- Từ bi trong đạo Phật
- Tỳ Kheo Thích Quảng Lực
Chúng ta thường nói "Đạo Phật là đạo Từ Bi".
Hầu như câu nói ấy đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam nói riêng và trên
thế giới nói chung từ người già đến người trẻ đều biết rằng đạo
Phật là Đạo thương người, thương vật cứu người, cứu vật và thương
yêu tất cả chúng sanh. Đức Phật vì lòng Từ Bi vô lượng nên chính từ
kim khẩu của Ngài nói ra tất cả các pháp và cứu độ tất cả chúng
sanh nhằm mục đích là cứu khổ, ban vui cho chúng sanh được an lạc giải
thoát.
Cổ Đức có dạy :
- "Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc
- Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ ".
Tạm dịch :
- Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui,
- Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ.
Ý nghĩa của Từ Bi Tâm là :
Từ Tâm : là tâm thương yêu tất cả chúng sanh sẵn sàng
giúp đỡ họ, đem lại lợi ích và an vui cho mọi chúng sanh, không phân biết
kẻ oán người thân, kẻ nghèo người giàu, kẻ ngu người trí v.v... từ
tâm vô lượng có sức mạnh vô cùng tận, trừ được các tâm sân nhuế nơi
chúng sanh, chế phục được những chúng sanh cực kỳ ác độc, hướng họ
vào con đường thiện. Như đức Phật độ chàng Vô Não cũng vì Từ Tâm.
Bi Tâm : là tâm thương xót chúng sanh đau khổ, sẵn sàng cứu
vớt họ ra khỏi cảnh khổ đau.
Bi Tâm vô lượng có sức mạnh vô cùng tận, giúp người
tu hành vượt mọi khó khăn, thử thách trên bước đường hành đạo. Nhờ
vậy mà người tu hành có thể bố thí những thứ khó bố thí, nhẫn những
điều khó nhẫn, làm những việc khó làm, nhằm cứu khổ, cứu nạn cho
chúng sanh được an vui. Như Ngài Quán Thế Âm cứu khổ chúng sanh vậy.
Suốt trong quá trình tu học của người con Phật nếu thường
ái niệm chúng sanh trong khắp mười phương, muốn được thấy họ an vui
thì hành giả phải khởi Từ Bi Tâm.
Từ Bi Tâm tương ưng với thọ, tưởng, hành và thức,
duyên khởi nơi thân và khẩu, tác thành những hạnh Từ Bi.
Từ Bi tâm pháp có sức mạnh vô cùng, duyên khởi các nghiệp
thiện ở đời sau, ở nơi cõi sắc, từ tâm pháp dù là hữu lậu, dù là
vô lậu, cũng làm căn bản cho các cõi thiền. Từ tâm tương ưng với bi tâm,
nên trừ được tận gốc các ưu bi, khổ não của chúng sanh.
Trong cuộc sống tu học nơi chốn Thiền môn thì làm sao
tránh khỏi lỗi lầm sai sót, bởi vì người xưa có nói: " Nhân vô thập
toàn " thì chỉ nhờ vào tinh thần Từ Bi cao thượng của đạo mà xóa
bỏ đi các lỗi lầm. Để thể hiện tinh thần Từ Bi cao thượng rộng lớn
ấy thì chúng ta phải thực hiện tánh bình đẳng để dìu dắt giúp đỡ
nhau trên bước đường tu học như : "Người trí dạy người ngu, người
sang giúp người hèn, người biết dạy người chưa biết, người khỏe giúp
người yếu, người đi trước hướng dẫn người đi sau, người lớn dạy
bảo người nhỏ v.v..." có được như thế thì đạo pháp mới hưng thịnh,
tà ma không thể phá được, Tam Bảo được trường tồn. Ngược lại là
không phải đạo Phật.
Như tục ngữ có câu : "Chị ngã em nâng" hoặc
"anh em như thể tay chân" hay "Thương người như thể thương thân
".
Nếu trong chúng người nào trí tuệ thông minh xuất chúng
mà không Tâm Từ Bi thì không thể thành tựu được đạo quả và đức độ
vậy ! Bởi vì, đạo Phật chính là lòng Từ Bi.
Đức Phật dạy rằng "Này các Tỳ Kheo từ tâm rộng lớn
vô lượng, vô biên. Người khéo tu là người mở rộng Từ tâm đối với
hết thảy muôn loài chúng sanh khắp mười phương thế giới. Bi tâm cũng vậy".
