hằng (Gange) của bộ  lạc Licchavi,  trù phú,  thuần thành. Ngoài ra, phải kể đến thành Xương Xá (Rajagaha), nơi có nhiều quặng sắt, chuyên sản xuất khí giới, bán cho các lân bang, thu lợi nhuận và nuôi chiến tranh. Những nước nhỏ chung quanh Ca Tỳ  La Vệ theo chế độ Cộng hòa, đều là chư hầu của hai thế lực kể trên. Cuối cùng thì Ca Tỳ La Vệ chỉ còn biết kết thân, quan hệ hôn nhân với bộ tộc Koliya (Câu Ly) để mưu hòa bình và sống còn. Những cuộc chiến tranh  trong vùng đa phần là do tranh chấp dẫn thủy  nhập điền và đồng cỏ, hai thứ nguồn lợi kinh tế của họ. Nhưng hòa bình của họ khá mong manh. Thành Ca Tỳ La Vệ đã bị phá hoại toàn thể sau khi Thái tử Tỳ Lưu Ly (Vidudabha), dòng Ikshvaku đánh phá và giết hại hầu hết dòng họ Thích Ca. Khi Ngài Pháp Hiển  đến chiêm bái Ca Tỳ La Vệ (thế kỷ IV) đã ghi trong "Phật Quốc Ký": "Những ngọn núi đầy tuyết trắng của dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn xuống Ca Tỳ La Vệ, một thành phố nằm dọc theo bờ sông. Những bức tường đổ nát bằng gạch được bao bọc bởi một hào thành. Những bức tường của cung thành thì lớn hơn và biểu hiện một trung tâm văn hóa cao. Thành  này không còn vua và cũng không còn thần dân... 

"Tây Du Ký" của ngài Huyền Trang thì ghi chép tường tận hơn:"Nước này có 1 chu vi khoảng 4.000 hải lý. Trong đó có trên 10 thành phố; tất cả đều hoang phế, điêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị lấp đất, đổ nát. Cấm cung nằm trong thủ đô, chu vi khoảng 15 lý. Nền tường sót lại vẫn vững chắc và khá cao. Hoàng cung cũng được xây bằng thứ gạch đỏ. Nơi này có lẽ đã bị hoang phế từ lâu. Làng mạc chung  quanh thì dân cư thưa thớt, trông tiêu điều...". 

Hòa thượng Thích Minh Châu khi đến chiêm bái Ca Tỳ La Vệ vào thập niên 1950, đã viết: "Nơi đây cũng chẳng còn gì, ngoài những đồi cao, có thể là đền đài khi xưa. Hiện tại toàn vùng bị cây cối mọc bao trùm. Xa xa có khu rừng rậm  rạp. Đến gần, nhìn thấy nhiều gạch đá vụn; có lẽ đây là một khu nhà rộng lớn của thành". (Đường về xứ Phật). Các nhà nghiên cứu lịch sử Ấn Độ trong giai đoạn này thường dựa theo tường trình của nhà chiêm bái Huyền Trang  (đến Ấn Độ trong khoảng thời gian 629 - 645. Tài liệu đó cho  biết : Lãnh thổ của dòng vua Sakya có chu vi đo được 4.000  dặm (khoảng 1.880km),gồm có  10 đô thị.  Nhưng theo ngài,  tất cả đều bị đổ nát hoang tàn. Sách viết : Kinh  thành Ca Tỳ La Vệ được  một bức trường thành bảo vệ, còn thấy được vết tích các nền bằng  gạch, dài khoảng 15 dặm (7km). Như thế 10 thành này phần lớn đã trùng hợp với 9 đô thị được mô tả trong Kinh điển Phật Giáo, như các đô thị của dòng vua Sakya. Ngoài kinh thành Ca Tỳ La Vệ  (Kapilavatsu) còn có: Devadaha, Catuma, Samagama,  Khomadussa, Silavati,  Medatalumpa, Ulumpa  và Sakhara. Mỗi đô  thị có  quan Thống  đốc (Rajana) cai quản. Đó là viên chức cao nhất của các thủ phủ địa phương; mỗi nơi là 1 thị trấn, trung tâm hành chánh và thương mãi trong vùng. Những tư liệu của ngài Huyền Trang đã khái quát được lãnh thổ của dòng vua Sakya. Vùng này có diện tích 2.000 km2, phần lớn là rừng rậm, ít canh tác. Mật độ dân  cư khoảng 90/km2; dân số khoảng 180.000 dân, trong đó tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ có dân số 8.000; các đô thị khác thì ít hơn, từ 4.000 đến 5.000 dân. Giới quân đội khoảng 10.000 người, lo việc trị  an. Vì vua Tịnh Phạn thường hay bị Quốc vương Kosala ở kinh đô Savatthi chèn ép, cho nên hàng  năm phải triều cống. Cống vật  đa phần là đồng tiền Kahapana. Ngoài ra, còn cung cấp dân công phục dịch việc xây cất (Fajakariya). Như thế, Ca Tỳ La Vệ từng trải qua thương hải tang điền. Hiện nay, vấn đề tranh chấp giữa Ấn Độ và Népal  về "thánh địa" này thường gây xung đột. Ấn Dộ  thì cho  Ca Tỳ  La Vệ  chính là  vùng đất Piprahwa trên lãnh thổ họ. Còn Népal thì khăng khăng là vùng đất Tilaurakot. Thậm chí, nước này còn thay đổi tên của Tilaurakot ra thành Kapilavathi, xem như chuyện đã rồi.

VII- Tài liệu khảo cổ học.

Những chúng liệu kể trên chỉ dựa theo truyền thuyết dân gian. Khó đoán định rõ giá trị. Chỉ những công trình khảo cổ học có thể giải thích được một số vấn đề. Những công trình đó là:

(1) Năm 1898 :  Những nhà khảo cổ học đã  khai quật trong một ngôi tháp cổ bằng gạch ở gần Piprahwa, có 5 chiếc bình. Trên bình có khắc thứ chữ Magadhi; đây là những chiếc bình đựng xá lợi của đức Phật của bộ tộc Sakya. Trong bình đựng tro và những phẩm vật tùy táng.

(2) Năm 1972 :  Cũng dưới ngôi tháp này (ở Piprava), lại tìm thấy thêm được một ngôi tháp cổ xưa hơn, xây lên vào thế kỷ V trước Công nguyên. Trong tháp tìm thấy 2 chiếc bình, đựng 12 khúc xương của con người thời đó.

(3) Năm 1973 : Trong 1 di tích tu viện, được kiến tạo vào thế kỷ II trước Công nguyên, tìm được một tấm bia bằng gạch nung, có khắc những chú thích về ngôi "Đại Kapilavatsu"; trên nắp bình cũng khắc những dòng chữ có ý nghĩa tương tự.

(4) Năm 1976 : Ở tây nam Piprahwa, vùng Ganwaria, khai  quật được một quần thể kiến trúc Hoàng cung của triều Sakya. Tất cả tư liệu khảo cổ học chỉ từng đó. Các nhà nghiên cứu chưa đủ chứng  liệu để xác quyết Piprahwa là quê hương của đức Phật. Giải thích về sự suy tàn mất mát này, sách sử chỉ biết : Nguyên do là vì nhà vua Vidudabha của nước Kosala đánh thắng bộ lạc Sakya, tiêu diệt cổ thành (Tilaurakot), những người còn sót phải chạy về dựng nghiệp tại  Piprahwa. Nơi thành mới thành lập, dùng làm nơi thờ cúng xá lợi Phật. Còn Lâm Tỳ Ni ngày nay, tuy được nhắc nhở nhiều, nhưng vẻ hoang tàn không kém. Khách chiêm bái đến đây, chỉ thấy vết tích trụ đá của vua A Dục và nền đất của cung điện xưa. Những trùng tu rất khiêm tốn trong suốt 20 năm nay, tuy vẫn là hình ảnh của Phật địa. Lâm Tỳ Ni nằm trên một ngọn đồi thuộc chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), ngày nay thuộc Vương quốc  Népal và trên con đường từ thành Ca Tỳ La Vệ đi về Devadaha.

Theo các sử sách thì Thái tử Tất Đạt Đa (Shirdarta) đản sanh vào ngày Vesak (tức ngày trăng tròn tháng 2 của lịch Ấn Độ). Tuy rằng Lâm Tỳ Ni là một thắng tích quan trọng trong các thánh tích Phật Giáo, nhưng qua nhiều năm tháng đã bị bỏ hoang. Ngay cả sau khi nhà khảo cổ học ngưới Đức, ông Fuhrer, phát hiện vào năm 1895 (?) qua di tích của trụ đá do vua A Dục (Asoka) dựng lên, dưới chân của ngọn đồi vùng địa phận của vùng cao nguyên Churia. Dù Lâm Tỳ Ni  ngày nay trở nên điêu tàn, nhưng trong quá khứ vẫn là di tích quan trọng; khi vua A Dục đến  thăm viếng, xây tháp, dựng thạch trụ, thì thời đó vẫn là một vùng trù mật, thịnh vượng. Theo chúng  tích, nhà vua này đã cho dựng lên 4 ngọn tháp và 1 thạch trụ, trên có tượng con ngụa bay. Ngày nay, công trình điêu khắc này đã không còn nũa. Trên trụ đá, ngày nay vẫn còn thấy được hàng  chữ, có nội dung như sau: "Sau 25 năm lên ngôi, vua Priyadarsi (tức A Dục Vương), người được Chư Thiên yêu mến, đã thân  hành viếng thăm và cúng dường, lễ bái nơi đây, bởi vì là địa danh mà đúc Phật, Thánh nhân dòng họ Thích, được sanh ra ở đây".

Lâm Tỳ Ni được nhắc nhở nhiều qua các chứng liệu và du ký. Những nhà chiêm bái học giả như ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang đã đến chiêm bái. Theo cuốn "Phật Quốc Ký", ngài Pháp Hiển  đã ghi lại về Lâm  Tỳ Ni như sau : " 50 dặm ở về phía đông của cung thành (Ca Tỳ La Vệ) là một vườn ngự uyển, mang tên Lâm Tỳ Ni.  Chính nơi đây, Hoàng hậu (Maya) đã tắm rửa và sau đó đi về phía bắc khoảng 20 trượng, bà vịn vào một nhánh cây; khi bà dõi mất về  phương đông, bà đã sinh ra Thái tử. Khi sanh ra, Thái  tử đi 7 bước và 2 vị vua rồng đã phun nước để rửa thân thể Ngài. Nơi này về sau đã được đào  một cái giếng; nó giống như một cái hồ. Những vị sư dùng nước trong đó để uống..." (Dẫn theo Samuel  Beal -   Buddhist Records of Western World -1994).

Ngài Huyền Trang cũng đã tường trình trong tập Du Ký của mình như sau:-" Từ cái giếng tên (tiễn tỉnh) đi  về phía đông bắc 80 hay 90 dặm, sẽ gặp vườn Lâm Tỳ Ni. Nơi đây có một hồ tắm của giòng họ Thích; nước trong hồ chói sáng, trong suốt như tấm  gương; trên mặt hồ nở nhiều loại hoa. Về hướng bắc, cách  hồ nước khoảng 25 trượng, là một cây hoa Vô Ưu, mà  bây giờ đã tàn rụi;  chính nơi đây là  nơi Bồ Tát đã ra đời vào ngày thứ 8 hạ tuần của tháng Vaisakha, tương ứng ngày 8 tháng 3 của lịch ta. Phía bắc của cây là một cái tháp được dựng lên do vua A Dục; chính là nơi mà 2 con rồng đã tắm Thái tử. Đây là nơi mà 2 con rồng đã  từ đất vọt lên. Khi Bồ Tát hạ sanh, những thế nữ đã tỏa đi tứ hướng để tìm nước cho việc tắm Thái tử. Khi đó, 2 dòng nước mát và ấm tuôn chảy từ đất ngay trước Hoàng hậu. Họ dùng nước đó để tắm rửa cho Ngài. Đi về phía nam, cũng có 1 cái tháp. Đó là nơi vua trời Đế  Thích Sakra đã đón Bồ tát vào tay mình; 4 vua trời đã dùng lụa vàng kim để quấn Ngài, đặt Ngài trên chiếc mâm vàng và  đưa cho mẹ Ngài. Chư Thiên đã vui mừng như thế, thì loài người phải vui mừng đến mực nào. Bên hông của tháp và không xa mấy là một trụ đá lớn được dựng lên do vua A Dục; trên trụ là tượng một con ngựa. Sau đó, một con rồng hung ác đã làm gãy đổ cây trụ ngay chính giữa.

Bên cạnh đó là một dòng sông nhỏ chảy về hướng đông nam. Thôn dân ở đây gọi là "sông dầu". Đây chính là dòng nước mà chư thiên đã hóa ra 1 hồ nước trong và chói rạng để Hoàng hậu tắm rửa sau khi sanh đẻ..." Nay, tất cả chỉ còn là huyền thoại.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/anhsang_toakhapnhanloai.htm

 


Vào mạng: 1-6-2007

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang