Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Quay đầu lại là bờ
Giáo sư Minh Chi
Học viện Phật giáo Việt Nam

Toàn bộ sự nghiệp học Phật và tu đạo Phật của chúng ta chỉ có một mục đích phát hiện ra cái tâm chơn thật của mình, mà sách Phật thường gọi là chơn tâm, và xả bỏ mọi phiền não, tức là vọng tâm, vọng niệm - vốn là cái tâm bình thường, hàng ngày của chúng ta. Nói là cái tâm bình thường, nhưng thật ra không bình thường chút nào, vì đó là cái tâm tham lam, sân giận, ngu si, thích ganh tị, đấu đá, chụp giựt, đồng thời cũng đầy lo âu, sợ hãi, bức xúc.

Vì sao con người hiện đại, dù là ở những nước công nghiệp tân tiến hay những nước đang phát triển như Việt Nam, thường không chịu nằm yên, đi, đứng, nằm, ngồi cũng không chịu yên. Đó là, thứ nhất, do cái tâm của người hiện đại bao giờ cũng hiếu động như con khỉ, con vượn, rất xứng với nhận định:"tâm viên, ý mã"(tâm là vượn, ý là ngựa) của người Trung Quốc thường nói. Thứ hai, và điều này còn nguy hiểm hơn nữa, là cái tâm gọi là "bình thường" của con người hiện đại là cái tâm đầy dẫy tham, sân và si, cái tâm hay ganh tị, chụp giựt, đấu đá, chiếm hữu, muốn vơ vét tất cả, chiếm hữu tất cả. Con người hiện đại rất sợ ngồi một mình, vì ngồi một mình là hay nghĩ chuyện tầm bậy, cái tâm xấu xa nó thường bộc lộ ra. Đó chính là lý do sâu xa vì sao con người hiện đại nghiện rượu, ma tuý, nghiện xem tivi, nghiện đủ thứ, với hy vọng lấp kín nỗi trống trải chán chường của mình, với hy vọng lãng quên cái tâm đầy dẫy tham lam, sân si và dục vọng thấp hèn của mình. Con người hiện đại có thái độ của con đà điểu rúc đầu vào cát, không phải vì sợ hổ báo gì, mà là sợ phải đối diện với con ngưòi thật, xấu xa của mình.

Khi bác sĩ Samuel Johnson, một nhà tâm lý học Mỹ được hỏi:"Con người ta tìm thấy thú vui gì khi sống bê tha như súc vật" thì bác sĩ trả lời: "những người sống bê tha như súc vật vậy là để lãng quên nỗi khổ làm người của họ"[1]

Phật giáo có một thái độ ngược hẳn với thái độ của con người hiện đại. Phật giáo khẳng định cái tâm xấu xa, đầy tham sân si đó không phải là cái tâm thật, mà là vọng tâm thức, là cái tâm hư vọng, không phải là cái tâm chơn thật, tức là chơn tâm của con người. Cái tâm hư vọng đem lại cho con người bao nhiêu lo âu phiền não, sở dĩ tồn tại được là vì chúng ta sợ hãi nó, lẫn tránh nó, không dám trực diện với nó. Theo đạo Phật thì mọi cố gắng lẫn tránh, lãng quên hay ức chế đối với vọng tâm và phiền não để chỉ làm cho các vấn đề rắc rối, phức tạp hơn. Nhà phân tâm học người Anổi tiếng là Freud gọi sự ức chế đó là pression, một từ tiếng Anh có nghĩa là bưng bít, kìm hãm, đè nén, không cho để lộ ra. Chính sự ức chế đó là cội nguồn của đủ mọi loại bệnh tâm thần mà Freud đã từng chủ trị với phương pháp phân tâm của ông (psychanalysis). Freud rất chú ý đến sự ức chế tình dục mà Freud phát hiện nơi con người, ngay cả con người còn lúc ở thời thơ ấu. Vào tuổi dâthì, xung động tình dục rất mãnh liệt và khó ức chế.

Đạo Phật có một quan niệm về ức chế rộng rãi hơn phân tâm học của Freud, tuy rằng vẫn thừa nhận bản năng tình dục ở con người rất khó chế ngự. Đối với đạo Phật, mỗi phiền não là một ức chế. Sách Phật nói tới vô lượng, vô số phiền não, do đó mà có câu:"Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn", nghĩa là: phiền não vô lượng nguyện đoạn hết.

Phiền não tuy nhiều vô lượng như vậy, nhưng môn duy thức học có sáu món phiền não căn bản là: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Đó chính là gốc, sản sinh ra tất cả các phiền não.

Ở đây tôi không phân tích chi ly các phiền não, mà đạo Phật cho rằng bắt nguồn từ vọng tâm, cho nên phiền não cũng là hư vọng, không đáng sợ. Thái độ đúng đắn của người Phật tử không phải lẫn tránh chúng, vạch rõ bộ mặt và bản chất hư dối của chúng, khiến chúng bị vô hiệu hoá, không thể lôi kéo ta đi làm chuyện tầm bậy, tức là tạo nghiệp ác. Không phải trốn tránh thế gian mà là hiểu biết thế gian. Phật là bậc Thánh như vậy, cho nên mới có danh hiệu Thế Gian Giải.

Có người nói, không thể lấy cái tâm phân biệt để nắm bắt chơn tâm được, nói như vậy rất đúng, nhưng cái mà chúng ta cần tìm hiểu, quan sát, đâu có phải là chơn tâm, là cái ở ngoài tầm nắm bắt của tri thức phân biệt chúng ta. Cái mà chúng ta cần tìm hiểu chính là cái vọng tâm, là cái ngăn che không cho chúng ta đối diện với chơn tâm, không khác gì mây che khuất mặt trời vậy. Vọng tâm đó chính là phiền não, đang từng từng lớp lớp bao vây chơn tâm. Vọng tâm hay phiền não, vì bản chất là hư vọng, cho nên chúng ta chỉ cần tỉnh giác đối với chúng, thì khắc chúng ta sẽ bị bóc trần và tiêu diệt. Vì vậy mà luận sư Santideva (Thanh Thiên) nói:"Hãy cột chặt con voi tâm thức với sự tỉnh giác"[2]

Thật vậy, chúng ta chỉ cần luôn luôn tỉnh giác, nhận mặt mọi vọng niệm, mọi phiền não xuất hiện trên bình diện của tâm thức chúng ta, thì tự nhiên chúng sẽ biến mất. Còn nếu chúng ta thiếu tỉnh giác và buông lỏng thì phiền não sẽ dẫn tới vọng tưởng, vọng tưởng dẫn tới tạo nghiệp, và bánh xe luân hồi sẽ bị dẫn nghiệp đó thúc đẩy quay mãi, quay mãi. Trong các khâu của mười hai nhân duyên: xúc, thọ, ái, thủ, hữu… thì khâu ái dẫn tới vọng tưởng, và do có vọng tưởng rồi có thủ, nghĩa là chấp lấy, vơ lấy, bám lấy và rồi để có thể vơ lấy, bám lấy làm của mình thì phải hữu, nghĩa là tạo nghiệp, dẫn tới sanh, già, chết.

Tình hình thế nào nếu ngay khâu tham ái phát sinh, chúng ta tỉnh giác thấy rõ đối tượng mà chúng ta tham ái là vô thường, khổ, không thực thể, thì vọng tưởng sẽ không thể sanh, chúng ta sẽ không còn muốn vơ lấy, bám lấy đối tượng tham ái nữa. Chúng ta lập tức được giải thoát với đối tượng mà chúng ta tham ái. Nếu từng từng lớp lớp phiền não đều dần dần được sự tỉnh giác của chúng ta bóc trần và xua đuổi đi như vậy, cũng như đám mây tụ lại rồi tản đi, thì mặt trời của chơn tâm sẽ hoàn toàn chiếu sáng. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của lời thiền sư Trung Hoa Bách Trượng, giải đáp câu hỏi của một thiền sinh thế nào là pháp môn đốn ngộ của đại thừa? Bách Trượng nói: "Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu, như vân khai, nhật xuất"[3].(Nếu tâm địa mà không rỗng thì mặt trời trí tuệ sẽ tự chiếu sáng, cũng như mây tan thì mặt trời ló ra vậy).

Tâm địa không rỗng là tâm thức đã được quét sạch mọi phiền não vọng niệm. Nhờ gì mà phiền não và vọng niệm được quét sạch? Nhờ tỉnh giác.

Thiền sư Đạo Huệ đời nhà Lý cũng có một bài thơ thiền, giúp chúng ta thấy rõ đâu là chơn tâm và phương pháp làm cho chơn tâm hiển lộ:

"Địa, thuỷ, hoả, phong, thức
Nguyên lai nhất thiết không,
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hiệp, bất phân ly,
Nhược nhân yếu phân biệt,
Lô trung hoa nhất chi".

