- Có Một Sự Thật
- Quảng Minh
Có một sự thật mà chỉ sau
khi Đức Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni) ngộ đạo thành Phật dưới cội bồ đề
mới được hiển bày cho thế gian này, đó là "sự thật về pháp
duyên khởi."
Sự thật về pháp duyên khởi hay còn gọi là
duyên sinh pháp mà theo đó mọi sự vật (pháp) đều giới hạn, tương đối,
và phụ thuộc lẫn nhau. Đây là thuyết tương đối của Phật giáo.
Nguyên tắc của lý thuyết này được tóm tắt trong một công thức gồm 4
hàng:
Cái này có thì cái kia có;
Cái này sinh thì cái kia sinh;
Cái này không có thì cái kia không có;Br>
Cái này diệt thì cái kia diệt.
Theo nguyên tắc của lý duyên sinh về điều kiện
tính, tương đối tính và tính tương quan, tương liên thì toàn thể sự
sinh tồn và tiếp tục sinh tử của con người, cùng sự chấm dứt sinh tử
được giải thích trong 12 nhân duyên sinh khởi: 1) vô minh duyên hành, 2)
hành duyên thức, 3) thức duyên danh sắc, 4) danh sắc duyên lục nhập, 5) lục
nhập duyên xúc, 6) xúc duyên thọ, 7) thọ duyên ái, 8) ái duyên thủ, 9) thủ
duyên hữu, 10) hữu duyên sinh, 11) sinh duyên , 12) lão, tử, ưu bi, khổ não.
Đây là quá trình theo đó sự sống đã phát sinh, tồn tại và tiếp diễn.
Nếu ta đảo ngược quá trình, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của sinh tử.
Trong mười hai chi phần nhân duyên thì ái và thủ
là những nguyên nhân trực tiếp và rõ rệt nhất tạo nên toàn bộ khổ uẩn
tập khởi. Khi tham ái và chấp thủ đoạn diệt, thì toàn bộ khổ uẩn
đoạn diệt. Ái là ý niệm sai lầm về ngã phát sinh vì vô minh. Do con người
ái sắc, ái thọ, ái tưởng, ái hành, ái thức, nên khi sắc, thọ, tưởng,
hành, thức ấy bị biến đổi, bị hoại diệt mới sinh sầu, bi, khổ,
ưu, não. Khổ đau chính là lòng khát ái. Đức Phật dạy: "Thế gian
thiếu thốn, khát khao và bị nô lệ cho dục vọng." Ở đâu có dục vọng,
có tham ái thì ở đó có chấp thủ. Do chấp thủ ngũ uẩn là mình, là tự
ngã của mình nên con người cứ rơi vào bất hạnh khổ đau. Bát nhã Tâm
kinh chép: "Thấy năm uẩn là Không (vô ngã) thì liền thoát ly hết mọi
khổ ách" (Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách).
Năm uẩn là thân tâm (ngã) và thế giới của thân tâm chúng ta (pháp). Thấy
năm uẩn vô ngã thì sẽ lìa xa mọi chấp thủ (ngã chấp và pháp chấp)
mà đoạn tận khổ đau.
Quán sát lý duyên sinh tức là quán sát sự sinh
diệt của các pháp theo định lý duyên sinh và duyên diệt của nó; thấy
rõ rằng các pháp sinh và diệt liên tục trong tư thế tương quan tương duyên
với nhau, không một pháp nào tự nó có mặt mà không liên hệ đến pháp
khác và không một pháp nào diệt đi mà không kéo theo sự đoạn diệt của
các pháp khác. Nói cách khác, mọi sự, khi được thấy và hiểu trong tương
quan đích thực của nó, thì không phải là những thực thể độc lập mà
hỗ tương lệ thuộc với mọi vật khác. Đức Phật so sánh vũ trụ như một
cái lưới rộng lớn dệt bằng vô số hạt châu chiếu sáng (Phạm võng),
mỗi hạt có vô số góc cạnh. Mỗi hạt châu phản chiếu vô số hạt
khác trong lưới, và là một với những hạt khác.
Quán sát lý duyên sinh cũng có nghĩa là quán sát
các pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã. Đây là cái nhìn giác ngộ
của chư Phật mở ra cho tất cả những ai mong muốn tìm thấy chính mình
và tìm thấy sự thật ở trên cõi đời này đúng như sự thật. Đức Phật
gọi các pháp là vô thường bởi tính chất của chúng là sinh diệt, biến
dị, có rồi không. Các pháp sinh diệt, biến đổi gây đau khổ cho loài hữu
tình, những chúng sinh còn tham ái và chấp thủ, nên gọi là khổ. Tất cả
các pháp hữu vi đều do duyên sinh, không có thật sinh hay thật diệt,
"vô tự tính" nên gọi là vô ngã. Với định thức duyên khởi,
cái này có vì cái kia có, do đó không một pháp nào tự hữu, như vậy, pháp
do duyên khởi nên gọi là "Không." Như vậy tất cả các pháp hữu
vi, dù được nêu rõ dưới hình thức ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát
giới đều mang tính chất duyên sinh, vô thường, vô ngã. Đã là duyên
sinh, vô thường, vô ngã rồi mà cứ lầm nhận là thường hằng, hữu ngã
thì theo đó đau khổ sẽ phát sinh. Do đó, muốn giải thoát khổ đau thì
phải từ bỏ mọi vọng tưởng về ngã và ngã sở (tôi và của tôi), phải
nhìn các pháp theo nghĩa "biết và thấy thực tại như thế là như thế,"
nghĩa là các pháp vận hành như thế nào thì biết và thấy như thế ấy mà
không cố gắng gán bất kỳ ngã tính nào lên chúng. Đây là cái nhìn
khách quan, như thị của Phật giáo, một cái nhìn phi khổ đau, trung đạo,
vô vi và thanh tịnh, như chính Đức Phật xác định quan điểm của Ngài:
"Khi Như lai thanh tịnh, Như lai thấy thế giới thanh tịnh."
Duyên khởi nói lên thực tính của các pháp, thực
tính ấy là "duyên sinh tính" hay "vô ngã tính," bởi vì
"gọi là duyên sinh là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại,
tan rã, đoạn diệt, vô thường." Bài kệ mở đầu Trung Luận của Tổ
Long Thọ cũng nói lên ý nghĩa ấy:
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất khứ diệc bất lai,
Năng thuyết thị nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận.
Thừa nhận thực tại là duyên khởi tức thừa
nhận các pháp có "sinh diệt;" và cũng chính do duyên khởi mà các
pháp "bất sinh bất diệt," nghĩa là Không. Như Trung Luận viết:
"Vì Không cho nên Có" (dĩ hữu Không nghĩa cố, nhứt thiết pháp đắc
thành). Ở đây không nên hiểu là vì có cái Không cho nên có cái Có, theo
tính chất đối đãi của hiện hữu. Nên hiểu bản chất của hiện hữu
là Không, là Duyên sinh vô tính. Đó là ý nghĩa Trung đạo của định thức
duyên khởi.
Trong kinh Đại Duyên của Trường Bộ, khi tôn giả
Ananda ca ngợi giáo lý duyên khởi thâm thúy, thì Đức Phật lại nhấn mạnh
hơn: "Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo lý
duyên khởi, nên chúng sinh hiện tại rối loạn như một ổ kén, rối ren
như một ống chỉ, giống như cỏ Munja và lau sậy Babaja, không thể nào ra
khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử." Không thể xem duyên khởi
như là giáo lý được Đức Phật phương tiện thuyết để đối trị chấp
ngã, cái nhân đau khổ. Thực sự khổ đau là do vô minh, không hiểu rõ
tính duyên khởi, vô ngã của các pháp. Đoạn tận đau khổ đồng nghĩa với
giác ngộ lý duyên sinh, vô ngã ấy.
Nhờ quán sát lý duyên sinh đối với tất cả
pháp mà Đức Phật đạt được giải thoát và giác ngộ. Thế nên Ngài dạy
rằng: "Ai thấy duyên khởi là thấy pháp; ai thấy pháp là thấy Phật."
Đức Phật xác nhận: "Pháp duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện
hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy,
y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy.
Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết,
khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị."
Thực tại của cuộc đời trôi chảy như dòng
sông và không dính dáng gì đến các tên gọi mà người ta gán đặt cho nó:
"có gì trong một danh từ, hoa hồng hương ấy cho dù tên chi." Cuộc
sống dù có tân kỳ đến đâu vẫn không thoát khỏi quy luật sanh, già, bịnh,
chết. Đạo Phật ra đời không nhằm biến đổi quy luật này của cuộc
đời nhưng nó mở mắt cho con người nhận diện sự thật duyên sinh, vô
thường, vô ngã của cuộc đời. Đại đức Walpola Rahula đã viết trong
quyển "What The Buddha Taught": "Phật giáo không giả ru người vào
trong thiên đường của người ngu, cũng không làm người hãi hùng thất
vía với đủ mọi thứ sợ hãi tưởng tượng và đủ mọi tội lỗi. Nó
chỉ nói cho bạn biết một cách chân xác và khách quan bạn là gì và thế
giới chung quanh bạn là gì, và chỉ cho bạn con đường đưa đến tự do
hoàn toàn, thanh bình, an tịnh và hạnh phúc." Đó là thông điệp hành
động của Phật giáo, một thông điệp thực tiễn và sống động đã
được Đức Phật chứng ngộ và tuyên thuyết với mục đích giải thoát
cho con người và cuộc đời khỏi mọi chấp thủ khổ đau bằng cách nhìn
vào thực tại với cái nhìn như thật duyên sinh và vô ngã:
Hãy nhìn như bọt nước
Hãy nhìn như cảnh huyễn.
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp. (Pháp Cú, kệ số 170)
Hiểu rõ lý duyên khởi thì đối với những
được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh
phúc và đau khổ người con Phật xem như "hoa đốm giữa hư không."
Duyên khởi nói lên tính tương đối và tương quan của hiện tượng giới,
bao gồm tính tương đối của nhận thức, cho nên từ nay người con Phật
cần phải sống với trực tâm, thâm tâm và bồ đề tâm chứ không sống
bằng vọng thức vốn bóp méo thực tại. Trong đời sống hành trì, người
con Phật thể hiện sự hòa điệu giữa thân tu tập và tâm tu tập, giữa
tu phước và tu tuệ, giữa tự lực và tha lực, giữa mình với tăng thân,
gia đình, cộng đồng, giữa con người và xã hội, giữa tri và hành, giữa
giới, định và tuệ, giữa đời và đạo. Thấu hiểu duyên sinh tính của
vạn pháp thì người con Phật tự vui mừng rằng ngày nay có duyên thấy biết
Phật pháp, quy y Tam bảo, niệm được câu Phật, gặp được thầy hiền bạn
tốt, xuất gia theo Phật, hẳn là có nguyên do xa xưa. "Tri pháp thường
vô tánh, Phật chủng tùng duyên khởi" nên người con Phật có một niềm
tin sâu xa (thâm tín) rằng tuệ giác vô thượng bồ đề của Phật chính
là bản giác của tâm chúng ta; đem niềm tin này mà cầu sinh Cực lạc thì
hợp với bản hoài của Đức Thế Tôn. Ý thức được rằng bản thân ta
có tương quan mật thiết với mọi người mọi sự, thì ngay cả một ý
nghĩ lời nói, hành động nhỏ nhất của ta cũng có những hậu quả khắp
vũ trụ. Chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều ta làm, nghĩ và nói, cũng
như tri ân mọi người mọi sự chung quanh ta. Thái độ tri ân mở ra trong
ta một lòng bi mẫn lớn mà ta không ngờ mình cũng có, và do đó càng ngày
tâm ta càng rộng rãi đối với mọi sự vật và hữu tình. Cố nhiên những
trình bày trên đây chỉ là Chánh kiến, Chánh tư duy, điều quan trọng là
mỗi người con Phật phải nỗ lực tự tu tập và tìm sự giải thoát cho
chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng
buộc, bằng trí tuệ và nỗ lực của riêng mình. Đức Phật dạy: "Các
người nên làm công việc của mình, vì các đức Như lai chỉ dạy con đường
mà thôi."
Tóm lại Duyên khởi là giáo lý nền tảng nhất
của Phật giáo. Dù duyên khởi được nhìn dưới quan điểm bộ phái nào,
dù được trình bày dưới định thức tổng quát "Cái này có, cái kia
có..." hay dưới mười hai chi phần nhân duyên, nó vẫn chuyên chở đầy
đủ ý nghĩa thậm thâm nhất. Cho rằng duyên khởi là giáo lý thuộc Duyên
giác thừa hay Tiểu thừa chỉ là một thiên chấp hay là một ngộ nhận đáng
tiếc. Khi thấy rõ vô ngã tính của các pháp thì tham ái và chấp thủ sẽ
tan dần đến hủy diệt, khổ não sẽ tiêu đi, và giải thoát sẽ đến. Bấy
giờ thực tại Duyên sinh trở về chính nó. Nó là như thế, mãi mãi là như
thế. Kinh Pháp Hoa gọi đây là "Thế gian tướng thường trụ,"
Trung luận gọi là "thật tướng," Bát nhã gọi là
"Không," Hoa nghiêm, Niết bàn gọi là "Diệu hữu," Thiền
tông gọi là "Bản địa phong quang."
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/002-suthat.htm