- Bốn Chân Lý Thâm Diệu
- Phạm Kim Khánh
Cuối tuần thứ bảy sau khi Thành Đạo, Đức Phật ngồi
trầm ngâm suy tư xem có nên truyền bá giáo lý mà Ngài vừa chứng ngộ hay
không. Thoạt tiên những tư tưởng sau đây đến với Ngài:
"Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu,
khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm
vi luân lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu"
"... Người còn mang nặng tham ái và sân hận trong lòng
không dễ gì thấu triệt. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, không
thấy được Giáo Pháp vì lòng tham ái bao phủ như đám mây mờ đen nghịt
và vì Giáo Pháp đi ngược dòng tham ái. Giáo Pháp sâu kín, thâm diệu, khó
nhận thức và rất tế nhị."
Nhưng, nhìn lại thế gian với tuệ nhãn của một vị Phật,
Đức Thế Tôn trông thấy:
"Cũng như trong đầm sen, những loại sen xanh, sen đỏ,
sen trắng lẫn lộn. Có những ngó sen vừa chớm nở ra khỏi bùn, mọc lên
trong nước; có những cọng vừa lốm đốm ngang mặt nước và cũng có những
búp sen đã vượt hẳn lên cao, không còn vướng chút bùn nhơ nước đục.
Chúng sanh trong thế gian cũng dường thế ấy dưới tầm mắt của bậc Chánh
Biến Tri. Như Lai thấy chúng sanh đủ hạng, hạng đầy bợn nhơ và hạng
tương đối trong sạch, hạng thông minh sáng suốt và hạng tối tăm mờ mịt,
hạng tốt và hạng xấu, hạng thiện trí thức và hạng cuồng si. Như Lai
cũng thấy hạng chúng sanh đang gieo mầm giống xấu xa tội lỗi và hạng
chúng sanh đang gặt hái quả dữ của những nhân đã gieo trong quá khứ."
Vì lẽ ấy Đức Phật quyết định truyền bá Giáo Pháp.
Ngài tuyên bố:
"Cảnh vô sanh bất diệt đã rộng mở cho chúng sanh.
Hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt niềm tin tưởng."
Lúc bấy giờ Đức Phật ngồi dưới cội cây Ràjàyatana
(cây đa), tại Bodh Gayà (Bồ Đề Đạo Tràng). Có hai thương gia tên Tapassu
và Bhallika từ Ukkala (Orisa), trên đường về quê nhà, đi ngang qua nơi Đức
Phật ngự. Được một vị Trời mách bảo, hai thương gia vui mừng sửa soạn
một loại vật thực làm bằng bột ran khôn và mật ong mà du khách người
Ấn thường mang theo, rồi cung kính đảnh lễ, dâng lên Ngài. Đức Phật
nghĩ: "Các đấng Như Lai không bao giờ đưa tay thọ nhận vật thực.
Không có bát, làm thế nào Như Lai có thể nhận lãnh lễ vật này. "
Lúc ấy Tứ Đại Thiên Vương đoán biết ý Phật, từ bốn
phương vội vã đem đến dâng lên Ngài, mỗi vị một cái bát bằng đá. Bản
chú giải thêm rằng Đức Phật làm cho bốn cái bát nhập lại thành một,
rồi dùng bát ấy thọ lãnh món vật thực đạm bạc được dâng đúng
lúc, sau thời gian bốn mươi chín ngày nhịn ăn. Sau khi Đức Phật độ thực
xong, hai vị thương gia xin quy y với Ngài. Đây là hai thiện tín đầu tiên
quy y Nhị Bảo (Phật và Pháp). Bản chú giải Túc Sanh Truyện ghi rằng khi
hai thương gia xin Đức Phật một món gì để đem về thờ thì Ngài nhổ
vài sợi tóc đưa cho hai người. Hai bảo vật ấy đến nay vẫn còn, và
được tôn trí trong bảo tháp chùa Swe Dagon, tại Ngưỡng Quang (Miến Điện),
một hãnh diện mà cũng là một vinh quang của người Phật tử Miến. Bảo
tháp to lớn này có hình chuông úp lại, ở xa nhìn lại như một ngọn đồi
cao bằng vàng.
Bắt đầu cuộc hoằng dương Giáo Pháp, Đức Phật nghĩ đến
hai vị đạo sĩ Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta, nhưng với nhãn quan siêu
phàm Ngài thấy rằng hai vị ấy đã viên tịch. Sau cùng, Ngài nghĩ đến
năm vị đạo sĩ đã phục vụ Ngài trong lúc chiến đấu để tìm chân
lý. Và Ngài nhận thấy rằng năm vị này hiện đang ở trong Lộc Uyển,
Isipatana, xứ Benares (nay là Varanasi).
Ngài rời Bodh Gayà đi Benares cách đó khoảng một trăm năm
mươi dặm Anh, để giáo truyền chân lý đến năm vị đạo sĩ, lúc bấy vẫn
còn lạc bước trong nếp sống khổ hạnh. Năm vị này, trước khi theo hầu
cận Ngài với bao nhiêu hy vọng, đến lúc thấy Ngài dứt khoát từ bỏ lối
tu khổ hạnh thì lấy làm thối chí nói rằng: "Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm)
đã trở lại ưa thích cuộc sống xa hoa, đã ngừng cố gắng và đã quay về
đời sống lợi dưỡng", và bỏ Ngài ra đi.
Khi thấy Đức Phật từ xa đến, năm anh em quyết định không
đảnh lễ Ngài với lòng tôn kính như xưa. Tuy nhiên, khi Đức Phật bước
lần đến gần, cốt cách oai nghi của Ngài tự nhiên cảm hóa năm đạo
sĩ và, không ai bảo ai, người đến rước y, bát, người dọn chỗ ngồi,
người đi lấy nước cho Ngài rửa chân. Mặc dầu vậy, các vị này vẫn
xưng hô với Ngài theo như hàng huynh đệ.
Sau cùng Đức Phật giải thích cho năm vị biết:
"Này các Đạo Sĩ, Như Lai không hề xa hoa, không hề ngừng
cố gắng và không trở về đời sống lợi dưỡng. Như Lai là Đức Thế
Tôn, là đấng Toàn Giác.
"Nghe đây các Đạo Sĩ! Như Lai đã thành đạt Đạo Quả
Vô Sanh Bất Diệt và sẽ giảng dạy Giáo Pháp. Nếu hành đúng theo lời
giáo huấn của Như Lai các thầy cũng sẽ sớm chứng ngộ bằng trí tuệ
trực giác, và trong kiếp sống này các thầy sẽ hưởng một đời sống cùng
tột thiêng liêng trong sạch..."
Đó là những lời nói chân thật do chính Đức Phật thốt
ra. Năm vị đạo sĩ là bậc thiện trí thức, mặc dầu đã có thành kiến
không tốt đối với Ngài, khi nghe vậy thì nhận định chắc chắn rằng
Đức Phật đã thành tựu Đạo Quả vô thượng, và có đủ khả năng để
hướng dẫn mình. Năm vị đạo sĩ bấy giờ tin lời Đức Phật và ngồi
xuống yên lặng lắng nghe Giáo Pháp.
Thời Pháp đầu tiên này được gọi là Kinh Chuyển Pháp
Luân, Dhammacakkappavattana Sutta, có nghĩa là "vận chuyển, hay củng cố,
Bánh Xe Chân Lý". Dhammacakka là bánh xe Giáo Pháp, hay bánh xe Chân Lý.
Chân Lý hay Giáo Pháp (Dhamma) vẫn luôn luôn hiện hữu trong
thiên nhiên, không phải Đức Phật hay nhân vật nào khác tạo nên. Đặc
điểm của Đức Phật là trong kiếp sống cuối cùng, Ngài đản sanh vào
thời kỳ không có Giáo Pháp được truyền bá trong thế gian. Chính Ngài
tìm ra Giáo Pháp từ trong thiên nhiên, không thầy chỉ dạy, không có bất
luận sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, và Ngài có khả năng rọi sáng cho kẻ
khác.
Tại Lộc Uyển, Isipatana, Đức Phật bắt đầu vận chuyển
bánh xe Pháp Bảo, thuyết giảng cho năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) như
đã ghi lại trong bài kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng Bộ, V, 420).
Mở đầu bài kinh, Đức Phật dạy rằng có "hai cực
đoan mà người xuất gia phải tránh". Ngài đặc biệt nhấn mạnh hai
danh từ "antà" là mức cùng tột, thái cực, cực độ, hay cực
đoan, và "pabbajita" là người từ bỏ thế gian, ly gia cắt ái, người
xuất gia.
Một cực đoan là lợi dưỡng trong thú vui trần tục, liên
tục luyến ái, say đắm trong nhục dục ngũ trần (kàmasukhallikànuyoga).
Ngài mô tả lối sống này là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm
hạnh của bậc Thánh Nhân.
Không nên lầm hiểu rằng như thế có nghĩa là Đức Phật
muốn khuyên tất cả hàng tín đồ nên từ khước mọi thú vui vật chất
và rút vào rừng sâu, không thọ hưởng đời sống. Tuy nhiên, đối với
ai biết điềm tĩnh suy tư, khoái lạc vật chất quả thật là ngắn ngủi,
không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn. Bậc xuất gia chân chánh không
nên tìm thích thú trong việc chạy theo những khoái lạc vật chất tạm bợ
và ảo huyền ấy. Đối với người đời, có thêm tài sản là hạnh
phúc, thêm danh vọng là hạnh phúc, thêm quyền thế là hạnh phúc v.v... mỗi
khi có thêm điều gì là hạnh phúc. Nhưng với hàng xuất gia, mỗi khi
buông bỏ là hạnh phúc. Lìa bỏ được gia đình là hạnh phúc, không bám
vào tài sản sự nghiệp, danh vọng hay quyền thế là hạnh phúc.
Cực đoan kia là nỗ lực kiên trì trong lối tu ép xác khổ
hạnh mà Ngài xem như là một phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh
của bậc Thánh Nhân và vô bổ.
Chính Ngài đã có kinh nghiệm trong cả hai lối sống cực
đoan ấy -- lợi dưỡng và khổ hạnh -- nhưng sớm nhận thức rằng đó
là sai lầm. Lợi dưỡng làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh làm
giảm suy trí thức. Rồi Ngài vạch ra con đường ở khoảng giữa, gọi là
Trung Đạo (Majjhimà Patipàda) vô cùng thực tiển, hợp lý và hữu ích. Đây
là con đường khắc phục mọi dục vọng (giới), làm lắng dịu tinh thần
(định) và khai thông trí tuệ, đưa đến sáng suốt nhật thấy thực tướng
của sự vật (tuệ), con đường duy nhất dẫn đến trạng thái trong sạch
hoàn toàn và giải thoát tuyệt đối.
Trung Đạo là con đường như thế nào? Đó là Bát Chánh Đạo,
con đường có tám chi.
Chi đầu tiên là chánh kiến, sự hiểu biết chân chánh,
điểm then chốt của Phật Giáo. Chánh kiến đề cập đến sự hiểu biết
thực tướng của chính mình và dẫn đến chánh tư duy, suy tư chân chánh về:
đức hạnh không luyến ái, hay khước từ, xuất gia (nekkehama samkappa); tâm
từ (avyàpàda samkappa); và tánh ôn hòa, hay bất bạo động (avihimsà
samkappa), những đặc điểm đối nghịch với lòng vị kỷ, ác ý và tánh
hung bạo. Chánh tư duy dẫn đến chánh ngữ, có lời nói chân chánh, chánh
nghiệp, tạo nghiệp chân chánh, và chánh mạng, nuôi mạng chân chánh, là
ba yếu tố để toàn thiện giới đức. Chi thứ sáu là chánh tinh tấn, sự
nỗ lực chân chánh nhằm diệt trừ những trạng thái tâm bất thiện và
phát triển tâm thiện. Công trình tự thanh lọc có thể được hoàn tất mỹ
mãn nhất bằng cách thận trọng nhìn trở vào bên trong chính mình, do đó
chánh niệm, chi thứ bảy, là chánh yếu. Tinh tấn phối hợp với chú niệm
dẫn đến chánh định, tâm an trụ vào một điểm. Tâm định giống như mặt
kiếng được lau chùi bóng láng mà mọi vật đều phản ảnh rõ ràng trung
thực, không bị méo mó, không lu mờ.
Đức Phật bắt đầu thuyết giảng về hai cực đoan và
con đường Trung Đạo cho năm vị đạo sĩ đã sai lạc đi trên con đường
khổ hạnh. Rồi Ngài giảng tiếp về Bốn Chân Lý Thâm Diệu gọi là Tứ
Diệu Đế.
Chân Lý, hay Đế, là cái gì thật sự có, là sự thật vĩnh
cửu, bất di dịch và không thể chuyển biến với thời gian hay không gian,
một sự kiện không có tranh luận nữa, tiến Pali là sacca. Sancrit là satya.
Đức Phật kể ra bốn Chân Lý như vậy, và bốn chân lý này mật thiết
liên quan đến con người. Dầu chư Phật có thị hiện trên thế gian cùng
không những Chân Lý ấy vẫn hiện hữu, và một vị Phật chỉ khám phá
và truyền dạy cho người thế, còn bị màn vô minh che lấp.
Bốn Chân Lý này được gọi là ariya sacca. Ariya là thâm diệu,
trong ý nghĩa thánh thiện. Gọi là Bốn Chân Lý Thâm Diệu hay Tứ Thánh Đế
vì đây là những chân lý do Đức Phật là bậc Chí Tôn Chí Thánh tìm ra,
mà cũng thánh thiện vì đây là chân lý soi đường đưa chúng sanh tiến đến
mức độ thánh thiện siêu thế hoàn toàn trong sạch, và thanh lọc mọi nhiễm
ô. Và Bốn Chân Lý ấy là thực tại, dính liền với thực tế, chớ
không phải huyền ảo, mơ hồ. Vì sơ xuất, không thấu hiểu Tứ Diệu Đế
mà con người tự thấy mình bị đặt vào một vị trí tuyệt vọng, bị
đẩy đưa đó đây trong những cảm xúc xung khắc, những khát vọng và những
ham muốn, như lời Đức Phật dạy: "Này chư Tỳ Khưu, vì không thông
hiểu và thấu đạt Tứ Diệu Đế chúng ta mãi mãi thênh thang lê bước trên
con đường dài, dài đẳng, cả các con và Như Lai."
Chân Lý Thâm Diệu đầu tiên dạy rằng đời sống là đau
khổ, Khổ Đế. Hạng người thông thường chỉ thấy lớp ngoài của sự
vật, nhưng bậc Thánh Nhân (ariya) nhận ra chân tướng của vạn pháp. Đối
với các Ngài sống là đau khổ. Không thể sống mà không chứng nghiệm một
loại khổ đau nào, ở một mức độ nào. Đau khổ về vật chất như bệnh
hoạn, bị gây thương tích, mệt mỏi, già nua, rồi chết, hay đau khổ về
tinh thần như cô đơn, phiền giận, bực bội, sợ hải, bối rối, thất vọng
v.v... Mỗi người chúng ta đều có vấn đề. Vấn đề kinh tế, vấn đề
tài chánh, vấn đề xã hội, vấn đề gia đình, chánh trị, tâm lý, chí
đến vấn đề tôn giáo. Có vấn đề tức có gì không suôn sẻ, có gì cần
phải giải quyết, và đó là bất toại nguyện, đau khổ. Nếu không bất
toại nguyện tại sao cần phải giải quyết?
Có chăng cuộc sống nào từ trẻ đến già mà phẳng lặng
im lìm như mặt nước ao hồ, không bị phiền não lo âu hay sợ sệt làm
chao động? Có gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân?
Trên thế gian này tìm đâu ra một cặp môi chưa từng rên siết vì đau đớn?
Tìm ở đâu ra một trái tim chưa từng bóp siết nhói đau và chưa bao giờ
sầu muộn? Và như văn hào Jacob Boehme ghi nhận:
"Nếu tất cả núi non trên thế gian là chồng sách vở,
nếu nước trong tất cả ao hồ là mực, và tất cả cây cối là viết, bấy
nhiêu đó vẫn chưa đủ để mô tả cảnh khốn cùng trên thế gian."
Có những khổ đau hiển nhiên phô bày trước mắt mà ai ai
cũng thấy (dukkha dukkhatà, khổ khổ) như sanh, già, bệnh, chết v.v...
Cũng có những tình trạng bất toại nguyện kín đáo hơn,
tiềm ẩn trong đặc tướng vô thường của vạn pháp (viparanàma dukkhatà,
vô thường khổ, khổ vì đời sống là vô thường). Danh từ viparanàma có
nghĩa là thay đổi, biến chuyển, thay hình đổi dạng, vô thường. Vô thường
là biến đổi, không ổn định, không bền vững và do đó, tự nó làm cho
ta lo sợ. Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của vương quốc mình. Người
thường dân lo sợ cho mạng sống mình. Người tư bản lo sợ cho sự an toàn
của sự nghiệp mình. Người công dân lo sợ cho sự an toàn của công ăn
việc làm của mình. Có tình trạng bất ổn, có lo sợ, tức có bất toại
nguyện, đau khổ. Không thể có hạnh phúc thật sự, vững bền, trong một
thế gian huyền ảo. Trong khi tất cả đều biến đổi, tất cả mọi sự
vật đều nằm trong trạng thái luôn luôn trở thành một cái gì khác và
trong lúc ấy, chính ta và hoàn cảnh sinh sống của ta cũng không ngừng biến
chuyển, thì cái hạnh phúc mà ta khao khát bao nhiêu chỉ ở với ta trong
giây phút mà ta vừa nắm được nó. Tại sao? Vì hạnh phúc là thành đạt
điều mong muốn. Nhưng điều mà ta mong muốn quả thật phù du tạm bợ và
chỉ tồn tại nhất thời, thì làm sao cái hương vị ngọt ngào của hạnh
phúc khỏi trở thành hương vị đắng cay của đau khổ?
Cái khổ cũng dính liền với con người từ trong sự cấu
thành (samkhàra dukkhatà, hành khổ, khổ vì con người là vật được cấu
tạo, samkhàra). Con người không phải là một thực thể đơn thuần hay một
đơn vị tự mình có thể hiện hữu và tồn tại lâu dài, mà chỉ là sự
phối hợp tạm thời của hai thành phần, tâm linh và vật chất, danh và sắc.
Hai thành phần này là hai tiến trình của những sự vật được cấu tạo,
tùy thế, hữu vi, sanh khởi và hiện hữu nhờ có những nguyên nhân nào tạo
duyên, và liên tục diễn tiến. Nếu nguyên nhân và điều kiện, tức nhân
và duyên, chấm dứt, tiến trình ấy cũng chấm dứt. Đã là một tiến
trình thì nó là cái gì luôn luôn sanh rồi diệt. Luôn luôn biến đổi, không
tồn tại lâu dài và vì lẽ ấy mà đó là nguồn gốc của đau khổ. Có
chúng sanh là có đau khổ.
Đức Phật dạy rằng sanh là khổ, già là khổ, bệnh là
khổ, chết là khổ. Điều mong ước mà không được thành tựu cũng là khổ.
Thế thường, ta không muốn sống chung với những ngườì hay những vật
mà ta không ưa thích, cũng không muốn xa lìa những vật hay những người
thân yêu. Nhưng điều mong mỏi không phải lúc nào cũng được thành tựu
như ý muốn. Trái lại, những cảnh ngộ nghịch lòng hay những điều mà
ta ít mong mỏi nhất lắm khi đến với ta một cách đột ngột. Những trường
hợp nghịch cảnh tương tợ trở thành không thể chịu đựng nổi và đau
khổ đến độ vài người yếu tánh và kém hiểu biết phải nghĩ đến việc
quyên sinh mạng sống, tưởng chừng như chết là giải quyết được mọi
vấn đề đau khổ.
Hạnh phúc thật sự nằm bên trong chúng ta và không thể định
nghĩa bằng những danh từ như tài sản, sự nghiệp, quyền lực, danh vọng
hay chinh phục xâm lăng. Một người thông thường chỉ biết thọ hưởng dục
lạc và cho đó là hạnh phúc duy nhất. Trong sự thỏa mãn nhục dục chắc
chắn là có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng và khi hồi
nhớ lại các thú vui ấy. Nhưng nó chỉ là tạm bợ ảo huyền. Theo Đức
Phật, không luyến ái, buông xả, hay vươn mình vượt qua khỏi những khoái
lạc vật chất là hạnh phúc cao thương hơn.
Chấm dứt phần Khổ Đế Đức Phật dạy, "... Tóm tắt,
chấp vào ngũ uẩn là khổ." Danh từ mà Đức Bổn Sư dùng là
pancùpàdànakkhandha. Pancakkhandha là ngũ uẩn, tức sắc, thọ, tưởng, hành,
thức. Upàdana, là thủ, nắm chặt cố giữ cho được, bám níu. Tự nó, ngũ
uẩn không phải là khổ. Chính sự bám níu, luyến ái, chấp thủ vào năm
uẩn làm cho ta đau khổ. Tại sao? Vì bản chất của ngũ uẩn là vô thường,
không ngừng biến đổi. Tánh chất nguyên thủy của nó là
"không", do nhân duyên giả hợp thành "huyễn có", một cái
có giả tạo. Nhưng bị màn vô minh che lấp, ta chấp nó là "ta",
là "của ta", là "tự ngã của ta" rồi bám chặt vào và cố
giữ lại, thì không khác nào đưa tay vớt lên một bụm nước và mong rằng
nước sẽ ở mãi trong tay. Chắc chắn là ta phải thất vọng. Đó là đau
khổ.
Khi Đức Phật dạy rằng đời sống là khổ, sống là phải
chịu đau khổ, Ngài có ban truyền một giáo lý bi quan không? Chúng ta không
nên tự lường gạt mình, cố tình hiểu rằng không bao giờ có hoàn cảnh
khổ đau trên thế gian. Chúng ta không nên có thái độ như em bé, khi có
gì làm cho em sợ thì em lấy hai tay che mắt lại và úp mặt vào lòng mẹ,
hay như chim đà điểu, khi thấy có hiểm nguy sắp đến thì vội vã cắm mỏ
lùi trong cát để không thấy. Chúng ta phải mở rộng mắt, nhìn thẳng
vào vấn đề. Đức Phật khởi đầu bài giảng về Tứ Diệu Đế với một
kinh nghiệm, một điều mà ai ai cũng biết, mà tất cả mọi người đều
có chứng nghiệm, và mọi người đều tận lực cố vượt qua khỏi. Phật
Giáo nhận cái khổ như một sự kiện sẵn có và dính liền với đời sống.
Nhưng Đức Phật không dừng bước tại đây để buồn rầu than thở hay
để cầu nguyện cho chúng sanh.
Cũng như vị lương y, Ngài bắt đầu chẩn mạch, tìm hiểu
chứng bệnh và xác nhận rằng đau khổ là chứng bệnh trầm kha của nhân
loại. "Khổ Thánh Đế này phải được nhận thức". Rồi Ngài
tìm phăng lên và thấy nguyên nhân sanh ra bệnh đau khổ là ái dục. "Tập
Khổ Thánh Đế này phải được tận diệt". Kế đó Ngài thông hiểu
rằng có tận diệt căn bệnh đau khổ bằng cách diệt trừ nguyên nhân
sanh khổ. "Diệt Khổ Thánh Đế này phải được chứng ngộ". Và
sau cùng Ngài khảo sát phương thức trị liệu và kê toa cho thuốc. "Đạo
Khổ Thánh Đế này phải được phát triển". Mỗi Đế có ba sắc
thái, tất cả bốn Đế có mười hai phương thức.
Như vậy Phật Giáo không bi quan. Người Phật tử cũng không
lạc quan tự dối mình, cho rằng thế gian này quả thật là cảnh giới
mong mỏi, và hạnh phúc vẫn phảng phất đâu đây. Người Phật tử có
thái độ của người ở trong một ngôi nhà đang cháy, không âu sầu ngồi
than khóc vái van, cũng không lờ hẳn thực tế, mà nhận thức rằng có hiểm
họa, rồi tìm cách thoát ra khỏi nhà. Như vậy là thực tiễn. Đau khổ là
sự kiện dĩ nhiên, một thực tại trong kiếp sinh tồn. Phật Giáo dạy
chúng ta tận dụng khả năng để quan sát, suy luận và đảm đang đối phó
với thực tế.
Trước thế gian ươn yếu trầm kha Đức Phật tuyên bố chứng
bệnh đau khổ và xác nhận rằng ái dục (tanhà) là căn cội của chứng bệnh
(Tập Thánh Đế). Đó là Chân Lý Thâm Diệu về Nguồn Gốc của đau khổ.
Ái dục là gì? Phạn ngữ mà thường được phiên dịch
là "ái" hay "ái dục" là tanhà. Ái dục, hay tanhà bao gồm
tất cả những hình thức thèm khát, tham ái, khát vọng, ước mong, dục vọng,
ham muốn, nóng lòng mong mỏi, bám níu, luyến ái. Các danh từ trên diễn đạt
những sắc thái khác nhau của "ái", nhưng không chữ nào nói lên
trọn vẹn ý nghĩa của Phạn ngữ tanhà. Tanhà luôn luôn bao hàm một ý niệm
vị kỷ. Con người chấp giả là thực, khư khư bám vào ngũ uẩn vô thường
và cho đó là "ta", một cái "ta" trường tồn, không biến
đổi, rồi ham muốn, khát khao v.v... lấy cái "ta" ấy làm trung tâm
của mọi sự vật và cố đem vào càng nhiều càng tốt và bám lấy càng
chặt cành hay. Vì lẽ ấy khi nói ham muốn, ước mong v.v... ta nên hiểu rằng
tanhà, hay ái dục, chỉ nằm trong phần xấu của những danh từ này. Thí dụ
như nói ham muốn. Ta có thể ham muốn điều xấu mà cũng có thể ham muốn
những việc tốt đẹp, đáng ngợi khen, như muốn phục vụ, muốn bố thí,
muốn có đời sống đạo đức v.v... Tanhà chỉ diễn đạt phần vị kỷ
xấu xa của sự ham muốn, khát khao hay lòng ước muốn cho chính mình, sự
luyến ái, bám níu giữ chặt cho cái "ta".
Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), có ba loại ái dục: a) Ái dục
duyên theo nhục dục ngũ trần (kàma tanhà); b) Ái dục duyên theo những
khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến (bhava
tanhà). Trong lúc thọ hưởng dục lạc nghĩ rằng vạn pháp là thường còn,
và khoái lạc này sẽ mãi mãi tồn tại; c) Ái dục duyên theo những khoái
lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến (vibhava tanhà).
Trong lúc thọ hưởng nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt sau khi chết. Chết
là hết.
Bhava tanhà có khi được giải thích là sự luyến ái đeo níu
theo Sắc Giới, và vibhava tanhà là luyến ái đeo níu theo Vô Sắc Giới.
Ái dục là một năng lực tinh thần vô cùng hùng mạnh,
luôn luôn ngủ ngầm bên trong mỗi người, và là nguyên nhân chánh gây nên
phần lớn các điều bất hạnh trong đời. Đau khổ của chúng sanh bắt
nguồn từ lòng luyến ái ích kỷ, khát khao tham muốn vô độ, vô trật tự
và sự bám níu đam mê vào những sự vật trên thế gian. Những luyến ái,
tham muốn và bám níu, những ước mơ, mong mỏi, dục vọng, thèm khát ấy
được bao hàm trong danh từ tanhà, ái dục.
Chính ái dục thô kịch hay vi tế, làm cho ta bám níu chặt
chẽ vào sự sống dưới mọi hình thức, và do đó dẫn dắt ta mãi mãi
phiêu bạt trong những kiếp sinh tồn. Kinh sách thường ví ái dục như lằn
may nối liền hai mảnh vải, cùng thế ấy ái dục nối liền hai kiếp sống.
Tại sao ái dục luôn luôn mang đau khổ theo liền với nó?
Vì ái dục là khát khao ham muốn những gì tự nó không thực, không ngừng
biến đổi. Khi ta cố gắng đuổi bắt một mục tiêu huyền ảo lững lờ
như cái bóng, một cái gì sớm tan biến khi ta vừa vói tay nắm lấy, thì
có thể ước mong gì khác hơn là thất vọng? Và đó là đau khổ.
Tại sao ta phải khát khao mong muốn và chạy theo bắt cho kỳ
được cái không thực? Vì vô minh của chúng ta làm cho chúng ta lầm tưởng
cái không thực là thực, thấy bóng tưởng hình. Đức Phật dạy:
"Trong cái không thực ngỡ là thực. Thấy cái thực tưởng là không thực.
Những ai còn mãi mê trong bãi cỏ sai lầm như thế ấy không bao giờ thành
đạt cái thực."
Bằng cách thông suốt rõ ràng ái dục, sự phát sanh của
ái dục, sự chấm dứt ái dục và đường lối thực hành nhằm chấm dứt
ái dục, ta có thể tháo gỡ tình trạng rối ren này.
Ái dục bắt nguồn từ đâu và sanh khởi như thế nào?
Trong bộ Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, có đoạn:
"Ái dục bắt nguồn từ đâu và khởi sanh ở đâu? Nơi
nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và sanh khởi.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục
bắt nguồn từ đó và sanh khởi từ đó."
Pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên, dạy rằng
tùy thuộc nơi vô minh, hành phát sanh. Vô minh là không có trí tuệ, không
hiểu biết Tứ Diệu Đế, xem những gì vô thường là thường còn, thấy
đau khổ là hạnh phúc, chấp cái vô ngã là linh hồn trường cửu, cái
không thực là thực. Vì bị màn vô minh che lấp, con người không nhận thức
bản chất giả hợp của năm uẩn, cho đó là thường còn, hạnh phúc, là
tự ngã của mình. Vô minh tạo duyên cho Hành phát sanh. Hành là hành động
có tác ý, tức hành động tạo nghiệp -- nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện.
Vì hành động khởi sanh tùy thuộc nơi vô minh, vô minh có phần ảnh hưởng
quan trọng trong những hành động bất thiện và vẫn tiềm tàng ngủ ngầm
trong những hành động thiện. Như người kia làm điều thiện với tâm bi
mẫn, hoàn toàn vị tha, nhưng không hiểu biết đầy đủ bản chất thật
sự của đời sống -- vốn là vô thường, khổ và không có một bản ngã
trường tồn. Tình trạng kém hiểu biết về thực tướng của đời sống,
dầu là tinh vi, có thể hướng về hành động tạo thiện nghiệp và dẫn
đến tái sanh tốt đẹp. Chỉ có hành động của những vị đã tận diệt
vô minh, đã hoàn toàn loại trừ những khuynh hướng nhiễm ô ngủ ngầm
trong luồng tâm (anusaya) như chư Phật và chư vị A La Hán, mới không tạo
nghiệp và không đưa đến tái sanh.
Bên trong chúng ta có cái sáu cái cửa để thâu nhận ngoại
cảnh, gọi là lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Bên ngoài có sáu
đối tượng của lục căn là lục trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc,
pháp. Khi một trần cảnh tiếp chạm với căn liên hệ thì có thức liên hệ
khởi sanh. Như khi sắc trần tiếp chạm với nhãn căn là có nhãn thức
sanh khởi. Thinh tiếp chạm với nhĩ làm khởi sanh tỷ thức v.v... Ta gọi
là lục thức, sáu sự hay biết xuyên qua lục căn, nhưng trong thực tế nó
chỉ là cái tâm, một cái tâm xuất hiện ở sáu nơi. Như vậy, ái dục bắt
nguồn và sanh khởi từ torng tâm.
Điểm giao hợp của ba yếu tố: trần, căn và thức, là
xúc. Khi có xúc thì thọ phát sanh cùng lúc, không năng lực nào có thể cản
ngăn. Thọ là cảm giác một đối tượng khi đối tượng ấy tiếp chạm
với căn liên hệ. Chính thọ cảm nhận quả lành hay quả dữ của những
hành động thiện hay bất thiện trong quá khứ hay trong hiện tại. Đại khái
có ba loại thọ: thọ lạc, hay cảm giác hoan hỷ, hạnh phúc; thọ khổ,
hay cảm giác buồn phiền; và thọ vô ký, không hạnh phúc cũng không buồn
phiền.
Khi mắt tiếp xúc với một hình thể tức có sự thấy.
Khi tai tiếp xúc với một âm thanh tức có sự nghe v.v... Thấy những hình
sắc đẹp, nghe những âm thanh êm dịu hay những lời tán dương khen tặng,
hửi những mùi thơm, nếm những món ngon vật lạ, thọ những cảm xúc dễ
chịu hay có ý nghĩ tốt đẹp thì ta ưa thích, luyến ái, bám níu v.v... những
hình thức khác nhau của ái dục. Trái lại, những hình sắc ghê tởm, những
âm thanh nghịch nhĩ, những mùi hôi thúi v.v... làm cho ta khó chịu, ghét bỏ,
xua đuổi. Dầu ưa thích hay ghét bỏ, ta vẫn giữ trong lòng. Ưa thích thì
ôm vào và giữ chắc lại, tức tham. Ghét bỏ thì xua đuổi, đẩy ra, tức
sân. Ôm vào hay đẩy ra, nó vẫn ở trong tâm mình và từ trong tâm, biểu
hiện ra bằng hành động và lời nói. Chính thân, khẩu và ý tạo nghiệp
và đưa đẩy ta lạc lối trong khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn,
gọi là đời sống của muôn loài vật.
Nhìn trở lại vào pháp Tùy Thuộc Phát Sanh hay Thập Nhị
Nhân Duyên, ta thấy Vô Minh tạo duyên cho Hành phát sanh, rồi Hành trở lại
tạo duyên cho Thức phát sanh. Thức tạo duyên cho Danh-Sắc phát sanh... đến
Sanh, Lão Tử tạo duyên cho Vô Minh phát sanh v.v... tiến trình nhân và quả
diễn tiến vô cùng tận.
Cây sanh trái, trái sanh cây, xem hình như không bao giờ chấm
dứt. Nhưng nếu ta biết, đập cái hột đi ắt trái không còn sanh cây và
như thế chấm dứt luồng diễn tiến. Quả sanh vì có nhân. Nếu không có
nhân tức không có quả.
Từ vô thủy ta bị trói buộc, dính kẹt trong vòng lẩn quẩn
của Thập Nhị Nhân Duyên. Nếu để nó trôi chảy theo dòng diễn tiến tự
nhiên mà không có cố gắng nào để khắc phục và vượt ra khỏi thì, dưới
sự chi phối của tham ái, sân hận và si mê cố hữu của con người, nó sẽ
lôi cuốn ta mãi mãi triền miên vô cùng tận. Phải đập bể cái hột và
chấm dứt vòng luân hồi.
Câu hỏi được nêu lên là: Phải thoát ra ở giai đoạn nào
của mười hai vòng khoen?
Hai vòng khoen đầu -- Vô Minh và Hành -- thuộc về thời
quá khứ. Quá khứ đã trôi qua. Nghiệp đã tạo. Ta không thể đi ngược dòng
thời gian để sửa sai hoặc làm gì khác.
Hai vòng khoen cuối cùng -- Sanh và Lão, Tử -- thuộc về tương
lai. Tương lai chưa đến. Ta cũng không thể đi trước thời gian để sắp
xếp hay sửa sai.
Tám vòng khoen còn lại nằm trong thời hiện tại. Năm trong
tám vòng ấy -- Thức, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, Thọ -- là quả trổ sanh
trong hiện tại, do nghiệp mà Vô Minh và Hành đã tạo trong quá khứ. Nhân
đã gieo ắt quả phải trổ. Ta cũng không thể làm gì.
Còn lại ba là: Ái, Thủ, Hữu. Đây là phản ứng của ta
đối với những quả ấy. Phản ứng này là cực kỳ quan trọng vì sẽ
làm nhân tạo quả trong tương lai. Đây là yếu tố then chốt trên Con Đường.
Nơi đây ta có thể bị lôi cuốn mãi mãi đi vòng quanh, mà cũng tại nơi
đây ta có thể mở đường vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt
trong mọi hình thức khổ đau.
Tùy thuộc nơi Thọ, Ái phát sanh. Nếu trong khi thọ, ta ái
-- ưa thích hay ghét bỏ - tức có luyến ái, đeo níu, bám chặt (thủ) rồi
tiếp nối vòng quanh sanh tử triền miên. Thông thường, khi thọ một cảm
giác thì người ta ưa thích hay ghét bỏ. Thỏa thích và ghét bỏ là hai
hình thức khác nhau của Ái, ghét bỏ thì chỉ là hình thức tiêu cực. Khi
nói "tôi ghét tiếng ồn" tức là "tôi ưa không có tiếng ồn",
"tôi ước muốn không có tiếng ồn". Như vậy không phải chỉ thọ
lạc, mà những cảm giác đau khổ và khó chịu cũng tạo duyên cho Ái khởi
sanh. Một người trong cảnh khốn cùng khát khao mong muốn thoát ra trong trạng
thái đau khổ ấy và ước mong được hạnh phúc và thảnh thơi. Người
nghèo nàn túng thiếu, người bệnh hoạn tật nguyền, khát khao được có
hạnh phúc, được châu toàn và có nguồn an ủi. Lòng khát khao ham muốn
và ước vọng ấy là Ái.
Kinh Pháp Cú có câu: "Ái dục sanh sầu muộn. Ái dục
sanh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt Ái Dục không còn sầu muộn,
càng ít lo sợ." (câu 216)
Nếu hiểu biết bản chất thật sự của Thọ là vô thường,
khổ, vô ngã, ta sẽ không chấp thủ mà buông xả, tức nhiên không có Ái.
Không Ái tức không Thủ, không Hữu. Đó là đập nát cái hột, chấm dứt
những kiếp sống trong vòng luân hồi.
Đối với người thường trong thế gian, lòng ham muốn nhục
dục ngũ trần phát triển một cách rất là tự nhiên, bởi vì khắc phục
sự khát khao của lục căn quả thật vô cùng khó. Ngài Nagarjuna (Long Thọ)
dạy rằng, "ái dục chỉ ngọt ngào ở lớp mặt, bên trong thì khô cứng
đắng cay." Nhưng người đời thường chỉ biết thưởng thức lớp vỏ
bề ngoài. Ái dục cũng giống như cục xương khô mà người ta vứt cho con
chó đói. Chó có gậm xương nhưng không ăn gì được. Ái dục không bao giờ
được thỏa mãn trọn vẹn. Khi một điều mong muốn được thành tựu
thì ta lại có ước vọng mới. Con người luôn luôn chạy theo những thích
thú tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, chụp cho kỳ
được cái mà thật sự chỉ là hình bóng ảo huyền.
Trong các bài kinh giảng về Thọ (vedanà) trong bộ Tạp A
Hàm (Samyutta Nikàya) Đức Phật hỏi,
"Này chư Tỳ Khưu, một người thế gian, không có học
Giáo Pháp, kinh nghiệm thọ lạc, thọ khổ và thọ vô ký. Một Thánh Đệ
Tử, thông suốt Giáo Pháp, cũng kinh nghiệp thọ lạc, thọ khổ và thọ
vô ký cùng một thế. Vậy thì có gì khác biệt, có điểm nào không giống
nhau, giữa hai người?"
"Khi người thế gian bị đau đớn nhức nhối thì lo
âu và phiền muộn, người ấy ta thán, đấm ngực khóc than và thất vọng.
Như thế ấy, anh ta kinh nghiệm hai loại thọ, thọ khổ ở thân và thọ khổ
ở tâm. Cũng như đã bị một mũi tên, rồi lại bị một mũi tên thứ
nhì, anh đau khổ cả thân lẫn tâm.
"Bị thương đau nhức, người ấy phẩn uất, bất mãn
và có khuynh hướng tìm cách khỏa lấp. Trong sự đau khổ người ấy đi tìm
khoái lạc ở đời. Tại sao người ấy hành động như vậy? Này chư Tỳ
Khưu, người thế gian không có học Giáo Pháp, không biết phải làm thế
nào để thoát ra khỏi trạng thái khổ đau của mình, ngoại trừ tìm cách
hưởng thụ dục lạc để khỏa lấp. Bên trong con người thích thú thọ hưởng
dục lạc thì khuynh hướng khát khao nhục dục ngũ trần ngày càng sâu đậm.
Người ấy không biết đúng sự thật bản chất sanh diệt của thọ,
không biết hậu quả tai hại của lòng ham muốn thỏa mãn dục vọng mà cũng
không biết làm cách nào để thoát ra. Bên trong con người kém hiểu biết
như thế ấy khuynh hướng si mê đối với thọ vô ký càng sâu đậm. Khi
thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký, người như thế ấy tự trói buộc, siết
chặt mình vào đời sống. Này chư Tỳ Khưu, người như thế ấy bị dính
mắc và mãi mãi lăn trôi trong vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu muộn,
ta thán, khổ đau và tuyệt vọng.
"Trong trường hợp của bậc Thánh Đệ Tử thông suốt
Giáo Pháp, này chư Tỳ Khưu, khi bị đau đớn nhức nhối, vị ấy không lo
âu hay phiền muộn và ta thán, không đấm ngực khóc than và tuyệt vọng.
Người ấy chỉ kinh nghiệm một loại thọ, đau đớn về thể xác, nhưng
tâm vẫn bình thản. Giống như người bị một mũi tên, và không bị mũi
tên thứ nhì. Cũng dường thế ấy, bậc Thánh Đệ Tử thông suốt Giáo
Pháp sẽ không lo âu sầu muộn và ta thán, sẽ không đấm ngực khóc than
và tuyệt vọng.
"Bị thương đau nhức, người ấy không phẩn uất bất
mãn, do đó không có khuynh hướng tìm cách kháng cự. Trong sự đau khổ
người ấy không tìm thọ hưởng lạc thú trần gian để khỏa lấp.
"Tại sao?
"Vì đã thông suốt Giáo Pháp, bậc Thánh Đệ Tử hiểu
biết làm thế nào để thoát khổ, ngoài phương cách thỏa mãn dục vọng.
Người ấy không tìm thỏa mãn dục vọng, không còn khuynh hướng đi tìm
thích thú trong dục lạc. Người ấy thấu đạt chân chánh bản chất sanh
diệt của thọ, mối hiểm họa của lòng ham muốn dục lạc và cũng hiểu
biết con đường thoát ra khỏi những thọ cảm ấy. Bên trong con người hiểu
biết như thế ấy không còn khuynh hướng si mê đối với thọ vô ký. Khi
thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký người ấy không bị trói buộc. Người
như thế ấy, này chư Tỳ Khưu, được gọi là bậc Thánh Đệ Tử thông
suốt Giáo Pháp, là người không tự trói buộc mình vào và không trôi theo
vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu muộn, ta thán, khổ đau và tuyệt vọng.
"Đó, này chư Tỳ Khưu, là sự khác biệt, là điểm dị
đồng, giữa người thế gian không biết Giáo Pháp và chư Thánh Đệ Tử
thông suốt Giáo Pháp."
Về những tai hại của ái dục Đức Phật dạy:
"Bên trong chúng sanh, hỷ lạc phát khởi và cuồn cuộn
chảy theo ngũ trần, và những chúng sanh ấy đam mê say đắm trong ái dục.
Buông lơi chạy theo dục lạc, họ mong tìm thỏa thích. Quả thật vậy, người
như thế ấy mãi mãi đi đến sanh rồi đến hoại."
Và trong một trường hợp khác, Ngài dạy:
"Kẻ bị phủ vây trong ái dục kinh hoàng như thỏ nằm
trong rọ. Bị thằng thúc và những trói buộc tham ái, sân hận, ngã mạn
và tà kiến siết chặt, kẻ ấy còn đau khổ triền miên lâu dài."
(Dhammapada, Pháp Cú Kinh, câu 340 và 342)
Đã biết rằng ái dục là căn nguyên của chứng bệnh đau
khổ Tối Thượng Y Vương kê toa cho thuốc nhằm tận diệt ái dục. Con người
đau khổ vì ái dục. Không còn ái dục, tức đau khổ cũng chấm dứt. Ngài
dạy:
"Hởi này chư Tỳ Khưu, đây là Chân Lý về Con Đường
dẫn đến Diệt Khổ. Đó là Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh
ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định."
Tám chi của Bát Chánh Đạo có thể được sắp xếp lại
thành ba nhóm như sau:
Giới - gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng;
Định - gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; và
Tuệ - gồm chánh kiến, chánh tư duy.
Giới, Định, Tuệ là phương pháp thực hành nhằm vượt
ra khỏi mọi hình thức khổ đau của những kiếp sinh tồn.
Tại sao khổ? Vì ái dục. Ái dục vì vô minh. Vô minh là tối
tăm, không biết thực tướng của sự vật. Đàng khác, trí tuệ là tri kiến,
là ánh sáng, là nhận thức và thông hiểu sự vật, thấu triệt thực tướng
của vạn pháp. Bát Chánh Đạo là pháp hành nhằm phát triển trí tuệ để
đối trị, phá tan màn vô minh. Khi ánh sáng trí tuệ được phát triển đến
đâu thì đêm tối của vô minh bị đẩy lui đến đó và chỉ dầu một
tia nhỏ bé lu mờ của trí tuệ cũng cần phải được phát triển do tâm
an trụ vắng lắng, không phóng dật, không xao lãng.
Bước đầu nhằm tiến đến trí tuệ là tâm định. Tâm
định phải có giới đức làm nền tảnh. Một người không nghiêm túc
trì giới, người hung ác, gây tổn thương hay sát hại sanh linh, người trộm
cắp, tà dâm, có lời nói giả dối, đâm thọc, thô lỗ nhảm nhí, người
có tật say sưa, tức nhiên không thể giữ tâm an tĩnh. Tâm chao động không
thể an trụ, và không an trụ tức không định. Bản chất của tâm là
luôn luôn di động, phóng đầu này, nhảy đầu kia không ngừng nghỉ. Hành
thiền là kiểm soát, rèn luyện, trau giồi và phát triển, là uốn nắn
tâm.
Pháp hành thiền có thể phân làm hai giai đoạn: thiền Vắng
Lặng và thiền Minh Sát. Theo pháp hành thiền Vắng Lặng người hành thiền
gom tâm vào một điểm và cột chặt tâm lâu dài vào điểm duy nhất ấy
để phát triển vắng lặng, an lạc. Trạng thái luôn luôn khuấy động và
phóng dật mà tâm đã quen thuộc từ vô lượng kiếp giờ đây được điều
phục, trở nên lắng dịu, sẵn sàng nhu thuận để khai triển trí tuệ. Trước
ngày Bồ Tát Gotama Thành Đạo chỉ có thiền Vắng Lặng. Chính Ngài đã tiến
đến tuyệt đỉnh của thiền này, nhưng sớm nhận thức rằng mình chưa
phát triển đủ ánh sáng trí tuệ để đánh tan đêm tối vô minh, ngủ ngầm
trong luồng nghiệp. Vô minh và ái dục giống như hai con thú dữ. Bằng thiền
Vắng Lặng Ngài chỉ nhốt hai con thú dữ trong chuồng, mà không diệt.
Ngày nào sút chuồng nó sẽ còn là tai hại lớn lao. Vì lẽ ấy, đây chưa
phải là tuyệt đối châu toàn, vì chưa trọn vẹn tận diệt vô minh và
ái dục. Mục tiêu cứu cánh của Ngài chỉ là những ngộ nhận Chân Lý
Cùng Tột.
Khi ngồi lại dưới cội bồ đề, với thiền Minh Sát
(vipassanà) Ngài hướng tâm định ấy vào bên trong, quan sát thân và tâm
mình và quán chiếu đời sống để chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.
Vipassanà, hay minh sát, là sáng suốt thấy vượt ra ngoài tầm thức thông
thường, thấy một cách rõ ràng. Đây không phải là thấy phớt trên bề
mặt, hay chỉ thoáng qua cái dáng bề ngoài mà thấy sự vật đúng trong bối
cảnh của nó, tức thấy dưới ánh sáng của ba đặc tướng: vô thường,
khổ và vô ngã. Do nhờ thiền Minh Sát, dựa trên nền tảng tâm định vắng
lặng, người hành thiền có khả năng gội rửa tất cả mọi ô nhiễm
trong tâm đến mức tận cùng, tận diệt hai con thú dữ, lột bỏ mọi ảo
kiến về cái "ta", nhìn thấy thực tướng của vạn pháp.
Đối với người đã khai triển minh sát, khi tiến đến tuệ
xả hành (sankhàrupekkhànàna) tâm hoàn toàn thản nhiên (upekkhà, xả) trước
sự biến đổi của tất cả các sự vật được cấu tạo (sankhàra,
hành). Dầu cảm nhận thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký, người ấy không
bám níu vì nhận thức rằng tất cả sự vật trên thế gian hiện tượng
này không ngừng sanh diệt, quả thật phù du huyền ảo và tạm bợ nhất
thời, không khác nào giọt sương buổi sáng, lóng lánh trên lá cây, ngọn
cỏ, rồi sớm tan biến khi những tia nắng bình minh bắt đầu rọi xuống,
cũng tựa hồ như một khối bọt, như một giấc mơ. Không có chi cho ta luyến
ái hay bám níu. Hạnh phúc đến, rồi đi. Đau khổ đến, rồi đi. Như giọt
nước nhểu trên lá sen, không dính mắc mà trôi đi, một đối tượng hấp
dẫn hay một đối tượng không vừa lòng cũng lăn trôi ra khỏi tâm hành
giả mà không khơi dậy lòng tham ái hay sân hận. Khi hạnh phúc đến. Ghi
nhận, biết đây là hạnh phúc, rồi buông xả, để cho nó trôi qua. Đau khổ
đến. Ghi nhận, hay biết, rồi để cho nó trôi qua. Thay vì bám níu và ôm
giữ -- ái và thủ -- người ấy để tất cả trôi qua. Không ái, không thủ,
tức không có hữu, không có sanh, không già và chết, không phiền muộn,
than van, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng, toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Đức Phật dạy:
"Như ta nhìn bọt nước. Như ta nhìn ảo ảnh. Nếu người
kia nhìn thế gian này như vậy. Tử Thần không còn thấy người ấy nữa."
(Dhammapada, Kinh Pháp Cú câu 170)
Khi Đức Phật giảng xong Bài Pháp Đầu Tiên này thì trong
năm vị đạo sĩ ngồi nghe, Đạo Sĩ Kondanna chứng ngộ Đạo và Quả Tu Đà
Hườn (Nhập Lưu), tầng Thánh đầu tiên trong Tứ Thánh.
Kondanna đã khai thông Pháp Nhãn, đã tự mình chứng ngộ, tận
diệt mọi hoài nghi (về Phật, Pháp), hết lòng đặt niềm tin và vững chắc
thực hành theo lời dạy của Đức Phật, xin Ngài được xuất gia. Đức
Phật nói, "Ehi, Bhikkhu", "hãy đến đây, Tỳ Khưu, Giáo Pháp đã
được ban truyền tốt đẹp, Hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng và chấm
dứt đau khổ." Với những Phật ngôn trên Đại Đức Kondanna xuất gia
với Phật, trở thành một vị tỳ khưu.
Vào thủa bấy giờ không có lễ nghi xuất gia nào khác, và
phương thức xuất gia tỳ khưu này được gọi là Ehi Bhikkhu, hãy đến đây,
Tỳ Khưu. Ngài Kondanna là người đầu tiên xuất gia theo nghi lễ này.
Trong những ngày kế tiếp sau đó Đức Phật ngự tại Lộc
Uyển, Isipatana, giảng dạy tiếp cho bốn vị đạo sĩ. Hai vị, Vappa và
Bhaddiya cũng khai thông Pháp Nhãn, chứng ngộ Quả Nhập Lưu và xin xuất
gia. Lúc bấy giờ ba vị Thánh Đệ Tử đi bát và cả sáu vị, Đức Phật
và năm vị, cùng thọ thực. Và sau cùng Mahanama và Assji cũng chứng đắc
Đạo Quả Tu Đà Hườn và xin xuất gia, cùng một thế ấy.
Phạm Kim Khánh
(Trích: "Hành hương xứ Phật", Trung tâm Narada, Seattle, 1997).
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/013-bonchanly.htm