- Nhân quả
- Khải Thiên
A/- Dẫn
nhập
Héraclite, một triết gia Hy Lạp cổ
đại, bảo rằng: "Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một
dòng nước". Điều đó đã nói lên sự chuyển biến liên tục của
con người và thế giới sự vật hiện tượng. Tất cả hiện hữu ấy đều
là hiện hữu của tương duyên, chúng luôn diễn ra trong vòng nhân quả. và
cũng chính trong mối tương quan nhân quả này mà vấn đề luân lý đạo đức
Phật giáo được đặt ra dưới tên gọi của nghiệp thiện và ác. Do đó,
nói đến nhân quả - nghiệp báo là nói đến một tiến trình tạo tác của
con người, và từ đó hình thành đời sống an lạc hoặc khổ đau cho mỗi
con người; trong đó, mỗi tư duy và hành động cụ thể là một nguyên động
lực kiến tạo nên trạng thái tâm lý an hay bất an, kiến tạo nên cuộc sống
hạnh phúc hay bất hạnh. Tất nhiên, trong suốt tiến trình tạo tác (nhân
quả - nghiệp báo) đó, con người luôn luôn đóng vai trò trung tâm và chủ
động. Ở đây, theo lời Đức Phật dạy, không hề có bất kỳ một sự
chi phối nào bởi một quyền năng, bởi một đấng tạo hóa, thần thánh
v.v... trong tiến trình tạo tác ấy, mà chỉ có con người và các hành động
tâm lý của nó mà thôi.
- B/- Nội dung
- I- Định nghĩa
Các tôn giáo nói chung đều có quan
niệm khác nhau về nhân quả. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu thuần túy về
nhân quả theo quan niệm của Phật giáo.
Nhân là nguyên nhân, quả là kết
quả. Trong thế giới tương quan duyên sinh, mỗi sự vật, hiện tượng đều
có những nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của một sự thể (pháp) gọi
là nhân, và hiện hữu (pháp) của sự thể đang tồn tại là quả. Trong mối
tương quan nhân quả này, mỗi hiện hữu vừa là nguyên nhân vừa là kết
quả như sự tuần hoàn của mây, mưa, nước, hơi nước... Nguyên nhân
chính (trực tiếp) của một hiện hữu gọi là nhân, nguyên nhân phụ
(gián tiếp) có ảnh hưởng đến quả gọi là duyên (hay các điều kiện
phụ thuộc); do đó, nếu nói đủ là nhân - duyên - quả.
II- Nội
dung
Trong tương quan nhân quả, như đã
đề cập, còn có các yếu tố duyên (trung gian) xen vào; do đó, sự thành tựu
một quả hẳn là còn tùy thuộc vào các duyên. Vì thế, ở đây chúng ta cần
ghi nhận một số điểm như sau:
* Trong giáo thuyết nhân quả, một
nhân không thể đưa đến một quả, hay một quả không thể chỉ có một
nhân. Và nhân quả thường là đồng loại. Ví dụ: trứng gà chỉ nở ra
con gà, chứ không thể có trường hợp trứng gà nở ra con vịt. Như thế
là không có sự lẫn lộn trong đồng loại.
* Nhân quả tuy cùng một giống (đồng
loại), nhưng do các duyên trung gian xen vào, cho nên có thể quả cùng loại
với nhân nhưng vẫn khác với nhân. Ví dụ: một nắm muối nếu bỏ vào
tô canh thì mặn, nhưng nếu bỏ vào hồ nước mênh mông thì không mặn. Sự
khác biệt này tùy thuộc vào các duyên (thuận hay nghịch) và theo đó mà
quả hình thành.
* Nhân quả - nghiệp báo là sự hiện
hữu của các mối tương quan thiện-ác, chánh-tà v.v..., nó thuộc pháp hữu
vi sanh diệt vốn là hiện thân của ý niệm phân biệt; do đó, với tâm
thanh tịnh và xả ly thì vấn đề nhân quả - nghiệp báo không còn được
bàn đến.
III- Phân
loại nhân quả
Thông thường, một quả khi hình
thành nó cần có đầy đủ nguyên nhân chính và các nhân duyên phụ, cho
nên nhân quả được xét đến qua nhiều góc độ như thời gian, không
gian, vật lý, tâm lý v.v...
1- Phân loại 1 (theo thời gian):
a- Nhân quả đồng thời: Là loại
nhân quả mà từ nhân đi đến quả rất nhanh. Ví dụ: ăn thì no, uống nước
thì hết khát, tức giận thì buồn phiền v.v...
b- Nhân quả khác thời: Là loại
nhân quả mà thời gian đi đến quả có một khoảng thời gian. Và khoảng
thời gian đó được chia làm 3 loại như sau:
* Hiện báo: Nghĩa là nghiệp nhân
trong đời này đưa đến quả báo ngay trong đời này. Ví dụ: tuổi nhỏ
lo học hành chăm chỉ nên lớn lên trở thành người có tri thức.
* Sinh báo: Nghĩa là tạo nhân trong
đời này nhưng đến đời sau mới thọ quả báo. Ví dụ: kinh Địa Tạng
bảo rằng ai hay trêu chọc người, đời sau sẽ thác sinh vào loài vượn,
khỉ.
* Hậu báo: Nghĩa là tạo nhân trong
đời này nhưng đến các đời sau mới thọ quả báo (xem Truyện tiền
thân, Bổn Sinh, Bổn Sự).
Ba thời nhân quả này vì có một
thời gian tương đối ổn định (có khoảng cách), do đó chúng được xếp
vào loại định nghiệp. Cũng có trường hợp do các nhân duyên trung gian
can thiệp mạnh vào làm cho nghiệp quả trở nên khó xác định về thời
gian và chủng loại. Trong trường hợp này, chúng được gọi là bất định
nghiệp. Ba thời nhân quả, đồng thời cũng là câu trả lời tại sao (một
số trường hợp) có người làm lành trong đời này lại gặp những điều
bất hạnh, và ngược lại, người làm việc ác lại gặp may mắn.
2)- Phân loại 2 (theo vật lý và
tâm lý): Cách phân loại này nhằm chỉ đến sự biểu hiện của nghiệp
quả thông qua thái độ tâm lý tiếp thọ nghiệp, đồng thời nói lên những
khoảng cách khác nhau của nghiệp quả giữa tâm lý và vật lý, giữa nội
tâm và ngoại cảnh.
a- Nội tâm và ngoại giới: Nhân quả
biểu hiện ở trong tâm lý của con người được gọi là nhân quả nội
tâm (nội giới) và ngược lại là ngoại cảnh (ngoại giới).
Như trường hợp một vị sư bị
vu khống phải ở tù, thân vị ấy ở trong tù nhưng tâm vị ấy thì an định,
ly thủ, giải thoát. Như thế, nghiệp quả chỉ biểu hiện ở thân chứ
không biểu hiện ở tâm.
b- Tâm lý và vật lý: Sự biểu hiện
khác nhau của nhân quả trên cùng một con người được chia thành hai phần:
tâm lý và vật lý.
Như một người có thân thể (thể
chất vật lý) xấu xí, khó nhìn, nhưng tâm thì thông minh và sáng suốt, hiền
từ, độ lượng và tu tập tốt (tương tự như vậy đối với các trường
hợp ngược lại).
Tuy nhiên, cũng có trường hợp được
phước báo cả hai mặt thân và tâm, hoặc ngược lại.
IV- Các
phạm trù nhân quả
Có thể nói rằng, nhân quả là
giáo lý gắn liền với đời sống tu tập của hàng Phật tử, gắn liền
với các vấn đề luân lý đạo đức của con người; và nhân quả đã
nghiêm túc đặt ra vấn đề trách nhiệm của con người đối với chính tự
thân cũng như xã hội. Bởi lẽ, Đức Phật dạy rằng: "Con người là
chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp" (Tăng Chi II, HT Thích
Minh Châu, Viện Phật học Vạn Hạnh, 1982, tr.101). Từ đó, nhân quả được
bàn đến thông qua các phạm trù cơ bản của đời sống con người.
1- Nhân quả - vấn đề luân lý đạo
đức Phật giáo: Trước hết, giáo lý nhân quả dạy con người thức tỉnh
trong các hành động tạo tác của mình để xa lánh các việc ác và nỗ lực
làm các việc lành nhằm đem lại sự an vui, thanh bình cho cuộc sống. Giáo
lý nhân quả chú trọng đến vấn đề thiện ác, tức là vấn đề luân
lý đạo đức của con người nói chung và của hàng Phật tử nói riêng.
Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu của giáo lý nhân quả là ở chỗ nó đặt
ra trách nhiệm cá nhân của mỗi con người đối với các điều kiện sống
của con người ấy. Do đó, không thể quy ước giáo lý nhân quả - tức
luân lý đạo đức Phật giáo - theo khuôn mẫu ước lệ như luật pháp
được ban hành trong xã hội. Chẳng hạn, một người phạm tội, luật pháp
sẽ trừng phạt y khi hành vi phạm tội được xác định - nghĩa là y đã
thực hiện điều tội lỗi, Trong khi, với đạo đức và luân lý, anh ta sẽ
có tội ngay khi những ý niệm tội lỗi (xấu ác) phát sinh trong tâm của
y, mặc dù đó chỉ là ý niệm chứ chưa phải là hành vi. Do đó, trách nhiệm
cá nhân theo giáo lý nhân quả, ở đây, là trách nhiệm cao nhất đối với
thái độ tâm lý đạo đức của mỗi con người, mà không phải là trách
nhiệm theo quy ước luật pháp trong xã hội.
Trong một số trường hợp, những
người khôn ngoan có thể chạy trốn pháp luật, nhưng với luân lý đạo
đức, họ không thể chạy trốn lương tâm của chính mình. Vì thế, nếu
đứng trên phương diện giáo dục, giáo lý nhân quả thực là một phương
pháp giáo dục vô cùng lành mạnh và tích cực. Vì ngay từ đầu, tinh thần
nhân quả đã đưa con người về với chính nó. Con người phải hoàn toàn
chịu trách nhiệm về những tư duy và hành động của chính mình. Hạnh
phúc hay khổ đau là do mình tự tạo cho mình. Ở đây không hề có một sự
trừng phạt hay ban thưởng nào, cũng không có một giáo điều hay tín lý
nào có thể thiết lập trên cơ sở nhân quả của Phật giáo. Một nền
luân lý đạo đức như thế, nhân bản và tích cực như thế, trí tuệ và
đầy tình người như thế, nếu được áp dụng vào mỗi con người, gia
đình, học đường và xã hội; ắt hẳn sẽ đưa đến một cuộc sống an
lạc, hạnh phúc.
2- Nhân quả - khởi điểm của tiến
trình giải thoát: Như đã đề cập, giáo lý nhân quả đặt trọng tâm
vào vấn đề thiện-ác, chánh-tà, , tốt-xấu v.v..., tức là các vấn đề
liên quan đến đời sống đạo đức của con người. Tuy nhiên, đó cũng là
điểm khởi đầu của con người để đi vào đạo. Nhưng đối với Phật
giáo, sự giác ngộ và giải thoát không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nhân
quả-thiện ác, mà nó còn đi xa hơn nữa, đó là đi ra khỏi thế giới phân
biệt, đối đãi giữa thiện-ác (thực tại giải thoát).
Vì lẽ, Đức Phật dạy các pháp
là vô ngã. Do đó, mọi sự phân biệt thiện-ác, chánh-tà... đều là sản
phẩm của ý niệm vốn sanh khởi từ sự có mặt của ngã tưởng. Ở đây,
điều tối quan trọng là hãy nỗ lực tư duy và nhận ra rằng không hề
có mặt bất luận một ngã tưởng nào thực sự hiện hữu; tất cả là
vô ngã. Khi nhận ra điều này nghĩa là đã bước lên đường để đi vào
thế giới thực tại giải thoát - một thế giới vượt lên trên mọi ý
niệm phân biệt, mọi ngã tưởng điên đảo, thế giới của sự thanh tịnh,
xả ly và vô niệm. Tại đây, thần chết sinh tử của nhân quả không còn
nữa, vì rằng khi ngã tưởng được buông bỏ thì tham ái và chấp thủ sẽ
tiêu tan, và khi ngã tưởng, tham ái và chấp thủ bị đoạn diệt thì trụ
cột của thế giới tương quan nhân quả của nghiệp báo thiện ác đã bị
sụp đổ; đây là ý nghĩa của Niết bàn tối thượng.
V- Một
số nhận định về giáo lý nhân quả
Qua các phần được trình bày ở
trên, nhân quả có vị trí rất quan trọng trong việc giải thích sự khác
biệt nghiệp quả ở mỗi con người, và sự thiết lập nên một nền tảng
đạo đức luân lý Phật giáo rất nhân bản và tích cực. Nhân quả theo
Phật giáo không phải là định mệnh, cũng không mang tính chất tiền định
cố hữu. Bởi lẽ, sự hiện hữu của con người không đơn giản chỉ tùy
thuộc vào các nhân đã gieo trong đời sống quá khứ, mà nó còn tùy thuộc
ngay nơi các hành động (nghiệp mới) tạo tác trong hiện tại. Điều này
cũng khai phóng cho con người một lối đi năng động, tích cực để vượt
qua mọi trở ngại của nghiệp quả, thậm chí có thể chấm dứt dòng sinh
tử khổ đau ngay tại cuộc đời này. Thực ra, theo lời Đức Phật dạy,
tất cả nghiệp quả (của vô lượng kiếp quá khứ) đã tập trung vào
thân năm uẩn này rồi, vấn đề còn lại là hành vi tạo tác (xúc) giữa
thân căn và thế giới, nói cụ thể là những nghiệp mới được tạo tác
thông qua sự giao tiếp giữa 6 căn, 6 trần để ý thức (hay 6 thức) cảm
thọ vui, buồn, khổ, lạc hoặc không khổ, không lạc mà thôi. Từ đó, lối
đi của giải thoát chân thực, thực sự không phải là nghiệp quả của năm
uẩn, mà chính là hành vi tạo tác của năm uẩn. Cho đến khi nào chúng ta
ngộ được rằng năm uẩn là vô ngã, chúng không có tự tánh và không
còn tham ái và chấp thủ năm uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta;
ngay lúc đó, nhân quả - nghiệp báo sẽ không còn hiện hữu.
Trong kinh điển, thảng hoặc có
nói về nhân quả xuất thế gian, nhưng thực ra, nếu ngay tại thế gian này
mà phiền não, lậu hoặc đã được đoạn tận thì xuất thế chính là tại
thế, cũng như hoa sen đã vươn lên khỏi mặt nước và nở rộ giữa hư
không vô tận.
C/- Kết
luận
Nhân quả - nghiệp báo là pháp
duyên sinh, do đó không có lý do gì mà nó thường trụ vĩnh hằng. Vấn đề
là nỗ lực tận dụng năng lực của trí tuệ soi sáng bóng mờ của tự
ngã để đi vào chân trời thực tại như thực; đó chính là hình ảnh của
bậc A La Hán đã chấm dứt dòng sinh tử luân hồi ngay trên mảnh đất trần
thế này.
Và đối với người Phật tử, cần
phải hiểu rõ nhân quả, xây dựng niềm tin trên cơ sở của nhân quả, để
từ đó kiến tạo cho mình một đời sống thanh bình, an lạc. Kinh Pháp
Cú, Đức Phật dạy rằng: "Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo
tác, đối với ý nhiễm ô, nói năng hay hành động, khổ não bước theo
sau, như xe (đi) theo chân vật kéo, ... đối với ý thanh tịnh, an lạc bước
theo sau, như bóng không rời hình"./.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/057-nhanqua.htm