Nam.
Dẫu chưa có nhiều
tư liệu cung cấp đầy đủ những thông tin về ngày Lễ Phật đản, nhưng thông
qua mối liên hệ và quy mô của những lễ hội được ghi chép trong sử sách,
chúng ta có thể tìm ra sự dung hội trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của
người Việt. Từ đó xây dựng dù chỉ là khái quát bức tranh về ngày lễ Phật
đản trong một mối liên hệ đặc thù với văn hóa bản địa. Sâu rộng hơn cả
chính là các lễ hội Phật giáo được nằm trong sự bảo trợ đầy thành kính của
nhiều vị vua Phật tử. Có thể nói, ở điểm này, nhiều nhà lãnh đạo đã bộc lộ
tầm nhìn bao quát, sáng suốt trong việc ổn định chính trị, cũng như đáp
ứng được khát vọng tâm linh, thể hiện trách nhiệm của người Phật tử trước
dân tộc, tiến tới xây dựng một xã hội nhân nghĩa, thuần hậu trong sự khác
biệt, ước thúc lẫn nhau của ba hệ tư tưởng Phật - Đạo - Nho đương thời, mà
ở đó, Phật giáo luôn giữ vai trò trung tâm, hòa giải.
Đại Việt sử ký
toàn thư có viết, vào đời vua Lý Thánh Tông, năm Nhâm Tý, Thần Vũ 1072:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, vua xem lễ tắm Phật”. Còn vua Lý Nhân Tông:
“Mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi
thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”…
Trong Văn bia
tháp Sùng Thiện Diên Linh, Nguyễn Công Bật viết về không khí đầy sinh động
của ngày lễ Phật đản như sau: “Nhà vua tôn sùng đạo Phật, hâm mộ thắng
nhân. Mở chùa Diên Hựu ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước, lo
toan cho thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao chồi lên một
cột đá, trên cột đá có một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng
ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang
bao bọc. Ngoài hành lang lại có ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân
trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly. Để mồng một hàng tháng, để
mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa
bày ra hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng
tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng, tạo đội ngũ
thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa. Tinh cần chẳng trễ,
kính phụng nào ngơi. Vì vậy mà huyền tạo linh thông, đều cùng phù hộ”…
Việc nhân dân,
triều thần quy ngưỡng về ngày Phật đản và đích thân nhà vua làm chủ lễ cho
thấy Phật đản thực sự là một ngày Quốc Lễ. Và trong không khí của ngày
quốc lễ đó, các vị vua không chỉ thể hiện lòng thành kính nhất tâm quy
Phật, thể hiện tinh thần từ bi, khoan thứ mà còn gửi gắm tâm nguyện trị
quốc an dân, giữ vững nền độc lập dân tộc. Điều này nói lên sự thâm nhập
của Đạo Phật vào tận nguồn cội của văn hóa Việt Nam, đến mức không thể
phân chia được.
Đơn cử vào ngày
Lễ khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh, hoàng đế đã đích thân tham dự:
“Khói trầm đàn như mây tỏa khắp sơn khê, bóng cờ phướn như ráng phô đầy
muôn ngả. Chuông trống vang lừng, khánh tiu rộn rã. Phía trước xe mây Tam
bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết
trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên
trong. Hội tăng ni trai khiết, diễn Giác đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm
trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ; cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng
sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường; phát tiền
quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về, thiên long cùng đến.
Đem lực công tối thượng, phúc đức vô lường, ca ngợi hoàng cương vững bền
như trời đất; cầu mong bảo vận vằng vặc như trăng sao. Sớm sinh thái tử,
nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành ngàn thuở, cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt
nhiều phương, qùy nghiêng muôn nước. Thần dân yêu mến, tổ khảo khuông phù.
Thần đạo giúp ngầm, trời người nâng đỡ” (Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh).
Sự mô tả này cho
thấy, chính tinh thần và tâm nguyện dựa trên nền tảng Phật pháp đã có sức
vận động lớn lao sức dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì thể
hiện mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc nên đã quy tập được các tư tưởng khác
nhau phục vụ cho công cuộc chung. Đặc biệt, các vua Lý đều nhân dịp mở hội
Phật mà đại xá thiên hạ, tha tội cho các tù nhân, chu cấp tiền, lương cho
dân nghèo… Điều đó càng tăng thêm ý nghĩa và sức sống của Phật pháp. Đến
nỗi sử Nho Ngô Sĩ Liên phải viết: “Nhân Tông thường nhân việc mở hội Phật
mà tha cho người hết tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội
Phật. Còn như vua Thần Tông thì không có việc gì mà cũng tha bổng”. Lòng
nhân ấy đã hướng dẫn hành vi của nhiều nhà lãnh đạo, nên đã tránh cho dân
tộc không đi vào con đường chiến tranh hận thù, huynh đệ tương tàn, mà có
một đời sống tâm linh phong phú, vì thế lịch sử đã minh chứng rất rõ, thời
đại Lý - Trần là thời đại mà con người sống khoan dung, nhân hiếu, thuần
hậu và giàu bản sắc hơn hết.
Chúng ta đã từng
có một ngày quốc lễ trang nghiêm, hoành tráng, nô nức, hân hoan… như thế.
Nhưng vì chiến tranh, vì những nhận thức sai lầm về văn hóa trong một thời
gian dài, Lễ Phật đản nhiều lúc đã bị thu hẹp không gian văn hóa, tâm linh,
và vì nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi
thực sự. Thế nên, chỉ có tinh thần khoan dung tư tưởng và đời sống giàu
bản sắc của nghìn năm về trước mới đủ cơ sở để chúng ta vượt qua mọi giới
hạn của nhận thức, mọi thái độ hẹp hòi trong văn hóa, và chỉ có tinh thần
tự tôn, thủy chung với dân tộc, người Phật tử mới có thể “gặp Đức Phật
trong lòng dân tộc”, bởi không ít lần chúng ta đã bỏ quên Đức Phật của dân
tộc mình, của tâm hồn mình. Như vậy, ngày Lễ Phật đản không chỉ là ngày
chúng ta tỏ lòng tôn kính Đức Phật, tri ân tổ tiên đã làm rạng danh non
sông mà còn là ngày chúng ta tìm lại cho chính mình một ngôn ngữ của yêu
thương và hòa bình.