- Vài ý nghĩ nhỏ về đức dũng của người
Phật tử
- Tâm Minh
Chúng ta thường nghe nói về ‘Cái Dũng của nguời quân tử’
‘Cái Dũng của phàm phu’, ‘Cái Dũng của Thánh nhân’ v..v... nhưng chúng
ta chưa thực sự thực tập hạnh này với tư cách là một Phật tử. Nhân
mùa Vía Xuất Gia năm nay, nghĩ đến cái Dũng của đức Phật, đúng hơn là
của thái tử Tất Đạt Đa, trong đêm Ngài cương quyết rời bỏ cung vàng
điện ngọc vợ đẹp con xinh và ngôi báu đang chờ mình để vượt thành
Ca Tỳ La Vệ đi về một nơi vô định, tìm con đường giải thoát cho
chúng sinh. Làm thế nào để có được lòng hy sinh cao độ và ý chí sắt
đá ấy? Chúng ta hãy đi vào bài học này, cùng nhau chiêm nghiệm và thực
hành đức Dũng của người Phật tử .
Ý nghĩa thâm thúy của các từ ngữ Phật học luôn nằm
trong phần thực hành, áp dụng vào cuộc sống trước mặt. Do vậy, ở đây,
chúng ta xin được nhẹ phần định nghĩa danh từ mà chỉ đi sâu vào ý
nghĩa thực hành .
Trước hết, cái Dũng của người Phật tử chỉ có thể
được nuôi dưỡng bằng Chánh Niệm , mất chánh niệm, ta không thể thực
hành một cách hữu hiệu bất cứ một đức tính nào. Vì vậy ,chúng ta phải
thường xuyên tưới tẩm tâm mình bằng những hạt giống của chánh niệm
tỉnh thức , nói nôm na là ở bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào, ta
luôn luôn ý thức được ta đang làm gì; đừng bao giờ say sưa , không chỉ
say rượu, say tình v..v.. mà say nói, say giảng, say ‘ suy nghĩ bao la vũ trụ’
nữa; vì mọi thứ say đều là nguyên nhân của thất niệm .
Tiếp theo, muốn nuôi dưỡng và phát triễn chánh niệm, ta
cần phải KIÊN NHẪN. Kiên nhẫn, là không nôn nóng, bất an, bồn chồn,
nóng nảy v..v..Kiên nhẫn giúp ta nhìn rất rõ nguyên lý Duyên Khởi của đạo
Phật: Cái này có mặt vì cái kia có mặt, Cái này sinh vì cái kia sinh, Cái
này diệt vì cái kia diệt v..v... Nói nôm na, bât cứ cái gì cũng có nguyên
nhân của nó. Người Phật tử không nóng giận khi nghe một người nào đó
nói xấu mình, nói xấu tổ chức mình hay đơn vị mình, mà phải bình tâm
suy xét, để tìm ra những nguyên nhân gần xa. Nhờ sự chiêm nghiệm bình tỉnh
này, ta có thể tìm ra được nguyên nhân sâu xa của sự việc cũng như
phương pháp đối trị và còn có thể rút ra những bài học rất hay nữa.
Ta có dịp thực tập đức kiên nhẫn để nhìn sâu vào chính mình, soi rọi
lại bản thân mình , đoàn thể mình tổ chức mình v..v... Gương sáng của
hạnh này trong thời đại chúng ta là đức Đạt Lai Lạt Ma : Chúng ta đều
biết rằng đất nước Tây Tạng bị Trung Hoa xâm chiếm tàn bạo và ác độc
như thế nào nhưng tại sao đức Đạt Lai Lạt Ma không thù ghét người
Trung Hoa? Khi lên lãnh giải thưởng Nobel về Hòa Bình Thế Giới, trả lời
câu hỏi này, Ngài nói : Người Trung Hoa đã cướp đi hết những gì chúng
tôi có, không lẽ tôi lại để cho họ lấy luôn sự an lạc của mình hay
sao ? Rõ ràng đức kiên nhẫn đem lại cho ta sự an lạc nội tâm và một
lòng khoan dung vô hạn vậy. Chúng ta đã tu hạnh này chưa? - Thưa chưa! Chỉ
nghe ai nói động tới mình một chút là ‘nổi ‘ tam bành lục tặc ’
lên ngay. Còn khi nghe ai khen anh A. chị B. mà không có tên mình thì động lòng
tự ái, đố kỵ lên liền; có dịp là đánh phá, dèm pha, bôi nhọ, nói xấu
v..v. như chưa hề biết đến lục hòa, tứ nhiếp, hòa thuận tin yêu
v..v... mặc dù hằng tháng vẫn đi thọ Bát Quan trai đều đều, nghe quý thầy
giảng không thiếu bài nào hết! Chúng ta hãy thực tập đức tính này
trong thiền tập: dừng lại mọi hoạt động, ngồi xuống, theo dõi hơi thở,
quan sát sự bất an, giận dỗi mỗi khi chúng khởi lên, nhìn sâu vào
chúng, lắng nghe chúng thật cẩn trọng. Việc này không đòi hỏi nhiều thời
gian mà kết quả lợi lạc vô cùng; nó giúp ta ra khỏi bối rối, căng thẳng
hay phiền não một cách mau chóng.
Một yếu tố nữa của đức Dũng là SỰ BUÔNG BỎ. Buông
bỏ không chỉ có nghĩa là đừng nắm giữ trong đôi bàn tay mình, mà còn
là đừng nắm giữ trong tâm ý mình nữa vì sự nắm giữ là đầu mối của
thành kiến, kỳ thị, cố chấp v..v.. đưa đến ưa thích -ghét bỏ, của
tâm phân biệt làm cho chúng ta luôn bị dính măc, tự giam hãm mình trong những
tư tưởng hẹp hòi, quan điểm cục bộ, ước mơ và hy vọng thì thấp lè
tè vì bị hạn chế bởi sợ hãi và bất an, ích kỷ và hẹp hòi; bởi vì
bất cứ sự bám víu nào cũng có gốc rễ từ sự trì trệ, ngăn cản mọi
sự tiến hóa. BUÔNG BỎ là chấp nhận sự có mặt của vạn pháp NHƯ - CHÚNG
- LÀ, không hoan hô, không đả đảo, không nhìn chúng dưới lăng kính của
thị phi, ưa ghét, hay nhìn chúng dưới những cặp kinh màu vô tình hay cố
ý của mình. Chúng ta phải soi sáng mọi sự việc bằng cách nhìn thẳng
vào tâm mình, vào thực chất vô cùng dính mắc của nó - như mải mê theo
đuổi, bám víu hay phủ nhận, buộc tội v..v..làm cho cái thấy của mình
trở nên bị ‘khúc xạ ‘ (gãy), không còn là Chánh Kiến nữa. Sự Buông
Bỏ, vì vậy, có công dụng rất to lớn là làm tâm ta trong sáng và đem lại
cho tâm nguồn năng lực chữa trị trạng thái bất an, sợ hãi và phiền
não. Thực tập Buông Bỏ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ta sẽ cảm nhận
rõ ràng rằng: khi ta buông bỏ được một cái gì mà mình từng yêu thích,
bám víu thì ta nhận được một niềm an lạc sâu xa hơn trước rất nhiều,
nói cách khác, cùng với một sự mất mát nhỏ, ta được một sự thanh thản
lớn . Sự Buông Bỏ khó thực hiện nhất là Buông Bỏ Sự Tự Sùng Bái
Mình (Ngã Chấp) và Buông Bỏ Tật Đố Kỵ. Để thực tập hai sự buông bỏ
này, ta có thể thực hành ‘ hạnh Lắng Nghe ’ và ‘Hoan Hỷ Nghe Tiếng Vỗ
Tay Dành Cho Người Khác ’. Lắng nghe những tiếng nói thầm kín khởi lên
từ nội tâm ta, lắng nghe tâm tư tình cảm, ý kiến, v..v... của bạn bè,
người thân để thông cảm và chia xẻ, hoan hỷ lắng nghe tiếng vỗ tay
hoan hô người khác, để đối trị tánh đố kỵ, để niềm vui được nhân
lên và để phát triễn tâm khiêm hạ rất cần thiết cho đức Dũng của
người Phật Tử .
Yếu tố thứ ba của đức Dũng là KHÔNG PHÊ PHÁN. Tâm ta
luôn luôn lăng xăng không bao giờ ngừng nghỉ với những phê phán và đánh
giá, so sánh, cho điểm v..v.. Thật vậy, những lúc đang ngồi thiền, đang
thực hành sự tỉnh lặng của nội tâm, thì sự huyên náo này càng rõ
ràng hơn , những tiếng nói khen chê chính mình hay mọi người chung quanh mình
nổi lên rõ rệt hơn bình thường nữa, cụ thể như: mình đã tốt chưa?
mình nói có hay bằng anh X hay chị Y chưa? mình có tinh tấn hơn anh Z? Ông A
nói như vậy có phải muốn ám chỉ mình không? Bà B. có phải chê mình bỏn
xẻn không? Cô C. sao khó chịu quá, cứ chỉnh mình hoài, có phải ganh tị
với mình không đây? v..v... và v..v... Những lăng xăng này - do những ưa ghét,
lo buồn, bất an, sợ hãi, đố kỵ chính là những độc tố nếu ta nuôi dưỡng
và dung túng chúng, để cho chúng chế ngự và tạo áp lực lên tâm mình.
Trái lại, nếu ta tập thói quen không phê phán thì những tư tưởng này sẽ
đến và ra đi nhẹ nhàng như những đám mây để trả lại cho ta bầu trời
tâm yên tỉnh. Thực tập hạnh này: ta tự nhiên quan sát những tâm này
sinh khởi trong ta với tâm không phân biệt, không phê phán : đừng vội lo
buồn khi nhận ra đó là một tâm địa xấu xa hay mừng rỡ, tự hào vì
nó là tâm cao thượng v..v... Nói tóm lại, ta chỉ ‘nhận diện’ chúng với
tâm bình thản, không vui buồn, ưa ghét, lấy bỏ. Ta đừng nghĩ rằng làm
như vậy...là không biết phân biệt phải trái đúng sai v... v... mà trái lại,
với tâm trong sáng, với cái nhìn vô tư, sự thật về sự việc và con người,
về trách nhiệm v..v..hiện ra rất rõ ràng và ta tự nhiên thấy được lỗi
mình . Đức Phật thường dạy: nước nóng hay lạnh, ai có uống thì tự
biết . Có thực tập ta nhận ra điều này ngay và ta hiểu được lời dạy
của Lục Tổ Huệ Năng ‘ Đừng thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình
’. Thật vậy, qua thực tập ta thấy rằng nhìn thẳng vào tâm mình, đọc
được nó và lắng nghe nó mới là điều quan trọng nhất và thích thú nhất
, ta không còn thích tìm hiểu lỗi người, lăng xăng, so sánh, đo lường
v..v... nữa. Tâm ta hình như sáng hơn, trí ta bền hơn và những bước chân
trở về với bản tâm thanh tịnh vững chãi hơn .
Như người mù sờ voi, nguời viết bài này cũng sờ soạng
tìm xem thực chất nghĩa chữ Dũng của người Phât tử để nhận diện kịp
thời chủng tử xấu cuả tâm phân biệt, những vi khuẩn độc hại của tính
ngã mạn,lòng đố kỵ, thói quen chấp thủ làm suy giảm năng lực giác ngộ
tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Với niềm tin vào đức Phật, Đạo Pháp và
chính Tự Tâm Thanh Tịnh, chúng ta sẽ cùng nhau sống Tỉnh thức và trau giồi
đức Dũng của người Phật tử, một công việc trong âm thầm không có tiếng
vang và phần thưởng nhưng vô cùng cơ bản và quan trọng vì đó là chìa
khóa để mở cánh cửa lớn ‘ chiến thắng chính mình’ tiến về phía
giải thoát khỏi phiền não khổ đau. Công việc tất nhiên là rất nặng nề
vì như đức Thế Tôn đã nói ‘tự thắng mình là chiến công oanh liệt
nhất’. Trong niềm vui mùa Xuất Gia, xin cầu chúc tất cả chúng ta được
tâm sáng chí bền trong tiến trình trở về Phật quốc .