Từ Tâm trừ được sân hận, xan tham, phiền não. Ví như
ngọc Ma Ni để vào nước đục, khiến nước trở thành trong, người có Từ
tâm xa lìa được ba độc tham, sân, si, cho nên dù gặp người đến mắng
nhiếc đánh đập v.v... cũng vẫn giữ tâm bình thản, chẳng có sân hận.
Như trong Luật Tỳ Ni có nói :
- "Pháp lực bất tư nghì
- Từ Bi vô chướng ngại..."
Từ là duyên sanh lạc, cho nên người vào được Từ Tâm
Tam Muội, liền trừ được các khổ, và liền được an vui. Người có
Tâm Từ rộng lớn, vô lượng, duyên khắp chúng sanh, phá tan oán tặc, phiền
não.
Trái lại người có tâm nhỏ hẹp thường chấp các việc
nhỏ, để rồi sanh tâm sân hận, áo não.
Người có tâm rộng lớn có trí huệ rộng lớn là người
tin nơi quả báo phước lạc, là người mong cầu Niết Bàn, thanh tịnh, thường
tu tịnh giới.
Người có tâm rộng lớn có trí huệ có thể biết hết thảy
chúng sanh, mà chẳng sanh tâm phân biệt đối xử, lại từ niệm hết thảy
chúng sanh, xem hết thảy chúng sanh như cha, mẹ, anh, chị, em, thân bằng quyến
thuộc của mình, muốn cho hết thảy chúng sanh được an vui (Duyên chúng
sanh).
Do từ niệm hết thảy chúng sanh ở khắp mười phương, muốn
thấy họ được an vui, mà phá trừ được chấp ngã. Vì sao 3 Vì do 5 ấm
hòa hợp duyên khởi, mới có ngã tương tục sanh, nhưng ngã cũng do 5 ấm
đều là tự tướng không, tự tánh không cả..
Bởi nhân duyên như vậy ! Nên người có tâm từ thường
nhất tâm từ niệm chúng sanh, thương xót chúng sanh, muốn chúng sanh được
an lạc, để rồi tùy theo niệm khởi của chúng sanh, mà hiển bày các thiện
pháp, nhằm đem lại sự an lạc cho họ (Duyên pháp).
Đức Phật dạy : Từ Tâm Tam Muội được năm công đức
đó là :
- - Vào lửa không bị thiêu cháy.
- - Ăn nhằm chất độc không bị chết vì ngộ độc.
- - Không bị nạn đao binh.
- - Không chết bất đắc.
- - Thường được chư vị Thiện Thần phò hộ.
Người có Từ Bi Tâm thường được mọi người mọi vật
kính mến và gần gủi, còn ngược lại thì không.
Về Bi Tâm, trong kinh có nói : "Hành 32 hạnh Bi, Bi tâm tăng
trưởng chuyển thành Đại Bi Tâm. Đại Bi là công đức của chư Phật và
của chư Bồ Tát, là mẹ của Bát Nhã Ba La Mật. Bồ Tát, trước phải phát
Đại Bi Tâm sau mới vào được Bát Nhã Ba La Mật.
Cũng như hàng ngày chúng ta tụng kinh đến các bài sám có
nhiều đoạn nói về Từ Bi Tâm như : "... Từ Bi vô lượng cứu quần
sanh... hoặc... chư Phật Từ Bi gia hộ..."
Từ và Bi thành tựu các công đức, dẫn đến viên thành
đạo quả, bao gồm cả bốn vô lượng tâm. Như chúng ta thường tán thán
Phật :
- "Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
- Phật diện du như mãn nguyệt huy
- Phật tại thế gian thường cứu khổ
- Phật tâm vô xứ bất Từ Bi".
- Ý nghĩa "Từ Bi Tâm" thâm diệu sâu mầu. Bởi vì, về chữ Hán
đều có ba bộ tâm ( ), nó nói lên lòng thương yêu bao trùm tất cả, đó
là thương yêu mình, thương yêu người, và thương yêu tất cả chúng sanh.
Đặc biệt là người Việt Nam và nhất là Phật Giáo quan niệm cho rằng :
"Ba là tất cả, tất cả là ba". Nên chúng ta phát huy tinh thần
"Từ Bi" cứu khổ ban vui của đạo một cách mạnh mẽ thực tế
và chân thật để cùng nhau được an vui hạnh phúc.