- Đạo Phật là gì ?
- Lama Yeshe
Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu
về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí chính bạn. Thay
vì đề cao một thực thể cao cả siêu nhiên nào đó, Phật giáo chủ trương
tập trung vào những vấn đề thực tiễn của con người, cách hướng dẫn
cuộc sống, cách điều hòa thân tâm và tạo một đời sống an bình hạnh
phúc cho con người. Nói cách khác, Phật giáo luôn nhấn mạnh những vấn
đề mang tính thực nghiệm và khả thi trong hiện tại hơn là những quan
điểm mang tính luận lý, xa rời thực tế. Thật ra, chúng ta cũng không
nên xem Phật giáo như là một tôn giáo mang nặng màu sắc tín ngưỡng theo
cách hiểu của phương Tây. Giáo lý đạo Phật vừa sâu sắc vừa thực tế
vượt hẳn những ngành khoa học, triết học hay tâm lý học thế tục.
Tâm con người luôn rong ruổi kiếm tìm hạnh phúc một
cách bản năng, Đông cũng như Tây, chẳng khác nhau gì mấy. Tuy nhiên, nếu
trong lúc đang kiếm tìm hạnh phúc mà bạn bị cuốn hút vào thế giới cảm
giác một cách thụ động thì thật nguy hiểm, bạn sẽ không tự làm chủ
được bản thân mình.
Sự phát triển đơn thuần của khoa học kỹ thuật không
thể làm thỏa mãn dục vọng của con người hay giải quyết được mọi vấn
đề của cuộc sống. Giáo lý đạo Phật giúp bạn nhận ra khả năng giải
thoát mọi khổ đau vốn sẳn có nơi tự tâm của mỗi người. Bạn học
hiểu đạo Phật là bạn học hiểu chính thân tâm bạn để rồi tự bạn
giải quyết mọi vấn đề khúc mắc trong cuộc sống tình cảm và xã hội
phức tạp hàng ngày của chính bạn. Dù bạn là người có thiên hướng tôn
giáo hay thiên hướng chủ nghĩa vật chất thì điều quan trọng là bạn phải
nên tìm hiểu tâm lý bạn vận hành như thế nào. Căn nguyên của mọi khổ
đau cũng phát xuất từ chính nội tâm bạn. Nếu bạn không nhận thức
được điều này thì khi một số điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thay đổi,
bạn sẽ cảm thấy bối rối và thậm chí dẫn đến khổ đau. Do bị dấn
sâu vào thế giới của cảm giác, bạn không nhận chân được nguyên nhân
sâu xa của mọi khổ não của cuộc đời chính là tính tham ái của tự
tâm bạn.
Dù bạn có thể phản đối những gì tôi đang nói hay bạn
có thể nói với tôi rằng, bạn không tin những điều tôi nói thì sự thật
vẫn là sự thật. Ở phương Tây, có rất nhiều người tuyên bố
"tôi không phải là một tín đồ của bất kỳ giáo phái nào". Họ
rất hãnh diện là họ không đặt niềm tin ở bất kỳ điều gì khác
ngoài lý trí của bản thân mình. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của
niềm tin mà là vấn đề thực tế của cuộc sống. Dù muốn hay không muốn
thì đôi khi bạn cũng bị dẫn dắt bởi lòng tham dục của chính bạn hay
bạn không thể tự làm chủ được mình. Chẳng hạn, ý định đầu tiên
của con người khi chế tạo xe hơi và máy bay là để con người có được
nhiều thời gian hơn để ngơi nghỉ. Thế nhưng, ngược lại con người
trong xã hội hiện đại ngày càng bị cuốn hút vào cuộc sống tất bật,
xô bồ, ít có thời gian ngơi nghỉ. Vì tham vọng, con người bị dính vào
thế giới hưởng thụ bị động của chính sự sáng tạo của họ. Con người
càng ngày càng giới hạn không gian và thời gian để sống và tìm hiểu thế
giới nội tâm của mình. Đây là một vấn đề lớn của xã hội hiện đại.
Bạn ít khi tìm thấy sự thỏa mãn hay thanh thản trong cuộc sống hàng
ngày. Sự thật thì niềm tin và sự an bình đến từ nội tâm bạn chứ
không phải đến từ sự vật bên ngoài. Tuy vậy, cũng có một số người
thông minh và họ nhận thức được rằng vật chất không đảm bảo hoàn
hảo một đời sống hạnh phúc thật sự, và họ đã đi tìm kiếm niềm
vui tinh thần trong thế giới nghệ thuật hay ở hình thức tôn giáo.
Một điều mà bạn nên để ý là, khi đức Phật nói về
khổ đau, Ngài không chỉ đơn giản nói về những hiện tượng đau khổ bên
ngoài như bệnh tật hay những tình huống khó khăn của cuộc sống; mà
Ngài còn hàm ý rằng, tính tham dục không cùng của tâm cũng chính là khổ
đau. Dù bạn sở hữu bao nhiêu, dù bạn thành đạt đến đâu đi nữa, bạn
cũng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Chính tham vọng đã đưa đẩy con
người đi đến sự không từ bất cứ hành động nào để đạt mục đích
như mong muốn, và cũng chính điều này đã đưa đẩy đến sai lầm và
đau khổ trong cuộc sống.
Tâm lý học Phật giáo phân biệt 6 loại trạng thái tâm
lý cơ bản thường gây khổ não cho con người: tính tham lam, sân hận, si
mê, kiêu mạn, nghi hoặc và hiểu biết sai lầm (tà kiến). Đây là những
tâm lý xấu nảy sanh từ bên trong chứ không phải là các hiện tượng bên
ngoài. Do đó, muốn giảm thiểu khổ đau, bạn cần phải chấm dứt những
căn nguyên của khổ đau -- chính là những trạng thái tâm lý này. Muốn chấm
dứt chúng, bạn cần phải hiểu bản chất của chúng, tức bạn phải
nhìn vào tự tâm của bạn để nhận rõ từng tâm lý một, ngăn ngừa sự
phát khởi và tăng trưởng của chúng. Nếu bạn không hiểu rõ tâm trí bạn
thì bạn luôn bị dẫn dắt bởi những tâm lý vị kỷ đầy tham sân si để
rồi đi đến hành động thiếu sáng suốt, và đây chính lằ điều khiến
bạn luôn cảm thấy bất an.
Hàng ngày, chúng ta hầu như thường hành động một cách
thiếu ý thức. Chúng ta ăn nhưng không biết mình đang ăn, chúng ta uống
mà không biết mình đang uống... Hãy thử nghiệm bằng cách ý thức rõ những
tâm lý, tình cảm, hành động và lời nói hàng ngày của bạn, bạn sẽ giảm
thiểu được rất nhiều khổ đau cho chính bạn và cho mọi người xung
quanh. Tôi không nói về những gì xa xôi trên bầu trời. Đây là một điều
rất giản dị, chân thật và thực tiễn. Đây cũng chính là ý nghĩa sự
hiện hữu của đạo Phật trên thế gian này.
Đức Sơn dịch
(Theo "Mandala", Jan-Feb 1998)