Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ý NGHĨA VỀ HÌNH TƯỢNG ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT
Khải Tâm

@ ] ?

“Trống đánh vang lừng, chuông nhẹ ngân
Không gian xa cách nối thêm gần
Nguồn vui bừng dậy trong tin tưởng
Kỷ niệm ngày xưa Phật giáng trần”[1].
Hàng năm, cứ mỗi độ trăng tròn tháng 4 âm lịch, thì ở khắp mọi nơi, những người con Phật cùng hân hoan, trang trọng cử hành đại lễ kỉ niệm ngày đản sanh đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ngày mà hơn 2500 năm về trước, “một chúng sanh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian nầy, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mãn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người.” (kinh A Hàm).
Ngày nay, dù hơn 25 thế kỷ đã trôi qua với bao biến đổi thăng trầm của thời  cuộc, dù cả nhân loại đang tận hưởng nền văn minh vật chất của sự tiến bộ khoa học kĩ thuật, dù thế giới có biết đến Ngài là một đức Phật lịch sử, một nhân vật có thật; nhưng hình tượng một bậc siêu nhân mang tính huyền thoại nơi Ngài vẫn còn in đậm trong lòng những người con Phật. Cho nên, để không lạc vào mê tín, sùng bái đức Phật như Thượng đế, một vị thần linh ban phước; cũng như để xác định rõ niềm tin tôn giáo, một tín ngưỡng đúng nghĩa, chúng ta thử tìm hiểu thâm ý hình tượng đản sanh của đức Phật.
 
Theo Kinh Đại Bản[1], Bồ Tát trong thai mẹ 10 tháng mới sinh ra. Mẹ Bồ tát đứng mà sanh. Khi sanh ra, chư thiên đỡ Ngài trước, sau mới đến loài người. Thân Bồ Tát không đụng đến đất, có bốn thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ mà thưa : “Hoàng hậu hãy hoan hỷ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân”. Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt hoặc máu mủ nào. Có hai dòng nước từ hư không hiện ra, một nóng một lạnh tắm rửa sạch sẽ cho Bồ Tát và bà mẹ. Ngài đứng vững trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương rồi thốt lời lớn như con Ngưu vương : “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh đời này nửa”.
Truyền thống kinh Bắc tạng cho rằng Thái tử sanh ra từ bên hông hữu của Hoàng hậu[1]. Và Ngài cũng bước bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất mà nói rằng: “ trên trời và dưới đất chỉ có Ta là hơn cả.” Bấy giờ, một hào quang kỳ diệu … chiếu khắp mười nghìn thế giới, các thế giới đều chấn động, rung động.
Nói chung, những yếu tố mang tính huyền sử đều có ghi trong Kinh Vị Tằng Hữu Pháp thuộc Kinh Trung A Hàm và Kinh Đại Bổn thuộc Kinh Trường Bộ, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp thuộc Kinh Trung Bộ.
Và với hình ảnh một đức Phật lung linh huyền thoại như kinh văn miêu tả đó đã ít nhiều để lại trong lòng hàng Phật tử một niềm tin sâu xa. Điều nầy cũng không khó hiểu. Bởi lẽ, bất cứ một Tôn giáo nào, vị giáo chủ cũng được “thần thánh hoá”, được tôn thờ như một thần linh ban ơn giáng phước cho trần thế, cho người cầu khẩn. Đức Phật của chúng ta cũng không ngoài thông lệ ấy.
Tuy nhiên, yếu tố huyền sử của đức Phật đản sinh đã xuất phát từ trong hiện thực mà cuộc đời Ngài là một minh chứng. Từ khi sinh ra, lớn lên, xuất gia, tu học và thành đạo cho tới khi Niết Bàn, mỗi bước chân của người là sự hóa hiện bi nguyện độ sanh, mang tình thương, an vui,  hạnh phúc đến cho muôn loài.
Một triết gia hiện đại có nói: “ Cho dù Thượng đế có tạo ra con người chăng nửa thì sự hiện hữu của Thượng đế cũng phải biểu hiện qua sự hiện hữu của con người”.
Là Phật tử, chúng ta phải hiểu chính xác về cuộc đời Ngài để không mang tội huỷ báng. Như trong một bài kinh đức Phật có nói rằng những ai tin mà không hiểu Ngài tức là huỷ báng Ngài.
 
