- Công đức và
phước đức
- Cư sĩ Chính Trực
Trong mùa Vu Lan hằng năm, nhân dịp
chư tăng mãn hạ tự tứ, sau ba tháng an cư kiết hạ tu học, vào dịp
lễ trung ngươn, tức rằm tháng bảy, chúng ta thường cùng nhau làm
các Phật sự như bố thí, phóng sanh, cúng dường trai tăng, in kinh
ấn tống, đúc chuông, tạo tượng, với tâm nguyện hồi hướng cho
tổ tiên phụ mẫu quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cầu cho cha mẹ
hiện tiền được tăng long phước thọ, với niềm báo đáp trọng
ân dưỡng dục của các bậc sanh thành, noi gương tôn giả đại hiếu
Mục Kiền Liên ghi trong kinh sách. Khi làm các Phật sự trên đây,
chúng ta thường nghĩ là được nhiều công đức và thường
được tán dương đã làm được vô lượng công đức, cho nên
cứ tiếp tục làm hằng năm. Nhân mùa Vu Lan năm nay, chúng ta hãy
dành thời gian để tìm hiểu một vấn đề khá quan trọng, đó là:
"Công Đức và Phước Đức khác nhau thế nào?"
Ngày xưa, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ
Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng pháp, Ngài đến gặp Vua Lương Võ Đế.
Trong lúc luận bàn đạo lý, nhà vua hỏi: "Trẫm một đời cất
chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn
tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?". Tổ Bồ
Đề Đạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: "Những việc làm
ấy thực không có công đức gì cả!". Vấn đề này làm cho
nhiều người thắc mắc, không biết tại làm sao như vậy lại không
có công đức gì cả? Bởi vì, theo lịch sử ghi chép lại thì Vua
Lương Võ Đế xây cất hằng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành
rất đông, thiết trai bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng,
ấn tống kinh sách nhiều vô số kể. Nhà vua suy nghĩ làm như vậy
tức nhiên được rất nhiều công đức, nhưng không ngờ khi đem
vấn đề này ra hỏi, Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời: KHÔNG! Tại sao
vậy? Có người không hiểu giáo lý nên giải thích là: Vua Lương
Võ Đế không đích thân ra "công" thực hiện những việc
làm đó, chỉ sai người khác làm, nên không có "công
đức" gì cả!
* * *
Thời gian sau đó, có người đem
sự việc này thưa hỏi Lục Tổ Huệ Năng và được Lục Tổ dạy
như sau: Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Đế
vì không biết Chánh Pháp, nên lầm lẫn hai chữ "CÔNG ĐỨC"
và "PHƯỚC ĐỨC"! Nghĩa là cất hàng trăm ngôi chùa, độ
tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc
chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, chỉ là những việc làm
"bên ngoài", có ích lợi cho mọi người, những việc làm
cầu phước, nên gọi là phước đức. Phước đức có công năng
giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để
được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên
đường đời, để bớt chướng ngại trên đường đạo, chứ
không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sanh tử. Phước
đức có tính cách "hữu lậu" hay "hữu vi", nghĩa là
con người hưởng phước vẫn còn trong lục đạo luân hồi. Khi thụ
hưởng hết phước rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo.
Còn công đức là công phu tu tập
"bên trong", có ích lợi cho chính mình, nhờ hành trì theo lời
Phật dạy trong các kinh điển, luôn luôn niệm Phật, giữ gìn giới
luật, tu tập thiền định, phát huy trí tuệ bát nhã. Nghĩa là chúng ta
tu tập tam vô lậu học "Giới Định Tuệ" và tam tuệ học
"Văn Tư Tu", nhằm mục đích cứu kính là: thoát ly khỏi lục
đạo sanh tử luân hồi. Công đức có năng lực giúp chúng ta
vượt qua bể khổ sông mê, chóng đến bờ giác ngộ và giải
thoát. Công đức có tính cách "vô lậu" hay "vô vi",
nghĩa là không còn trong lục đạo sanh tử luân hồi nữa. Công
đức giúp con người chuyển hóa tâm tánh từ phàm phu tục tử
trở thành bồ tát, thành Phật.
Chúng ta làm những việc như lập
chùa hay góp phần xây cất chùa, tham gia phát triển chùa, phát huy
các sinh hoạt, các hoạt động của chùa, của giáo hội, giúp cho mọi
người khác có được cơ sở để tu học, để hành đạo, giúp cho
Phật giáo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn, vững
chắc hơn, độ được nhiều người hữu duyên hơn nữa. Những việc
làm này đem lại lợi ích cho nhiều người như vậy, tức nhiên sẽ
đem lại cho chúng ta thực nhiều phước đức. Còn riêng bản thân
mình thì không biết tu tâm dưỡng tánh, không học kinh điển, không
biết trì giới, không tu tập thiền định, không phát huy trí tuệ bát
nhã, cho nên tất cả việc làm trên đây chỉ là những việc làm
bên ngoài, có ích lợi cho nhiều người, nhưng không ích lợi cho
bản thân mình về phương diện giác ngộ và giải thoát. Tại sao vậy?
Bởi vì, tâm tham lam, sân hận, si mê
bên trong chẳng những không giảm bớt mà lại có chiều hướng
tăng thêm, vô minh phiền não không tan biến chút nào mà lại có
phần dầy đặc hơn. Vì chấp chặt mình đã làm được bao nhiêu việc
ích lợi như vậy, dễ có mấy ai làm được như mình, nên tâm cống
cao ngã mạn, phách lối ngày một tăng thêm, mục hạ vô nhân, khen
mình khinh người. "Bản ngã" đáng lẽ ngày một tiêu mòn
tới chỗ "vô ngã" mới hy vọng đạt được đạo cả. Trái
lại, bản ngã ngày một tăng lớn thêm, con người không còn thích
nghe lời khuyên bảo của bất cứ ai, cứ chấp chặt định kiến sẵn
có mà đi tới. Thậm chí có người chấp chặt pháp tu của mình,
không muốn thay đổi, không muốn nghe lời chỉ dẫn của bất cứ ai,
dù là bực trưởng thượng, dù là thiện hữu tri thức, lại còn
dám tuyên bố: cho dù Đức Phật Thích Ca thị hiện bảo họ đổi pháp
tu đang thực hành, họ cũng không nghe! Thậm chí nguy! Thậm chí nguy!
Bởi vậy, cho nên chư Phật Tổ dạy rằng: Những việc làm như vậy
quả thực là không có "công đức" chút nào cả, chính là
nghĩa đó vậy!
Những việc làm khác như góp phần
ấn tống kinh sách cho người khác đọc, còn mình thì không đọc,
góp phần bố thí cúng dường, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo
khó, nhưng không hiểu ý nghĩa cao cả của những việc làm đó, lại
sanh tâm cầu mong được "trả công bội hậu" ở cõi thiên
đàng sau này. Tất cả những việc làm đó chỉ tạo nên phước
đức mà thôi. Thí dụ như có người bố thí cho nhà nghèo, hoặc
cúng chùa một số tiền nào đó, với tâm mong cầu được trúng
số độc đắc, được buôn may bán đắt, được nhất bổn vạn
lợi, được thi đâu đậu đó, được gia đạo bình an, được tình
duyên may mắn, được vạn sự bình yên, được muôn sự như ý,
muốn gì được nấy. Như vậy, lòng tham lam tăng thêm quá mức thì
"làm sao có công đức được!". Làm như vậy, chỉ có
phước đức hạn chế theo số tiền đã bỏ ra mà thôi. Gieo nhân
nhỏ thì chỉ nhận được quả nhỏ, không thể khác được.
Nếu như bố thí, cúng dường mà
tâm không mong cầu gì cả, thi ân bất cầu báo đáp, cúng chùa để
chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp
người để cho người qua cơn khó khăn, túng thiếu, không đắn đo,
không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa, chúng ta sẽ bớt đi
tâm tham lam, bỏn sẻn, tăng trưởng tứ vô lượng tâm: từ, bi,
hỷ, xả. Như vậy, những việc làm đó vừa ích lợi cho người,
vừa ích lợi cho mình. Nghĩa là vừa được phước đức vừa
được công đức. Chúng ta hãy tinh tấn làm tất cả những việc
thiện, rồi quên hết đi, không chấp chặt vào đó, để kể lể công
lao, hay mong cầu phước báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ
bớt đi, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước, thì những việc làm
đó vừa ích lợi cho người và cho mình, tạo nên phước đức và
công đức vậy.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức
Phật có dạy: "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự
tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". Nghĩa là chúng ta không làm tất
cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những
việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện,
những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng
chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng
ta sẽ được thanh tịnh. Đó là tu tâm dưỡng tánh, đó là điều
cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy. Thí dụ
chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt
vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được
ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý. Nếu như quên đi
những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm "thi ân
bất cầu báo đáp", thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của
chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người
vô ơn.
Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật
dạy: "Tâm địa bình thì thế giới bình". Nghĩa là tâm địa
của chúng ta bình an thì thế giới chung quanh chúng ta cũng bình an. Tâm
địa chúng ta không tham lam thì những người chung quanh khỏi lo canh
chừng đồ đạc. Tâm địa chúng ta không sân hận thì những người
chung quanh khỏi điếc lỗ tai, khỏi mỏi cái miệng, khỏi nhức cái
đầu. Tâm địa chúng ta không si mê thì những người chung quanh ăn
ngon ngủ yên, khỏi lo khỏi sợ. Kể gần thì có vợ chồng con cái, xa
thì có bà con hàng xóm láng giềng, các bạn đồng nghiệp trong sở
làm, cũng được hưởng sự bình an. Nếu chúng ta đạt được tâm
bình an hiện đời, thì ngay thế gian này chính là miền cực lạc, là
cõi thiên đàng, đâu phải đợi đến kiếp sau mới hưởng được,
đâu phải đợi lời cầu chúc "sớm tiêu diêu nơi miền cực
lạc", hoặc "chóng siêu thăng lên cõi thiên đàng", trên
báo chí!
Cũng có câu: "Bình an dưới thế
cho người thiện tâm". Nghĩa là ở ngay tại thế gian này, người
có tâm hiền thiện thì đương nhiên được sự bình an trong tâm
hồn. Bởi vì người thiện tâm không phải bận tâm suy nghĩ phương
cách, mưu kế hại ai, cho nên không lo sợ bị ai hại, không phải bận
tâm trừng phạt ai, cho nên không lo sợ bị ai trừng phạt. Sự bình
an không do đấng nào ban cho cả, không do cầu nguyện mà được. Sự
bình an chỉ có từ thiện tâm mà thôi. Ngược lại, người không
có thiện tâm thì tự họ không có được sự bình an. Rất là đơn
giản. Rõ ràng là như thế, không nghi! Như vậy, chúng ta hiểu rằng
"phước đức" rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của
chúng ta. Nhờ phước đức chúng ta qua được, giảm được những
nghiệp báo, những chướng nạn trong cuộc đời, cũng như những
trở ngại trên đường tu tập. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ
hóa không. Ví như chúng ta có tiền tiết kiệm để dành trả những
nợ đã vay từ nhiều kiếp trước và kiếp này vậy. Tiền tiết
kiệm nhiều chừng nào thì mau dứt nợ chừng ấy.
Tuy nhiên, Đức Phật có dạy chúng
ta gieo nhân làm phước, tu phước nhưng hãy hồi hướng những
phước đức đó, nguyện đời đời được gặp Chánh Pháp,
được gặp thiện hữu tri thức, được nhắc nhở việc tu tập, cho
đến ngày được giác ngộ và giải thoát, chứ đừng mong cầu
hưởng quả phước sau này. Tại sao vậy? Bởi vì làm phước thì
hưởng phước, nhưng đến khi hết phước thì bị đọa, cứ vẫn loanh
quanh luẩn quẩn ở trong vòng sanh tử luân hồi, chưa thoát ra được.
Ví như mũi tên bắn lên không trung, khi hết trớn, tức nhiên rớt
trở xuống đất rất nhanh vậy. Chúng ta hãy thử nhìn những người
giàu có, những người quyền thế, những ông vua, những ông hoàng,
những bà hoàng, những quận nương, những công chúa đã và đang
thụ hưởng phước báo, được giàu sang sung sướng, xinh đẹp tuyệt
trần, danh vọng tột đỉnh, vinh hoa phú quý, đến khi hưởng hết
phước báo, cuộc đời của họ kết thúc bằng đủ mọi cách hết
sức bi thảm. Luật nhân quả giải thích được các hiện tượng đó
của thế gian, đúng trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Rõ
ràng "mình làm mình hưởng, mình làm mình chịu", chứ không do
một đấng thượng đế nào ban phước giáng họa một cách tùy tiện
cả.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ
Năng dạy rằng: "Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ
phép là đức". Hay: "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại
hoằng bất tranh chi đức". Nghĩa là "bên trong" chúng ta
phải chuyên cần vận nội lực loại trừ những tâm niệm kiêu
ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người, để
đạt được tâm niệm khiêm tốn, hạ mình, nhún nhường, tùy hỷ
công đức. Đồng thời, chúng ta cũng phải vận nội công để khắc
phục các tạp niệm, để tâm không còn có các vọng tưởng. Mỗi
khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền giác ngộ, liền
nhận biết và dừng ngay, không tiếp tục theo dòng tâm thức, đi lang
thang từ đông sang tây, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, từ
chuyện này đến chuyện khác. Như vậy chúng ta có được
"công". Điều quan trọng cần biết là: chúng ta đừng sợ có
vọng tưởng, tạp niệm khởi lên trong tâm thức. Ai ai cũng có vọng
tưởng và tạp niệm. Chỉ sợ chúng ta không giác ngộ, không nhận
biết kịp thời, nên bị vọng tưởng, tạp niệm lôi cuốn, đi lang thang
làm khách phong trần, quên mất cố hương, từ bao nhiêu đời, bao
nhiêu kiếp. Khi dong ruỗi theo các vọng tưởng, tạp niệm như vậy,
tâm của chúng ta sẽ loạn động với thất tình lục dục, tức là
quên mất "bản tâm thanh tịnh" sẵn có của chúng ta.
Còn "bên ngoài" chúng ta
thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, bởi
vì mọi người ai ai cũng có "Chơn Tâm Phật Tánh" như nhau,
mọi người ai ai cũng có ưu điểm để chúng ta học hỏi, noi theo,
không phân biệt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi,
không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người
trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm
được nhiều việc không ai bằng. Như vậy chúng ta được nhiều
người thương mến, gần gũi. Như vậy chúng ta có được
"đức". Thêm nữa, người Phật Tử muốn có công đức thì
bên trong không có tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung là tâm
cố chấp; bên ngoài hành động luôn luôn ngay thẳng, bình đẳng,
công minh, chính trực. Hãy phát tâm tìm học kinh điển, biết đúng
Chánh Pháp mà hành theo, tránh chuyện tu mù, tu mò, để khỏi lạc
sang tà giáo, ngoại đạo. Công đức là ở "Pháp Thân",
phát sanh trí tuệ bát nhã, không do tu phước, không do làm những
việc phước thiện mà được.
Chúng ta ngày nay cũng hay lầm lẫn cho
rằng lập chùa, giúp chư tăng tu học, bố thí, cúng dường, làm
Phật sự, đi chùa lạy Phật là được nhiều công đức và tự
hào rằng mình làm vô lượng vô biên công đức, cần phải được
tán thán, rồi chờ đến ngày được vãng sanh về cõi tây phương
cực lạc quốc của Đức Phật A Di Đà! Chúng ta cần nên biết nếu
chỉ niệm Phật A Di Đà sơ sơ, qua loa, rồi cầu mong vãng sanh về cõi
tây phương cực lạc là biểu hiện của tâm tham lam, tánh lười
biếng, làm ít muốn hưởng nhiều! Muốn tu hành mà không chịu học
kinh điển, không gần các bực thiện hữu tri thức, nên chúng ta
không rõ chư Phật dạy phải hành trì như thế nào mới được vãng
sanh.
Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy
rất rõ ràng: "Cực lạc quốc độ chúng sanh sanh giả, giai thị a
bệ bạt trí, kỳ trung đa hữu nhứt sanh bổ xứ, kỳ số thậm đa, phi
thị toán số, sở năng tri chi, đản khả dĩ vô lượng vô biên a
tăng kỳ thuyết. Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện
sanh bỉ quốc. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện
nhơn câu hội nhứt xứ. Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức
nhân duyên đắc sanh bỉ quốc". Nghĩa là cõi tây phương cực lạc
là nơi chỉ có các bực bồ tát "nhứt sanh bổ xứ", tức
là các bực "thượng thiện nhơn" sắp thành Phật, những
người hiền thiện bậc thượng, gặp gỡ nhau mà thôi. Những
người còn đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy nghiệp chướng, đầy dẫy
phiền não thì nhứt định không thể nào đạt được cảnh giới
đó. Không thể chỉ lấy có một chút ít thiện căn phước đức
làm nhân duyên, để cầu nguyện về cõi cực lạc đó được.
Ví như người đeo nặng qua sông thì
phải chìm, không thể nổi được. Chứ không phải Đức Phật A Di
Đà không có lòng từ bi cứu độ chúng ta. Chư Phật có tâm đại
từ đại bi muốn cứu độ chúng ta, nên chỉ dạy các pháp môn tu
học, các phương pháp, để chúng ta noi theo đó mà tự mình tu tập,
để tự được cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời và
vãng sanh mai sau. Có người quan niệm "đới nghiệp vãng sanh",
nghĩa là con người vẫn còn mang nghiệp chướng, nhưng nhờ biết
niệm Phật A Di Đà, nên được Ngài thương xót cho vãng sanh về cõi
tây phương cực lạc, rồi tu tiếp sướng hơn. Điều này có vẻ
"phe đảng" cũng như quan niệm cứ chấp nhận rước thượng
đế vào lòng thì sẽ được thượng đế cho về thiên đàng,
hưởng phước đời đời, không cần biết đó là người như thế
nào!
Thực ra, đạo Phật không có dạy
như vậy. Nếu thực sự muốn tu cho thành người tốt, thì chúng ta
hãy tu ngay ở cõi đời này, đừng hẹn. Còn mang nghiệp chướng
nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nếu về tây phương,
chỉ làm nơi đó ô uế mà thôi. Dù có được về bên đó chăng
nữa, không thấy thích hợp, cũng sẽ đòi về trở lại mà thôi!
Sống với những người thế tục, chúng ta mới cần phải tu, mới
có cơ hội để tu. Chứ về bên đó gặp toàn người tốt thì đâu
cần phải tu nữa. Cũng như người còn nhiều phiền não quá, nhiều
nghiệp chướng quá, dù có được đưa vào chùa ở, mà không
quyết tâm trì chí, cũng khó mà tu được, có ngày cũng xuất, nếu
không xuất thì sẽ gây biết bao nhiêu việc đáng tiếc cho cảnh thiền
môn!
Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật cũng
dạy: "Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di
Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt,
nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục
nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng
chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng hiện tại kỳ tiền, thị
nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà
Phật cực lạc quốc độ". Nghĩa là nếu có thiện nam, thiện nữ
nào nghe được danh hiệu Phật A Di Đà, luôn luôn trì giữ danh hiệu
đó trong tâm trí, lúc nào cũng niệm Phật, nhớ nghĩ tới Phật,
trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho
đến bảy ngày, đạt được tâm yên không loạn. Khi thọ mệnh hết,
người như vậy giữ gìn được tâm không điên đảo, tức thời
được vãng sanh cõi nước tây phương cực lạc của Đức Phật A Di
Đà. Tại sao vậy? Bởi vì khi tâm của người đó luôn luôn niệm
Phật, không còn lăng xăng, lộn xộn, không còn loạn động vì các
việc đối đãi thị phi, hơn thua, tốt xấu, cho nên cảm ứng được
cảnh giới tịnh độ của Đức Phật A Di Đà vậy.
Nói cách khác, tâm của người đó
thấy mọi sự đúng như thực, thấy mọi việc không còn điên đảo,
gọi là "tâm bất điên đảo", cho nên người đó thấy
được "Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ". Nghĩa là nhờ
tâm được thanh tịnh, bất loạn động, bất điên đảo, cho nên
người đó thấy được "Phật Tánh", tức là "Pháp Vô
Sanh", không còn sanh tử luân hồi, tức đắc vãng sanh tây
phương cực lạc. Nếu còn nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu
căng, si mê lầm lạc, nghĩa là tâm còn điên đảo, tâm còn loạn
động, làm sao vãng sanh được mà mong cầu! Cõi tây phương cực
lạc hay cõi thiên đàng là cảnh giới "bất tùy phân biệt",
bình đẳng tuyệt đối, chí công vô tư, làm gì còn chia giai cấp có
chín phẩm, ba hạng, thượng trung hạ, như con người tưởng tượng cho
thêm lộn xộn và phức tạp! Không thể lấy tâm lượng phàm phu
xét cảnh giới bồ tát!
Như vậy, cốt tủy của đạo Phật,
không phải là van xin cầu nguyện, cúng kiến lễ lạy cho nhiều, mà
chính là lúc nào cũng nhớ nghĩ tới hạnh nguyện của chư Phật,
nói lời như Phật dạy, hành động như Phật dạy, luôn luôn giữ
gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh, không loạn động, không điên
đảo. Được như vậy, tam nghiệp hằng thanh tịnh, chúng ta vừa có
phước đức vừa có công đức đầy đủ, phước tuệ trang nghiêm,
tùy tâm mãn nguyện. Kinh sách có câu: "Phước Tuệ Lưỡng Toàn
Phương Tác Phật". Cứu kính của đạo Phật chính là nghĩa đó
vậy.
Trong Kinh Tịnh Danh, Đức Phật có
dạy:"Tâm tịnh thì độ tịnh". Nghĩa là tâm có thanh tịnh, trong
sạch, yên tĩnh, chúng ta mới có thể sống trong cõi tịnh độ, tức
là cảnh giới thanh tịnh và an lạc được. Tâm có hiền thiện, ngay
thẳng chân thật, chúng ta mới sống trong cõi thiên đàng được.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Rõ ràng là như thế! Như
vậy cõi tịnh độ ở ngay trong tâm của chúng ta, ngay hiện đời, nếu
như tâm của chúng ta không còn tham lam, sân hận và si mê nữa.
Ngày xưa, sau khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca sống trong cảnh giới
an lạc, cảnh giới tịnh độ, ngay hiện đời, ngay trên cái thế giới
gọi là ta bà khổ đối với mọi chúng sanh khác. Tâm của ngài thanh
tịnh, ở mọi nơi Ngài đều có thể sống yên tịnh được, dù trong
tịnh xá hay trong núi rừng, dù nơi vắng vẻ hay chốn đông người,
tùy theo chỗ ở thường an lạc.
Trên thế gian này, chung quanh chúng ta
có đủ hạng người, có đủ loại người. Có người tạo thuận
cảnh dễ dãi, giúp đỡ chúng ta tu tập, cũng có người tạo nghịch
cảnh, gây phiền hà, khó khăn, khổ đau, để thử thách công phu tu
tập của chúng ta. Tất cả mọi người đều là thiện hữu tri thức
của chúng ta cả. Nếu ai ai cũng hiền thiện hết, không ai làm phiền
mình hết, làm sao biết chúng ta nhẫn nhịn được tới đâu? Ví như
người học sinh đi học, được thầy dạy cho kiến thức, được bạn
bè giúp đỡ, rồi cũng cần có vị giám khảo để kiểm tra trình
độ, hạch hỏi, thử thách, nếu vượt qua được, mới cấp văn
bằng chứ.
Có câu chuyện hai con chim như sau: Một
hôm, con chim bồ câu thấy hàng xóm là con chim cú vọ sửa soạn dọn
tổ đi, liền hỏi: Chị định dọn đi đâu? Con chim cú vọ đáp: Dân
ở đây hung ác quá, mỗi lần gặp tôi, cứ lấy đá ném, lấy cây
đánh, nên tôi định dọn về phương tây ở, bên đó nghe nói dân
chúng hiền thiện hơn. Mong vậy lắm thay! Con chim bồ câu bèn nói: Chỗ
hàng xóm láng giềng, tôi xin nói thực, chị đừng giận tôi nhé.
Theo quan điểm của tôi, nếu chị thành tâm, chịu khó sửa cái giọng
kêu ghê rợn của chị, cho dễ nghe hơn, thì chắc không còn ai ném
đá, không còn ai lấy cây đánh chị nữa đâu. Nếu như chị không
chịu sửa cái giọng khiếp đảm khó nghe đó, thì dù có ai rước qua
phương tây, chị cũng không ở yên bên đó được đâu. Thực như
vậy đó! Câu chuyện trên ngụ ý chúng ta nên xoay lại quán chiếu,
tu sửa tâm tánh của chính mình, đừng nhìn ra ngoài trách cứ, phê
phán, chỉ trích người khác, thì cực lạc hay thiên đàng chính là
đây, hiện tiền ngay tại thế gian này, ngay trong tâm của mỗi người,
rất đơn giản, rất thực tế, không cần cầu nguyện, khỏi phải mơ
tưởng viễn vông, khỏi nhọc công, không phí sức, khỏi bị gạt
gẫm, không cần tìm kiếm đâu xa.
* * *
Tóm lại, vì không biết rõ đâu là
Chánh Pháp, cho nên chúng ta không thể thực hành lời Phật dạy,
một cách tường tận, một cách đúng đắn, để thoát ly sanh tử
luân hồi, thoát ly phiền não và khổ đau. Trong Kinh Pháp Cú, Đức
Phật có dạy: "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với
Chánh Pháp". Nghĩa là mọi người phải tìm hiểu, học hỏi Chánh
Pháp, đem ngọn đuốc trí tuệ của mình mồi với ngọn đuốc trí tuệ
Phật, bằng cách nghe giảng giáo lý, nghiên tầm kinh điển, rồi tự
suy nghĩ, ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, giữ gìn giới luật, tu
tập thiền định, phát triển trí tuệ bát nhã. Nhờ giữ gìn giới
luật nên tâm trí được thanh tịnh và trí tuệ bát nhã khai mở.
Đó chính là tam vô lậu học "Giới Định Tuệ" và tam tuệ
học "Văn Tư Tu", có khả năng đưa chúng ta đến chỗ giác
ngộ và giải thoát.
Kinh sách có câu: Phước Tuệ
Lưỡng Toàn Phương Tác Phật. Nghĩa là chúng ta hãy phát tâm bồ
đề dũng mãnh, làm tất cả những việc tạo phước đức trong các
dịp lễ thượng ngươn, trung ngươn, hạ ngươn, và tất cả dịp nào
tùy duyên, tùy khả năng, tùy hoàn cảnh trong suốt năm, suốt đời.
Đồng thời chúng ta cũng làm tất cả những việc tạo công đức
như Văn Tư Tu, Giới Định Tuệ, để phát triển trí tuệ bát nhã.
Đầy đủ "Phước và Tuệ" chúng ta sẽ sống trong an lạc và
hạnh phúc hiện đời và về cõi Phật sau này, không nghi. Cũng như
con chim có đủ hai cánh sẽ bay thăng bằng và bay được xa.Có câu:
"Ai ăn nấy no. Ai tu nấy chứng". Đó là lẽ công bằng tuyệt
đối. Cũng vậy, thực rõ ràng "Mình làm mình hưởng. Mình làm
mình chịu". Vì thế cho nên, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy phát
tâm, tự thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của mình, thường xuyên về
chùa lạy Phật, nghe thuyết pháp, tham dự các khóa tu học bát quan
trai giới, để được học Phật Pháp một cách tường tận, trong
bầu không khí tu học đầy đạo vị, không phân biệt người mới
phát tâm, hay người đã tham gia tu học từ lâu, chúng ta cùng
hướng dẫn nhau, nương tựa nhau, giúp đỡ nhau, trên bước đường
tu giác ngộ và giải thoát. Được như vậy, chúng ta có "CÔNG
ĐỨC và PHƯỚC ĐỨC" một cách viên mãn, một cách lưỡng
toàn.