Dịch nghĩa:

Địa, thuỷ, hoả, phong, thức
Nguyên lai tất cả đều không rỗng,
Cũng như mây khi tụ lại, khi tan đi,
Mặt trời Phật chiếu sáng vô cùng.
Sắc thân và diệu thể (tức là chơn tâm)
Không hoà hợp, không tách rời.
Nếu có người muốn phân biệt,
Cũng như hoa sen trong lò lửa vậy.

Giải:

Sắc thân này do bốn đại (địa, thuỷ, hoả, phong) và tâm thức tạo ra, vì là do nhân duyên hợp thành cho nên không có thực thể, là không rỗng, cũng không khác gì đám mây tụ lại và tản ra. Mọi phiền não và vọng niệm nảy sinh từ thân tâm này cũng không rỗng như vậy, trong khi chơn tâm, ví với Phật nhật (mặt trời Phật) vẫn chiếu sáng khắp nơi không cùng tận. Chơn tâm đó (diệu thể) vì tồn tại khắp nơi, cho nên tồn tại trong sắc thân này, nhưng không bị sắc thân này làm nhiễm ô, cũng như hoa sen vẫn tươi nở trong lò lửa vậy. Hoa sen trong lò lửa là một ảnh dụ thường được các thiền sư dùng để nói lên chơn lý này: Chơn tâm tuy bị sắc thân và phiền não che khuất, nhưng tuyệt đối không bị sắc thân và phiền não làm nhiễm ô, chân tâm vẫn hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt. Cũng như mặt trời Phật (ví như chơn tâm) tuy bị bóng mây của sắc thân và phiền não che khuất nhưng vẫn "chiếu vô cùng".

Chơn tâm là một cái gì vừa rất gần gũi, nhưng lại vừa sâu thẳm, lại không có hìng dạng để có thể nắm bắt, cho nên đạt tới được chơn tâm là rất khó khăn, không thể trong một sớm một chiều mà thành tựu được. Tuy đó là chuyện khó khăn, nhưng nếu chúng ta phấn đấu đúng hướng thì nhất định có ngày thành tựu. Mà đúng hướng là quay vào bên trong mình mà tìm, nghĩa là hướng nội, không phải là hướng ngoại. Nếu hướng ngoại, thì dù có lang thang qua muôn vàn kiếp sống luân hồi, cũng không thấy được bờ giác ngộ và giải thoát. Trái lại, nếu quay đầu lại, thì bờ ở ngay đàng sau lưng mình.

"Khổ hải mang mang,
Hồi đầu thị ngạn".

Dịch:

Biển khổ mang mang,
Quay đầu lại là bờ.

CHÚ THÍCH

1. Toàn văn câu tiếng Anh của Bác sĩ Samuel Johnson:"He who makes a beast of himself gets rid of the pain of being a man". Chyển dịch từ bài: "Buddhism and Money: The Repression of Emtiness Today". David Loy, trong cuốn Buddhist Ethics and Modern Society (Đạo Đức Phật Giáo và Xã Hội Hiện Đại, trang 298).

2. Câu của luận sư Santideva bằng Anh ngữ: If this elephant of mind is bound on all sides by the cord of mindfulness. All fear disappears and complete happiness comes".

Dịch: Nếu con voi tâm thức được cột chặt từ mọi phía bởi sợi dây thừng của tỉnh giác, thì tất cả mọi nỗi sợ hãi biến mất và hạnh phúc hoàn toàn sẽ đến.

3. Toàn văn câu phiên âm Hán của thiền sư Bách Trượng:"Nhữ đẳng, tiên yết chư duyên, hưu tức vạn sự. Thiện dữ bất thiện, thế, xuất thế, nhất thiết chư pháp giai mạc ức, mạc ký, diệc mạc duyên niệm. Tâm như mộc thạch, vô sở biện biệt, tâm vô sở hành. Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu, như vân khai nhật xuất" (Truyền Đăng Lục). Dịch: Các người, trước hết gạt bỏ các duyên, đừng nghĩ mọi sự. Tất cả các pháp, thiện và không thiện, thế gian và xuất thế gian, đều không ghi không nhớ, cũng không duyên vào các niệm. Tâm như gỗ đá, không phân biệt gì. Tâm không còn hành tướng gì. Tâm địa nếu không rỗng thì mặt trời trí tuệ tự chiếu sáng. Như mây tan, mặt trời ló ra vậy".

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/027-quaydau.htm

Chân thành cảm ơn giáo sư Minh Chi đã gởi tặng bài viết và cảm ơn sư cô Liên Hòa đã giúp đánh máy.

 


Cập nhật: 1-7-2000

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang