- Nhặt
cánh Vô ưu
- Viên
Trí
Ân
Độ! Từ
ngàn xưa, Ấn Độ đã là thánh địa đối với người con Phật. Chính từ
vùng đất lịch sử này mà những danh tăng Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh...
đã trở thành bất tử đối với Phật giáo Trung Hoa sau những chuyến du
hành vĩ đại. Dĩ nhiên, hai chữ “Ấn Độ” này vẫn luôn là mộng ước
của giới Phật giáo mười phương. Rồi như lời Phật dạy, “nghiệp là
hành động có tác ý”.
“Tây
du” thời nay không còn phải trèo đèo vượt núi, không kinh qua những sa mạc
ngập tràn tử khí, hoặc giông tố bão bùng của đại dương mênh mông
luôn đe dọa sinh mạng của kẻ hải hành. Hành hương hôm nay chỉ cần
vài tiếng đồng hồ yên ngủ trên những con đại bàng sắt đầy đủ mọi
tiện nghi như thượng khách của nàng công chúa trong lâu đài vàng là đã
đặt chân đến Phật địa. Phải chăng do sự văn minh của thế giới vật
chất ngày nay, với sự bùng nổ của thời đại thông tin, và với chiếc
đũa thần vạn năng của khoa học mà Ấn Độ như đang hiện diện trong tầm
mắt của mọi người đã làm cho những chuyến hành hương Phật tích đã
giảm đi phần ý nghĩa của nó. Đấy là sự thật, trong một giới hạn
nào đó của ý tưởng.
Nhưng
kìa, những dấu chân của Đấng Giác Ngộ như còn in dấu đâu đây thôi
thúc lòng kính tín của người con Phật mười phương: “Này A Nan, những
ai trong khi chiêm bái những thánh tích (Lumbini, Sarnath, Bodhgaya và Kusinaga)
này mà từ trần với tâm thâm tín, hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi
thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, thiên giới”. Và những
di sản vô giá này đang mãi là những chứng nhân hùng hồn về một Đức
Phật lịch sử đối với giới Phật tử luôn mong tìm dấu vết Đức Bổn
Sư. Ấn Độ quả đáng tự hào, vì đã được cưu mang một Đấng Đại
Giác để hơn 2500 năm sau những vết mòn của Ngài đã trở thành bảo vật
của thế giới, và luôn ngập đầy ngôn ngữ từ muôn phương.
Đường
vào Lâm Tỳ Ni ngày nay không còn thơ mộng như thuở hồng hoang, lúc mà
hoàng hậu Ma Da trên đường trở về
cố quốc Thiện Giác từ Ca Tỳ La Vệ để hiến dâng cho cuộc đời một
Thánh nhân vĩ đại mà bà đã có diễm phúc thai mang. Lâm Tỳ Ni bây giờ
không còn là rừng cây Vô ưu (Asoka) bạt ngàn đầy bóng mát, và luôn trổi
lên những khúc nhạc thanh bình của chim chóc, muôn hoa, nơi mà đã khiến
người mẹ hạnh phúc nhất trần thế, trong một khoảnh khác thư thái
thân tâm, với tay hái đóa Vô ưu ngàn năm hé nở một lần rồi hạ sanh
hoàng tử. Và dường như rằng Lâm Tỳ Ni hôm nay cũng đang giảm dần tính
thiêng liêng và huyền diệu của nó khi có quá nhiều dục vọng của con người
phủ đầy lên đó với vô vàn khẩu hiệu của phàm nhân. Sau hơn 25 thế kỷ
hứng chịu quy luật vô thường, Lâm Tỳ Ni hôm nay chỉ còn sót lại một
số di tích đang được bảo bọc bởi những lớp tường thành chùa tháp với
đủ hình thái kiến trúc Phật giáo từ nhiều quốc gia, một nỗ lực
chung của những người con Phật nhằm bảo vệ dấu tích của Đấng Đạo
Sư trước sự tàn phá của thời gian và lòng người đầy trắc ẩn. Lịch
sử ghi lại rằng vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, A Dục vương từng
ngự giá đến đây để chiêm ngưỡng Thánh tích, và với lòng quy kính, một
trụ đá được sai dựng tại chốn này để đánh dấu nơi ra đời của bậc
Thượng nhân, rồi theo năm tháng, trụ
đá ấy vẫn đang tồn tại để ấn chứng cho sự kiện lịch sử này. Cũng
trong chuyến hành hương này, nhà vua đã ân giảm thuế má cho cư dân tại
Lâm Tỳ Ni vì “Đức Từ Phụ đã hạ sinh tại đây”.
Nhưng
theo thời gian, vết tích như mờ dần trong tâm hồn Ấn Độ đến nỗi
người ta tự hỏi rằng ngày nay có bao nhiêu phần trăm dân số nước này
đang hướng theo dấu chân Đức Phật! Đâu rồi ánh đạo huy hoàng và những
trang sử đầy tính nhân văn tỏa ra từ giáo đoàn Phật giáo ngay trên
vùng đất sản sinh trí tuệ siêu việt này! Đành rằng niềm tin chỉ là bước
dẫn khởi trên lộ trình thực nghiệm tâm linh, nhưng người ta không thể
vượt qua khổ ải nếu thiếu mất niềm tin. Cũng vì vậy, cuộc hành hương
Phật tích của người con Phật được đánh dấu như bước đường thực
nghiệm tâm linh, trong đó niềm tịnh tín được hiển lộ. Rồi như một hệ
quả của sự thực hành lời Phật dạy, hương vị an lạc, giải thoát đến
một cách tự nhiên qua tiến trình tâm lý: tín - tầm tư - tâm hân hoan - hỷ
sanh - tâm an tịnh - lạc sanh - tâm định tĩnh - giải thoát sanh. Thật khó
để diễn tả một trạng thái tâm linh vốn chỉ dành cho những ai tự
thân thực nghiệm, nhưng có phải chăng một bước đường như vậy, bước
đường chiêm bái Phật tích đúng như lời Phật dạy, đã minh chứng sinh
động ý nghĩa hành hương?
Trăng
thượng tuần đã ló dạng. Thấp thoáng một vài áng mây. Cả thế nhân
đang quy ngưỡng về Lâm Tỳ Ni để chiêm ngưỡng hoa Ưu đàm hé nụ. Ngày
ấy trăng rằm sáng lắm, những đám mây che mờ dương thế sẽ bay đi.
“Ai
dùng các hạnh lành
Làm
xóa mờ nghiệp ác
Chói
sáng cõi đời này
Như
trăng thoát mây che”.
Hoa
Ưu đàm nở, hoa Ưu đàm rụng nhưng hương còn mãi. Hạnh phúc thay cho ai
được một lần trở về nhặt cánh Vô ưu!
Tuần báo Giác Ngộ, số Phật đản
PL. 2546
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/nhatcanhvouu.htm