Thật vậy, nói về đức Phật, nếu ta chỉ dựa trên quan điểm lịch sử hay tin suông theo huyền thoại thì chưa đủ. Ta phải kết hợp giữa đức Phật lịch sử và đức Phật huyền thoại thì mới có thể khắc hoạ được một cách hoàn mỹ chân dung con người siêu việt ấy.
Lịch sử đã ghi nhận sự hiện hữu của đức Phật trên thế gian nầy cách nay hơn 25 thế kỷ: Đó là một nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại.
Năm 1986 nhà khảo cổ người Anh Cuningham đã khai quật được một trụ đá trong số 4 trụ đá do vua A Dục chôn để ghi lại nơi chốn đã gắng liền với lịch sử của đức Phật, thường gọi là Tứ Động Tâm. Trên trụ đá có khắc năm dòng chữ:
- Năm Thiện Ái Thiện Kiến thứ 25 vua A Dục đích thân đến đây chiêm bái.
-  Đức Phật Đà, dòng họ Thích Ca đi xuất gia, Đản sinh nơi đây.
- Vua sắc dựng thanh trụ để kỉ niệm nơi Ngài đản sinh.
- Thôn Lâm-tỳ-ni, nơi Phật đản sinh được mie?n thuế.
-  Đó là hồng ân Phật đối với nơi Ngài đản sinh.
Y cứ vào trụ đá được khai quật, Tây phương xoá bỏ quan niệm cho rằng đức Phật là nhân vật huyền thoại và chấp nhận là một nhân vật lịch sử, vì theo Tây phương, trụ đá đó chính là bản khai sinh của đức Phật.
Còn đối với công chúng, tín ngưỡng dân gian, ta phải hiểu về một đức Phật huyền thoại như thế nào để có thể chấp nhận được trong thời hiện đại? Ở đây, hình ảnh Đản sanh là được nhiều người luận bàn nhất.
Đản sanh là gì?
Thường danh từ trong nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong cõi đời nầy người ta thường dùng hai chữ Đản sanh (nghĩa là một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời); hay Thị hiện (nghĩa là hiện ra bằng xương bằng thịt cho con mắt trần chúng ta nhìn thấy được); hay Giáng sinh (nghĩa là từ một chỗ cao xuống một chỗ thấp). Cả ba từ nầy đều chỉ sự ra đời của đức Phật. (Nó khác sự ra đời của người phàm thì gọi là “đầu thai”).
Đức Phật ra đời đã mang đến cho nhân gian suối nguồn hạnh phúc của đạo Từ bi và chỉ đường cho chúng sanh đi từ bờ mê sang bến giác. Quả như lời nhà hiền triết A Tư Đà đã tiên đoán sau khi được vua Tịnh Phạn mời vào cung xem tướng cho Thái tử (lúc mới vừa sinh ra). Ông khẳng định: Nếu Thái tử ở ngôi vua sẽ là một đại đế thống nhiếp thiên hạ,ï đem lại an lành cho trăm họ. Còn nếu xuất gia, Thái tử sẽ thành bậc đại giác cao cả, trí tuệ tuyệt vời, có cái nhìn siêu tuyệt, phán nhận vũ trụ nhân sinh một cách xác đáng. Từ đó là một đạo sĩ chỉ dẫn cho con người đường hướng xây dựng bản thân, gia định và xã hội hạnh phúc đẹp tươi, cao hơn là giác ngộ giải thoát. Giác ngộ sự thật của muôn vật, giải thoát mọi ưu phiền của vô minh, tham ái chấp trước, sinh tử luân hồi.
Phải chăng những lời tiên tri xác thực đó đã được phát ra từ những biểu hiện hy hữu về sự đản sanh của đức Phật?
Chúng ta cũng biết, ở các nước Đông phương, sự ra đời của các bậc Thánh nhân bao giờ cũng được thần thánh hóa bằng những huyền thoại.
…Như  bà Nhan Thị  (mẹ Khổng Tử), sau khi đến núi Ni sơn cầu tự về thì đêm hôm đó nằm mộng thấy Hắc Đế bảo rằng bà sẽ sanh được Thánh tử và phải vào trong hang núi Không Tang để sanh. Khi tỉnh dậy thì bà biết mình có thai.
Lần khác, đang lúc bà mơ mơ màng màng như người chiêm bao thì chợt thấy có một ông già đến đứng ở trước sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo 1 con thú giống như con trâu con mà lại có 1 sừng, mình có vằn. Con thú thấy bà liền nằm phục xuống và nhả ra 1 cái ngọc xích. Hôm sau hỏi lại chồng thì mới biết đó là con Kỳ Lân. Kỳ Lân xuất hiện, theo sự tin tưởng của người Trung Hoa thời xưa là điềm báo trước có bậc Thánh nhân ra đời.
Khi sinh Khổng Tử thì có hai con rồng xanh từ trên trời bay xuống nằm phục ở hai bên sườn núi và có 2 vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho bà Nhan Thị. Gội xong thì biến đi. Khi bà lâm sản, bổng thấy trong hang đá có 1 suối nước nóng chảy ra để bà tắm, tắm xong thì suối cạn ngay.
Ở Việt Nam thì có bà Ngô Thị Ngọc Dao khi mang thai vua Lê Thánh Tông cũng đã nằm mơ thấy trời sai tiên đồng giáng trần..v.v.
Thế nên, sự ra đời của một bậc siêu phàm như Đức Phật dẫu có thần thánh hóa cũng là điều tất nhiên và dễ hiểu.
Truyền thuyết kể rằng Hoàng hậu Ma Da chiêm bao thấy voi trắng sáu ngà từ trên không trung xuống và ẩn vào bên hông bên phải ; sau đó bà thọ thai.  Voi trắng 6 ngà là một biểu tượng của Bồ tát với hạnh nguyện cứu đời. Voi tượng trưng cho sức mạnh, một sự hùng dũng luôn hướng về phía trước. Sáu ngà biểu đạt hình tượng Bồ tát thành tựu Lục độ Ba la mật (Bố thí, trì giới, nha?n nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ).
Và Thái tử cũng được sinh ra từ bên hông bên phải. Điều nầy cũng không khó hiểu đối với người  Ấn vốn xem bên phải là thiêng liêng, mầu nhiệm. Bằng chứng là họ luôn đặt hình tượng tôn kính về phía bên phải. Như vậy, bên phải biểu tượng cho sự tốt đẹp thuận chiều; tức là thuận chiều Niết Bàn và nghịch chiều sinh tử. Thái tử (hiện thân của Bồ-tát) là một bậc siêu phàm, thân tâm thuần khiết, sạch trong, “cư trần bất nhiễm trần”, không bị cuốn hút bởi dòng xoáy của luân hồi sinh tử. Trái lại, Ngài đã vượt thoát mọi khổ đau ràng buộc của dục trần và đem chân lý giác ngộ giải thoát độ người cùng vượt thoát. Thái Tử  sanh ra từ hông hữu cũng có nghĩa là Thái Tử bước ra khỏi phạm trù đối đãi nhị nguyên “phải – trái, tốt – xấu, thương – ghét…” mà từ vô thỉ kiếp chúng sanh đã chấp chặt.
Còn việc Thái Tử sanh bằng đường hông thì cũng có những suy luận như vầy:  Có thể là do Hoàng hậu cận ngày sanh nở mà đi lại nhiều (xa giá từ hoàng cung tới vườn Lâm Tỳ Ni bằng xe bò hay xe ngựa cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức) làm ảnh hưởng đến thai nhi (?) Rồi khi Bà với tay cao (định hái hoa Vô Ưu) làm động bào thai (?) Và cũng có thể vì Hoàng hậu lớn tuổi mới có mang (trên 40 tuổi mới thọ thai) nên sanh nở khó, phải nhờ đến sự pha?u thuật (?) [1]
Thái tử vừa sinh ra liền bước đi bảy bước trên bảy hoa sen “bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc”, mà không cần người nâng dắt. Tại sao chỉ là bảy bước mà không phải con số nào khác hơn như năm bước, sáu bước hay tám bước chẳng hạn? Về điều nầy thì cũng có nhiều bản kinh viết, tuy có khác đôi chút nhưng con số 7 vẫn là thuyết chung. Có rất nhiều người giải thích khác nhau nhưng vẫn cùng chung ý nghĩa: Con số 7 là con số tốt lành giống như người Trung Hoa xem con số 9 là con số kiết tường vậy.
Số 7 là “con số huyền học Đông phương” mà người Ấn rất xem trọng. Có người giải thích Thái tử đi bảy bước là vì Ngài là vị Phật thứ bảy, tiếp nối sáu vị Phật đi trước là Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và tới ngài là Phật Thích Ca.
Hoặc theo tư tưởng Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ không ngoài con số 7: Trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Từ vật nhỏ như vi trần đến vật lớn như núi Tu Di, tất cả đều không ngoài con số 7.
Hoặc bảy bước tượng trưng cho ba yếu tố (quá khứ - hiện tại- vị lai) và bốn chiều không gian (Đông- Tây- Nam- Bắc).
Hoặc bảy bước chỉ cho:
-Thất đại: Địa đại (đất), thuỷ đại (nước), phong đại (gió), hoả đại (lửa), hư không đại, kiến đại và thức đại.
-Thất Bồ Đề Phần (Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả).
-Và mười thứ “Bảy pháp” trong kinh Thập Thượng thuộc kinh Trường Bộ I (7 tài sản, 7 giác chi, 7 thức trí, 7 tùy miên,  7 phi diệu pháp, 7 diệu pháp, 7 thượng nhân pháp, 7 tưởng, 7 thù diệu sự, 7 lậu tận lực)[1].
Không riêng gì Ấn Độ, con số 7 từ bao đời đã là con số thiêng liêng gắn liền với tư tưởng văn hóa của loài người như:
-         Mỗi tuần gồm có 7 ngày.
-         Kinh Thánh Thiên Chúa giáo cho rằng Thượng đế sinh ra vũ trụ trong 7 ngày.
-         Đời Chu–Tần ở Trung Quốc có 7 vị hiền triết là Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Mặc Tử và Hàn Phi Tử.
-         Trong nhạc lý có 7 âm bậc là: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si.
-         Thất ngôn của thơ Đường.
-         Thất diện (7 tinh tú của thiên văn học) là: Thủy tinh, Kim tinh, Hỏa tinh, Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên vương tinh, Hải vương tinh
-         Thất tịch (mùng 7 tháng 7).
Về hình ảnh bảy hoa sen dưới gót chân Ngài thì có người nói là biểu trưng cho sự thành Phật của bảy hàng đệ tử Phật gồm: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức Xoa ma na, Ưu bà tắc và Ưu bà di.
Tất cả các hình tượng Phật, Bồ Tát đều đứng trên hoa sen vì hoa sen có tính chất đặc thù mà các loài hoa khác không có: Mọc ở bùn mà không nhiễm bùn, hoa trái kết cùng một lượt, ong bướm không đến hút mật, các thiếu nữ không lấy cài tóc, hoa nở trước bình minh.
Hoa sen không những là một loài hoa tinh khiết (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn), mà còn có một số phẩm chất như hương (thơm), tinh (sạch), nhu nhuyến (mềm mại) và đáng yêu. Đó cũng chính là hình ảnh đẹp của Đức Phật, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không nhiễm mùi đời, sống trong trần mà không nhiễm trước. Là biểu tượng cho tinh thần nhập thế của Phật giáo mà phương ngữ thường dùng là “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “cư trần bất nhiễm trần”  như hoa sen mọc trong bùn mà vẫn nở hoa thơm.
Thái tử đứng vững trên đoá sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói rằng: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tôn quý.”
“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sanh tử
Ư kim tận hỉ.”
Câu này cũng có nhiều thuyết ghi khác nhau nhưng ý nghĩa lại tương đồng. Câu nói chính yếu vẫn là “trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tôn quí.” Câu còn lại thì mỗi bản mỗi khác. Hoặc là Ta ra đời để làm an ổn chúng sanh trong tam giới khổ đau, hoặc độ hết sanh lão bệnh tử của chúng sanh, hoặc nói đây là tối hậu thân của ta …  Tất nhiên câu “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn “trong các kinh là nhất quán”.
Thoáng nghe qua chúng ta dễ dàng cho là đức Phật tự cao tự đại! Bởi vì chúng ta cho rằng cái Ta này là cái Ta của Thái tử Tất-Đạt-Đa, một cái “Ta-Ngã” sinh diệt như trăm ngàn cái Ta của chúng sanh khác… Nếu hiểu như vậy thì giải thích thế nào đây với câu nói khiêm hạ bất hủ của đức Phật: “Suốt 45 năm (hay 49 năm) thuyết pháp ta không nói một lời” ?
Hay nếu nói cái Ta đó là cái Ta của thân ngũ uẩn “duyên sanh giả hiệp”, là cái Ta của 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì trái với qui luật vô thường và  giáo lý vô ngã của đạo Phật, “Phàm sở hữa tướng giai thị hư vọng”.(kinh Kim Cang). Sự thật cuộc đời hễ hữu hình thì hữu hoại, không một chúng sanh nào thoát khỏi sự khổ não của sanh già bệnh chết. Cho nên, cái Ta ở đây chắc chắn không phải là cái Ta của sanh diệt mà là cái “Ta chân thật”. Đó chính là Chơn ngã, Chơn tâm, Phật tánh, là bản tâm thanh tịnh, là Tâm Viên giác, là Phật tri kiến, là xa l?a tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó bản chất nó không có tên nên nó có rất nhiều tên. Nó không có hình tướng nên không bị huỷ diệt. Nó trùm khắp cả không gian và thời gian.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh, đức Phật dạy: “Ngã tức là nghĩa Như Lai Tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ đời nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được”. Cái ngã này tất cả chúng sanh đều có, không ai hơn không ai kém. Nhưng vì chúng ta đã bỏ quên, chưa nhận ra được nó nên cứ mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi.[1] Ví như gã cùng tử có hạt châu trong chéo áo mà không hay biết nên cứ mãi lang thang nghèo khổ.
Và đức Phật đã chỉ cho chúng ta nhận ra cái “Ta” cao quý đó qua quá trình tự thân tu tập, hành trì, chứng ngộ và thành tựu trí tuệ vô thượng, giải thoát Niết Bàn của Ngài. Cùng với lời tuyên bố  “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” vì “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Như vậy, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” không phải chỉ cho cá nhân đức Phật, không phải chỉ cho cái Ngã sinh diệt mà chính là cái Chơn Ngã chẳng hề sanh, chẳng hề diệt mà ai ai cũng có.  Cái Ngã đó mới thật là cái “Ta tôn quí”.
 
Tóm lại, đối với sự ra đời của một bậc vĩ nhân bao giờ cũng có những yếu tố huyền sử mà ít nhiều là do con người xây dựng nên để tạo sự khác biệt với người thường, đồng thời cũng là để phù hợp với quan niệm của người phương Đông.
Cho nên, bên cạnh một đức Phật lịch sử, chúng ta còn có một đức Phật huyền thoại, một đức Phật truyền thuyết. Nhờ hình ảnh đức Phật huyền thoại nầy mà có niềm tin sâu xa trong lòng dân gian. (Tin và quy ngưỡng chứ không phải là mê tín). Điều nầy đã được khẳng định qua lời dạy của đức Phật mà những Phật tử chân chính đã vâng giữ tu trì.
Tuy nhiên, việc tìm hiểu nghĩa lý thâm sâu qua cuộc đời huyền thoại của đức Phật là rất cần thiết với những ai “bước đầu học Phật”. Cũng như, để thiết lập sự truyền thông với Phật, để xứng đáng là Thích tử Như Lai, chúng ta phải ứng dụng lời dạy của Phật vào trong đời sống hàng ngày. Vì rằng đạo Phật là đạo thể nghiệm. Không có sự tu tập chúng ta sẽ không có nguồn an lạc. Thế nên, ngoài việc học Phật chúng ta phải ý thức nỗ lực hành trì , thực tập chánh niệm tỉnh giác, để trong từng phút giây của cuộc sống, chúng ta luôn có một đức Phật đản sanh.
 
 
 
 
Phụ đề:
( Xác định niên đại
Về ngày tháng đức Phật đản sanh thì có nhiều thuyết khác nhau. Nguyên nhân sai lệch là do ba điểm sau:
- Vì sự phức tạp về ngày tháng của lịch Ấn Độ.
- Vì ảnh hưởng chấp trước của dân tộc Hán.
- Vì tình trạng bị động của những vị dịch kinh.
Qua đó có thể kết luận như sau:
- Bộ Tây Vực Ký (Bắc tông) nói : Phật Đản ngày 15 âm lịch. Thuyết Đâu Suất giáng trần cũng nói nhằm ngày 15 (trăng tròn).
- Tạp chí Hiện đại Phật học của Hội Phật học Trung Quốc khẳng định: ngày 8 tháng 4 bị ảnh hưởng của tư tưởng Hán tộc.
- Bộ sách nhan đề Đạo Phật của Phật giáo Liên Xô cũ (Mật tông) nói rõ: Phật Đản Pu-rơ-ni-ma là ngày trăng tròn của tháng Vaisakha.
- Nam tông chỉ nói một điều: Ngày trăng tròn.
Nghĩa là, tất cả những ngày mùng 8 tháng âm lịch không bao giờ có ngày trăng tròn.
Về năm sinh của Phật cũng có nhiều thuyết. Nguyên nhân là do quan niệm, do suy luận, do dựa vào những cứ liệu khác nhau … nhưng cơ bản có lẽ do ảnh hưởng đặc điểm tư duy của người Ấn Độ. Người Ấn Độ xưa, không đặt nặng vấn đề thời gian. Chính vì vậy mà lịch sử Ấn Độ xưa thường không chú trọng ghi chính xác ngày tháng. “…người Ấn chú ý đến những điều giáo huấn, nghi thức hơn là tính chính xác của lịch sử.”  (Nguyễn Tấn Đắc – Văn hoá Ấn Độ).
Tuy nhiên có ba thuyết gần như nhau:
- Theo “Chúng thánh  điển ký” Phật đản sinh năm 565 trước Tây lịch và Niết Bàn năm 483 trước Tây lịch.
- Theo các nhà khảo cổ Tây phương, Phật sinh năm 563 trước Tây lịch và Niết Bàn năm 483 trước Tây lịch.
- Theo Hội Phật giáo Thế giới, Phật đản sinh năm 624 trước Tây lịch và Niết Bàn 544 trước Tây lịch.
Phật lịch mà chúng ta đang sử dụng là theo sự phán quyết của Hội Phật giáo Thế giới.

SÁCH THAM KHẢO.
1/ HT.Thích Minh Châu, kinh Trung Bộ, tập III, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam,1992.
2/  HT.Thích Minh Châu, kinh Trường Bộ, tập I, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam,1992.
3/ Thích Đạt Đạo, Cuộc đời Đức Phật, (tài liệu giảng thuyết), Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.
4/ HT. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển 1, NXB Tôn Giáo, TP.HCM, 2002.
5/ Trần Phương Lan dịch, Đức Phật Lịch Sử, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997.
6/ HT. Thích Thiện Siêu, Kinh Trung A Hàm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
7/ Thích Minh Tuệ, Phật và Thánh chúng, Thành hội Phật giáo TP. HCM ấn hành, 1994.
8/ Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, NXB TP.HCM, TP.HCM, 1999.
9/ Báo Giác Ngộ, số 226  (27/05/2004).
10/  http:// www. quangduc.com

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/ynghiahinhtuongdansanh.htm

 


Vào mạng: 28-4-2009

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang