Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CÚNG DƯỜNG PHẬT ĐẢN ĐÍCH THỰC
 Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

 

Đức Phật Thích Ca ra đời là để mang lại hạnh phúc an lạc cho trần gian này. Sự kiện ra đời của đức Phật, là một sự kiện chấn động hy hữu, hy hữu hơn con rùa mù sống trong lòng đại dương mênh mông gặp được bộng cây để chui vào.

Cả cuộc đời đức Phật đã tuyên thuyết vô sô kinh điển, đã để lại vô số bài học nhân bản đạo đức, và đặc biệt là, sự hiện hữu của Ngài là bài pháp hùng hồn, lợi ích phổ cập cho mọi tầng lớp nhân dân Ấn độ thời bấy giờ. Vì vậy, giáo pháp của Ngài, tuyệt đối không ưu đãi cho một ai, không dành riêng cho bất cứ thành phần nào, mà hể ai biết cách học hỏi, áp dụng đúng, sẽ hưởng được mọi lợi lạc, an vui cho chính bản thân mình.

Người học đạo, trong giáo pháp của Ngài, chẳng đòi hỏi phải thông minh tuyệt đỉnh, không cần phải có khả năng biện tài siêu xuất, nhưng ít ra phải có lòng nhiệt tâm, thành khẩn với chính mình. Nhiệt tâm để tự quán chiếu chính mình, thành khẩn để tự soi rọi lại lòng mình.

Người học Phật cần phải kiên quyết dẹp bỏ những thói hư trong tâm hồn, kiên quyết loại trừ những tật xấu của cá nhân mình, trong mọi sinh hoạt hàng. Thực hành được như vậy, sống được như thế, tất nhiên, quả vị Niết bàn an lạc sẽ hiện hữu ngay trong từng giây phút nhiệm mầu, ngay trong cuộc đời mầu nhiệm này.

Mặt khác, Niết bàn trong đạo Phật, không phải chỉ chờ sau khi chết, không phải chỉ có ngửa tay van xin các đấng thần linh, mà Niết bàn được un đúc, vun trồng ngay nơi mảnh đất tâm hồn của chính mỗi cá nhân. Chỉ cần loại trừ những tư tưởng, hành động xấu ác, không ngay thật, chỉ cần giữ tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, thoải mái, an lạc thì đó là trạng thái Niết bàn của đạo Phật.

Hơn nữa, muốn có Niết bàn, người tu theo đạo Phật tuyệt đối không nên chỉ trích, hay lên án những lỗi lầm của tha nhân, mà ngược lại, phải luôn thẩm xét lòng mình, tâm hồn luôn tỉnh thức, đừng cho cành lá vọng cảnh, chớ để những bụi bậm phiền não bám vào cây bồ đề chân tâm thanh tịnh của mình.

Cố gắng trở về chân tâm, sống tốt, sống thiện trong tình thương yêu chân thật, bằng cách mở rộng lòng từ, luôn bao dung tha thứ, luôn trang trãi, luôn đồng cảm với những nổi khổ đau bất hạnh của tha nhân và luôn đón nhận những bất hạnh về mình một cách vui tươi vô tâm. Được như vậy thì những lần tổ chức kỷ niệm Đản Sanh của đức Phật mới thật sự có ý nghĩa đích thực.

Trên đời này, có một qui luật tất yếu và công bằng là, hễ chúng ta đối xử tốt với tha nhân, sống thánh thiện với mọi người, thì một cách tự nhiên trong xã hội, trong hoàng vũ là, người khác sẽ cư xử, ứng xử, đối xử, sống tốt, sống đẹp lại với chính mình. Đây là điều mà tất cả mọi người có thể cảm nhận được. Bởi lẽ, khi thực hiện được việc lành, khi đối xử tốt với mọi người, thì tự nhiên, tâm hồn mình cảm thấy sản khoái, vui tươi, một niềm vui chân thật, xuất phát từ đáy lòng, từ tâm hồn của chính mình, do công đức tu tạo điều thiện mang đến.

Hơn nửa, trong mọi sinh hoạt hàng ngày, trong mọi phút giây ồn náo, nếu tâm hồn biết tỉnh giác, biết an trú trong tĩnh lặng, biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm mình, biết lắng nghe lời phê bình của tâm hồn mình, để từ đó, chúng ta có thể tự điều chỉnh bản thân, tư cách, lời nói, ý nghĩ, hành động của mình một cách hoàn hảo hơn. Chính nhờ những điều này, chính nhờ những cơ hội thù thắng này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tốt để tạo ra biết bao điều lành, biết bao điều thánh thiện, vừa mang lại lợi ích cho bản thân, vừa mang lại lợi ích cho tha nhân và xã hội!

Đức Phật dạy, khi còn hiện hữu trên cuộc đời này, chúng ta nên cố gắng mang tình thương chân thật đến mọi người, mang sự đồng cảm thiết tha trong trái tim mình đến tha nhân và đến với những môi trường chúng ta tiếp cận. Bởi vì, tình thương là một biểu hiện đồng cảm, là một thái độ dịu dàng, thân ái, không xúc phạm, không làm tổn hại ai, mà ngược lại, luôn mang những hơi ấm tình người đến trong đêm đông giá rét, luôn mang sự tươi mát của lời nói trao nhau trong nắng cháy trưa hè, luôn mang mùa xuân bất tận đến chào đón, gọi mời, dâng hiến cho những con người bất hạnh!

Hãy nhìn hình ảnh của ngọn đèn để hiểu rõ giá trị của tình thương nhiều hơn. Từ một ngọn đèn tình thương, chúng ta sẽ cố gắng tiếp lửa, mồi đèn cho hàng trăm, hàng nghìn ngọn đèn khác, thì ánh sáng của tình thương cũng sẽ lan toả, nhân lên gấp trăm, gấp nghìn. Và hàng trăm, hàng nghìn ngọn đèn này, sẽ lan toả, cháy rực, đẩy lùi, dập tắt bóng tối vô minh, bóng tối tội lỗi, bóng tối tệ nạn xã hội và làm cho ánh sáng đạo đức xã hội được bừng cháy mãi!!

Vì vậy, Thánh Gandhi nói, “hai chỗ nương tựa của mọi nền văn mình đích thực và bền vững nhất là chân lý và tình thương”.

Lòng từ bi thương người là cứu cánh giải thoát của nhân loại. Trong khi một số nơi trên thế giới bằng cách này, hay cách khác đang đối xử với nhau bằng những điều ác, bằng hình thức bạo lực, thì ngay lập tức, nơi kia đáp lại bạo lực kinh hoàng hơn; chổ kia hành động bất nhân, thì nơi này lại đối xử không còn tình người.Nhưng ngược lại, đối với đức Phật, Ngài luôn từ bi khuyên dạy:

Hận thù diệt hận thù

Đời này không có được

Tình thương diệt hận thù

Là định luật ngàn thu (kệ 5-Kinh Pháp Cú)

Tôi tin chắc rằng, nguồn gốc của mọi hành động, lời nói, và suy nghĩ tốt, chính là tình thương yêu bao la vô bờ bến đối với con người và loài vật. Tình thương này, vốn nằm sẳn, chực hờ sẳn trong trái tim trinh thành của mỗi chúng ta. Tình thương càng trang trãi rộng rãi bao nhiêu, thì thái độ vị kỷ, hẹp hòi cũng sẽ giảm bớt bấy nhiêu. Và tận cùng gốc rễ của tính vị kỷ là gì, nếu không phải là thói hư tật xấu của cái Ta thấp hèn. Mọi nguyên nhân đau khổ bất hạnh, mọi xung đột chiến tranh tàn khốc, mọi mâu thuẩn không lối thoát, hiện đang gây bao tang tóc lầm than, bao nước mắt tuôn trào, bao máu đổ lệ rơi và bao xác người ngã gục ở một số nơi trên thế giới đều do bản ngã thấp hèn tác tạo.

Ngài Phật đản năm nay, tôi kêu gọi tất cả mọi người, hãy cố gắng xây dựng đời sống tỉnh thức cho chính mình và gia đình mình, hãy cố gắng đừng để ngoại cảnh danh lợi, tiền tài, sắc dục lôi kéo, hãy cố gắng mở rộng lòng từ, phát triển tinh thương yêu chân thật, sống và hành xử với người thân, với tha nhân một cách bền bỉ lâu dài.

Được như vậy, ngày kỷ niệm đản sanh của đức Phật, tuy cách chúng ta hơn 2500 năm, nhưng lời dạy và bài học thể nghiệm tâm linh, bài học ban trãi tình thương yêu của Ngài vẫn còn hữu hiệu và được chúng ta đem ra áp dụng, soi sáng cuộc đời.

Trên hết và thiết yếu nhất là, nếu chúng ta chịu khó thực nghiệm, thể nghiệm thì kết quả sẽ y như những gì đức Phật đạt được. Bởi vì, nếu con người chịu mở cửa lòng mình, chịu phát huy tâm thức, phát huy trí tuệ siêu việt của mình, thì khả năng giác ngộ, khả năng tâm linh sẽ mở bày một cách chân xác.

Ngày nay, được sống trong hoàn cảnh tương đối thuận tiện, tốt đẹp cho việc bồi dưỡng đạo đức, nhưng, nếu chúng ta không cố gắng tu tạo phước lành, loại bỏ những tâm lý vị kỷ, những điều xấu ác, thì dầu cho có đi chùa trong ngày Phật đản, dầu cho có làm được chút công đức gì đi nữa, cũng không đủ để thoát khỏi khổ đau triền phược trong hiện đời và mai hậu.

Vì thế, để tỏ lòng tôn kính đấng cha lành, trong ngày kỷ niệm trong đại này, chúng ta cố gắng cùng nhau dâng trọn lòng thành, với quyết tâm, nổ lực siêng năng sống theo lời Phật dạy, cố gắng mở rộng trái tim thương yêu của mình, nỗ lực phát huy trí huệ sáng suốt của mình, để thấy rõ gốc rễ của phiền não, khổ đau, để thấy rõ những hiện tượng phù ảo xung quanh đang đeo bám, từ đó, chúng ta mới có đầy đủ hùng lực để tự vượt thoát!

Tôi tin tưởng và mong mỏi rằng, sau khi cảm nhận và hiểu thấu đáo lời dạy của đức Phật, chúng ta có thể mang ra ứng dụng, thực hành, để phần nào đạt được những kết quả khả dĩ, những thành tựu cụ thể, hiện thực nhất. Đây là món quà cao quí để cúng dường ngày Phật đản. Đây là cách báo đền ân đức cao vời của người con Phật!

Sau cùng, tôi tuyệt đối tin vào sức mạnh của điều thiện, tin vào sức mạnh của đạo đức tâm linh, tin vào sức mạnh của tình thương yêu, sức mạnh được toả sáng một cách tự nhiên từ trái tim của những con người Việt nam, đã từng là chứng nhân của đau khổ bất hạnh. Nhưng, suối nguồn tươi mát tình thương không bao giờ cạn, vẫn dạt dào, vẫn tuôn chảy, để dập tắt mọi hận thù, mọi bất hạnh, và sẽ đẩy lùi mọi tệ đoan xã hội, khai mở một chân trời mới, một trang sử mới cho Việt nam huy hoàng, tráng lệ, văn minh, dân chủ công bằng và tràn ngập tình người!!!

 

Chùa Phật Đà,
05-05-06; nhằm mùng 8 tháng 4 năm Bính Tuất
Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/cungduong_phatdan.htm

 


Vào mạng: 8-5-2006

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang