Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 4
tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 26 – 29/5/2007
Thành tựu viên mãn
Hải Hạnh

 

Hoa đàm nở cho ngàn năm vang bóng, Phật đản sanh đặng muôn thuở ca mừng. Cách đây hai ngàn sáu trăm ba mươi năm, vào ngày rằm tháng tư âm lịch, tại miền Trung nước Ấn Độ, Bồ tát Hộ Minh đã giáng trần, qua hiện thân của thái tử Sĩ - Đạt – Ta, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài đã vì lòng từ bi, sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sanh và thế gian, nên xuất hiện ở cõi Ta bà nầy. Về sau xuất gia, tu hành và thành đạo dưới cội Bồ Đề hiệu là Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ của ba cõi, bậc thầy của chư thiên và loài người.  Qua bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng giáo lý vô tận, những quy luật đạo đức để hướng dẫn con người hướng thiện và giải thoát. Nguồn ánh sáng vô lượng ấy đã soi sáng cho hành động, cho tư duy trên lộ trình giác ngộ và giải thoát của con người.

Chan hòa với niềm vui chung của Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn biển. Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 đã được tổ chức tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom và văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan vào ngày 26 – 29/5/2007 (Phật lịch 2550).

 Đúng 8.00 giờ sáng ngày 26/5/2007 Chư Tôn Đức cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các đoàn đại biểu và Phật tử xa gần quy tụ ở Buddhamonthon, Bangkok. Nơi đây trong nhiều màu huỳnh y trang nghiêm, chậm rải bước đi cùng được nối chân theo bởi những y phục dân tộc của nhiều đất nước tạo nên một hình ảnh uy nghiêm ấm cúng đạo vị, thật hiếm mà thấy ở một buổi lễ nào như vậy.

 Kế đến vào lúc 8 giờ 45, chương trình đại lễ Phật Đản được bắt đầu với sự dâng hương cúng dường Tam bảo của Hòa thượng tăng thống Thái Lan Phra Phutthacharn.

Chương trình đại lễ được bắt đầu ngay sau đó với bài báo cáo sơ lược của Thượng Tọa Giáo sư Tiến sĩ Phra Dharmakosajarn, Viện Trưởng trường đại học Mahachulalongkorn-rajavidyalaya, Chủ tịch hội đồng của Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc. (International Organizing Committee (IOC)

 Vào lúc 9g30 Hòa thượng Tăng Thống của Thái Lan, Phra Phutthachan chào hỏi Chư tôn đức Tăng Ni Phật tử, học giả và chúc phúc đến toàn thể đại biểu và đồng thời Ngài phát biểu khai mạc: “Ngày Phật Đản rất quan trọng đối với Phật giáo. Tất cả Phật tử đều biết ngày Đản sanh, ngày Thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật. Đó là ngày rằm tháng 5. Trong trường hợp đặc biệt này, tất cả người con Phật đều nhớ lại tấm lòng vị tha của Đức Phật và sự tồn tại của Đức Phật đã mang lại sự an lạc hòa bình cho nhân loại. Sự giác ngộ của Ngài đã trao ánh sáng trí tuệ cho chúng sanh, những người hết lòng khao khát muốn giảm bớt sự đau khổ và thấy được kết quả hợp lý. Phật pháp mầu nhiệm khi tự tu tập ở bản thân trong cuộc sống và đất nước sẽ được tốt đẹp hơn. Sự nhập Niết-bàn cuối cùng của Ngài làm tắt đi ánh sáng vĩ đại nhất của thế giới. Hàng triệu trái tim của người con Phật đang hướng về 3 ngày rằm này của Đức Phật như là ngày để nhân loại tưởng niệm tri ân công đức vô cùng lớn lao của Đức Phật.

… Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày Phật Đản là ngày quốc tế của Liên Hiệp Quốc vào ngày 13/12/2002 vì nhận thấy Phật pháp đã được lan truyền trong nhiều thế kỷ. Nhân loại đã chấp nhận và tin cậy vào Phật pháp như là nơi nương tựa cho mọi người trong thế giới này. Đây cũng là một hình thức kính trọng Đức Phật.

 Sau bức thông điệp khai mạc của Hòa thượng Tăng Thống là bài phát biểu của Thượng tọa Viện trưởng Phra Dharmakosajarn. Trong đó có đoạn viết “Kính bạch Chư Hòa Thượng, Chư Tôn Đức và kính thưa các vị khách quý cùng quý đạo hữu Phật tử:

“Được sự ủng hộ của Thủ tướng Thái Lan, nên buổi lễ đã diễn ra đúng với chương trình, có thể nói đây là niềm hoan hỷ chung của dân tộc Thái dành sự cao quý cho ngày đại lễ Phật đản. Tôi xin được thay mặt cho ban tổ chức quốc tế, Phật giáo Thái Lan, Hội đồng điều hành, Giáo sư, sinh viên trường đại học Mahachulalongkorn-rajavidyalaya, được bày tỏ niềm vui khi nhận được sự quan tâm của toàn thể quý vị đã về tham dự Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 năm 2007.

Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần này nhằm gắn bó tình hữu nghị tốt giữa những người con Phật khắp nơi trên thế giới và trao đổi ý kiến để đưa Phật Giáo phát triển hơn trong tương lai. Ngoài ra Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc cũng là dịp thuận lợi chúc mừng kỷ niệm khánh thọ lần thứ 80 của vua Thái Lan vào ngày 5 tháng 12 năm 2007. Đây là một đại lễ lớn nhất vừa chất lượng và số lượng. Về chất lượng, tôi rất lấy làm hân hạnh được chào mừng quý Hòa thượng Tăng Thống, quý Hòa thượng chứng minh của các tăng đoàn, các nhà lãnh đạo Phật giáo và các học giả như các viện trưởng và chủ tịch các trường đại học Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới. Về mặt số lượng, chúng ta có khoảng 1500 đại biểu và quan sát viên đến từ 61 quốc gia trên thế giới.

…Như quí vị đã biết, năm nay đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc được kết hợp với  ngày chúc mừng  khánh thọ lần thứ 80 của vua Thái Lan. Có thể nói thành quả của ngày Phật Đản như một món quà cao quí toàn dân Thái dâng lên đức Vua.  Do vậy đề tài chủ yếu của hội nghị Phật giáo năm nay là “Sự đóng góp của Phật giáo vào sự quản lý tốt và phát triển bền vững.”

… Chúng tôi cũng hy vọng hội nghị lần này như là một cơ hội hình thành một Hội Đại Học Phật Giáo Thế Giới (WBUS) làm cho chúng ta dễ dàng làm việc chung một cách hài hòa hơn để làm lợi cho cả thế giới.

 Vào lúc 9g45 là các bài diễn văn của Chư Tôn Đức lãnh đạo và các nhà lãnh đạo hội đoàn Phật giáo.

 Buổi chiều vào lúc 13g là phần tụng kinh cầu nguyện và thiền quán.

Tiếp theo đó vào lúc 15g là bài diễn văn khai mạc của công chúa Sirivannavari Nariratana. Công chúa phát biểu: “Thái tử của nhà vua Thái Lan đã yêu cầu tôi đại diện khai mạc Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc năm 2007, Phật lịch 2550.

… Đạo Phật đã dạy một chân lý vi diệu từ căn bản đến mức tối cao thông qua những yếu tố cơ bản dẫn đến một cuộc sống an lạc và hòa hợp là phải tự giải thoát khổ đau. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta nguồn gốc của sanh tử, sự giác ngộ giải thoát và sự nhập niết bàn đều vào ngày rằm. Vì thế tất cả người con Phật khắp năm châu trên thế giới đều tưởng nhớ đến ngày rằm Phật Đản thiêng liêng, một sự kiện hết sức trọng thể đặc biệt.

… Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej là một người Phật tử thuần thành, có một niềm tin vững chắc vào những lời Phật dạy và đang tu tập theo.

… Tôi rất vui khi thấy những người Phật tử đến từ những quốc gia khác nhau để làm lễ kỷ niệm chung ngày Phật Đản thiêng liêng tại Thái Lan và cũng để thảo luận đường hướng và phương cách truyền bá lời Phật dạy. Tôi hoan hỷ trong niềm tin của mọi người qua sự chứng minh, sự cố gắng và sự hy sinh đảm đương gánh vác trọng trách này.

 Nhân danh Thái Tử của nhà vua Thái Lan, vì lẽ đó, tôi xin khai mạc Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2007.”

 Kế đến là bài diễn văn của ông Phó Thủ Tướng Phaiboon Watthanasiritham. Ông phát biểu “Ngày rằm tháng 5 âm lịch là ngày cúng dường Đại Lễ Phật Đản. Đó là ngày Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết-bàn, đã là ngày tam hợp trong những năm khác nhau. Vì thế, nó quan trọng cho sự tưởng nhớ lại Đức Phật. Phật pháp thường đề cập đến ngày Đản Sanh, Thành Đạo và nhập Niết Bàn của Đức Phật. Đó cũng là ngày bày tỏ lòng biết ơn, tứ thánh đế, sự tưởng nhớ và sự giữ gìn. Tất cả Phật pháp của Đức Phật hướng tới nhân loại là lòng từ bi và sự kiên nhẫn đối với mọi người để đưa đến hòa bình trong cộng đồng thế giới. Vì thế, ngày Phật Đản cũng là ngày quan trọng cho thế giới.

Năm nay Phật lịch 2550, chính phủ hoàng gia Thái và tăng đoàn đã hình thành những hoạt động Phật giáo nhằm khuyến khích mọi người hiểu những yếu tố căn bản Phật giáo và áp dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày cho đến khi họ đạt được một mục tiêu tối cao: giảm đi những khổ đau.

Trong ngày Phật đản năm nay, tôi vô cùng vui mừng để có cơ hội ủng hộ đại lễ và những hoạt động khác nhau. Tôi muốn cám ơn tất cả những cơ quan và đoàn thể mà đã hoạt động để chứng minh sự tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật. Ngày này dựa theo sự ý thức của Phật tử và sự thấu hiểu trong chúng ta và những lợi ích trong cuộc sống của Phật tử.

Hơn thế nữa, đại lễ Phật Đản cũng giúp sự bền vững của Phật giáo và hòa bình cho xã hội toàn cầu trong tương lai.

 Lần lượt kế đến là các bài diễn văn của Chư Tôn Đức lãnh đạo và những nhà lãnh đạo hội đoàn Phật giáo.

 Ngày thứ hai 27/5/2007 vào lúc 8.00 giờ sáng Chư Tôn Đức cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các đoàn đại biểu và Phật tử xa gần quy tụ ở Hội Trường Liên Hiệp Quốc, Bangkok. Kế đến vào lúc 8 giờ 30 là phần nghi lễ chính thức tụng kinh và thiền quán.

Sau đó vào lúc 8g40 là phần chào đón quý vị khách quý như ông Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont, đại diện của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đại diện của Tổng Giám Đốc Liên Hiệp Quốc và đại diện của Tổng Hành Dinh ở Đông Nam Á.

Kế đến vào lúc 9g là lời chào mừng của Thượng Tọa Giáo Sư Tiến Sĩ Phra Dharmakosajarn. Ông Kim Hak-Su, Thư Ký Liên Hiệp Quốc đọc bài diễn văn của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và lời phát biểu của Tổng Giám Đốc Liên Hiệp Quốc.

 Tiếp theo sau là bài diễn văn chính của Thủ tướng Surayud Chulanont. Ông Thủ tướng đã phát biểu “Thật là một vinh dự cho Thái Lan được tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc trong vòng 3 năm liên tiếp. Đặc biệt năm 2007 này, người dân Thái cũng đang kỷ niệm lễ khánh thọ của đức vua, nó là một dịp may để chúng tôi tổ chức đại lễ lần thứ tư, và nhận được sự gia trì của nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo tâm linh.

Đối với riêng tôi, tôi tin những lời Phật dạy có thể hướng dẫn chúng ta tới một xã hội hòa bình và công bằng. Hơn 2500 năm qua, lời di huấn của Đức Phật về sự hòa bình và 3 yếu tố căn bản để huân tập là Giới, Định và Chân Như đã soi đường cho nhân loại. Chúng ta cũng biết rằng ba yếu tố huân tập này loại trừ những tấm lòng không nhân ái và tâm không thật qua lời nói và hành động. Với tấm lòng bác ái, hành động nhu hòa sẽ dẫn đến sự chân thật cho mỗi cá nhân và nới rộng ra cho một xã hội hòa bình.

Trong khi ấy, Phật pháp giúp chúng ta đạt được một xã hội công bằng. Năm giới là những quy tắc đạo đức, nhấn mạnh sự tôn trọng đời sống, tài sản và gia đình thông qua lời nói, sự tiêu dùng có ý thức của thực phẩm và nước uống. Một xã hội công bằng cũng là một xã hội không có phe phái cho nhóm này hay nhóm khác, tất cả đều được xem xét công bằng theo luật nhân quả.

… Thật là rõ ràng từ những lời chú giải ở trên, những lời dạy của Đức Phật đã hòa nhịp và góp phần vào sự hoạt động của quản lý tốt và đẩy mạnh sự phát triển. Như “Con đường trung đạo” tiếp tục truyền cảm ứng cho chúng ta hướng tới những mẫu mới của sự phát triển bền vững và xây dựng những xã hội công bằng và hòa bình. Tất cả chúng ta cần thi hành chỉ thị để tiếp tục giúp góp phần đem Phật giáo vào sự nâng cao tinh thần của nhân loại.

 Đúng 10g sáng lần lượt là các bài diễn văn của những vị lãnh đạo các tiểu bang.

 Trước khi kết thúc buổi sáng là bài diễn văn chính Sự đóng góp của Phật Giáo đến sự quản lý tốt” của Thượng Tọa Visuddhisamvara Thera (Ajahn Brahmavamso) ở Perth, miền Tây nước Úc. Thượng Tọa đã đề cập đến 4 vấn đề chính sau đây:

  1. Kỹ năng lãnh đạo
  2. Sự quyết định
  3. Giải quyết vấn đề
  4. Luật nhân quả

 Buổi chiều vào lúc 13g là phần thảo luận chuyên đề theo 2 nhóm. Nhóm hội thảo thứ nhất với chủ đề “Tương lai Phật giáo vào sự quản lý tốt và phát triển bền vững.” được điều hành bởi Đại Đức Tiến Sĩ Shi Ming Yi, Tổng giám đốc điều hành của trung tâm chăm sóc sức khỏe và bệnh viện Ren Ci, Singapore và trụ trì tu viện Foo Ch’an, Singapore và chùa Kun Chung, Hong Kong. Những người tham gia hội thảo gồm có 1. Giáo Sư Tiến sĩ Ian Harris trường đại học St Martin, Lancaster ở Anh quốc; 2. Giáo sư Oliver Abeyayake ở Tích Lan, nguyên là tổng giám đốc nghiên cứu và chủ nhiệm khoa trước đây tại trường đại học Phật giáo và Pali của Tích Lan ở Colombo (Tác giả của cuốn sách “Nền tảng của tổ chức Phật giáo, Singapore, 2005); 3. Ông Phallop Thaiarry ở Thái Lan, Tổng Thư Ký danh dự của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới và là Tổng giám đốc của công ty cho mướn xe quốc tế ở Thái Lan; 4. Bà cử nhân Claudine Shinoda ở Pháp, Chủ tịch Hội Phật Giáo Âu châu (Dịch giả kinh Pháp Hoa, hoa sen trắng của luật tuyệt diệu bằng tiếng Pháp.) Nhóm hội thảo thứ hai với chuyên đề “Các trường đại học Phật giáo được điều hành do Đại Đức Tiến Sĩ Khammai Dhammasami, Tiến sĩ triết học phân khoa Phật Giáo tại trường đại học Oxford ở Anh quốc. Những người tham gia hội thảo gồm có 1. Sư Cô Tiến Sĩ Yifa, Giáo sư đại học phân khoa tôn giáo ở tường Đại học của phía Tây, Mỹ quốc; 2. Thượng Tọa Giáo Sư Geshe Ngawang Samten, Viện Trưởng và Tổng Giám Đốc của Học Viện Trung Tâm Nghiên Cứu Tây Tạng Cao Cấp ở Sarnath, Ấn Độ; 3. Tiến sĩ Tamás Agócs ở Budapest, Giám Đốc Ngoại Giao cho trường Đại học Phật Giáo Budapest ở Hungary. 4; Hòa Thượng Tiến Sĩ Ashin Nyanissara, Hiệu trưởng danh dự Học Viện Phật Giáo Quốc Tế Sitagu ở Miến Điện và Chủ Tịch của Hội Đại Học Phật Giáo Nguyên Thủy; 5. Giáo sư Chisho Namai, nguyên là Chủ Tịch và Tổng Giám Đốc của Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Phật Giáo Esoteric tại trường Đại học Koyasan ở Nhật Bản. 6; Thượng Tọa Giáo Sư Lê Mạnh Thát, quyền Viện Trưởng Đại Học Phật Giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có sự hưởng ứng của 1 vài vị như 1. Giáo sư Tiến Sĩ Richard Gombrich, Giáo sư Emeritus và Tổng Giám Đốc học viện, Trung Tâm Oxford Chuyên Ngành Phật Giáo, Đại Học Oxford ở Anh quốc; 2. Giáo Sư Tiến Sĩ Tim Cobum ở Harvard, Chủ Tịch Đại Học Naropa, Mỹ quốc; 3. Đại Đức Weiwu, MSC ở Tân Tây Lan, Chủ Tịch Sáng Lập Hội Đồng Cao Đẳng Phật Giáo Quốc Tế, Hat Yai/Penang.

Sau buổi hội thảo vào lúc 16g chỉ có quý quan khách quan trọng và đại biểu danh dự được đưa về trung tâm Phật Giáo Quốc Tế ở Buddhamonthon để thưởng thức chương trình ca múa dân tộc của các nước cùng chúc mừng ngày khánh thọ 80 tuổi của vị vua đạo đức vĩ đại, người mà được khai tâm một nền kinh tế đầy đủ.

 Qua ngày thứ ba 28/5/2007, cũng vào lúc 8.00 giờ sáng Chư Tôn Đức cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các đoàn đại biểu và Phật tử xa gần được đưa đến Hội Trường Liên Hiệp Quốc, Bangkok. Đúng 8g30 sáng là các thời tụng kinh và thiền quán của các đạo tràng Phật giáo ở các nước. Kế đến vào lúc 8g45 là các bài diễn văn và phát biểu của Chư Tôn Đức và các tổ chức Phật giáo ở Thái Lan, bên cạnh đó cũng có 4 nhóm hội thảo chuyên đề về các trường đại học Phật giáo từ 8g45 đến 11g.

Tiếp theo đó vào lúc 10g là buổi thuyết pháp chính của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đến từ Làng Mai, Pháp quốc với chủ đề “Sự đóng góp Phật giáo cho sự quản lý tốt và phát triển bền vững.” Trong suốt thời gian Hòa thượng Nhất Hạnh thuyết pháp, hàng ngàn Chư Tôn Đức cùng các vị đại biểu đã tập trung nghe với một bầu không khí thật thanh tịnh.

 Buổi chiều vào lúc 13g có 6 nhóm thảo luận với các chủ đề sau đây:

  1. Phật giáo và Sự quản lý tốt
  2. Sự phổ biến Phật giáo qua kỹ thuật tiên tiến
  3. Sự bảo quản và sự giới thiệu những nghệ thuật Phật giáo
  4. Thiền quán và sự phát triển con người
  5. Hội nghị chuyên đề về các trường đại học Phật giáo
  6. Thư viện điển tử Phật giáo

 Trước khi ra về các phái đoàn được đưa đến chùa Phra Kaew để làm lễ cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej trong ngày khánh thọ 80 tuổi này.

 Sáng ngày 29/5/2007 cũng vào lúc 8.00 giờ Chư Tôn Đức cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo, các đoàn đại biểu và quan sát viên được đưa đến Hội Trường Liên Hiệp Quốc, Bangkok. Vào lúc 8g30, các thời tụng kinh của các đạo tràng Phật giáo lần lượt diễn ra để cầu nguyện cho thế giới hòa bình.

Kế đến lúc 9g30 là hội nghị chung để báo cáo từ các nhóm thảo luận, theo sau là buổi thảo luận mở rộng do Thượng Tọa Quảng Ba, Úc châu điều hành.

Buổi chiều vào lúc 13g là các bài diễn văn của Chư Tôn Đức và các nhà lãnh đạo Phật giáo.

 Phần tiếp theo vào lúc 15g được Thượng Tọa Giáo Sư Tiến Sĩ Phra Dharmakosajarn, Viện Trưởng Đại Học Mahachulakornrajavidyalaya và Chủ Tịch của IOC trong Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tuyên đọc quyết nghị Bangkok và sự đồng ý của các trường đại học Phật Giáo cũng như lời cảm tạ.

 Được biết Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào ngày 13-18/5/2008 tại Việt Nam. Huy hiệu đăng cay tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 5 năm 2008 được trao cho Hòa Thượng Thích Trí Tâm, Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát và Đại Đức Tiến Sĩ Thích Nhật Từ cùng với đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan.

 Cuối cùng vào lúc 15g30, Hòa thượng Tăng Thống Thái Lan Phra Phuttacharn đã ban đạo từ bế mạc Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc.

 Trước khi chia tay, các phái đoàn được đưa đến trung tâm Phật Giáo Quốc Tế ở Buddhamonthon để đốt đèn cầu nguyện và đi nhiễu vòng quanh tượng đài của đức Phật đứng.

Trong không khí tưng bừng náo nhiệt của đêm đốt đèn giữa hàng ngàn Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử xa gần đến từ 61 nước trên thế giới, bầu không khí sinh động bỗng nhiên khép lại thật cảm động để tiễn đưa mọi người trở về lại trụ xứ của mình. Qua 4 ngày Đại Lễ, không ai không có sự cảm động với lòng hiếu khách của nước Thái Lan, đặc biệt là sự chu đáo của ban tổ chức cho đến các em sinh viên thiện nguyện. Đúng là mang tinh thần của người Phật tử nên tấm lòng từ bi bác ái, đoàn kết đã có sẵn trong tâm của người dân Thái. Trước khi nói lời chia tay lên máy bay, mọi người đều nuối tiếc kỷ niệm của những ngày đại lễ vừa qua và thầm tri ân ban tổ chức, chính phủ, những em sinh viên, những người cảnh sát và những người dân Thái Lan đã nồng nhiệt đón tiếp lo lắng chu đáo cho Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 được tổ chức thành tựu viên mãn./. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/phatdan_thailan_lan4.htm

 


Vào mạng: 13-6-2007

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang