Trong bài phú nôm "Cư Trần
Lạc Đạo" của vua Trần Nhân Tông có những câu khẳng định Đức Phật
A Di Đà chính là cái tâm trong sạch của mình:
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ
còn ngờ hỏi tới Tây phương.
Di Đà là tánh lặng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Ta hãy nghe thiền sư Trung Hoa Không Cốc Long, sống
đầu thế kỷ 15, bàn về niệm Phật:
Pháp môn niệm Phật là con đường thể hiện Đạo
Phật ngắn nhất. Đừng tin ở hiện hữu sắc thân hư huyễn này, bởi vì
tâm trước vào những phù hư của kiếp sống thế gian là cội gốc của
luân hồi. Cõi Tịnh độ là đáng mong cầu nhất và phép niệm Phật là đáng
trông cậy nhất. Đừng hỏi niệm Phật như thế nào gấp rút hay thư thả;
đừng hỏi tụng đọc danh hiệu Ngài như thế nào, cao giọng hay thấp giọng;
đừng để gò bó bởi điều luật nào, mà hãy nhất tâm bất loạn, tịch
tĩnh và trầm mặc niệm tưởng. Khi chứng đến chỗ chuyên nhất không bị
ngoại cảnh quấy nhiễu, rồi một ngày kia một biến cố sẽ bất ngờ
gây ra trong mình một thứ cải biến tâm lý, và nhờ đó mà nhận ra rằng
cõi Tịch Quang Tịnh Độ là chính cõi đất này, và Phật A Di Đà cũng chính
là cái tâm này. Nhưng hãy cẩn thận đừng phóng tâm mong chờ một cảnh tượng
như thế, vì nó sẽ trở nên chướng ngại sự chứng đắc.
Niệm Phật nghĩa đen là "nghĩ tưởng đến
đức Phật," và được kể như là một trong sáu đề tài thiền định.
Đó là: 1) Niệm Phật; 2) Niệm Pháp; 3) Niệm Tăng; 4) Niệm Giới; 5) Niệm
Thí Xả và 6) Niệm Chư Thiên. Theo Ngài Trí Giả Đại Sư, vị Tổ thứ ba
của Thiên Thai Tông, trong bản sớ giải kinh Pháp Hoa thì niệm Phật là
"tư duy về đức Phật" và tư duy được coi như để đối trị trạng
thái hôn trầm tà tưởng và những mệt nhọc của thân thể. Đối với
người Phật tử, tư duy về Đức Bổn Sư là điều rất tự nhiên, vì
nhân cách vĩ đại của Ngài còn quang trọng hơn cả giáo lý Ngài dạy
trong kinh điển, bởi vì nhân cách ấy là giáo lý sống động do chính đời
Ngài phô diễn. Những khi cảm thấy chán nản trên đường tu hay tâm trí
phóng túng theo ngoại cảnh, thì cách tốt nhất để khích lệ đức tinh tấn
cho người Phật tử là tư duy về Đức Bổn Sư.
Khởi thủy, niệm Phật thuần túy là một lối
hành trì đạo đức, nhưng vì uy lực kỳ bí của một danh hiệu đã kích
thích mãnh liệt trên sự tưởng tượng có tính chất tôn giáo của các Phật
tử Ấn, lối tư duy về Đức Phật coi Ngài như một nhân cách có những
đức tính lớn như môt trí tuệ lớn (đại trí), một tình thương lớn
(đại bi) và một ý chí lớn (đại lực) đã được thay thế bằng lối
nhắc nhở danh hiệu của Ngài. Khi Đức Phật A Di Đà thành đạo, Ngài muốn
cho danh hiệu của Ngài vang dội khắp cả đại thiên thế giới, để Ngài
có thể cứu độ chúng sinh nào nghe được danh hiệu Ngài. Những câu thường
được nghe trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà như: "phát tâm
xưng danh, nhẫn đến mười lần," "chí tâm nghĩ nhớ đến
ta," "nếu có chúng sinh phát tâm thanh tịnh, dù chỉ một lần."
Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy người tu Tịnh Độ "quy y đức Phật A
Di Đà" vì khi xưng tán Phật hiệu "A Di Đà Phật" sẽ thoát khỏi
tội chướng trong 2, 80 ức kiếp. Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà, Đức
Phật Thích Ca khuyên mọi người hãy tâm niệm danh hiệu của Đức A Di Đà
Như Lai thì khi lâm chung sẽ an tâm mà từ giã cõi sống này. Trong luận Thập
Trụ Tì Bà Sa, Ngài Long Thọ cho rằng nếu có người muốn đi nhanh đến
chỗ bất thối chuyển, người đó phải hết lòng cung kính tâm niệm danh
hiệu của Phật A Di Đà. Chúng ta thấy dường như có sự sai biệt giữa
"tâm niệm" và "xưng tán," nhưng trên phương diện hành
trì thì tâm niệm danh hiệu Phật cũng là xưng tán hồng danh bằng sự im lặng
hay thì thầm.
Kinh Bát Chu Tam Muội, một trong những nguồn có
thẩm quyền về Tịnh Độ tông, được dịch sang Hán văn đầu thế kỷ
thứ 2 do Ngài Lô Ca Lặc Xoa (Lokaraska), cũng có đề cập đến danh hiệu của
Phật A Di Đà như sau: "Bồ tát khi nghe danh hiệu Phật A Di Đà và muốn
được thấy Ngài, có thể thấy được Ngài do niệm mãi quốc độ của
Ngài." Ở đây dùng chữ "niệm" chứ không phải "xưng
danh." Như vậy Đức Phật trở thành đối tượng tư duy, là niệm
tánh Phật bản lai của chính mình. Như vậy hành giả Tịnh Độ ngoài những
thời khóa tu trì danh niệm Phật lúc nào cũng sống với bốn chữ hay sáu
chữ hồng danh "Nam mô A Di Đà Phật," lúc nào cũng dùng tâm để
tưởng niệm. Việc chuyên tâm niệm Phật là cần thiết để đào sâu đức
tin, vì nếu không có đức tin này thì không bao giờ có sự vãng sanh.
Chư Phật cứu độ chúng sinh bằng bốn phương
pháp: 1) Bằng khẩu thuyết như được ghi chép lại trong Kinh tạng; 2) Bằng
tướng hảo quang minh; 3) Bằng vô lượng đức dụng thần thông, đủ các
thứ biến hóa; 4) Bằng các danh hiệu của các Ngài, mà một khi chúng sinh
thốt lên, sẽ trừ khử những chướng ngại và chắc chắn sẽ vãng sinh
Phật tiền. Ngài Đạo Xước (562-645), một hành giả lỗi lạc của Tịnh
Độ tông, cho rằng: "Thời này cách Phật bốn năm trăm năm, chính là
thời chúng ta phải sám hối tội chướng, tu tập phước đức và xưng Phật
danh hiệu. Kinh há chẳng nói dù chỉ một lần nghĩ nhớ đến Phật A Di Đà
và xưng tụng danh hiệu Ngài liền trừ được tội chướng sinh tử của
chúng ta trong 2, 80 ức kiếp? Chỉ một niệm mà đã thế, huống tu thường
niệm, hằng sám hối?" Tất cả người tu niệm Phật kể từ sau Ngài
Đạo Xước đều hăng hái chấp nhận thuyết này, và niệm Phật (nghĩ nhớ
Phật) đã được đồng hóa với xưng danh (thốt lên danh hiệu).
Như vậy khi nói tới pháp môn Tịnh độ là nói
tới "trì danh niệm Phật." Trong sách Niệm Phật Thập Yếu, Đại
sư Thiền Tâm có trình bày mười phương thức trì danh như sau: 1) Phản
văn trì danh; 2) Sổ châu trì danh; 3) Tùy tức trì danh; 4) Truy đảnh trì
danh; 5) Giác chiếu trì danh; 6) Lễ bái trì danh; 7) Ký thập trì danh; 8)
Liên hoa trì danh; 9) Quang trung trì danh và 10) Quán Phật trì danh. Đại sư
cho rằng: "Trì danh niệm Phật đã gồm khắp ba căn (thượng, trung, hạ),
lại đắc hiệu mau lẹ, ai cũng có thể thật hành. Trì danh nếu tinh thành
sẽ có cảm cách, hiện tiền thấy ngay chánh báo y báo cõi Cực lạc, tỏ
ngộ bản tâm, đời nay dù chưa chứng thật tướng, sau khi vãng sanh cũng
quyết được chứng."
Trì danh niệm Phật là niệm ra tiếng hay niệm
thầm bốn chữ hoặc sáu chữ hồng danh "Nam mô A Di Đà Phật." Khi
đọc lên danh hiệu này, người tu Tịnh Độ dùng tất cả tâm trí tập
trung vào danh hiệu Phật chứ không phải ở Đức Phật. Ba mươi hai tướng
tốt trang nghiêm của Ngài không được vẽ trong tâm hành giả. Với một
công phu nhiệt thành, một niềm tin lớn lao, một khát vọng nồng nàn, danh
hiệu chiếm trọn môi trường ý thức của hành giả. Kinh Di Đà tiểu bản
(tức kinh Phật Thuyết A Di Đà) nói: "Thiện nam hay thiện nữ nào nghe
nói đến đức A Di Đà Phật, trì niệm danh hiệu của Ngài..." Trì niệm
(chấp trì) có nghĩa là "giữ vững một đối tượng trong tâm,"
là chú tâm trên chính danh hiệu chứ không chỉ tụng đọc suông. Chắc chắn
lối niệm Phật xuất phát từ tâm này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc tập
định, nghĩa là tiếp cận cảnh giới "nhất tâm bất loạn." Khi
niệm Phật thuần thục và định tâm, đối tượng của tâm là câu
"Nam mô A Di Đà Phật" trở thành nhất thể với bản tâm của
hành giả; mỗi một niệm đều quay về nguồn suối lưu xuất của Chánh
giác; danh và thể không phân hai, thì chính trong danh hiệu là toàn thể của
Chánh giác, và vì thể của Chánh giác là như thế nên nó là bản thể
vãng sinh của hết thảy hữu tình trong mười phương.
Kinh Di Đà tiểu bản nói: "không thể chỉ
đem thiện căn nhỏ (thiểu thiện căn) làm yếu tố để được sanh Cực lạc.."
Thiện căn nhỏ là những việc thiện ngoài sự trì danh niệm Phật. Kinh
Quán Vô Lượng Thọ nói: "muốn sinh Cực lạc thì phải làm ba phước:
một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, làm
mười thiện nghiệp; hai là thọ trì tam quy, giữ đủ tịnh giới, không phạm
uy nghi; ba là phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa,
khuyến tiến người tu." Chỉ có ba phước phải và nên làm, vậy mà
người tu bỏ cả một đời vẫn không làm nổi! Thiện căn như vậy mà
nói là nhỏ, là chỉ vì có yếu tố và cảnh ngộ mới có làm có giữ,
không thì làm và giữ gián đoạn. Ví dụ như con muốn hiếu dưỡng cha mẹ
nhưng cũng không thể được vì cha mẹ đã quá vãng; bồ đề tâm đã
phát cũng có khi quên mất nên tiếng là làm việc Phật hóa ra là đang bị
ma đưa lối qủy đưa đường v.v.. Tuy nói là "thiện căn nhỏ"
nhưng vẫn phải có để hỗ trợ cho sự sinh Cực lạc. Nên yếu tố sinh Cực
lạc phải có chính có phụ. Yếu tố chính là sự niệm Phật một cách nhất
tâm bất loạn. "Nhất tâm bất loạn" là niệm Phật thuần thục
và định tâm cho đến đồng nhất tâm trí của hành giả vào danh hiệu của
Phật. Ngài Huyền Trang dịch đề kinh Di Đà tiểu bản là "Xưng Tán Tịnh
Độ, Phật Nhiếp Thọ Kinh," và dịch câu "nhất tâm bất loạn"
là "hệ niệm bất loạn." Hệ niệm bất loạn là buộc sự nhớ
nghĩ của mình vào danh hiệu của Phật mà không nhớ nghĩ gì khác, dù gì
khác đó là tốt hay xấu. Nếu sự tu tập theo chiều hướng "hệ niệm
bất loạn," thì một mai "thân hành giả trở thành Nam mô A Di Đà
Phật và tâm hành giả trở thành Nam mô A Di Đà Phật."
Cái mục tiêu minh bạch do các Sư Tổ của Tịnh
độ tông tạo ra, theo đó trì danh niệm Phật là pháp môn giải thoát dễ
hành nhất đối với mọi chúng sinh. Mục tiêu ấy dĩ nhiên y cứ trên bản
nguyện của Đức Phật A Di Đà. Trong bản nguyện này Phật đoan chắc với
chúng đệ tử là họ sẽ vãng sinh Cực lạc, chỉ cần xướng lên danh hiệu
của Ngài, đồng thời bày tỏ lòng tịnh tín của mình và chí nguyện
"vì tuệ giác bồ đề mà cầu sinh Cực lạc."
Vía Đức Phật
A Di Đà
22.12.1998
Quảng Minh
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/003-tridanh.htm